“Chúng ta tin tưởng việc khánh thành cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc - tạo ra không gian đổi mới sáng tạo mới cho đất nước ta, thể hiện rõ nét tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển, trở thành hình mẫu đổi mới sáng tạo cho đất nước” - đây là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Lễ khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC Hoà Lạc ngày 28/10/2023.
Lễ khánh thành NIC Hoà Lạc là sự kiện đánh dấu những thay đổi đáng kể trong công cuộc đổi mới sáng tạo của nước ta. Việc khởi công cơ sở mới của NIC diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có nguy cơ tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Ảnh: VGP).
Hiện nay, tỉ lệ chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam (bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP - mức rất thấp so với mức bình quân của thế giới là 2,23%.
Với thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, NIC Hoà Lạc sẽ tạo ra những điều kiện lý tưởng về hạ tầng, môi trường thể chế pháp luật và thử nghiệm chính sách. Và cũng để đón “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ, từ đó, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển và vươn tầm thế giới.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tổng kinh phí xây dựng cơ sở mới của NIC Hòa Lạc là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng không sử dụng ngân sách Nhà nước. Thay vào đó, là huy động các nguồn tài trợ, đóng góp từ doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư.
Bộ trưởng bày tỏ quyết tâm và kỳ vọng đưa NIC trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ trong khu vực, nơi thu hút và kích hoạt các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nói về mô hình đặc biệt của NIC, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, NIC Hoà Lạc có diện tích sàn gần 20.000 m2, tọa lạc trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, gồm hai khối nhà làm việc và một khối nhà trung tâm. Nơi đây sẽ tập trung cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, hội thảo, diễn đàn, tạo không gian nghiên cứu phát triển, thúc đẩy giao lưu kết nối, chuyển giao công nghệ.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Ảnh: Thế Đại).
Ông Huy cho hay, thời gian qua, NIC đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Amazon… để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. NIC cũng kết nối với các chuyên gia khoa học công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam dựa trên các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thực hiện Chiến lược 4.0.
“Mục tiêu và sứ mệnh của tòa nhà này là phát triển hệ sinh thái tầm cỡ khu vực và thế giới về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Hệ sinh thái ấy bao gồm các doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước, họ có thể lập các phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như các văn phòng dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại đây”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, hệ sinh thái ấy cũng gồm các chủ thể khác như quỹ đầu tư, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước; các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn, vườn ươm công nghệ…
NIC Hoà Lạc có thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, được kỳ vọng sẽ đón các “đại bàng” công nghệ về làm tổ (Ảnh: Hữu Thắng).
Hành trình đi tới thịnh vượng không phải là ước vọng của duy nhất Việt Nam, mà của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Rất nhiều quốc gia đã sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.
Được ví như “bà đỡ” của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy nói rằng, những hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo của NIC đã và đang triển khai đã đạt được một số thành tựu nhất định và có tác động lan tỏa tới cộng đồng đổi mới sáng tạo.
Đơn cử, Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo diễn ra hồi tháng 9/2023 đã thu hút được 758 giải pháp đăng ký từ trong và ngoài nước, là các giải pháp đưa ra những cách tiếp cận mới, thiết thực và có tính ứng dụng cao.
Còn tại Diễn đàn Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo 2022, số vốn cam kết đầu tư của 41 quỹ đầu tư trong 3 năm 2023-2035 cho khởi nghiệp sáng tạo là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.
“Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam từ 100 thành viên năm 2018, đến nay đã hình thành với 2.000 thành viên, gồm các chuyên gia, trí thức người Việt tiêu biểu trong và ngoài nước tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là những con số thể hiện cả một quá trình nỗ lực của NIC”, Giám đốc NIC nhấn mạnh.
Là một công ty start-up về an ninh mạng đang hoạt động trong không gian của NIC, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vũ Thanh Thắng - Founder Công ty An ninh mạng thông minh SCS (đơn vị phát triển SafeGate) cho biết, việc thuê địa điểm với chi phí tối ưu là bài toán khó cho công ty.
Tuy nhiên, với sự quan tâm hỗ trợ của NIC, SafeGate đã chính thức tham gia vào không gian làm việc chung của NIC từ tháng 3/2022, nhờ đó công ty đã có một văn phòng làm việc với cơ sở vật chất rất hiện đại, tiện nghi.
Ông Vũ Thanh Thắng - Fouder SafeGate
Ông Thắng nói rằng, khi tham gia vào hệ sinh thái của NIC, các doanh nghiệp được hỗ trợ toàn diện về đổi mới sáng tạo. Ngoài không gian làm việc và các hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển, công ty cũng có cơ hội tham gia vào các hoạt động, chương trình hỗ trợ, sử dụng các dịch vụ tư vấn, đào tạo đặc biệt dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Sự hỗ trợ ban đầu đó đã giúp công ty tiết kiệm được một nửa chi phí hoạt động, giúp công ty có cơ hội được “bật lên” để phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Vũ Thanh Thắng nói.
Tại Hội nghị cấp cao về công nghệ bán dẫn tháng 10/2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công nghiệp bán dẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn.
“Tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ 2 nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện theo đó xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng chia sẻ.
Đáng chú ý, sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn của “làng” công nghệ nói chung, công nghiệp bán dẫn nói riêng, của Mỹ và của toàn cầu tại chuỗi các sự kiện khánh thành NIC Hoà Lạc đã khẳng định rằng, Việt Nam đang thực sự có những cơ hội to lớn vô cùng. Cả Google, Qualcomm, Nvidia, SpaceX, Intel, Synopsys, Cadence hay SK, Foxconn, Samsung… đều một lần nữa cho biết, họ thực sự quan tâm và mong muốn đầu tư lớn tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 10/12/2023, ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới (giá trị gần 1.200 tỷ USD) cũng bày tỏ mong muốn thiết lập “cứ điểm” để thu hút nhân tài khắp thế giới, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Theo Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy, chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nếu không làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi. Và NIC quyết tâm theo đuổi sự kết nối trong lĩnh vực này.
Đây là nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao và cũng là cơ hội của NIC vì hiện nay, xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Nhiệm của của NIC rất lớn và chắc chắn rằng, khó khăn của NIC cũng không hề nhỏ trong chặng đường phía trước, vì NIC mới đi vào hoạt động được 4 năm nên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tổ chức, nhân sự để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ông Vũ Quốc Huy đánh giá, để xây dựng để thu hút, hội tụ trí tuệ, tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Chính phủ cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các start-up.
Đồng thời, nghiên cứu các chính sách nhằm xây dựng sàn huy động vốn riêng cho các start-up công nghệ, tạo nên khả năng huy động vốn cho start-up, tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ.
Theo ông Huy chia sẻ, NIC cũng đã có những kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch để phát triển các lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hydrogen xanh; tiếp tục mở rộng hệ thống các đối tác trong và ngoài nước; thúc đẩy và nâng cao chất lượng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Kiến nghị các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng pháp luật, chính sách chung về đổi mới sáng tạo trên cả nước và quy định liên quan tới NIC, tạo cơ chế đủ mạnh để thử nghiệm và triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, sớm hoàn thiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, bố trí khu đất để NIC xây dựng khu dịch vụ cho chuyên gia.
Thời gian qua, để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định rất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà đổi mới sáng tạo trên thế giới về NIC hoạt động. Cụ thể như tạo thuận lợi về chính sách visa, cơ chế ưu đãi về thuế và các ưu đãi về chương trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại NIC.
Nền tảng cho NIC phát triển là có. Và cũng như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định tại ngày khánh thành NIC Hoà Lạc rằng, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, ban hành, thực thi chính sách ưu đãi vượt trội, mô hình thí điểm, cơ chế đặc thù, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới, nơi thử nghiệm các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hay mô hình kinh doanh mới.
NGUOIDUATIN.VN |