img

Bí ẩn ngôi làng làm nhà đá ong từ đồi “xương rồng” và báu vật “có một không hai”

Mai Thu

Làng “đá ong” tại xã Bá Hiến xưa nay nổi tiếng là ngôi làng cổ độc đáo.Theo lời truyền, làng xuất hiện một quả đồi “xương rồng”, nếu lấy “xương con rồng” xây nhà thì phong thủy rất tốt, mát mẻ, gia đình hòa khí. Người dân tại nơi đây đều coi loại đá này là báu vật trời ban tặng cho cuộc sống bình thường mỗi nhà.

Lý giải về đồi “xương rồng”

Làng Thích Chung là một trong 6 ngôi làng cổ của Tổng Bá Hạ xưa (nay thuộc xã Bá Hiến, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), đến đây ai cũng phải trầm trồ chiêm ngưỡng vì kiến trúc đặc biệt của làng. Ít ai biết rằng đây là ngôi làng 5 thế kỷ làm nhà bằng đá ong từ đồi “xương rồng”. Đây là vùng đất được mệnh danh và mang thế đất của 4 loài tứ linh: long - ly - quy - phụng nên có rất nhiều điều đặc biệt và độc đáo.

Một ngày sau cơn mưa “giải nhiệt” giữa mùa hạ nắng nóng gay gắt, PV tạp chí Người Đưa Tin đã may mắn được ông Nguyễn Minh Thiết (cán bộ văn hóa xã Bá Hiến) dẫn đi tản bộ chậm rãi trong những con ngõ hẹp, đơn sơ nhưng gợi nhiều cảm xúc về một vùng quê thanh bình tại làng Thích Chung. Dù không cầu kỳ, lộng lẫy nhưng những ngôi nhà lại đẹp ở sự mộc mạc, giản dị và chứa nhiều bí ẩn xung quanh truyền thuyết từ nhiều năm qua.

Ông Thiết cho hay, bất kỳ ai đến đây cũng đều nhận thấy rõ sự khác biệt của làng Thích Chung khi vẫn còn những ngôi nhà và tường rào được xây bằng đá ong cũ kỹ và rêu phong. Để lý giải cho sự khác biệt này, cụ Trần Văn Thứ (71 tuổi) cho hay: “Từ khi tôi lớn lên những ngôi nhà đá ong đã có hàng trăm năm. Theo gia phả làng Thích Chung, khoảng 500 năm trước, những ngôi nhà đá ong đã bắt đầu được xây dựng tại mảnh đất này”.

img

Ông Thiết giới thiệu với PV về những bức tường rào làm bằng đá ong khá độc đáo.

Cụ Trần Văn Thứ kể, truyền thuyết từ rất xa xưa để lại, khoảng 500 năm trước ở làng ở làng có xuất hiện một quả đồi gọi là đồi “xương rồng”. Cũng có người nói đó là lưng con rồng nổi lên mặt đất. Nếu như gia đình nào may mắn lấy được “xương rồng” về xây nhà thì nhà sẽ mát mẻ, hòa khí và con gia đình có sự gắn kết.

Chính người dân tại Thích Chung cũng thấy lạ lùng vì sao giữa một vùng đất bằng phẳng lại hiện lên một khu đồi cao giống như lưng con rồng xuất hiện. Thế nhưng, khi người dân đào xuống để xem có điều gì bí ẩn thì mới phát hiện những khối đá ong vàng óng ánh. Từ đó trở đi, người dân đã nghĩ đến việc cùng đá ong để xây nhà. Quả nhiên, ngôi nhà xây bằng đá ong đều rất khác biệt, không chỉ vững chãi mà còn mát mẻ, mùa đông cũng như mùa hè, không khí trong nhà thoáng đãng, tính khí con người cũng dường như thay đổi theo.

“Ở quanh vùng này chỉ làng Thích Chung mới có những ngôi nhà làm bằng đá ong. Những viên đá ong được gắn kết với nhau bằng một chất kết dính làm từ đất trộn với cát. Mà không phải người dân nào cũng có thể làm cho nó kiên cố và vững chắc được mà phải nhờ vào bàn tay của các nghệ nhân.

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau đây là một phát minh vĩ đại bởi vật liệu xây dựng này không những bền, chắc mà còn không tốn chi phí. Chỉ tiếc rằng, nghệ nhân cuối cùng của làng Thích Chung đã không còn nữa. Có lẽ, những ngôi nhà bằng đá ong sẽ khó lưu giữ và nguyên bản như xưa”, cụ Thứ giọng đây tiếc nuối.

Nét cổ cố gắng giữ gìn

Những bí ẩn về đồi “xương rồng” và vì sao ngôi nhà được xây bằng đá ong lại mát mẻ, giữ gìn hòa khí trong gia đình đến nay vẫn chưa có lời giải. Nhưng, người dân tại làng Thích Chung luôn tin rằng, đây là báu vật cũng như sự khác lạ mà tạo hóa đã ban tặng cho họ.

Anh Trần Văn Môn, chủ nhân ngôi nhà cổ làm hoàn toàn bằng đá ong, có tuổi đời hơn 100 năm cho biết: “Trước khi qua đời, bố mẹ tôi có dặn phải giữ gìn ngôi nhà cổ này vì đây là công sức cũng như vẻ đẹp bao lâu nay mới có được. Dù nhà rất thấp nhưng dường như ngôi nhà tự điều hòa thời tiết. Mùa hè thì rất mát mẻ, còn mùa đông lại ấm áp. Theo như tôi tìm hiểu, những viên đá ong này không có tính truyền nhiệt. Tôi đã thử lấy viên đá ong đốt lửa nhưng nó không hề nóng. Có lẽ đây là điều đặc biệt”.

Nói đến đây, anh Môn bỗng dưng trầm ngâm hơn hẳn, anh bảo, nhiều gia đình hiện nay không còn giữ được ngôi nhà cổ nữa. Một phần nguồn đá ong ở đồi “xương rồng” đã cạn kiện, để lấy được đá ong đủ làm nhà phải thuê thợ đào khá sâu xuống lòng đất. Phần nữa, không ít người dân thích kiểu nhà hiện đại, cao ráo nên không mấy ai xây nhà bằng đá ong nữa.

img

Ngôi nhà cổ bằng đá ong của gia đình anh Môn.

“Vì nó là nhà cổ khá độc đáo nên với tôi giống như báu vật vậy. Từ tường rào, đến bếp nấu ăn, cho đến nhà ở của gia đình tôi cũng đều xây bằng loại đá ong đặc biệt này. Bước tường rào dày đến 20 phân được làm từ đá ong nguyên khối, phơi mưa, phơi nắng hàng trăm năm qua cũng không hề có dấu hiệu xiêu vẹo, đổ vỡ. Hơn nữa, ngôi nhà cổ như gắn liền với đời sống tinh thần của gia đình tôi, rất khó thay đổi”, anh Trần Văn Môn chia sẻ.

Rời khỏi ngôi nhà cổ của gia đình anh Môn, ông Thiết tiếp tục giới thiệu với chúng tôi thêm một báu vật của ngôi làng Tổng Bá Hạ xưa, đó là những chiếc giếng cổ không bao giờ cạn nước dù đông hay hè. Những chiếc giếng cổ trải qua nhiều thời gian tồn tại nhưng giếng nào cũng trong vắt, ngọt và mát rượi. Giếng cổ được xây theo hình vuông, có khắc dòng chữ hán rất tinh xảo.

img

Giếng cổ tại làng Thích Chung có từ nhiều năm nay, không bao giờ cạn nước, là báu vật của làng.

“Chúng tôi cũng chỉ được nghe các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, các giếng đá này đều được khơi cùng một thời gian vào thời Hồng Đức (tương ứng với thời vua Lê Thánh Tông), đến nay giếng đã có tuổi đời trên dưới 600 năm. Giếng không hề sâu nhưng lúc nào cũng đầy nước, người dân dù lấy làm việc gì cũng không bao giờ cạn.

Bởi, dưới lớp cát đáy giếng là 2 tấm ván gỗ lim, mỗi tấm dày khoảng 10cm. Những tấm gỗ lim dưới đáy giếng có tác dụng khử độc, loại bỏ côn trùng có hại. Điều đặc biệt ở chỗ, những chiếc giếng cổ đều được xây dựng trúng mạch nước ngầm của đồi “xương rồng” và nước lọc qua một lớp đá ong dày hàng trăm mét nên mới trong, ngọt và mát như vậy”, ông Thiết chia sẻ.

Giếng cổ, nhà xây bằng đá ong là báu vật hiếm có của người dân làng Thích Chung, những nét đẹp văn hóa này vẫn đang “trơ gan” cùng thời gian và lời giải thích về những câu chuyện ly kỳ từ thời xa xưa.

Ông Nguyễn Minh Thiết (cán bộ văn hóa xã Bá Hiến) cho hay: “Những ngôi nhà xây bằng đá ong hay giếng cổ tại làng Thích Chung không chỉ mang giá trị lịch sử mà nó còn mang giá trị văn hóa dân gian sâu sắc. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn những nét đẹp truyền thống để truyền lại cho con cháu, các thế hệ tương lai. Bởi, không có gì quý và ý nghĩa hơn khi hiểu về cội nguồn và nét cổ - nơi mình đã sinh ra, lớn lên”.

M.T

img