Theo quan điểm của Ủy ban di sản thế giới thì: “Cảnh quan văn hóa là các di sản văn hóa và đại diện là các sản phẩm hỗn hợp giữa con người với thiên nhiên. Chúng phản ánh sự sự tiến hóa của xã hội loài người và quá trình cư trú qua thời gian dưới tác động giới hạn của những vật chất hoặc các cơ hội do môi trường thiên nhiên của chúng mang lại, và cả tác động của xã hội văn hóa kế tiếp nhau từ bên trong và bên ngoài”. Từ định nghĩa này đối chiếu với các biệt thự Pháp dù là phế tích ở Vườn quốc gia Ba Vì rõ ràng nó là di sản văn hóa.
Nhưng di sản văn hóa này có giá trị không? Tại buổi tọa đàm “Phát huy giá trị các phế tích tại Vườn quốc gia Ba Vì” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Melia Ba Vì tổ chức mới đây cho thấy, hầu hết các tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nhà quản lý… đều thống nhất các phế tích biệt thự này có giá trị vật chất và tinh thần.
Rất nhiều bức ảnh các ngôi biệt thự, con người hòa với thiên nhiên, các bản qui hoạch, bản vẽ phối cảnh…trưng bầy trong cuộc tọa đàm càng khẳng định những nhận định của các nhà khoa học là nghiêm túc, đúng đắn. Di sản bao giờ cũng có một quá khứ, và có quá khứ mới có lịch sử, có lịch sử sẽ có bài học lịch sử, có bài học lịch sử thì con cháu sau này sẽ tránh được những sai lầm trong hiện tại và tương lai.
Vậy giá trị vật chất của phế tích biệt thự trên núi Ba Vì là thế nào? Có phải bằng phép tính nhân diện tích móng với giá vật liệu ngày hôm nay cộng thêm tiền nhân công, công vận chuyển từ chân núi lên? Đúng là như vậy nhưng chưa đủ, còn phải đặt nó trong một quả núi thiêng, trong khung cảnh thiên nhiên quá đẹp và cả giá trị gia tăng nếu cái móng ấy xây thành nhà.
Còn giá trị tinh thần cụ thể là gì? Để có những biệt thự trên cao độ 600, người Pháp đã huy động rất nhiều tù nhân tham gia làm đường. Họ đã từng sử dụng ô tô để vận chuyển vật liệu lên núi song thất bại vì không chiếc lốp nào có thể chịu đựng được đường dốc lại đầy đá sắc cạnh, cua liên tục. Cuối cùng thì họ đã sử dụng sức tù nhân cõng ngói, xi măng, gạch từ chân núi lên. Để có cát xây, họ đã nghĩ ra cối nghiền đá sỏi thành cát.
Và những tù nhân gầy gò, cơm không đủ no quanh năm phải quay cối rất to và nặng. Để xây móng nhà hay các bức tường bằng đá, họ đã về vùng Quốc Oai (xưa thuộc Sơn Tây) lùng sục bắt hàng trăm thợ, những người có kinh nghiệm bắt những viên đá lớn nhỏ, vuông tròn, méo mó, ép chúng thành bức tường phẳng phiu, đưa họ lên núi. Mùa đông trên núi cao lạnh buốt nhưng cánh thợ bị cấm đốt lửa sưởi vì quan Tây sợ cháy rừng. Mùa mưa thì vắt đi tìm máu người, có thợ lúc về lán nghỉ, cởi quần thấy hai đùi đầy vắt no căng máu…
Chứng kiến tận mắt những gì Melia Ba Vì đã làm, ông Đỗ Khắc Thành cho rằng, việc giao rừng cho doanh nghiệp quản lý đã thấy rõ nhà nước được lợi. Đội ngũ bảo vệ của doanh nghiệp tuần tra bảo vệ rừng rất tốt, khu vực 600m không có tình trạng phá rừng, chặt cây.
Khi trách nhiệm quản lý thuộc về doanh nghiệp, hàng năm nhà nước tiết kiệm một khoản ngân sách do giảm biên chế nhân viên kiểm lâm. Nhà nước cũng không phải bỏ tiền tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy, mua sắm trang thiết bị. Và khách đến nghỉ, tham quan họ chính là những kiểm lâm viên không phù hiệu.
Lâu người ta chủ quan nghĩ rằng doanh nghiệp xây dựng khu nghỉ dưỡng trong rừng quốc gia sẽ chặt cây, phá rừng là quan niệm sai lầm. Cây xanh chính là lợi thế thu hút khách, sao họ lại có thể phá? Từng có cơ hội thăm khu nghỉ nghỉ dưỡng trong các vườn quốc gia ở một số nước, ông Thành trăn trở qui mô Melia Ba Vì còn nhỏ bé, chưa trở thành nơi nghỉ cho các chính khách, địa điểm để các nhà lãnh đạo có thể hội đàm với các chính trị gia nước ngoài như khu Genting của Malaysia.
Ngôi nhà trên cây (hiện nay không còn)
Một điểm vui chơi trong khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì
Từ nhiều năm nay, để phát triển ngành công nghiệp không khói, chính phủ cũng đã cho phép doanh nghiệp kết hợp với các vườn quốc gia xây dựng các khu nghỉ dưỡng với những qui định cụ thể. Việt Nam cũng đã có Luật bảo vệ và Phát triển rừng, những gì luật không cấm sao phải e dè?
Thực tế cho thấy ở nhiều bộ ngành, việc ra quyết định hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp rất chậm, không phải vì họ cẩn thận mà họ sợ…dư luận, dù họ biết rõ không phải dư luận luôn đúng. Chỉ vì sự an toàn chính trị bản thân mà không dám quyết định cái sẽ có lợi cho phát triển kinh tế đất nước thì cán bộ đó có hoàn thành nhiệm vụ không?
Một cán bộ không mắc sai lầm trong quá trình công tác chưa chắc đã là cán bộ hay. Một cán bộ có thể mắc sai lầm nhưng không đến mức hình sự chưa hẳn đã là cán bộ tồi. Một cán bộ, đảng viên tốt là phải biết vì dân, vì nước. Kinh tế không đi lên, đất nước sao phát triển thì lấy đâu tiền để mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự bảo vệ biên giới hải đảo?
Ngày nay chúng ta thừa hưởng các di sản văn hóa cũng là do tiền nhân để lại. Trong nhiều năm qua, nhờ khai thác các di sản nguồn thu cho ngân sách tăng đáng kể. Vậy không có lý gì chúng ta lại để lãng phí để những di sản-tài sản tiếp tục ngủ yên. Không xây dựng, con cháu chúng ta sẽ chẳng có gì thừa hưởng. Lịch sử sẽ không bao giờ vô tình.
N.N.T
Mời quý độc giả đón đọc 5 bài của loạt bài:
Bí ẩn về thị trấn trên núi Ba Vì bị lãng quên và lời đề nghị nhã nhặn
Bài 1: Ba Vì, nơi núi thiêng, khí vượng
Bài 2:Từ biệt thự đầu tiên đến thị trấn sang trọng
Bài 3: Ký ức về những biệt thự trong rừng
Bài 4: Hồi sinh một phần thị trấn xưa
Bài cuối: Đừng tiếp tục lãng phí di sản-tài sản