img

img

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa bà, đất nước đang trải qua những ngày tháng thật đặc biệt, thật khó khăn và trăm bề lo toan trong đại dịch Covid-19. Trong lúc chúng ta ngồi trò chuyện với nhau về những trăn trở lâu nay rằng làm thế nào để địa phương giúp đỡ doanh nghiệp phát triển, thì ngoài kia không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng, thậm chí xấu hơn có không ít doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản… Xin bà chia sẻ cảm xúc của mình trước những thách thức mà đất nước đang phải đối diện?

img

Bà Nguyễn Thanh Hải: Đất nước ta đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội; những khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là không thể tránh khỏi.

Ví dụ, đối với doanh nghiệp trong ngành du lịch, ăn uống hay là một số những ngành đặc thù khác thì sự ảnh hưởng rất là lớn, việc giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp đóng cửa thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

Đứng trên cương vị là một lãnh đạo tỉnh, tôi hết sức chia sẻ và đồng cảm với các doanh nghiệp, với sự khó khăn trong sự diễn biến phức tạp của dịch Covid. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta càng phải đoàn kết hơn để cùng nhau sớm vượt qua dịch bệnh.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Trung ương Đảng, Chính phủ đang từng ngày, từng giờ quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch nhằm sớm khống chế, ngăn chặn được dịch bệnh, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung đông người lao động, học sinh, sinh viên, nhằm bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn này, chúng ta cũng thấy rõ hơn ý chí vượt khó của doanh nghiệp, tinh thần đoàn kết, kỷ luật của cán bộ, công nhân. Các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các biện pháp sản xuất phù hợp với tình hình thực tế để duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

img

NĐT: Bà vừa nhắc đến vai trò của chính quyền địa phương. Chắc hẳn, từ khi dịch còn là nguy cơ, Thái Nguyên đã phải có những biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương trong cả nước, để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch hiệu quả, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên và sát sao chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tại các khu công nghiệp.

Thái Nguyên chúng tôi luôn luôn cam kết và đồng hành chia sẻ, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và các doanh nhân chịu ảnh hưởng, chịu thiệt thòi trong đại dịch Covid.
img img

Chúng tôi đã có nhiều chính sách, ví dụ như hỗ trợ tiêm vắc-xin cho các công nhân làm tại các khu công nghiệp và trong các doanh nghiệp. Có thể nói đơn giản là chúng tôi đưa ra chủ trương “phủ xanh” đối với công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy.

Tỉnh dự kiến đến ngày 15/10, 100% các công nhân trong khu công nghiệp sẽ được tiêm toàn bộ vắc-xin.

Lượng vắc-xin được phân phối cho chúng tôi là hạn chế, nhưng tỉnh đã dùng phần lớn vắc-xin để tiêm cho công nhân khu công nghiệp. Tôi đã đến thăm một số khu công nghiệp trong lúc công nhân đang được tiêm vắc-xin. Có rất nhiều công nhân ở các tỉnh khác đang lao động trên địa bàn tỉnh, họ đều bày tỏ sự tri ân đối với người dân Thái Nguyên đã “nhường cơm sẻ áo” và để cho họ làm việc, lao động ở đây. Đặc biệt trong lúc khó khăn như này được tiêm trước, mặc dù phần thuốc được phân về lẽ ra là dành cho người dân Thái Nguyên.

img

Ngoài ra, chúng tôi có các hỗ trợ khác như giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, hay như các vấn đề liên quan đến thuế. Chúng tôi có nền tảng chuyển đổi số rất tốt, điều đó đã giúp cho các doanh nghiệp sử dụng làm các thủ tục hành chính một cách đơn giản, gọn nhẹ trong suốt thời gian Covid vừa qua. 100% dịch vụ hành chính công cấp độ 4 được đưa lên cổng. Tới đây những doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hành chính trực tuyến thì sẽ có hỗ trợ về phí lên tới 50% so với mức phải đóng nếu thực hiện cách làm trực tiếp.

Tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc đi lại, hỗ trợ một số chính sách đặc thù của địa phương.

img

NĐT: Thái Nguyên đã lọt top 20 tỉnh có thu ngân sách lớn nhất nước, giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trên toàn quốc, bình quân thu nhập đầu người đạt đến 88triệu đồng/người/năm. Để có được điều đó, doanh nghiệp tư nhân chắc chắn đóng một vai trò quan trọng?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động đổi mới công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tính đến nay toàn tỉnh có trên 7.800 doanh nghiệp, trên 580 hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số vốn đăng ký trên 110.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có tổng số 820 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với số vốn đăng ký trên 139.000 tỷ đồng; 169 dự án FDI với tổng số vốn trên 8,7 tỷ USD. Trên địa bàn tỉnh có 6 Hiệp hội, Hội doanh nghiệp cấp tỉnh và 9 Hội doanh nghiệp của các huyện, thành phố, thị xã đang hoạt động hiệu quả.

img img

img

NĐT: Như bà vừa chia sẻ, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tốt trong việc thu hút đầu tư. Thời gian tới tỉnh có định hướng mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh như thế nào?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Phát triển công nghiệp luôn luôn là định hướng lớn của tỉnh, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đưa ra đường lối là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đặc biệt là khu vực phía nam, là nơi gần với Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội.

Trước hết, tỉnh sẽ cải cách tất cả các thủ tục hành chính, chúng tôi đề cao đạo đức công vụ, sẽ luôn luôn kiểm tra giám sát cán bộ. Nếu có phản ánh của doanh nghiệp về tiêu cực, tham nhũng vặt, đòi hỏi sách nhiễu thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Thực tế, chúng tôi cũng đã xử lý một số trường hợp từ những phản ánh của doanh nghiệp.

img

Thứ 2, chúng tôi tạo cơ chế thông thoáng nhất có thể nhưng phải đúng với quy định của pháp luật để thu hút được các nhà đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. Các tỉnh khác có những chính sách thu hút, ưu đãi gì thì Thái Nguyên xin hứa là sẽ có hơn như thế - hơn thế ở sự quan tâm chỉ đạo, sự công tâm nhiệt tình.

Chúng tôi cũng cam kết với các nhà đầu tư là đối với những phần phí, thuế mà các tỉnh khác giảm như thế nào chúng tôi cũng sẽ giảm như thế và chúng tôi sẽ giảm hơn. Chúng tôi cũng cho rằng như này: Tất cả những tỉnh khác làm được, cũng phải dựa trên nền tảng các quy định pháp luật, Thái Nguyên cũng phải làm như vậy và phải nhanh chóng hơn, đấy cũng là điểm mà chúng tôi nghĩ rằng tạo ra một môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của Thái Nguyên đã được phát triển theo hướng đồng bộ, góp phần thu hút đầu tư. Cùng với phát triển giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng.

img

NĐT: Bên cạnh việc cấp phép thành lập mới các doanh nghiệp, theo tôi được biết Thái Nguyên cũng đã chấm dứt hoạt động của nhiều dự án đầu tư. Tại sao vậy?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Thực tiễn cho thấy, quá trình triển khai thực hiện một số dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập như: Một số dự án triển khai chậm tiến độ; năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư hạn chế dẫn đến dự án không thực hiện đúng cam kết đầu tư; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc; Việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn thiếu chặt chẽ…

Qua kiểm tra, rà soát, đến nay UBND tỉnh đã có các Quyết định chấm dứt hoạt động đối với trên 20 dự án.

Hiện nay, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị vẫn đang tiếp tục kiểm tra, rà soát và có các giải pháp xử lý hoặc tháo gỡ khó khăn đối với các dự án còn lại.

img img

Đối với những dự án vi phạm, chúng tôi cương quyết thu hồi và từ đó cũng tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả. Bằng chứng là hiện nay cũng có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến những dự án mà đã được giao nhưng chậm tiến độ hoặc chưa được thực hiện.

NĐT: Trong thời gian qua tỉnh có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc kiểm soát người ra vào tỉnh, có ý kiến cho rằng những biện pháp đó hơi thái quá… bà có nghĩ vậy không?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với một số tỉnh, thành phố còn diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp tập trung, nhiều trường đại học với lưu lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên, chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh đến làm việc và học tập, vì vậy Thái Nguyên vẫn là tỉnh có mức nguy cơ cao đối với dịch Covid-19.

img

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương trong cả nước, đặc biệt là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội, giáp ranh với Thái Nguyên, nếu không kiểm soát tốt thì nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn. Để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch hiệu quả, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên và sát sao chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch trong các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm đảm bảo tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi hoạt động sản xuất.

Trong phòng, chống dịch đôi khi cần phải dứt khoát và làm những việc chưa có tiền lệ, sẽ có nhiều người cảm thấy phiền toái, nhưng hơn ai hết để bảo đảm công tác phòng chống dịch trên địa bàn, tôi mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ, bởi mục đích cuối cùng của những chỉ đạo đó là để an toàn cho nhân dân và an toàn cho các khu công nghiệp, để bảo vệ sản xuất.

img

Mặc dù vậy, căn cứ chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và trước tình hình, diễn biến thực tế của dịch bệnh Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng sẽ có những chỉ đạo kịp thời liên quan đến việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong điều kiện cho phép.

img

NĐT: Dịch bệnh chắc chắn sẽ qua đi, nhưng qua dịch Covid-19 mới thấy mọi thứ thật mong manh, nó khiến cấu trúc nền kinh tế thay đổi nhanh chóng. Chúng ta giật mình nhìn lại, hóa ra nếu không thay đổi và thích ứng, thậm chí là có tầm nhìn, mạnh dạn đi trước thì sẽ bị thụt lùi, lạc hậu…. bà có nghĩ vậy không?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Đúng như vậy, nhìn lại gần 2 năm chống dịch Covid-19, nền kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch hiệu quả, chúng ta cần phải có tầm nhìn và mạnh dạn đi trước để không bị động và sẽ không bị thụt lùi, lạc hậu.

img

Trong những ngày giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học tập, làm việc, giao dịch, mua sắm, khám chữa bệnh… trực tuyến đã trở nên phổ biến. Qua đó đòi hỏi ý thức, kiến thức, nền tảng ứng dụng công nghệ, thích ứng với công nghệ cho mỗi chúng ta và các cơ quan, tổ chức. Tăng cường phát huy vai trò của chuyển đổi số trong thương mại, hỗ trợ lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ nhất là lưu chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức để bảo đảm cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn kéo dài.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số thực sự trở thành một phương thức mới giúp thu hẹp không chỉ khoảng cách phát triển giữa các quốc gia mà còn hỗ trợ thu hẹp bất bình đẳng xã hội, giúp người dân ở các khu vực kém phát triển, vùng sâu, vùng xa tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ được cung cấp trên nền tảng số.

Rõ ràng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề do dịch bệnh gây ra và ngược lại, dịch Covid-19 chính là cú hích thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của chúng ta tiến bước nhanh hơn. Điều quan trọng là chúng ta cần phải có tầm nhìn và mạnh dạn đi trước để không bị động và sẽ không bị thụt lùi, lạc hậu.

img img

NĐT: Chúng ta đang trò chuyện vào tháng 10, tháng của Doanh nhân, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 bà có gửi gắm gì đến các doanh nhân - những người đang đồng hành cùng sự phát triển của Thái Nguyên?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Người xưa đã nói “phi thương bất phú”. Nếu không kinh doanh thì không thể trở nên giàu có được, vì vậy Thái Nguyên, luôn luôn đề cao vai trò của các doanh nhân.

Trong những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng; từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh còn là lực lượng đi đầu, có những đóng góp lớn cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển cộng đồng, an sinh xã hội; phòng, chống dịch bệnh.

img img

Trước tác động của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã gặp phải những khó khăn nhiều mặt. Tuy nhiên, với ý chí và nỗ lực, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định; đồng thời, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, vận động, hỗ trợ địa phương chăm lo cho người lao động cùng vượt qua khó khăn.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt; đồng thời, trân trọng ghi nhận và cảm ơn những đóng góp quý báu mà cộng đồng doanh nghiệp đã dành cho tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, các Sở, ban, ngành, địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng.

Một lần nữa tôi mong rằng, đội ngũ doanh nhân sẽ đồng hành cùng với lãnh đạo và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng một Thái Nguyên bình yên, sung túc, hạnh phúc và phát triển trong thời gian tới.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn bà!

NGUOIDUATIN.VN |