13 năm trước, Elon Musk và một nhóm kỹ sư đã thành lập một công ty ô tô ở Thung lũng Silicon với mục tiêu đơn giản: “Chứng minh ô tô điện ưu việt hơn ô tô chạy xăng”.
Kể từ đó, Tesla trở thành công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp ô tô sử dụng năng lượng mới. Mặc dù không phải là công ty đầu tiên sản xuất xe điện nhưng họ là công ty đầu tiên đi theo mô hình xây dựng nền tảng người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền cho một công nghệ mới.
Tesla cũng không phải là công ty đầu tiên thiết kế xe không người lái, nhưng họ là công ty đầu tiên tập trung vào sử dụng Big Data làm lợi thế, theo Techiexpert.
Tesla đã thực hiện chính sách lưu trữ tất cả dữ liệu thu thập từ khách hàng trên đám mây, sau đó phân tích bằng các thuật toán và phần mềm. Tất cả dữ liệu thu thập này đã giúp công ty trở thành bộ mặt đáng gờm trong ngành xe điện.
Vào tháng 10/2014, Tesla cung cấp cho khách hàng mua mẫu sedan mới một “gói công nghệ” tùy chọn với giá thêm 4.250 USD. Gói này bao gồm camera và cảm biến cảnh báo va chạm trên xe. Những cảm biến đó luân phiên thu thập dữ liệu từ khách hàng gửi về cho công ty.
Sau một năm thu thập dữ liệu, vào tháng 10/2015, chủ sở hữu của 60.000 xe này được nhận bản cập nhật với tính năng tự lái. Không cần mang xe đến đại lý, không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào của con người, thậm chí chính người dùng không biết rằng xe của họ vừa sở hữu thêm tính năng mới vốn chỉ quen thấy ở trong phim.
Khi gặp lỗi quá nhiệt vào năm 2014, Tesla cũng gửi một bản cập nhật khác tới 30.000 chủ sở hữu để sửa lỗi.
Sử dụng dữ liệu của khách hàng để giải quyết lỗi là điều biến Tesla trở thành một công ty độc đáo, như công ty từng nhấn mạnh họ không chỉ là một công ty phần cứng mà còn là công ty phần mềm.
Với trung tâm dữ liệu xe của riêng mình, Tesla có thể theo dõi và xem chính xác thời điểm mọi ô tô triển khai phần mềm mới, vì vậy họ có thể chắc chắn rằng sự cố đã được khắc phục, không cần thiết phải có các đợt triệu hồi xe để sửa lỗi mất thời gian và công sức. Với Tesla, triệu hồi xe đã trở thành dĩ vãng.
Tesla cũng sử dụng Big Data để cải thiện sự hài lòng của khách hàng. Với thông tin sát với thời gian thực, văn phòng công ty có thể dự đoán và khắc phục các sự cố trước khi chúng xảy ra. Không dừng lại ở đó, công ty cũng thu thập dữ liệu từ các diễn đàn trực tuyến, nơi lưu trữ các phàn nàn về xe, từ đó tận dụng dữ liệu để cải tiến mẫu xe tiếp theo.
Đây được coi là sự khác biệt đáng chú ý bởi nhiều công ty thậm chí còn không có mối quan hệ gắn bó với khách hàng. Hầu hết các công ty hoặc không biết cách sử dụng dữ liệu sẵn có hoặc làm mọi cách để phớt lờ những lời phàn nàn của khách hàng. Trong khi Tesla có mối quan hệ thấu hiểu hơn với khách hàng từ dữ liệu họ thu thập được.
Biểu tượng cho ứng dụng Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) của Tesla là hệ thống tự lái còn được gọi là Autopilot. Theo đó, hệ thống của Tesla có thể điều khiển xe với các thao tác lái, tăng tốc và phanh một cách hoàn toàn tự động theo đúng nghĩa.
Kể từ năm 2016, tất cả các xe Tesla mới đều đảm bảo tiêu chuẩn về phần cứng cần thiết để kích hoạt tính năng Autopilot, bao gồm 8 camera 360 độ, 12 cảm biến siêu âm, radar phía trước (mới đây đã thông báo loại bỏ), công cụ xử lý tầm nhìn, máy tính tích hợp, v.v.
Dựa vào dữ liệu, tính năng tự lái của Tesla ngày càng được hoàn thiện theo thời gian, nhưng sau những sự cố tự lái gây chết người gần đây, công ty đã bỏ tính năng tự lái hoàn toàn, thay vào đó sẽ vẫn có sự giám sát cần thiết của tài xế để đảm bảo tính an toàn.
Tesla tuyên bố đã thu thập dữ liệu từ hơn 100 triệu dặm thông qua phần mềm lái tự động. Tất cả dữ liệu này đã được tổng hợp trên đám mây để tạo bản đồ đường đi cho ô tô không người lái chính xác hơn 100 lần so với hệ thống định vị tiêu chuẩn.
Những bản đồ này ghi lại nơi xe ô tô giảm tốc độ khi tham gia giao thông hoặc đi vòng qua chướng ngại vật mà camera trên một chiếc ô tô không người lái khác có thể không nhận biết được.
Với những bản đồ dữ liệu lớn này, Tesla tuyên bố xe của mình hiểu đường đến mức có thể "nhấn phanh chính xác ngay cả khi một UFO hạ cánh trên đường cao tốc trong điều kiện tầm nhìn hạn chế”.
Tesla đang có ý định bán dữ liệu trong các bản đồ này cho các công ty xe hơi khác, hoặc có thể được tải lên đám mây để chính phủ có thể sử dụng dữ liệu giúp đường sá an toàn hơn cho tất cả tài xế.
Cảm biến trên xe và bản cập nhật phần mềm giúp tạo ra một chiếc xe an toàn hơn nhưng chúng cũng có thể tạo cơ hội cho tin tặc. Để chứng minh lỗ hổng về bảo mật của Tesla, phòng thí nghiệm bảo mật Keen đã vượt qua hệ thống an ninh của một chiếc Tesla và có thể chiếm đoạt hệ thống phanh, gương chiếu hậu bên, cần gạt nước kính chắn gió và cốp xe. Họ cũng có thể mở cửa sổ trời, điều khiển đèn xe và mở khóa cửa khi xe đang dừng.
Đây không phải lần đầu tiên một chiếc xe có thể bị hacker điều khiển từ xa. BMW, Jeep, Escalades, Fords, thậm chí cả Toyota Prius đều dễ bị hack. Hầu như bất kỳ chiếc xe nào có kết nối internet đều có thể bị tấn công theo cách này hay cách khác. Điểm khác biệt là, những chiếc xe khác phải được đưa đến đại lý sau khi bị hack, trong khi Tesla có thể tự động cập nhật các bản vá phần mềm cho tất cả các xe của họ trước cả khi có nguy cơ bị hack.
Trên thực tế, chỉ 10 ngày sau thử nghiệm trên, Tesla đã khắc phục sự cố cho tất cả những mẫu trong danh sách rủi ro. Bản cập nhật cũng đã thêm một khóa mật mã để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. Vì vậy, bất kỳ tin tặc nào muốn xâm nhập vào Tesla trong tương lai đều phải lấy được một trong những khóa mật mã này, thứ mà chỉ Tesla sở hữu.
Tesla gần đây đã hợp tác với NVIDIA và đang sử dụng công nghệ học sâu (Deep Learning) để cải thiện khả năng học hỏi từ dữ liệu sẵn có và xử lý các tập dữ liệu mới.
Học sâu sẽ giúp các phương tiện Tesla nhìn thấy trong điều kiện tầm nhìn kém và phản ứng trong trường hợp “một đứa trẻ bất thình lình lình xuất hiện trước đầu xe” mà không cần chiếc xe phải trải qua tình huống tương tự trước đó.
Đi theo con đường trở thành một công ty sản xuất xe điện dựa trên dữ liệu đang giúp Tesla chứng minh rằng sản phẩm của họ có thể ưu việt hơn những mẫu ô tô truyền thống chạy xăng.
Thu thập dữ liệu về thói quen lái xe hứa hẹn sẽ mang đến nhiều ích lợi hơn nữa trong những năm tới, không chỉ bó buộc trong lĩnh vực sản xuất xe điện. Khi ngày càng có nhiều xe ô tô được trang bị máy tính, được kết nối trên các cung đường, người dùng và nhà sản xuất sẽ học được rất nhiều điều về cách vận hành xe, bởi những thông tin chi tiết như vậy chưa bao giờ thực sự được thu thập trên quy mô lớn trước đây.
Là thị trường tiêu thụ ô tô năng lượng mới lớn nhất thế giới, Trung Quốc là “chiến trường” quan trọng mà các hãng cần thâu tóm bằng mọi giá. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty lớn như Huawei, Baidu, Xiaomi, đã đầu tư 19 tỷ USD vào lĩnh vực xe điện trong nước, theo Bloomberg.
Huawei gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào xe điện và công nghệ tự lái của riêng mình, công nghệ mà hãng tuyên bố đã “vượt mặt” Tesla ở một số khía cạnh.
Thay vì tự sản xuất, Huawei sẽ hợp tác với ba nhà sản xuất ô tô Trung Quốc - BAIC Motor, Chongqing Changan Automobile, và Guangzhou Automobile Group. Trong khi các công ty này lo sản xuất chính, Huawei sẽ hỗ trợ về Big Data, buồng lái thông minh, phần cứng và chip.
Apple cũng được cho là đang xem xét một lộ trình tương tự, với cái bắt tay tiềm năng với Hyundai Motor. Trong khi nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi vừa công bố kế hoạch đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho xe điện trong tương lai, coi đây là một trong ba trụ cột chính của công ty.
Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Zhejiang Geely đang kỳ vọng vào mẫu xe điện Zeekr mới sẽ trở thành cú nổ tại thị trường trong nước. Công ty này đã xây dựng các thỏa thuận hợp tác với các hãng công nghệ lớn như Baidu, Foxconn và Tencent.
Theo dự báo của bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, các dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số cho ngành công nghiệp xe điện của nước này có thể đạt 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 154,3 tỷ USD) mỗi năm.
Baidu đã ra mắt nền tảng Apollo, một trong những liên minh lái xe tự hành mở lớn nhất thế giới, vào năm 2017 và kể từ đó đã thu hút được hơn 50 đối tác, bao gồm cả Ford và Mercedes-Benz.
Theo SCMP, mối quan hệ đối tác giữa những “người chơi cũ” đã thành danh và những người mới tham gia sẽ xoay quanh mô hình các công ty công nghệ xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, bản đồ kỹ thuật số, thiết bị cảm biến. Trong khi các nhà sản xuất ô tô đáp ứng về khả năng sản xuất và năng lực chuỗi cung ứng, sẽ tập trung vào lắp ráp.
Trên thực tế, hai trong số bốn gã khổng lồ công nghệ thế giới là Amazon và Alphabet (Google), đã đặt chân vào thị trường sáng giá này, hoặc ít nhất là có kết nối thông qua các khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp về xe điện và công nghệ tự lái.
Cú bắt tay giữa các công ty công nghệ và nhà sản xuất xe được cho là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Trong đó các Big Tech sẽ không thể bỏ qua xu hướng tiềm năng của xe điện, trong khi các nhà sản xuất xe ô tô sẽ cần có nguồn vốn và công nghệ để hiện thực hóa giấc mơ.
Tờ Caixin Global nhận định, Tesla và những công ty tiên phong khác đã chứng minh một mô hình kinh doanh thành công đối với thế hệ ô tô mới, sử dụng pin và có tính năng lái tự động.
Các công nghệ mới cũng đang thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành sản xuất ô tô bằng cách giới thiệu các công nghệ và linh kiện tiêu chuẩn. Theo các chuyên gia, khi chuỗi cung ứng ô tô ngày càng được tiêu chuẩn hóa và củng cố, việc sản xuất một chiếc xe điện sẽ giống như sản xuất một chiếc điện thoại thông minh.