Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tỉnh Bình Thuận đang triển khai chiến lược, mục tiêu nào để xây dựng chính quyền số?

Ông Nguyễn Minh: Tỉnh Bình Thuận xác định mục tiêu xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động chính quyền các cấp bảo đảm thông suốt; tạo lập dữ liệu mở, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động thông minh cho người dân và doanh nghiệp với tiêu chí nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí…

Phát triển hạ tầng số của tỉnh và trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm yêu cầu kết nối liên thông và an toàn, an ninh mạng; xây dựng cơ sở dữ liệu trọng tâm trong từng ngành, lĩnh vực; hình thành kho dữ liệu tập trung của tỉnh trên cơ sở sử dụng, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ưu tiên triển khai trước các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, y tế.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, cổng dịch vụ công và bộ phận một cửa, đảm bảo thông tin kết nối, tích hợp thông suốt với hệ thống của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Tỉnh triển khai một số dịch vụ nền tảng đô thị thông minh. Xây dựng trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; triển khai mô hình đô thị thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử tại các huyện, thị xã, thành phố.

NĐT: Tỉnh Bình Thuận có những chính sách gì hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh: UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

Theo đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai hiệu quả Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ đang tập trung triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo Nghị định số 80 ngày 26/8/2021 của Chính phủ. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn; triển khai đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng sàn thương mại điện tử của tỉnh, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp tiếp cập, thực hiện chuyển đổi số.

NĐT: Trong quá trình xây dựng chính quyền số, việc gắn kết với kinh tế số và xã hội số ở tỉnh diễn ra như thế nào? Tỉnh có những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy sự liên kết này?

Ông Nguyễn Minh: Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, quan điểm của tỉnh là thực hiện chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số; ứng dụng nền tảng số hướng đến nâng cao chất lượng sống của nhân dân và sự phát triển của doanh nghiệp.

Tỉnh xác định xây dựng chính quyền số, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn; đồng thời phát triển xã hội số để nâng cao chất lượng sống của người dân, làm giàu đời sống tinh thần người dân.

Để thúc đẩy phát triển chính quyền số gắn với phát triển kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã đề ra các giải pháp như: Phát triển hạ tầng đồng bộ phục vụ kinh tế số và xã hội số; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số có tiềm lực đầu tư phát triển hạ tầng số.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân, với trọng tâm là phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm.

Tỉnh sẽ xây dựng các nền tảng số để người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền các cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận lợi trên các thiết bị di động thông minh theo hướng trả lời, giải đáp và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

Đồng thời, phổ biến, giới thiệu các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá để doanh nghiệp lựa chọn sử dụng.

NĐT: Kết quả công tác xây dựng chính quyền số, việc gắn kết với kinh tế số và xã hội số của tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh: Hiện, hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động và cố định đã phủ đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được đầu tư mở rộng, hoàn thiện đến cấp xã.

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được xây dựng, phát triển (tỉnh đang triển khai xây dựng kho dữ liệu tỉnh, cổng dữ liệu mở tỉnh và nền tảng phân tích dữ liệu tập trung) và đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả.

Các hệ thống thông tin, nền tảng số được tập trung triển khai thực hiện và vận hành như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh của ngành y tế (VNPT-HIS); Hệ thống lưu, truyền hình ảnh y khoa (PACS) và hệ thống kết nối chẩn đoán hình ảnh (RIS) trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục (VN-edu) cho 746 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (đạt tỉ lệ 100%); Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sàn thương mại điện tử tỉnh.

NĐT: Tỉnh Bình Thuận đang gặp những khó khăn, thách thức nào trong quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số? Tỉnh làm thế nào để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực?

Ông Nguyễn Minh: Lĩnh vực chuyển đổi số có tốc độ phát triển nhanh, với nhiều thay đổi về mặt công nghệ, dẫn đến việc xây dựng các đề án, chiến lược, nhiệm vụ phải thường xuyên thay đổi cho phù hợp với xu thế công nghệ và quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các cơ quan Trung ương có liên quan.

Nguồn thu ngân sách của tỉnh không nhiều, nên nguồn lực đầu tư của tỉnh vào chuyển đổi số còn hạn chế, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số (nhất là các dự án xấy dựng CSDL; đầu tư hạ tầng trang thiết bị CNTT đồng bộ để đáp ứng yêu cầu sử dụng).

Nguồn nhân lực có chuyên môn về chuyển đổi số nói chung và an toàn thông tin mạng nói riêng còn hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong thời gian tới.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, “chuyển đổi tư duy số”, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số trong thời đại ngày nay; vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số.

Đồng thời, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chuyển đổi số.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ Công nghệ số cộng đồng, chú trọng đúng mức công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, giao tiếp với chính quyền qua môi trường số.

Chúng tôi xây dựng Đề án chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quản lý doanh nghiệp, người lao động, người dân về chuyển đổi số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin; thu hút nguồn nhân lực có chất lượng để tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.

NĐT: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thực hiện: Đắc Phú

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |