Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ lâu đã đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự gia tăng yêu cầu bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ.
Trong bối cảnh ấy, năm 2024, một năm đặc biệt trong Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, với nhiều con số ấn tượng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã dành thời gian chia sẻ với Người Đưa Tin về những trăn trở, cũng như những chiến lược mà ông tin tưởng sẽ giúp ngành nông nghiệp vượt qua thử thách và phát triển bền vững trong tương lai.
Người Đưa Tin (NĐT): Năm 2024, ngành nông nghiệp đã đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là cơn bão số ba gây thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn đạt được những kết quả vượt kế hoạch đề ra. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những kinh nghiệm và bài học trong công tác quản lý, điều hành để đạt được những thành tựu đáng ghi nhận như vậy?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đầu tiên, chúng ta cần phải trân quý những người nông dân – những bà con đã chịu tổn thất sau cơn bão số 3. Sự trân quý này rất quan trọng, nếu không có bà con nông dân làm chỗ dựa, sẽ không có những kết quả đáng mừng của ngành nông nghiệp Do vậy, chúng ta phải công bằng với những người đã trực tiếp tạo ra kết quả ấy.
Khi nói về kinh nghiệm, tôi cho rằng chúng ta cần bắt đầu từ các địa phương, nơi thể hiện rõ sự năng động trong tư duy và cách làm. Trong thời gian qua, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu thẩm thấu vào xã hội. Bà con nông dân đã dần hiểu rằng sản xuất cần gắn với thị trường; trong khi đó, chính quyền địa phương cũng nhận thức được rằng họ không chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo sản xuất, mà còn phải đóng vai trò kết nối thị trường, tổ chức hỗ trợ giao thương, các lễ hội nông sản hay các sự kiện festival,...
Năm vừa qua, từ các địa phương trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung - Tây Nguyên, cho đến đồng bằng sông Cửu Long, đều ghi nhận sự năng động đáng kể. Các địa phương đã chủ động kết nối thị trường – điều này thực sự quan trọng. Nếu trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào làm thế nào để bà con sản xuất thật nhiều, thì giờ đây, tư duy kinh tế thị trường đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận. Nếu không thúc đẩy thị trường, sản xuất dù nhiều đến đâu cũng sẽ đối mặt với điểm nghẽn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng hiểu rằng thị trường là một bức tranh đa dạng, với mỗi thị trường mang theo các tiêu chuẩn, yêu cầu, và hàng rào kỹ thuật riêng. Nhờ sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, cùng các cơ quan xúc tiến thương mại, thông tin về thị trường đã được truyền tải kịp thời từ trung ương đến địa phương, và sau đó đến tận tay bà con nông dân.
Dẫu vậy, trong quá trình này vẫn tồn tại một số điểm cần cải thiện. Tuy nhiên, tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường – dựa trên đặc điểm, văn hóa tiêu dùng riêng của từng thị trường – đã bắt đầu định hình. Thay vì bán những gì chúng ta có, chúng ta đã chuyển sang bán những gì thị trường cần.
Nói cách khác, chúng ta đã biến sản phẩm thành thương phẩm. Sản phẩm là những gì chúng ta làm ra, còn thương phẩm là những gì thị trường cần và có thể bán được. Chính nhờ sự thay đổi tư duy ấy mà kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đã đạt 62,5 tỷ USD – một con số thể hiện rõ sự chuyển mình trong nông nghiệp.
Cuối cùng, sự phát triển này không chỉ giúp duy trì và mở rộng các thị trường cũ, mà còn tạo ra cơ hội khai phá những thị trường mới. Điều này góp phần giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp gắn kết và bền vững.
NĐT: Thưa Bộ trưởng, ngành nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết, đặc biệt là trong các mô hình như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái. Xin Bộ trưởng chia sẻ những định hướng chiến lược và tư duy đột phá mà ngành nông nghiệp cần áp dụng để vừa nâng cao giá trị nông sản vừa đảm bảo phát triển bền vững?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Như tôi đã chia sẻ, ngành nông nghiệp của chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn, từ thiên tai, biến đổi khí hậu đến thị trường xuất khẩu đầy biến động. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng sở hữu nhiều tiềm năng to lớn chưa được khai thác hết. Điều quan trọng là cần nhìn nhận mọi thứ một cách lạc quan và tìm ra giá trị tiềm ẩn trong từng khía cạnh của nông nghiệp.
Ví dụ, chúng ta thường nhắc đến nông nghiệp tuần hoàn như một xu hướng tất yếu, nhưng thực tế giá trị mà nông nghiệp tuần hoàn mang lại hiện vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai.
Chúng ta cũng không nên chỉ dừng lại ở việc khai thác giá trị đơn lẻ của một loại nông sản. Nếu chỉ nhìn nhận một trái xoài hay một trái cam đơn thuần là sản phẩm thu hoạch, chúng ta vẫn đang đứng ở tầng giá trị thấp nhất – đó là xuất khẩu thô. Điều này hạn chế tiềm năng tăng trưởng kinh tế và làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tư duy đơn ngành là một hạn chế lớn. Ví dụ rõ ràng nhất chính là cà phê. Hiện tại, chúng ta chủ yếu xuất khẩu hạt cà phê thô, chỉ khai thác được khoảng 2% giá trị thực sự của loại nông sản này. Trong khi đó, 98% giá trị còn lại – từ vỏ cà phê, thịt quả đến bã cà phê sau pha chế – vẫn chưa được khai thác triệt để.
Chẳng hạn, ở Trung Quốc, người ta sử dụng bã cà phê để làm giá thể trồng nấm. Sau khi nấm được thu hoạch, giá thể này tiếp tục được chế biến thành thức ăn chăn nuôi, tạo nên một chuỗi giá trị tuần hoàn. Đây là minh chứng cho cách tư duy mới mẻ có thể giúp khai thác tối đa tiềm năng của nông sản.
Từ đây, có thể thấy rằng, thay vì tập trung vào sản xuất và xuất khẩu thô, chúng ta cần hướng đến việc tận dụng triệt để mọi nguồn lực. Những mô hình như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, hay nông nghiệp xanh không chỉ tạo ra nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Việc biến rác thải nông nghiệp thành tài nguyên là cách tiếp cận bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái.
Mặc dù chúng ta đã đạt được một số thành tựu, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, việc thích ứng và tận dụng mọi cơ hội là vô cùng quan trọng. Tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện khích lệ ở Tây Nguyên, nơi bà con nông dân đang tự mình sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp. Ban đầu, năng suất có thể chưa cao, nhưng việc sử dụng phân hữu cơ từ nguyên liệu tại chỗ không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn là bước đi bền vững lâu dài.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã ký kết một số nghị định thư với Trung Quốc, mở đường cho xuất khẩu nông sản đông lạnh và chế biến. Đây là bước tiến quan trọng, không chỉ tăng giá trị xuất khẩu mà còn thay đổi cách tiếp cận đối với chuỗi giá trị của nông sản.
Đặc biệt, ở Đắk Lắk, nhiều hộ dân trồng sầu riêng đã tự chế tạo chế phẩm sinh học từ những nguyên liệu đơn giản như hành, tỏi, men rượu để thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Đây là minh chứng rõ nét cho khả năng sáng tạo và tinh thần tự lực của người nông dân. Điều mà chúng ta cần làm là hỗ trợ và định hướng họ đi đúng con đường phát triển bền vững.
NĐT: Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những kế hoạch và giải pháp mà ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong giai đoạn này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Với kết quả tăng trưởng đạt được, ngành nông nghiệp đã vượt xa mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ này. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng lớn lao của ngành, song cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta không nghĩ xa hơn, vươn ra khỏi giới hạn hiện tại?
Thay vì chỉ tập trung vào những gì sẵn có, chúng ta cần mở rộng hợp tác quốc tế, như trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, bắt đầu từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia, hoặc xa hơn là châu Phi. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực.
Tương tự, trong lĩnh vực khai thác thủy sản, thay vì hoạt động riêng lẻ với một vài chiếc tàu nhỏ, chúng ta nên xây dựng các đội tàu lớn, không chỉ hợp tác trong nước mà còn kết nối với quốc tế để khai thác hiệu quả hơn các nguồn lợi biển. Đây chính là tư duy “vươn mình” thực sự – vượt ra khỏi những giới hạn hiện tại để tạo ra những giá trị mới.
Bên cạnh đó, nông nghiệp tuần hoàn là mô hình cần được tập trung phát triển. Thay vì chỉ nhìn nông sản theo góc độ đơn giá trị, chúng ta cần khai thác đa tầng giá trị. Ví dụ, nông sản không chỉ là thực phẩm, mà còn có thể trở thành dược phẩm, mỹ phẩm, thậm chí nguyên liệu cho công nghệ sinh học. Nếu chỉ mãi đứng ở tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị, chúng ta khó có thể bắt kịp những quốc gia tiên tiến.
Năm 2025, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy và bắt đầu tìm kiếm những giá trị thặng dư cao hơn, khai phá "miền giá trị mới" trước khi miền giá trị cũ chạm đến giới hạn. Khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nếu không thay đổi, sự phát triển sẽ chững lại và giá trị kinh tế sẽ giảm sút.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta ngồi lại cùng nhau, với tư duy đổi mới và quyết tâm cao, ngành nông nghiệp sẽ bước vào một kỷ nguyên vươn mình. Nếu trong mưa nhìn xuống đất sẽ chỉ thấy bùn nhưng nhìn về phía trước sẽ thấy cầu vồng. Dẫu hành trình này không dễ dàng, nhưng nếu biết nhìn xa hơn, vượt qua khó khăn trước mắt, chúng ta sẽ thấy được cầu vồng ở phía trước. Muốn có cầu vồng phải chịu chút bùn dưới chân.
Tôi mong rằng, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, chúng ta không nên tự mãn mà cần dành thời gian suy nghĩ về con đường phát triển bền vững hơn, để ngành nông nghiệp thực sự bước vào một kỷ nguyên mới với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược.
NĐT: Một trong những nhóm ngành đem lại kết quả xuất khẩu kỷ lục của ngành nông nghiệp chính là gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp. Bộ trưởng có nhìn nhận và đánh giá như thế nào về tiềm năng của rừng, nhất là ở các địa bàn có người dân tộc thiểu số. Liệu đó có thể trở thành nguồn lực và thế mạnh để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi tôi đề xuất và trình bày ý tưởng với Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, tôi đã có dịp đi nhiều địa phương và nhận thấy một nghịch lý đáng suy ngẫm.
Bác Hồ từng nói: “Rừng vàng, biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”, nhấn mạnh rằng nếu biết giữ rừng, rừng sẽ là vàng, là bạc. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, rừng lại đang bị coi là một "bi kịch". Những địa phương trồng lúa đã khó khăn, còn các địa phương có rừng lại càng nghèo hơn. Nguyên nhân chính là khi muốn khai thác giá trị kinh tế từ rừng, họ lại vướng vào các quy định pháp luật như Luật Lâm nghiệp hay Luật Chuyển đổi đất rừng.
Chúng ta cần khắc ghi lời dạy của Bác để nhận ra rằng rừng không chỉ là gỗ mà còn là cả một hệ sinh thái phong phú, đa tầng, đa tán. Trong rừng có biết bao tài nguyên bản địa quý giá như thảo dược, nấm, sâm... Đó là những giá trị không đơn lẻ, mà gắn kết trong một hệ sinh thái rừng gồm thảm thực vật phong phú, cảnh quan, sinh cảnh. Trước đây, chúng ta chỉ nhìn rừng qua giá trị khai thác gỗ. Khi khai thác gỗ không còn khả thi, chúng ta đóng cửa rừng, chuyển sang trồng rừng thay thế hay gọi là rừng sản xuất. Như vậy, chúng ta đã tách rời hệ sinh thái rừng, chỉ tập trung vào gỗ hoặc thủy điện.
Tuy nhiên, hệ sinh thái rừng lại mở ra những cánh cửa với giá trị to lớn. Rừng không chỉ là cây, mà còn là môi trường sống của bà con dân tộc, những người đã nương tựa vào rừng qua nhiều thế hệ. Rừng là nơi gắn bó về văn hóa, tâm linh, là kho báu thiêng liêng.
Đáng tiếc là trong một số trường hợp, chúng ta khoanh vùng bảo vệ rừng và đưa bà con ra khỏi rừng. Đối với những người coi rừng là nguồn sống, là linh hồn văn hóa, điều này không khác gì cắt đi sợi dây gắn kết giữa họ và rừng. Giải pháp duy nhất là phải tạo ra các hoạt động kinh tế dưới tán rừng, để phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Có người chất vấn tôi rằng, mức kinh phí chi trả cho bà con để bảo vệ rừng hiện nay quá thấp. Tôi đáp rằng, con người đôi khi không chỉ cần tiền. Quan trọng hơn, bà con cần được trao cơ hội để thực sự tham gia vào các hoạt động kinh tế dưới tán rừng. Những vật phẩm từ rừng, cảnh quan rừng hoàn toàn có thể tận dụng để tạo ra nguồn thu nhập. Chẳng hạn, rừng có thể trở thành điểm đến du lịch; hay những cây thuốc nam, thảo dược của người Dao, người Mông đã là một sản phẩm đặc thù.
Thay vì chỉ trả kinh phí cho bà con bảo vệ rừng, chúng ta cần tổ chức lại bà con thành những cộng đồng kinh tế dưới tán rừng, khuyến khích họ hợp tác, liên kết để phát triển bền vững. Những cộng đồng đó sẽ gắn liền với văn hóa truyền thống như vải thổ cẩm, món ăn bản địa hay đồ thủ công mỹ nghệ, giúp bảo tồn và phục hồi các giá trị đặc sắc.
Sức sống của rừng chỉ trọn vẹn khi gắn với sức sống của cộng đồng. Thay vì chỉ trao tiền, lương thực cứu trợ, chúng ta hãy trao quyền và khơi dậy khả năng sáng tạo của bà con. Hãy để họ phát huy giá trị hệ sinh thái rừng, hòa chung với truyền thống ngàn đời đã gắn bó với rừng. Đây chính là con đường để rừng và con người cùng phát triển bền vững.
NĐT: Thời gian tới, Bộ trưởng có kỳ vọng gì về giá trị mà ngành lâm nghiệp có thể đạt được trong tương lai nếu chúng ta phát huy tốt tiềm năng và khắc phục các hạn chế hiện tại?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đang sở hữu một lợi thế lớn. Các sản phẩm chế biến từ gỗ của chúng ta hiện nằm trong nhóm xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn đối mặt với một điểm nghẽn đáng kể. Hầu hết các nhà máy chế biến và khu công nghiệp tập trung ở khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ, trong khi tài nguyên rừng chủ yếu phân bố tại các vùng đồi núi trung du phía Bắc.
Sự bất cân đối này dẫn đến chi phí vận chuyển gỗ từ miền Bắc vào các nhà máy trở nên quá cao, gây cản trở cho việc phát huy hết tiềm năng của ngành. Điều này đòi hỏi một chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng logistics, giúp kết nối và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hình ảnh gỗ và các sản phẩm lâm sản trở thành đại diện cho thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây không chỉ là câu chuyện về giá trị kinh tế, mà còn là cách chúng ta tiếp cận xu thế toàn cầu: vừa khai thác, vừa bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta khai thác hiệu quả giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, giá trị kinh tế mà ngành lâm nghiệp mang lại có thể tăng gấp hai, gấp ba lần hiện tại, thậm chí còn cao hơn, đạt tới gấp năm, gấp mười lần. Đây chính là tiềm năng lớn đang chờ đợi chúng ta đầu tư và khai phá.
NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!