img

Trước thềm kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có buổi trò chuyện, tâm sự với các phóng viên, nhà báo chuyên viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhắc về câu chuyện “bén duyên" với báo chí dưới bút danh Xích Lô, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tình yêu với báo chí ngấm vào người lúc nào không hay và mỗi bài báo đều bắt đầu từ những câu hỏi trong cuộc sống.

Nhớ lại kỷ niệm khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ đã từng có lần đã nói “Tôi đang muốn viết một nghị quyết bằng ngôn ngữ báo chí, thì nhà báo làm ơn đừng viết bài báo bằng ngôn ngữ nghị quyết”.

img

Theo Bộ trưởng, bởi muốn nghị quyết đi vào cuộc sống thì trước tiên phải đưa cuộc sống vào nghị quyết. Nhà báo thuận lợi hơn cán bộ ở chỗ được đi nhiều, ngõ ngách nào cũng tới, đứng trên bờ ruộng, bờ ao để đặt câu hỏi và tìm những từ khóa để lý giải cuộc sống bằng ngôn ngữ báo chí, định hướng cuộc sống bằng ngôn ngữ báo chí.

Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, đặc biệt hơn khi ngành nông nghiệp đang đổi mới. Báo chí đi theo dòng chảy chung của sự đổi mới, để thông tin thông suốt từ chính quyền đến nông dân, không để trường hợp người muốn tiến, người lại muốn lùi.

img

img

Bàn về câu chuyện giá cả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Đôi khi, báo chí cũng nằm trong vòng xoáy giá cả của người nông dân. Ví dụ chỉ cần nay có một tin về xu hướng giá heo, ngày mai, ngay lập tức sẽ thấy nông dân ồ ạt đi bán. Mà càng bán vậy giá heo sẽ càng đi xuống, theo quy luật thị trường giữa cung và cầu”.

Do đó, thông tin những vấn đề tích cực nhất cũng cần đưa ra cảnh báo cho người nông dân. Ngược lại, với những vấn đề tiêu cực, khó khăn cũng nên “chừa” lại một chút báo hiệu để người nông dân còn có thêm hy vọng. “Chúng ta không quá tích cực nói mọi việc đều tốt hết, cũng không tiêu cực để nói mọi điều đều khó khăn", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Khi viết về vấn đề tiêu cực, nhà báo đừng chỉ đưa tin, phán xét và bình luận. Muốn hướng đến sự thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội, tác giả cần đưa ra thông điệp để định hướng và dẫn dắt.

img

Nhắc đến câu chuyện sản phẩm nông nghiệp, Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa sản phẩm và thương phẩm. Tư duy sản xuất nông nghiệp là tư duy tạo ra sản phẩm. Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy về hướng để sản phẩm nông nghiệp trở thành thương phẩm.

Sản phẩm là những gì ta có, làm quen và ít cần thay đổi mà vẫn có thể duy trì kinh tế ở mức độ nào đó. Cái mà nền nông nghiệp Việt Nam đang thiếu là biến thứ đó thành thương phẩm phù hợp với thị cường. Sản xuất phải nghĩ đến những gì thị trường cần, còn tại Việt Nam vẫn đi ngược lại.

Về trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, thời gian qua, Bộ đã rất cố gắng trong việc tổ chức kết nối thị trường giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đây vẫn là một “lời nguyền" trong tư duy sản xuất manh mún nhỏ lẻ cần phải thay đổi.

img

Theo đó, Bộ trưởng đề cập cần phải hướng tới ý thức hoá nông dân, hướng tới người nông dân chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp là đầu tiên phải nghĩ đến nhu cầu của thị trường chứ không phải sản xuất xong chờ thương lái tới mang đi.

Do vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các cơ quan báo chí luôn hợp tác, liên kết để trở thành một xương sống trong công tác tuyên truyền. Báo chí cùng đồng hành với ngành nông nghiệp và nông dân để hiểu thêm những nội tình, hướng tới sự đổi mới với tư duy mới của toàn ngành.

Bộ trưởng cho rằng: “Thay vì tuyên truyền theo cách cũ, chúng ta nên dành nhiều thời gian để hướng tới thông điệp mới mẻ. Hãy viết những gì thật “nảy lửa" để cả nền nông nghiệp khi nhìn vào phải cùng nhất trí đồng tâm thay đổi”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều chương trình, nhiều diễn đàn có tiếng nói của người nông dân.

img

Theo Bộ trưởng, với sự thay đổi của ngành nông nghiệp, đã có nhiều bạn trẻ bỏ lại thành phố xa hoa để về những miền quê khởi nghiệp. Điều này rất cần các cơ quan báo chí thông tin để thay đổi nhận thức nông nghiệp chỉ dành cho những người “già".

Nông nghiệp giờ đây đang đón chào những làn sóng đi ngược hành trình đến từ nhiều bạn trẻ. Điều này giúp đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế nông thôn.

img

Một vấn đề quan trọng cũng được Bộ trưởng Hoan đề cập là thiết chế cộng đồng, cùng quản lý, hướng tới hỗ trợ và bảo vệ người nông dân trước biến động của thị trường. “Lý do bởi chính sách nhà nước luôn có tính trễ, mà thị trường luôn vận động bất kể thời gian, cả ngoài giờ làm việc hành chính”.

Những người nông dân khi được liên kết, cùng chung một cộng động sẽ bảo vệ lẫn nhau. Cơ chế cộng đồng là để người nông dân nói lên tiếng nói của mình. Như vậy sẽ không còn trường hợp một số đối tượng đã ham lợi để “trộn” các sản phẩm cam không rõ nguồn gốc với cam Vinh. Bởi chỉ cần một người làm vậy sẽ ảnh hưởng đến cả một cộng đồng.

Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là quy hoạch lại mà là thay đổi cấu trúc, thay đổi tư duy, cách tiếp cận để tạo ra giá trị cao hơn, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Để thay đổi cách nghĩ, chẳng hạn như, người chăn nuôi không chỉ chăn nuôi mà còn có thể làm những việc khác trên mảnh đất của họ.

img

Với nền kinh tế hiện nay, người nông dân đang “bỏ hết trứng vào một giỏ”, như vậy nếu khi rơi tất cả đều sẽ vỡ.

Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra lời khuyên sản xuất tạo ra đa giá trị để có thể chống đỡ với những rủi ro của thị trường. “Trên một mảnh đất người nông dân có thể vừa trồng xoài, vừa nuôi cá, vừa có thể kết hợp mô hình du lịch. Giá trị kinh tế tạo ra cũng sẽ tăng thêm mà rủi ro cũng được giảm đi, lợi nhuận từ các hoạt động có thể bù trừ, hỗ trợ lẫn nhau”.

Hay đơn giản hơn những câu chuyện từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ hay phân bò, người nông dân hoàn toàn có thể tạo ra phân bón. Với cách này, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây cũng là cách người nông dân tự tạo “lối thoát” cho mình.

img

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trước khi trở thành những “đại bàng", doanh nghiệp cũng từng là “chim sẻ". Do đó, cần phải quan tâm, khích lệ các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.

Ngành nông nghiệp hiện nay đang còn rất nhiều dư địa để phát triển từ những thay đổi của thị trường với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ như mô hình trồng lúa kết hợp cùng nuôi tôm, hay trồng cây kết hợp cùng du lịch…

Nhắc đến những mô hình trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ câu chuyện với những người nông dân đổi mới. Người nông dân không chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mà đã biết ăn mặc lịch sự giới thiệu về mô hình của mình với các vị khách tham quan.

Người nông dân cũng vì đó mà có thể tư duy tạo ra nhiều giá trị, không chỉ gói gọn trong câu chuyện sản xuất. “Đó là sự mới mẻ mà tôi mong muốn được báo chí truyền tải", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

img

NGUOIDUATIN.VN |