Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Trong bài phỏng vấn với Người Đưa Tin (NĐT) nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu mỗi doanh nghiệp cần phát huy truyền thống, đóng góp tích cực, hiệu quả và luôn đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất, giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chứ không chỉ để lắng nghe.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã trải qua 3/4 chặng đường với những thăng trầm đậm nét. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu về kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về các ưu tiên chính sách đã thực hiện trong nửa đầu năm nay?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Từ đầu năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều thách thức, khó khăn dẫn tới việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra ngày càng thách thức hơn.

Trong tình hình đó, Bộ KH&ĐT luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo khi tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều chính sách quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhìn chung, các giải pháp, chính sách được thực hiện quyết liệt, đã góp phần quan trọng để giải quyết khó khăn, thách thức trước mắt của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn; đồng thời nâng cao năng lực nội tại, phát triển các động lực tăng trưởng mới, tạo nền tảng để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong trung và dài hạn.

Kết quả, tính chung 9 tháng, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước; GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Có thể thấy, các ưu tiên chính sách của Chính phủ từ đầu năm đến nay được thể hiện rõ nét thông qua 4 khía cạnh.

Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, tư duy điều hành của Chính phủ tiếp tục tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cân nhắc cân bằng hơn giữa lãi suất và tỉ giá.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Thứ ba, tập trung tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, các dự án đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đấu thầu… thông qua việc ban hành hai Nghị quyết gồm Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023 và Nghị quyết số 105 ngày 15/7/2023.

Theo đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài của doanh nghiệp, ngân hàng, dự án đầu tư và đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh như giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất…; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, phòng cháy, chữa cháy…; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thứ tư, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy thực hiện công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tham gia và thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mới. Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước lớn, đối tác chiến lược của Việt Nam như ASEAN, Hoa Kỳ, Trung Quốc...

Với việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam đã thiết lập quan hệ từ cấp độ Đối tác chiến lược với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: Trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay, năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Vậy Bộ KH&ĐT có kiến nghị giải pháp gì để khắc phục, nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều bất định?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Trước những khó khăn, thách thức và sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và trong nước, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bộc lộ nhiều hạn chế, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn trước.

Những khó khăn này không dễ để chuyển biến nhanh trong ngắn hạn và phụ thuộc vào xu hướng chung toàn cầu. Điều này tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn về ngân sách, đầu tư, tiêu dùng, lao động việc làm và an sinh xã hội.

Bộ KH&ĐT cho rằng, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý.

Tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy giải ngân mọi nguồn vốn đầu tư, tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh, với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực”.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; khẩn trương xử lý triệt để cho doanh nghiệp, không để khó khăn tồn đọng kéo dài; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư ngay ở cấp cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp để kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; Đa dạng hóa đối tác; Giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước phát triển công nghiệp hỗ trợ; Thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; gia tăng giá trị sản xuất nội địa.

Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Cuối cùng, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ bảo vệ các doanh nghiệp trước làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: Vậy chính sách mạnh mẽ bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng bị thâu tóm là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Các chính sách Bộ KH&ĐT kiến nghị, đó là tăng cường việc giám sát, kiểm tra, thẩm tra các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các trường hợp nghi ngờ có tình trạng đầu tư núp bóng, ẩn danh, dùng nhiều nhà đầu tư khác nhau để thâu tóm ngành hàng trong nước... làm mất thị trường.

Nghiên cứu ban hành quy định những ngành nghề, lĩnh vực cần và không cần khuyến khích đầu tư theo phương thức M&A trên cơ sở quy định về đảm bảo “an ninh quốc gia” theo cam kết WTO và các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết; có cơ chế kiểm soát hoạt động mua bán, sáp nhập và cho phép Chính phủ can thiệp trong trường hợp cần thiết khi hoạt động mua bán, sáp nhập có thể ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Xây dựng quy trình kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu nước ngoài vào các doanh nghiệp đang hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, trọng yếu, chiến lược, có tác động lớn kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước mua lại các dự án chủ chốt của doanh nghiệp trong nước để bảo vệ một số ngành “nhạy cảm”, cũng như bảo vệ thị trường nội địa.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động M&A và kiểm soát hoạt động này trong nền kinh tế thông qua nghiên cứu sửa đổi các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý cạnh tranh… Trong đó nghiên cứu bổ sung quy định phê duyệt M&A đối với doanh nghiệp có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia theo cam kết WTO và các Hiệp định thương mại đã ký kết.

Tăng cường quản lý Nhà nước về kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, đặc biệt là các hoạt động sáp nhập, mua lại các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế để bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia.

Xây dựng chế tài xử lý đủ mạnh xử lý các giao dịch không minh bạch trên thị trường chứng khoán, đảm bảo đủ sức răn đe các chủ thể hướng tới một thị trường lành mạnh, minh bạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: Các doanh nghiệp vẫn thường nói về khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn tại các văn bản pháp luật. Để thực sự thu hẹp khoảng cách này, theo Bộ trưởng chúng ta cần phải làm những gì?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành rất kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhằm ổn định và duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, khoảng cách từ thiết kế chính sách đến thực thi còn khá lớn, khiến hiệu quả của các chính sách đạt được chưa cao.

Cũng cần phải khẳng định, khoảng cách giữa chính sách và thực thi chính sách luôn tồn tại. Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này để doanh nghiệp thực sự cảm nhận và được thụ hưởng các chính sách kịp thời, hiệu quả? Từ góc độ người đứng đầu cơ quan tham mưu chính sách tổng hợp cho Chính phủ, tôi đề xuất một số sáng kiến, giải pháp như sau.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Một là, về thiết kế, xây dựng chính sách, cần đảm bảo tính khoa học, khách quan, gắn với bối cảnh của Việt Nam cũng như bối cảnh quốc tế có tác động lớn và trực tiếp đến Việt Nam. Đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các chủ thể chịu tác động của chính sách, nhất là các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Đồng thời, hạn chế tối đã các chính sách bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, thiên về tạo sự thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân hoặc có những kẽ hở, dẫn đến một số công chức Nhà nước lợi dụng để trục lợi, tham nhũng như chính sách về đất đai, ưu đãi về vốn, sử dụng các nguồn lực công, về quản lý các doanh nghiệp Nhà nước...

Hai là, về thực thi chính sách, cần có sự tương tác và trao đổi giữa các cơ quan và chủ thể có liên quan trong thực thi chính sách để truyền tải nội dung chính sách cho đối tượng chính sách, làm cho đối tượng chính sách hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của chính sách.

Đảm bảo về tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành của cơ quan thực thi chính sách. Các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất; giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chứ không chỉ để lắng nghe.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Bộ trưởng muốn nhắn nhủ thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp nước nhà?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước bị tác động mạnh mẽ bởi các bất ổn kinh tế, địa, chính trị quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới. Vì vậy, tôi muốn nhắn gửi đôi lời đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Một là, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước;

Hai là, thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quan trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia.

Ba là, tận dụng sự phục hội mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bốn là, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm là, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sáu là, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhân dịp này, tôi cũng yêu cầu mỗi doanh nghiệp phát huy truyền thống, đóng góp tích cực, hiệu quả và luôn đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp đầu chuỗi phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, vai trò trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp thành viên thích ứng với tình hình mới.

NĐT: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã chia sẻ!

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NGUOIDUATIN.VN |