Người Đưa Tin (NĐT): Năm vừa qua tiếp tục là một năm khó khăn bởi những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, xin Bộ trưởng cho biết ngành giao thông đã đối mặt và vượt qua thách thức đó thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2021, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế. Trong đó, ngành GTVT là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất và nhiệm vụ của ngành lại càng khó khăn, phức tạp hơn.
Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng với nhận thức giao thông đi trước mở đường, toàn ngành đã hết sức nỗ lực để thực hiện được nhiệm vụ lớn mà xã hội yêu cầu và Chính phủ đặt ra. Bình diện chung của các bộ ngành các địa phương thì Bộ GTVT đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều chuyển biến mạnh mẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, công tác lập quy hoạch ngành Quốc gia được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, kịp thời. Hoạt động vận tải, cơ bản được thông suốt, an toàn, không xảy ra ùn tắc kéo dài, đảm bảo lưu thông hàng hóa 24/24 phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công đáp ứng được kế hoạch được giao đạt tỷ lệ 96% thuộc top cao nhất trong khối các Bộ, ngành; nhiều dự án đầu tư được chuẩn bị kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hồ sơ và tiến độ được giao. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhiều công trình, dự án đã khắc phục khó khăn, hoàn thành, đưa vào khai thác đúng kế hoạch. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nhiều cải thiện, năm 2021 là năm thứ 10 liên tiếp tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu ở cả 3 tiêu chí.
NĐT: Đẩy mạnh đầu tư công là một trong những từ khóa quan trọng nhất được Chính phủ thúc đẩy trong hai năm dịch bệnh vừa qua. Thực tế, Bộ GTVT đang nằm trong top các Bộ ngành giải ngân vốn đầu tư cao nhất với tỷ lệ 96%. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã có “bí quyết” gì để đạt được những kết quả đó?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Để đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công như năm vừa qua, Bộ GTVT đã tập trung vào một số giải pháp như:
Thứ nhất, đối với nhà thầu là chúng tôi quyết liệt, nhà thầu nào không đảm bảo tiến độ đã đăng ký cam kết, là chúng tôi cảnh cáo lần 1, lần 2, lần 3 và cuối cùng là cắt hợp đồng, tịch thu hợp đồng và cấm đầu thầu vì vi phạm dự án trọng điểm quốc gia. Làm như vậy để nhà thầu khi trúng thầu là phải làm nghiêm.
Thứ hai, với các BQL dự án, để bám sát tình hình, kịp thời giải quyết các vướng mắc, Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án họp giao ban hàng tuần với các đơn vị liên quan, họp giao ban nửa tháng 1 lần với Thứ trưởng phụ trách, họp giao ban 1 tháng 1 lần với tập thể lãnh đạo Bộ. Chúng tôi kiểm điểm tiến độ, yêu cầu các BQL cam kết tiến độ, từ giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng đến những đồng chí có liên quan là phải ký cam kết chung với Bộ, trong đó viết rõ không hoàn thành nhiệm vụ thì một là cắt chức, hai là xuống chức, ba là chuyển công tác, để khi đã đảm nhận nhiệm vụ là phải đảm bảo được tiến độ với bộ và phải xem như là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất.
Và đặc biệt trong thời gian vừa qua chúng tôi chuyển vốn liên tục, dự án nào giải ngân tốt sẽ được bổ sung vốn, dự án nào chậm thì cắt vốn, chuyển vốn. Đối với các BQL dự án, kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Cuối cùng là việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương kịp thời bố trí vốn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ giải ngân vốn cho công tác GPMB.
NĐT: Vừa qua, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 với số vốn gần 15.000 tỷ đồng. Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, xin Bộ trưởng cho biết những thách thức trong việc triển khai dự án trọng điểm này và Bộ đã có những giải pháp gì để khắc phục?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đối với việc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sắp tới, Bộ GTVT nhận thấy sẽ có một số thách thức như sau:
Thứ nhất, về vấn đề nguồn vốn dành cho dự án. Trước đó chúng tôi vẫn còn lo lắng tuy nhiên vừa qua tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn hành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước đồng thời bố trí nguồn vốn để triển khai dự án. Như vậy, cái khó thứ nhất về nguồn vốn về cơ bản đã được giải quyết.
Thứ hai, là cái khó về nguồn vật liệu. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai dự án giai đoạn 1, hiện nay Bộ GTVT đang chỉ đạo tư vấn và các đơn vị liên quan tổng điều tra các mỏ đất, mỏ cát trên toàn bộ khu vực mà dự án đi qua. Những mỏ nào đang khai thác sẽ tiến hành đánh giá về trữ lượng còn lại và số lượng có thể huy động vào dự án. Những mỏ nào nằm trong quy hoạch hiện nay của các địa phương, chúng tôi sẽ xúc tiến ngay các thủ tục để mở mỏ để sẵn sằng khi có nhà thầu thì có thể khai thác ngay. Đối với những khu vực thiếu đất, quy hoạch không đủ, Bộ GTVT sẽ làm việc với các địa phương để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên cơ sở thông qua ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.
Thứ ba, là thách thức về giải phóng mặt bằng. Diện tích cần giải phóng mặt bằng để triển khai dự án giai đoạn 2 là rất lớn với khoảng 5.480ha. Từ kinh nghiệm trong việc triển khai dự án trong giai đoạn 1, đối với giai đoạn 2, Bộ GTVT quyết tâm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trong vòng 1,5 năm để đến cuối năm 2023 cơ bản giải quyết xong vấn đề mặt bằng. Chính vì thế, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiến hành làm việc với từng địa phương để triển khai các công việc cần thiết cho việc thực hiện công tác GPMB đảm bảo tiến độ.
Thứ tư, là khó khăn về vấn đề kỹ thuật. Qua khảo sát cho thấy, tuyến từ Cần Thơ đến Cà Mau dài 109km có nền đất rất yếu, nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai dự án. Do đó, hiện nay Bộ GTVT đã có chỉ đạo rà soát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để xử lý nền với mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng công trình vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Cuối cùng, là khó khăn về nhà thầu. Hiện nay vẫn đang trong quá trình triển khai dự án giai đoạn 1, do đó số lượng nhà thầu đảm bảo chất lượng không còn nhiều. Nếu tiếp tục chỉ định thầu thêm ở giai đoạn 2 thì có thể các nhà thầu lại “yếu”, không đảm bảo chất lượng triển khai. Do đó, đây là bài toán mà Bộ GTVT đang rất trăn trở và phải cố gắng giải quyết.
NĐT: Dự án đường cao tốc có yêu cầu kỹ thuật rất cao, do đó có nhiều ý kiến cho rằng cần có tiến độ làm phù hợp để bảo đảm chất lượng tránh việc rút ngắn thời gian thực hiện ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ GTVT và cá nhân Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, mặc dù giai đoạn chuẩn bị đầu tư chúng tôi dự kiến là 1 năm nhưng thực ra lực lượng tham gia vào rất đông đảo. Thời gian ngắn thì phải huy động nhiều người, chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm phụ trách một phần việc sau ráp lại thành một dự án lớn, do đó hoàn toàn không có sự xuề xòa mà được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Về chủ trương của Bộ GTVT, dù cho 2025 không hoàn thành được dự án theo đúng tiến độ và phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước thì chúng tôi cũng chấp nhận chứ không đánh đổi bằng chất lượng. Vừa qua, vụ việc ở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là bài học xương máu đối với việc triển khai các dự án hiện nay, đó là làm gì thì làm, chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Lần nào họp với các đơn vị tôi cũng nhắc lại để biến nó thực sự trở thành 1 bài học về việc không được đốt cháy giai đoạn. Câu cuối cùng trước khi kết thúc buổi làm việc bao giờ chúng tôi cũng nhắc cho toàn ngành: cái gì cho phép rút ngắn được như thời gian thì rút nhưng chất lượng thì không được rút ngắn.
Do đó, tôi dám khẳng định rằng hiện nay không có một đơn vị nào làm ẩu mà chỉ sợ vướng phải những sơ sót mà không biết. Bởi vì làm ẩu sớm muộn gì cũng bị phát hiện, làm ẩu là không ngủ được và làm ẩu thì dù 5, 10 năm sau vẫn phải chịu trách nhiệm trừ trường hợp chết chui xuống đất, mới hết trách nhiệm. Đối với từng cán bộ, cả đời phấn đấu, vì một hai sự cố mà mất hết tất cả thì bây giờ không ai dám đánh đổi những chuyện đó đâu.
NĐT: Đối với dự án cao tốc Bắc Nam sẽ có nhiều dự án thành phần sử dụng phương thức chỉ định thầu tư vấn. Xin Bộ trưởng cho biết liệu việc chỉ định thầu tư vấn có ảnh hưởng đến chất lượng các công trình hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tôi xin khẳng định việc chỉ định thầu sẽ không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình. Chúng tôi đã có bài học kinh nghiệm trong việc triển khai nhiều dự án đặc biệt là hai dự án gần đây ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Khi chỉ định thầu, Bộ GTVT sẽ ban hành một bộ tiêu chí yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn. Chỉ đơn vị tư vấn nào đáp ứng được các yêu cầu thì chúng tôi mới đưa vào danh sách để xem xét, tuyển chọn. Như vậy, đối với những tư vấn yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, trình độ, chưa có những công trình lớn, chưa có những công trình chất lượng thì đã bị loại ngay từ vòng xét duyệt kỹ thuật ban đầu.
Nói thêm về việc lựa chọn chỉ định thầu, nếu tổ chức đấu thầu thì thời gian sẽ mất thêm ba, bốn tháng còn nếu chỉ định thầu chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian cho mỗi khâu trong khi vẫn có thể lựa chọn được nhà thầu đảm bảo chất lượng. Đối với các nhà thầu, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị thuộc diện lựa chọn phải xây dựng kế hoạch tổng thể về việc triển khai dự án để tiến hành đánh giá cụ thể nếu phù hợp thì mới được lựa chọn. Do đó, tôi xin khẳng định tư vấn mà chúng ta chỉ định thầu hoàn toàn đảm bảo chất lượng, không thua kém tư vấn thông qua đấu thầu nhưng lại giúp rút ngắn được thời gian triển khai dự án.
NĐT: Có thể thấy, nhiệm vụ của ngành GTVT trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề trong khi đó nguồn nhân lực của ngành GTVT vẫn còn khiêm tốn. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong việc triển khai nhiệm vụ đặc biệt là các dự án trọng điểm trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Suốt thời gian vừa qua, tôi thấy rằng cái quý nhất của ngành GTVT đó là sự thay đổi về tư duy. Tư duy hiện nay thực sự đã thay đổi rất lớn, từ chỗ trì trệ, trông chờ đến nay đã chủ động, hướng đến những đột phá trong việc triển khai nhiệm vụ. Bộ GTVT đã gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ với vai trò của người đứng đầu, xây dựng chế tài thưởng, phạt phù hợp. Đối với công tác cán bộ, nếu có dấu hiệu trì trệ kéo dài trong khi yêu cầu công việc cao, dứt khoát chúng tôi sẽ thay đổi nhân sự kể cả thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.
Về nguồn nhân lực của Bộ GTVT, chúng tôi chủ trương tăng cường thêm nhân sự, bổ sung cho các đơn vị chuyên trách từ các Cục, Vụ khác trong ngành trên tinh thần cố gắng không thay đổi tổng biên chế. Ở các BQL, hiện nay một số Ban đã tiến hành thuê thêm chuyên gia bao gồm cả nhân sự từ các doanh nghiệp nếu đảm bảo chất lượng theo dạng hợp đồng ngắn hạn.
Về nguồn nhân lực của nhà thầu, chúng tôi hiện nay đang rất tập trung huy động toàn bộ lực lượng nhà thầu trong nước để tham gia vào các dự án trọng điểm. Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo ra các cơ chế kêu gọi các nhà thầu trong nước có năng lực tham gia để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Thực tế, những công trình hoàn toàn do bàn tay người Việt làm nên như Landmark 81 đã cho thấy năng lực ngày càng cao và hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà thầu trong nước.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
NGUOIDUATIN.VN |