Cứ mỗi kỳ SEA Games diễn ra, người hâm mộ (NHM) Việt Nam lại chờ đợi, khao khát được chứng kiến “những đứa con cưng” của mình có thể nâng cao chiếc cup vàng bóng đá SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử. Thế nhưng, kể từ khi giải đấu này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1959 tại Băng Cốc, Thái Lan, chúng ta đã có rất nhiều cơ hội để tiệm cận ngôi vương, nhưng rồi lại ôm nỗi thất vọng vô bờ bến sau khi kết thúc 90 phút. Bởi vậy, sau những thành công của bóng đá nước nhà trong suốt hơn 2 năm qua, NHM đặt kỳ vọng rất lớn vào việc thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ giải được “cơn khát vàng” mang tên SEA Games.
Trong suốt chiều dài lịch sử, bóng đá Việt Nam luôn luôn sản sinh ra những lứa cầu thủ cực kỳ tài năng và họ chính là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Thế nhưng, dù sở hữu những cầu thủ giỏi, chất lượng cùng nhiều HLV nổi tiếng nhưng chúng ta vẫn đang gặp khó trong việc giành vàng SEA Games.
Kể từ thời của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn... rồi sau đó đến thời của Minh Phương, Tài Em rồi kế tiếp là những Trọng Hoàng, Thành Lương và gần đây nhất là lứa Công Phượng, Xuân Trường, chúng ta vẫn vô duyên với tấm HCV SEA Games.
Tính từ năm 1991 cho đến nay, ngoài những lần bị loại ngay từ vòng đấu bảng và hai lần giành tấm HCĐ, chúng ta xứng đáng được trao danh hiệu vua về nhì khi chúng ta đã 5 lần gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường ở trận chung kết.
Còn nhớ ở thời điểm SEA Games vẫn đang là sân chơi của cấp độ ĐTQG chúng ta đã 2 lần tiến đến trận chung kết năm 1995 và 1999. Thế nhưng ở thời điểm ấy, việc giành quyền vào chơi ở trận chung kết đã là một thành công lớn đối với bóng đá Việt Nam. Còn tấm HCV thì không nhiều người nghĩ tới, dù vẫn có đôi chút hy vọng, vì người Thái lúc ấy đang là “bá chủ” của khu vực với một dàn hảo thủ chất lượng và không một đội bóng nào có thể thi đấu ngang ngửa.
Bước ngoặt đã đến với bóng đá của khu vực nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng khi Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) quyết định dành SEA Games là nơi cho các cầu thủ trẻ được cọ xát, thi đấu bắt đầu từ SEA Games 21.
Với việc thiếu vắng những trụ cột quan trọng, U23 Việt Nam đã không thể vượt qua được vòng bảng sau hai trận thua trước Indonesia và Malaysia
SEA Games 22 tại Mỹ Đình năm 2003, chúng ta sở hữu lứa cầu thủ tài năng được gọi là “thế hệ kim cương” với những Văn Quyến, Tài Em, Minh Phương, Hữu Thắng... đã vào đến trận chung kết. Tưởng chừng tấm HCV đã đến rất gần với chúng ta nhưng U23 Thái Lan vẫn là đội có được chiến thắng cuối cùng trong sự nuối tiếc của hàng triệu CĐV Việt Nam.
Ở những kỳ SEA Games kế tiếp, dù có được sự chuẩn bị cặn kẽ nhưng tấm HCV vẫn là một giấc mơ khá xa vời với bóng đá Việt Nam.
Niềm hy vọng vào tấm HCV SEA Games bùng lên mạnh mẽ nhất là ở kỳ SEA Games 29 diễn ra trên đất Malaysia năm 2017. Lúc ấy, chúng ta sở hữu một dàn cầu thủ trẻ được ví là “thế hệ vàng mới” với nòng cốt là những cầu thủ trưởng thành từ lứa U19 như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh....
Vậy nhưng, sự kỳ vọng, niềm hy vọng của NHM nhanh chóng bị đẩy xuống tận cùng của sự thất vọng khi U23 Việt Nam khi đó không thể vượt qua được vòng bảng sau trận thua bẽ bàng với tỷ số 0-3 trước Thái Lan.
Cứ mỗi kỳ SEA Games được tổ chức, sự kỳ vọng vào tấm HCV của NHM bóng đá Việt Nam lại càng cao. Có lẽ, chính sự kỳ vọng nơi NHM rồi đến áp lực chỉ tiêu này đã khiến các cầu thủ trẻ của chúng ta trong suốt nhiều năm qua thường xuyên đánh rơi tấm HCV dù cho đã có những lúc chúng ta đã chạm được một tay vào nó.
Chia sẻ về những áp lực của các VĐV thuộc các bộ môn khác nhau và đặc biệt là bộ môn bóng đá tại các kỳ SEA Games, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, nguyên Tổng thư ký của Liên đoàn Thể dục Việt Nam, và nguyên là trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic, Asian Games, SEA Games cho biết : “Trong chương trình thi đấu của đại hội thể thao có rất nhiều nội dung thi đấu. Và SEA Games dao động từ 40 cho đến 50 môn thể thao nhưng NHM quan tâm nhiều đến bóng đá vì chúng ta hâm mộ bộ môn này. Về chủ quan, bóng đá là môn thể thao đối kháng tập thể có chiến thuật và nhiều kỹ thuật đa dạng. Chúng ta luôn khát khao tấm HCV bóng đá nam vì kể từ khi tham dự SEA Games đến giờ, đội tuyển bóng đá nam của chúng ta chưa bao giờ vô địch được”.
“Chính bởi vậy, vì tình yêu bóng đá, vì mong muốn có HCV SEA Games nên người ta đẩy lên một cái tâm lý là muốn, khát khao và thỏa mãn mơ ước của mình nên quan tâm nhiều. Điều này tự nhiên dẫn đến áp lực cực lớn cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, HLV trưởng và đặc biệt là các VĐV”, ông Nguyễn Hồng Minh lý giải về áp lực của bóng đá Việt Nam tại SEA Games đến từ chính sự kỳ vọng và khao khát tột độ của NHM.
Để có thể hiểu rõ hơn về sự kỳ vọng và những áp lực mà các cầu thủ của chúng ta đã từng phải trải qua, phóng viên Báo Người Đưa Tin đã tìm về thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương để được nghe những tâm sự ở kỳ SEA Games 28 mà cựu tuyển thủ U23 Việt Nam Phạm Đức Huy từng tham dự.
Hồi tưởng lại kỳ SEA Games năm ấy, tiền vệ mang áo số 15 của ĐTQG Việt Nam cho biết rằng đội hình năm ấy của U23 Việt Nam sở hữu rất nhiều cầu thủ giỏi đồng đều ở mọi tuyến: “U23 Việt Nam tham dự SEA Games 28 tại Singapore là một tập thể với nhiều cá nhân giỏi, đồng đều ở mọi tuyến và khá thành danh ở V.League”.
“Không chỉ riêng kỳ SEA Games năm ấy, ở những kỳ đại hội trước, niềm ao ước, mong chờ tấm HCV của NHM đối với bộ môn bóng đá nam chưa bao giờ nguôi cả. Đặc biệt trước khi SEA Games 28 diễn ra, U23 Việt Nam đã có được bước chạy đà vô cùng hoàn hảo khi lần đầu tiên chúng ta giành quyền lọt vào vòng chung kết U23 châu Á. Với những thành công ấy, NHM cả nước đặt kỳ vọng rất lớn vào tấm HCV”, Đức Huy chia sẻ về quá trình chuẩn bị hoàn hảo và mơ ước của các CĐV.
Tuy nhiên, cựu tiền vệ của U23 Việt Nam năm ấy cũng tâm sự rằng chính sự thành công tại vòng loại U23 châu Á cùng sự kỳ vọng của NHM nước nhà và tự chính bản thân mỗi cầu thủ cũng khiến toàn đội gặp áp lực: “Bước vào mỗi kỳ SEA Games áp lực là điều đương nhiên bởi chúng ta vẫn chưa một lần có được tấm HCV. Những áp lực ấy không đến từ mỗi NHM bởi họ có quyền kỳ vọng và hy vọng. Áp lực ấy còn đến từ chính bản thân của các cầu thủ”.
Theo Đức Huy, chính các cầu thủ khi bước vào giải đấu đều tự đặt một quyết tâm riêng và hướng đến một mục tiêu chung là vô địch. Vì thế, dù toàn đội rất tự tin nhưng xen lẫn vào đó vẫn có những áp lực nhất định. Đầu tiên là làm sao để mình có thể thi đấu thật tốt, phối hợp với đồng đội nhuần nhuyễn, hạn chế mắc phải những sai lầm cá nhân.
“ Để giảm bớt áp lực do chính mình tạo nên, sau những trận đấu, các cầu thủ thường đi chơi hay gọi điện về cho gia đình, người thân để nhận được sự khích lệ, động viên nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào đó. Bởi lẽ các đối thủ của chúng ta đều rất mạnh, đặc biệt là Thái Lan và chúng ta phải cố gắng giành chiến thắng trong mọi trận đấu”.
Tiếp đến là kinh nghiệm thi đấu quốc tế của U23 Việt Nam ở thời điểm đó không thực sự nhiều nên nhiều khi chúng ta vẫn bị khớp khi phải thi đấu với những đội bóng có lối chơi khó chịu dẫn đến những sai lầm không đáng có.
Còn đối với tiền đạo Nguyễn Văn Toàn, người từng góp mặt ở kỳ SEA Games được kỳ vọng nhất cách đây hai năm trước cũng chia sẻ rằng năm ấy toàn đội phải thi đấu dưới một áp lực vô cùng khủng khiếp: “Ở kỳ SEA Games 29, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo cũng như NHM Bóng đá Việt Nam rất lớn. Ai cũng kỳ vọng và hy vọng vào việc U23 Việt Nam sẽ giành được tấm HCV bởi đội hình của chúng ta lúc ấy sở hữu rất nhiều cầu thủ giỏi và thi đấu tốt”.
“SEA Games 29 theo em có lẽ là giải đấu được kỳ vọng nhiều nhất bởi đội hình của chúng ta với nòng cốt là những cầu thủ đã từng thi đấu tốt trong màu áo của U19 Việt Nam cùng những sự bổ sung chất lượng khác. Toàn đội tham dự SEA Games với mục tiêu là giành vàng. Bởi vậy, bọn em đã nỗ lực tập luyện trong từng buổi tập, cố gắng thi đấu hết mình trong mỗi trận đấu để có được những kết quả thật tốt”, Văn Toàn nhớ lại.
Chính việc đặt mục tiêu quá cao cùng sự kỳ vọng lớn đến từ NHM vô hình trung đã tạo nên áp lực cực lớn đối với các cầu thủ: “ Tham dự bất kỳ giải đấu nào thì mục tiêu luôn là giành chức vô địch. Năm đó, mục tiêu của toàn đội cũng như sự kỳ vọng của NHM rất cao mà có lẽ là cao nhất từ trước đến nay nên hầu hết các thành viên trong đội đều cảm thấy thực sự áp lực và căng thẳng. Nhưng anh em cũng đã quen với điều này nên cố gắng vượt qua ”.
“Bước vào giải đấu, toàn đội có được sự tự tin rất cao nên tâm lý của anh em rất thoải mái thi đấu. Thế nhưng, sau trận đấu với Indonesia, toàn đội cảm thấy buồn vì không thể thắng được và áp lực trong việc giành chiến thắng ở những trận đấu tiếp lại càng lớn hơn. Cũng chính bởi những áp lực nặng nề mà toàn đội đã mắc những sai lầm cá nhân dẫn đến việc để thua Thái Lan và phải dừng bước ngay sau vòng bảng”.
Sau những thành công vang dội trong suốt hơn 2 năm vừa qua, U22 Việt Nam bước vào hành trình giành vàng tại SEA Games 30 với một đội hình thực sự chất lượng cùng một HLV tài ba với sự kỳ vọng lớn lao nơi NHM.
Với những thành tích đã gặt hái cùng sự trưởng thành nhanh chóng của các tuyển thủ trẻ, kỳ SEA Games này sẽ là động lực nhưng cũng là áp lực lớn để đoàn quân của HLV Park Hang-seo cụ thể hóa việc giành tấm HCV SEA Games.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Đưa Tin, chuyên gia bóng đá Lê Thế Thọ đặt niềm tin rất lớn vào việc U22 Việt Nam sẽ giành được chức vô địch SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử: “Nếu chúng ta thực sự quyết tâm và thực hiện nghiêm chỉnh những chỉ đạo mà ban huấn luyện đưa ra và phải có ý chí thi đấu như ở VCK U23 châu Á 2018, chúng ta sẽ vô địch. Về lực lượng, chúng ta không thua kém đội nào cả. Các cầu thủ của mình đang ở độ chín của sự nghiệp, kinh nghiệm thi đấu, bản lĩnh thi đấu và thậm chí cả thể hình, thể lực đều rất tốt. Trong đó, chúng ta có khá nhiều cầu thủ hiện đang là trụ cột của ĐTQG nên tôi cho rằng U22 Việt Nam xứng đáng vô địch ở giải đấu năm nay.
“Tuy nhiên, các đối thủ của chúng ta ngoài Brunei và Lào ra, họ thi đấu rất cẩn thận và quyết liệt hơn nhiều nhất là Thái Lan và Indonesia và những đội bóng khác nếu chúng ta lọt vào bán kết. Bởi vậy, U22 Việt Nam cần thi đấu tập trung, hạn chế được những sai lầm không đáng có và phải tận dụng tốt cơ hội mà mình tạo ra thì chúng ta sẽ thành công”,
U22 Việt Nam ở giải đấu năm nay quy tập rất nhiều cầu thủ tài năng và nhiều cầu thủ trong số đó hiện đang là trụ cột của ĐTQG. Tuy trẻ tuổi nhưng kinh nghiệm thi đấu quốc tế của họ là rất nhiều.
Sẽ là rất áp lực cho các tuyển thủ U22 Việt Nam nhưng họ đã trải qua rất nhiều giải đấu quốc tế lớn nhỏ, trải qua được rất nhiều áp lực nên họ sẽ biết cách vượt qua áp lực để mang về vinh quang cho Tổ quốc. Với những cầu thủ chất lượng, có kỹ chiến thuật tốt và tâm lý thi đấu vững vàng, SEA Games 30 là lúc để U22 Việt Nam hoàn thiện nốt giấc mơ vàng còn đang dang dở.