Ông Phạm Giang Linh – Tổng Giám đốc Galaxy Education, gọi đó là căn bệnh khó chữa của quá trình phát triển nền kinh tế số. Dù vậy, vẫn luôn có cách để phân biệt “vàng – thau” và tự bảo vệ chính mình, trong mục tiêu hướng đến xây dựng một môi trường số lành mạnh.

Người Đưa Tin (NĐT): Giờ thì đối với giáo viên, học sinh Việt Nam, Hocmai là một thương hiệu phổ biến, nếu như không nói là “ai cũng biết”. Trở lại quá khứ, Hocmai đã gây dựng sự nghiệp của mình như thế nào?

Ông Phạm Giang Linh: Internet chính thức vào Việt Nam từ cuối năm 1997 và giai đoạn gần 10 năm sau đó, nhu cầu về các nội dung trên môi trường internet dần gia tăng và người ta cũng bắt đầu nhìn ra được cơ hội trên không gian mạng. Do vậy, phần lớn các sản phẩm số thế hệ đầu của Việt Nam đều được manh nha trong giai đoạn những năm 2005 -2007. Hocmai cũng được gây dựng trong bối cảnh đó.

Tháng 3/2007, Hocmai chính thức tham gia khi thị trường giáo dục trực tuyến gần như chưa có gì. Chúng tôi cũng như đi đào vàng, tin là có “vàng” ở phía trước nhưng phải tự gầy dựng mọi thứ. Ý tưởng khởi nghiệp của Hocmai cũng rất đơn giản, xuất phát từ sự đồng cảm với ước mơ chinh phục cổng trường đại học của hàng triệu học sinh tỉnh lẻ mà chính chúng tôi cũng từng trong số đó.

Trở lại quá khứ, vào những năm 90, đầu 2000, việc luyện thi ở tỉnh lẻ và các thành phố có khoảng cách rất lớn. Ở tỉnh lẻ, sách và tài liệu khan hiếm, học sinh khó có cơ hội được học với giáo viên nổi tiếng. Mỗi mùa thi, học sinh và phụ huynh ‘rồng rắn’ kéo lên các thành phố lớn để chen chân trong “lò luyện thi’.

Do đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng xây dựng thư viện học liệu gồm ngân hàng câu hỏi, kho đề thi chất lượng cùng các bài giảng điện tử do giáo viên nổi tiếng tại Hà Nội giảng dạy để học sinh trên mọi miền đất nước không cần vượt đường xa vẫn có thể được học như các bạn ở thành phố lớn.

5 năm sau ngày thành lập, nhìn thấy cơ hội của thị trường, bên cạnh luyện thi đại học, chúng tôi mở rộng thêm các gói học tập bổ trợ cho học sinh lớp 11, lớp 10 rồi Trung học cơ sở và Tiểu học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng định vị rõ hơn về sứ mệnh và con đường phát triển của mình, đó là đồng hành cùng các em học sinh trong việc hoàn thiện kiến thức và kỹ năng trong một chặng dài chứ không chỉ dừng lại ở việc đạt điểm cao trong các kì thi.

Sau 17 năm phát triển, Hocmai đã thực sự có một hành trình dài mà thành quả lớn nhất là tạo dựng được lòng tin và sự tín nhiệm của hơn 8 triệu học sinh và phụ huynh. Chúng tôi tự hào về cộng đồng của mình và càng tự hào hơn vì sự phát triển của Hocmai đã góp phần tạo ra nhiều sự thay đổi của giáo dục Việt Nam.

NĐT: Sau 17 năm, Hocmai đã chứng minh được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Và để chinh phục được vị trí đó, hành trình đã khó khăn thế nào?

Ông Phạm Giang Linh: Khó khăn thì rất nhiều nhưng nếu nói là lớn nhất thì chủ yếu đến từ vấn đề kỹ thuật. Chúng ta biết với nhau là nhu cầu học trực tuyến rất lớn nhưng ở thời điểm cách đây gần 15 - 20 năm thì việc kết nối internet là một bài toán không hề đơn giản. Ở hiện tại, internet trở nên rất phổ biến và tiện lợi, mọi lúc mọi nơi nhưng trong giai đoạn đầu của Hocmai, số lượng người có thể tiếp cận được internet quả thật rất ít. Chưa kể, tốc độ đường truyền của internet cũng rất khác bây giờ. Rất may, theo thời gian, vấn đề này từng bước được khắc phục và có sự thay đổi nhanh chóng.

Khó khăn thứ hai mà chúng tôi cần vượt qua là tìm kiếm sự tin tưởng và đồng hành của các thầy, cô giáo. Hiện tại chúng ta có thể thấy bình thường nhưng nhiều năm trước để thuyết phục các thầy cô thực hiện một bài giảng trên internet gặp nhiều trở ngại. Một phần vì mọi người chưa hiểu môi trường mạng như thế nào nên rất cẩn trọng, một phần vì việc dạy học trên internet chưa phải nhu cầu cấp thiết có thể khiến các thầy cô bắt buộc phải thay đổi. Chúng tôi đã phải kiên trì cùng các thầy cô từng bước thay đổi thói quen trong dạy học.

Việc xây dựng chương trình học và cách truyền đạt kiến thức trên môi trường số cũng là một bài toán phải giải để làm sao vừa bảo đảm hiệu quả vừa tránh sự buồn chán. Điều này rất quan trọng bởi học trực tuyến khác nhiều so với học trực tiếp mà vốn dĩ kiến thức học thuật thường không hấp dẫn với học sinh. Do đó, không thể bê nguyên một bài giảng ngoài thực tế lên môi trường số một cách cơ học mà phải có sự điều chỉnh, chọn lọc lại.

NĐT: Môi trường số mở ra nhiều cơ hội trong sáng tạo, lưu giữ, phân phối các sản phẩm giáo dục nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm. Là một đơn vị cung cấp sản phẩm công nghệ về giáo dục trên nền tảng số, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Giang Linh: Ngành công nghiệp nội dung số có đặc tính thay đổi liên tục và phổ quát đại chúng. Do đó việc tạo lập được một nền tảng pháp lý để có thể bảo vệ bản quyền, xa hơn là hỗ trợ sự phát triển của các nội dung số là bài toán lớn của hầu hết các nước. Nhiều quốc gia phát triển đã đi trước chúng ta nhiều năm như Mỹ chẳng hạn cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự.

Với tốc độ phát triển như hiện tại, đây chắc chắn sẽ còn là vấn đề lớn của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Chưa kể, sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo (Al) cùng với khả năng tạo ra “một núi” nội dung số thì việc lựa chọn cách ứng xử phù hợp cũng là một thách thức lớn.

Điểm tích cực là trong những năm gần đây, song song với sự phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã rất quan tâm và cố gắng tạo ra những thay đổi về nhận thức, chính sách và thực tiễn bảo vệ bản quyền.

Chúng tôi có thể nhìn thấy rất rõ điều này từ chính câu chuyện của mình. Nếu như 17 năm trước khi Hocmai bắt đầu hoạt động, internet gần như là một môi trường không hề có khái niệm của bản quyền, việc xâm phạm tác quyền diễn ra tràn lan và thiếu vắng các chế tài, quy định quản lý. Khi đó, nếu như có 1 người học thật trên Hocmai thì có đến 3 người học chui thông qua các hình thức vi phạm bản quyền.

Trong 4 – 5 năm gần đây, tình trạng này đã có sự chuyển biến rõ rệt. Dù vậy, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đây vẫn là một căn bệnh khó chữa. Các yếu tố bảo mật phát triển đến đâu thì thủ đoạn, phương thức xâm phạm bản quyền tinh vi, phức tạp đến đó. Do vậy, những nỗ lực chắc chắn còn phải tiếp diễn, thậm chí với mức độ cao hơn.

NĐT: Lựa chọn trong bối cảnh “đồng – thau” như vậy là gì, thưa ông?

Ông Phạm Giang Linh: Chúng tôi hiểu hiện trạng và cố gắng làm bài bản vấn đề bản quyền từ đầu. Ví dụ như với một chương trình học, chúng tôi luôn chủ động đi đăng ký bản quyền. Đó là quyền lợi và nếu chúng ta không tự ý thức được thì chẳng ai bảo vệ được mình cả.

Ở môi trường nào cũng vậy, tôi nghĩ có 2 khía cạnh rất quan trọng. Thứ nhất, người tạo ra sản phẩm phải có ý thức tự bảo vệ tác quyền của mình. Thứ hai là sự thay đổi của xã hội khi nhìn nhận về vấn đề bản quyền. Ở Việt Nam, những năm gần đây, nhận thức của xã hội trong việc này đã có sự cải thiện đáng kể và ngày càng tích cực. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang rất cố gắng để tạo ra khuôn khổ cho môi trường số phát triển lành mạnh

NĐT: Công nghệ có vai trò như thế nào trong quá trình này, thưa ông?

Ông Phạm Giang Linh: Công nghệ đương nhiên sẽ là một giải pháp hỗ trợ tích cực tuy nhiên nó không thể giải quyết được căn cốt vấn đề. Chúng tôi cũng là một doanh nghiệp công nghệ và hiểu rằng bất kỳ nội dung nào đã đưa lên không gian mạng thì đều có thể tái sử dụng, đều có thể bị tải xuống và sao chép, bằng cách này hoặc cách khác.

Nhiều công ty cung cấp sản phẩm số lớn trên thế giới đã cố gắng tăng cường các yếu tố công nghệ để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền nhưng đều chưa thành công hoàn toàn. Tôi coi đó là rủi ro trong việc kinh doanh, chúng ta đã chấp nhận tung sản phẩm ra thị trường thì cũng cần xác định tâm thế sản phẩm có thể bị sao chép. Điều quan trọng là chúng ta chuẩn bị sẵn một nền tảng tâm lý và giải pháp để ứng phó với rủi ro này.

NĐT: Dưới góc độ pháp lý, đã bao giờ Galaxy Education triển khai các biện pháp để bảo vệ mình trước những vi phạm bản quyền chưa?

Ông Phạm Giang Linh: Chúng tôi có bộ phận pháp chế để xử lý việc này. Thông thường trước một sự việc vi phạm bản quyền, chúng tôi sẽ lựa chọn xử lý nhẹ nhàng trước, bằng một email nhắc nhở. Nếu không giải quyết được, chúng tôi sẽ chuyển sang bước 2 bằng việc gửi công văn chính thức, chỉ rõ hành vi vi phạm bản quyền và yêu cầu chấm dứt. Và mức cao nhất, chúng tôi sẽ nhờ sự can thiệp của các cơ quan bảo vệ bản quyền.

Tất nhiên do các vi phạm rất đa dạng, bao gồm của cả tổ chức, cá nhân, cả ít nghiêm trọng lẫn nghiêm trọng, nên chúng tôi sẽ tập trung vào việc xử lý các tổ chức, cá nhân với các vi phạm nghiêm trọng nhằm trục lợi.

NĐT: Theo ông, cần có những hành động thế nào để nâng cao nhận thức của người dùng về quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến bản quyền sản phẩm giáo dục?

Ông Phạm Giang Linh: Môi trường số cũng có rất nhiều chủ thể tham gia tương tự như môi trường thực. Có cơ quan quản lý, có đơn vị cung cấp dịch vụ, các đơn vị khai thác, sử dụng nội dung số và cuối cùng là người sử dụng. Do vậy, trong việc nâng cao nhận thức, tôi nghĩ trước hết phải bắt đầu từ chính các đơn vị cung cấp dịch vụ - những người trực tiếp tạo nên nội dung số. Họ cần phải ý thức được lợi ích của mình và biết cách làm như thế nào để bảo vệ bản quyền của mình.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dùng cuối cũng hết sức quan trọng, bởi đây chính là nhóm đối tượng rộng lớn nhất. Để việc tăng cường nhận thức đạt hiệu quả, ngoài tuyên truyền, chúng ta cũng cần có những biện pháp cụ thể ngăn chặn luồng thông tin vi phạm bản quyền, xử lý các trường hợp vi phạm điển hình để răn đe.

Tất nhiên rất khó để làm triệt để hoàn toàn, nhưng chúng ta sẽ nỗ lực tối đa để có một môi trường số lành mạnh.

NĐT: Là một người nhiều năm gắn bó với giáo dục trực tuyến, ông mường tượng như thế nào về bức tranh phát triển của lĩnh vực trong 10 năm tới?

Ông Phạm Giang Linh: Công nghệ giáo dục có đặc thù hơn so với các lĩnh vực công nghệ khác. Nếu như trong tài chính, thanh toán, thương mại,…yếu tố công nghệ sẽ làm thay đổi toàn diện, giảm tối đa các tương tác vật lý thì đối với giáo dục trực tuyến, không thể loại bỏ hoàn toàn các tương tác vật lý, dù công nghệ phát triển đến mức nào.

Bởi nguyên tắc của giáo dục là sự kết nối giữa con người với con người. Và công nghệ đóng vai trò là công cụ, giúp thay đổi phương thức tiếp cận kiến thức và gia tăng tính kết nối. Giả dụ với giáo dục thông thường, học sinh chỉ có thể học với các giáo viên trong một phạm vi rất nhỏ thì giáo dục trực tuyến cho phép học sinh chỉ cần ở nhà và học với giáo viên ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Bên cạnh đó, giáo dục trực tuyến giải quyết được một vấn đề nan giải của xã hội, đó là thiếu giáo viên. Trong tương lai, vai trò này chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy.

Hơn nữa, bản chất của việc dạy và học trên môi trường số cũng đang tạo ra nhiều sự tiện lợi, giảm chi phí và phù hợp với xu hướng tất yếu của thời đại. Học sinh có cơ hội được bồi dưỡng các kỹ năng số - vốn dĩ rất cần thiết trong kỷ nguyên mới.

Do đó, tôi tin rằng, cùng với những bước tiến của các nền tảng công nghệ, giáo dục trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cùng với giáo dục truyền thống, trở thành trụ cột của ngành giáo dục trong tương lai.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Thực hiện: Công Luân - Mạnh Quốc

Hình ảnh: Hữu Thắng

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |