Nếu so sánh mức độ lây nhiễm của biến thể Delta và biến thể Omicron, thì Delta giống như là vòi tưới nước trong vườn, còn Omicron là vòi nước cứu hỏa, trang CBC News dẫn lời nhà dịch tễ học Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ), cho biết.
Omicron đã thay đổi virus SARS-CoV-2 gần như ở mọi cấp độ, từ tỉ lệ lây nhiễm, thời gian cần để lây nhiễm từ người này sang người khác cho tới mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà nó gây ra.
Ảnh minh họa.
“Thật may vì bây giờ biến thể Omicron mới xuất hiện”, Tiến sĩ Bonnie Henry, cán bộ y tế British Columbia (Canada), nhận định. “Nếu biến thể Omicron xuất hiện từ đầu và lây lan trước khi người dân được chủng ngừa, đặc biệt là người cao tuổi, thì nó sẽ là một thảm họa".
Tiến sĩ Henry cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất với biến thể Omicron là thời gian ủ bệnh đã ngắn hơn nhiều. Nếu như các biến thể trước đây mất 5-7 ngày để làm xuất hiện các triệu chứng, thì Omicron chỉ cần 2-3 ngày để khiến mọi người phát bệnh.
Đó là lý do tại sao nó gây ra các đợt bùng phát nhanh chóng với các ca bệnh tương đối ít nghiêm trọng. Nhưng với số lượng ca mắc bùng nổ, việc hệ thống chăm sóc y tế phải gồng mình chống chịu là không tránh khỏi, Tiến sĩ Henry cho biết.
Tiến sĩ Bonnie Henry, cán bộ y tế của British Columbia, phát biểu tại một cuộc họp báo về Covid-19 tại Vancouver, Canada, hôm 4.1.2022. Ảnh CBC News
“Vấn đề không phải là ngăn chặn Omicron, chúng ta không thể ngăn chặn biến thể này”, bà nhận định. “Tuy nhiên, những gì chúng ta có thể làm là làm chậm sự lây lan của nó, cố gắng bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất và hạn chế tác động của nó lên các bệnh viện".
Nhiều nghiên cứu đã gợi ý rằng Omicron ít gây tử vong hơn so với một số biến thể trước đó, Reuters bình luận. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan khủng khiếp, số lượng ca dương tính tăng “dựng đứng” có thể áp đảo các bệnh viện ở một số quốc gia và khiến nhiều doanh nghiệp phải vật lộn để tiếp tục hoạt động trong tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng.
Ảnh minh họa.
Ở Mỹ, Omicron đang phá vỡ các chuỗi cung ứng thực phẩm vốn đã căng thẳng khi ngày càng có nhiều nhân sự kêu ốm hoặc phải cách ly vì có tiếp xúc với ca bệnh. Từ siêu thị đến cửa hàng tạp hóa đều đang phải vật lộn để lấp đầy các kệ hàng do tình trạng thiếu lao động trong mọi bộ phận của chuỗi cung ứng thực phẩm, từ trang trại, nhà sản xuất đến nhà phân phối.
Ở Australia, tình trạng thiếu nhân viên bệnh viện đã khiến Bộ trưởng Y tế Liên bang Greg Hunt phải huy động hơn 100.000 nhân viên y tế và 57.000 y tá từ các bệnh viện tư nhân sang khu vực công trên toàn quốc, The Sydney Morning Herald đưa tin.
Lời kêu gọi tăng thêm nguồn lực được đưa ra khi giới chức bang Victoria, một trong những bang đông dân nhất của Australia, kích hoạt tình trạng “mã màu nâu” trong các bệnh viện, thường chỉ dành cho trường hợp xảy ra các thảm họa tự nhiên hoặc các sự kiện thương vong hàng loạt.
Mã màu này sẽ cho phép các bệnh viện hủy bỏ những dịch vụ y tế không khẩn cấp, hoãn nghỉ phép của nhân viên và bố trí lại nhân viên đến những khu vực có nhu cầu cao nhất.
Áp lực đang đè nặng lên hệ thống y tế công ở Queensland, bang đông dân thứ 3 của Australia, khi hơn 6.000 nhân viên y tế phải nghỉ việc do Covid-19. Ảnh The Sydney Morning Herald
Lo sợ về tác động kinh tế của việc quá nhiều thành viên của lực lượng lao động phải nghỉ việc, gây gián đoạn các dịch vụ thiết yếu, chính phủ nhiều nước đã cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhiễm Covid-19 hoặc có tiếp xúc gần với ca bệnh.
Các nước như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ireland, Đức, Bỉ, Pháp, Hy Lạp… đều đã thực hiện hoặc xem xét thực hiện bước đi này, rút ngắn thời gian cách ly từ 10-14 ngày xuống còn 5-7 ngày.
Bên cạnh đó, chính phủ một số nước châu Âu như Hà Lan, Đan Mạch… cũng xem xét nới lỏng lệnh phong tỏa trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh được ghi nhận vẫn ở các mức cao kỷ lục, nhưng số ca nhập viện cần chăm sóc đặc biệt (ICU) và số ca tử vong giảm.
Tiến sĩ Catherine Smallwood, chuyên viên cao cấp phụ trách các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu. Ảnh Independent.ie
"Chúng ta đang bước một bước lớn và điều đó đồng nghĩa là chúng ta đang đối mặt với một rủi ro lớn", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết vào thời điểm trước khi các quán bar, nhà hàng, tiệm làm tóc, phòng tập gym… ở quốc gia này được phép mở cửa trở lại.
Thủ tướng Rutte cũng cho biết, một kế hoạch dài hơi cho đất nước ứng phó với Covid-19 sẽ được công bố vào tháng tới.
Theo Reuters, Anh và Israel đã nới lỏng yêu cầu đối với các xét nghiệm PCR tiếp theo sau khi có kết quả test nhanh do tỉ lệ ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao khiến các phòng thí nghiệm quá tải.
Ảnh The Dope News
Ngoài ra, Reuters cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson, dẫn dữ liệu chính thức cho thấy đà giảm của số ca nhiễm Covid-19 tại Anh, đã tuyên bố dừng áp dụng một số biện pháp ngăn chặn Covid-19, bao gồm cả quy định bắt buộc đeo khẩu trang và yêu cầu làm việc tại nhà. Theo đó, các biện pháp trong Kế hoạch B (kế hoạch dự phòng được áp dụng từ tháng 12/2021) ở nước này sẽ hết hiệu lực sau ngày 26/1.
Tuy nhiên, nhà virus học Lawrence Young của Đại học Warwick cảnh báo: “Không có gì đảm bảo rằng mức độ lây nhiễm sẽ duy trì đà giảm như hiện tại. Tôi cho rằng chúng ta không nên chủ quan vào thời điểm này, nhưng tôi hiểu nhu cầu kinh tế và người dân mong muốn trở lại cuộc sống bình thường”.
Trong số các công cụ nhằm kiểm soát tình hình dịch, việc đếm số ca nhiễm bệnh đã được thực hiện ngay từ khi đại dịch bắt đầu và trở thành xu hướng chung trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây, tính hữu dụng của những con số đó đã bị nghi ngờ.
Theo The Guardian, một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và các quan chức y tế công cộng của Mỹ đang đặt câu hỏi: Liệu đếm các trường hợp Covid-19 có còn là cách tiếp cận đúng đắn hay không? Liệu có nên tiếp tục sử dụng số liệu về ca nhiễm làm thước đo để xác định những nỗ lực giảm thiểu nào là phù hợp hay không, vì dữ liệu cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn nhưng lại dễ lây lan hơn nhiều so với các biến thể trước đó.
Họ lập luận rằng số liệu về ca bệnh "không phản ánh những gì chúng đã từng phản ánh" và Mỹ đã bước vào một giai đoạn của đại dịch, khi mà việc đếm số ca bệnh gia tăng vùn vụt mỗi ngày chỉ mang lại những lo lắng không cần thiết, và rằng các quan chức chính phủ và công chúng thay vào đó nên nhìn vào dữ liệu về số ca tử vong và nhập viện khi xem xét các biện pháp phòng ngừa.
Ảnh minh họa.
Việc đếm số ca bệnh "đang gây ra rất nhiều hoảng sợ và sợ hãi, nhưng chúng không còn phản ánh những gì chúng đã từng phản ánh, khi mà số ca nhập viện nương theo số ca nhiễm bệnh", Tiến sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco, cho biết.
Tuy nhiên, vài chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khác cho rằng, bất chấp việc dữ liệu từ Nam Phi cho thấy làn sóng Omicron ở đó không đi kèm với sự gia tăng đáng kể số ca tử vong, virus vẫn tiếp tục gây căng thẳng tại các bệnh viện ở Mỹ, do đó số ca nhiễm Covid-19 vẫn là một thước đo quan trọng.
"Biến thể này có vẻ kém độc hại hơn vì 2 lý do", Tiến sĩ Gandhi cho biết. “Dường như khả năng miễn dịch của chúng ta đã tăng cao hơn” so với các đợt bùng phát trước và “hiện có 5 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy nó dường như ít tấn công phổi nghiêm trọng”.
Theo bà, khi báo cáo dữ liệu về Covid-19, giờ các cơ quan y tế nên áp dụng cách tiếp cận tương tự như cách họ làm với bệnh cúm. Điều đó có nghĩa là công bố dữ liệu nhập viện và tử vong nhưng không công bố số liệu liên quan đến số ca nhiễm vì, “giống như bệnh cúm, loại bỏ virus là bất khả thi, do đó, chúng ta chỉ nên tập trung vào mức độ nghiêm trọng của nó”, bà cho biết.
“Một khi chúng ta đã chấp nhận Covid-19 là bệnh đặc hữu, giống như bệnh cúm, thì chúng ta không còn cần theo dõi các ca bệnh, vì chúng ta không bao giờ sàng lọc như vậy để truy vết bất kỳ loại virus nào khác, chúng ta chỉ theo dõi nó gây bệnh như thế nào và khiến người ta nhập viện ra sao”, vị chuyên gia này lập luận.
Ảnh minh họa.
Một số quốc gia hiện đang triển khai một cách tiếp cận không tập trung vào đếm số ca nhiễm. Ví dụ, ở Canada, nơi cũng đã chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng cao lên mức kỷ lục gần đây, Tiến sĩ Robert Strang, Giám đốc Y tế tỉnh Nova Scotia, cho biết tại một cuộc họp báo hồi cuối năm 2021 rằng, cơ quan này sẽ không còn tập trung vào đếm số ca nhiễm hàng ngày.
"Chúng tôi không còn cần xác định và để y tế công cộng quản lý mọi ca nhiễm biến thể này vì nó chỉ gây bệnh tương đối nhẹ đối với hầu hết mọi người. Chúng tôi cần tập trung nỗ lực và nguồn lực vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng địa phương", Tiến sĩ Strang cho biết.
“Omicron ở xung quanh chúng ta và chúng ta phải nhận ra rằng mình có thể tiếp xúc với mầm bệnh ở bất cứ đâu… Chúng ta chỉ có thể kiềm chế và làm chậm sự lây lan chứ không thể loại bỏ hoàn toàn nó”.
“Quan trọng hơn, bây giờ chúng ta phải tập trung chú ý vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tức là quan tâm đến số ca nhập viện và số ca cần chăm sóc tích cực (ICU) là bao nhiêu, đặc điểm xung quanh những trường hợp đó là gì”, Tiến sĩ Strang nhận định.
Ảnh minh họa.
Gần đây, Chính phủ Philippines cũng thông báo rằng họ sẽ ngừng đăng thông tin cập nhật số ca nhiễm bệnh trên phương tiện truyền thông xã hội, tương tự như cách tiếp cận mà Singapore đã sử dụng kể từ đầu tháng 12/2021, theo Hawaii Public Radio.
Nhưng ở Mỹ, có những vùng mà các bệnh viện vẫn còn quá tải, phần lớn là do những bệnh nhân chưa được tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Ví dụ, ở tiểu bang Maryland, nơi từng chứng kiến số ca Covid-19 tăng hơn 500% và số ca nhập viện tăng 50%, ít nhất 6 bệnh viện đã thực hiện các tiêu chuẩn chăm sóc y tế theo chế độ khủng hoảng, tờ Baltimore Sun cho biết.
Trung tâm y tế Johns Hopkins Bayview (Baltimore, Maryland) đã chứng kiến số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tăng 360% vào tháng 12/2021.
Ảnh minh họa.
Justin Lessler, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Bắc Carolina, vẫn coi số ca bệnh là một "chỉ số quan trọng hàng đầu".
“Số ca nhiễm Omicron gia tăng rất nhanh chóng. Ngay cả khi nó thực sự ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các biến thể trước đó, số ca bệnh tăng dựng đứng như vậy vẫn sẽ khiến hệ thống bệnh viện bị quá tải và gây rủi ro lây nhiễm cho các cá nhân", Giáo sư Lessler cho biết.
Mara Aspinall, giáo sư chẩn đoán y sinh tại Đại học Bang Arizona, cũng cho rằng dữ liệu về số lượng ca bệnh vẫn quan trọng vì nó ngăn công chúng phản ứng quá gắt hoặc quá hững hờ đối với đại dịch.
Biến thể Omicron không thể bị loại bỏ, đang lan như cháy rừng và đe dọa làm quá tải hệ thống y tế, liệu tất cả những điều này có ảnh hưởng đến sự kết thúc của đại dịch? Và tình hình sẽ diễn biến như thế nào trong những tuần và tháng tới?
Các nhà khoa học đang nhận thấy các tín hiệu rằng làn sóng Omicron đáng báo động của Covid-19 có thể đã đạt đỉnh ở Anh và điều tương tự sẽ xảy ra ở Mỹ trong tương lai gần, hãng AP đưa tin. Tại thời điểm đó, số ca nhiễm có thể bắt đầu giảm đột ngột.
Lý do đơn giản chỉ là vì biến thể siêu lây lan này đã đã hết người để lây nhiễm, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi nó được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.
Ali Mokdad, giáo sư khoa học đo lường sức khỏe tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết: “Nó sẽ giảm nhanh như khi tăng lên”.
Đồng thời, các chuyên gia cảnh báo rằng, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về việc giai đoạn tiếp theo của đại dịch có thể diễn ra như thế nào. Và ngay cả khi số ca nhiễm Omicron suy giảm, không có gì đảm bảo các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không tiếp tục xuất hiện và làm gia tăng đột biến các ca nhiễm mới trong tương lai.
Người dân xếp hàng tại bệnh viện St Thomas, London, Anh quốc, để được tiêm mũi tăng cường ngừa Covid-19. Ảnh Al Jazeera
"Vẫn còn rất nhiều người sẽ bị nhiễm bệnh khi chúng ta trong giai đoạn từ đỉnh dịch xuống", Lauren Ancel Meyers, Giám đốc Hiệp hội Mô hình Covid-19 của Đại học Texas, cho biết.
Nhiều nhà nghiên cứu, thông qua các mô hình, dự đoán rằng số ca nhiễm và số ca nhập viện sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 1 và sau đó bắt đầu giảm. Đồng thời, họ cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về Omicron có thể làm thay đổi đáng kể các dự báo.
Theo Kevin McConway, một giáo sư đã nghỉ hưu chuyên về thống kê ứng dụng tại Đại học Mở của Anh, trong khi các ca bệnh vẫn đang gia tăng ở những nơi như Tây Nam và Tây Trung nước Anh, đợt bùng phát có thể đã lên đến đỉnh điểm ở London.
Các chuyên gia đang chờ đợi xem liệu Anh và Mỹ có chứng kiến những gì đã xảy ra ở Nam Phi, nơi trong khoảng một tháng, làn sóng lây nhiễm đạt mức cao kỷ lục và sau đó giảm đáng kể.
“Chúng tôi đang thấy số ca nhiễm giảm xuống rõ rệt ở Vương quốc Anh, nhưng tôi muốn thấy những con số giảm nhiều hơn nữa trước khi đi đến kết luận liệu điều đã xảy ra ở Nam Phi có xảy ra ở đây hay không”, Tiến sĩ Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia của Anh, cho biết.
Người dân ở Anh. Ảnh BBC
Sự khác biệt giữa Anh và Nam Phi, bao gồm dân số già của Anh và xu hướng người dân ở trong nhà nhiều hơn vào mùa đông, có thể đồng nghĩa với việc dịch bệnh bùng phát mạnh hơn ở Anh và các quốc gia giống như Anh.
Mặt khác, việc Chính phủ Anh áp dụng những hạn chế tối thiểu để kiềm chế Omicron có thể cho phép virus càn quét qua các cộng đồng dân cư và lây lan nhanh hơn nhiều so với ở các quốc gia Tây Âu nơi các biện pháp kiềm chế Covid-19 khắt khe hơn được áp dụng, chẳng hạn như Pháp, Tây Ban Nha và Ý.
Shabir Mahdi, trưởng khoa khoa học sức khỏe tại Đại học Witwatersrand của Nam Phi, cho biết, các quốc gia châu Âu áp dụng lệnh phong tỏa sẽ không nhất định trải qua làn sóng Omicron với ít ca nhiễm bệnh hơn; chỉ là họ sẽ ghi nhận các ca nhiễm bệnh trong một thời gian dài hơn.
“Vào cuối làn sóng này, sẽ có nhiều người bị nhiễm biến thể nào đó của Covid-19”, Giám đốc Hiệp hội Mô hình Covid-19 của Đại học Texas, Lauren Ancel Meyers, nhận định. Bà cũng cho rằng, trong tiến trình của đại dịch, Omicron rất có thể là một điểm đánh dấu bước chuyển từ một mối đe dọa toàn cầu thảm khốc thành một căn bệnh dễ kiểm soát hơn nhiều.
Về việc đại dịch sẽ như thế nào trong tương lai, Jeffrey Shaman, một nhà lập mô hình bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia, cho rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào tần suất xuất hiện các biến thể mới của coronavirus.
Gần đây, các quan chức Anh và Tây Ban Nha nằm trong số những người đưa ra quan điểm rằng Covid-19 có thể sớm được điều trị như một căn bệnh đặc hữu, tương tự như bệnh cúm.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, có thể đã đến lúc phải thay đổi cách thức theo dõi tiến triển của virus, điều trị Covid-19 tương tự như bệnh cúm, vì khả năng gây tử vong của nó đã giảm. Ông cũng đề xuất các quan chức châu Âu xem xét liệu căn bệnh này có nên được coi là bệnh đặc hữu hay không.
Ảnh minh họa.
Điều đó có nghĩa là Tây Ban Nha sẽ không cần ghi lại mọi ca nhiễm Covid-19 nữa và những người có triệu chứng sẽ không nhất thiết phải xét nghiệm, nhưng họ sẽ tiếp tục được điều trị nếu bị bệnh. Đề xuất của Thủ tướng Sanchez đã được thảo luận với một số quan chức EU, nhưng không có quyết định nào được đưa ra.
Tiến sĩ Catherine Smallwood, chuyên viên cao cấp phụ trách các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu, cho biết “chúng ta vẫn còn phải đi một chặng đường dài và khó khăn” mới đạt tới giai đoạn khi Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn, trong khi virus vẫn đang phát triển nhanh chóng và đặt ra những thách thức mới, Tiến sĩ Smallwood nhấn mạnh.
Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu không có nghĩa là đại dịch sẽ kết thúc và virus sẽ đột ngột biến mất. “Thay vào đó, quan điểm lạc quan là sẽ đến lúc mọi người có đủ miễn dịch thông qua tiêm chủng và miễn dịch xây dựng tự nhiên thông qua nhiễm bệnh, dẫn đến ít ca lây nhiễm hơn, ít ca nhập viện và tử vong hơn liên quan đến Covid-19”, các chuyên gia từ Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard cho biết trong một bài báo được xuất bản hồi tháng 8/2021.
Ảnh minh họa.
"Định nghĩa về bệnh đặc hữu là virus SARS-CoV-2 sẽ quay trở lại hàng năm, đặc biệt là khi mùa đông đến. Tuy nhiên, khi nó trở thành đặc hữu, nó sẽ không ảnh hưởng đến đại bộ phận dân số mà chỉ một số nhóm nhất định", Tiến sĩ Bernard Camins, giám đốc y tế về phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống Y tế Mount Sinai (New York, Mỹ), cho biết.
Các chuyên gia y tế đồng ý rằng còn quá sớm để nói rằng đại dịch đã kết thúc. Marco Cavaleri, Trưởng Văn phòng về các mối đe dọa sức khỏe sinh học và chiến lược vắc-xin thuộc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), cho rằng "không ai biết chính xác khi nào chúng ta sẽ ở cuối đường hầm" khi nói về việc liệu đại dịch có trở thành bệnh đặc hữu hay không.
Khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, điều đó nghĩa là virus sẽ lưu hành ổn định, với các làn sóng lây nhiễm có thể dự đoán được, theo Tiến sĩ Smallwood.
“Nhưng những gì chúng ta đang thấy ở thời điểm hiện tại khi bước vào năm 2022 không phải như vậy", bà nói. "Vì vậy, chúng ta chắc chắn chưa đạt đến giai đoạn có thể gọi nó là bệnh đặc hữu".
Phát biểu tại một cuộc họp báo của WHO, Tiến sĩ Smallwood cho biết, Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong thời gian tới, nhưng không phải là năm 2022.
Tốc độ đạt đến giai đoạn Covid-19 là bệnh đặc hữu phụ thuộc vào sự ứng phó hiệu quả và độ bao phủ vắc-xin công bằng, rộng rãi, bà cho biết thêm.
Trong khi đó, Giáo sư David Heymann tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho rằng, trong số các quốc gia ở Bắc Bán cầu, Vương quốc Anh có lẽ là quốc gia đang tiến đến gần nhất giai đoạn thoát khỏi đại dịch.
Giáo sư David Heymann dự đoán Covid-19 sẽ tái bùng phát vào thời điểm nào đó trong tương lai, các biến thể khác cũng có thể xuất hiện nhưng ở mức độ nào thì vẫn chưa rõ ràng. Ảnh MediPIET
"Nói chung, hiện nay, các quốc gia mà chúng tôi biết rõ nhất ở Bắc Bán cầu đang ở các giai đoạn khác nhau của đại dịch", Giáo sư Heymann cho biết trong một hội thảo online do Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) tổ chức.
Ông lấy dẫn chứng từ dữ liệu mà Chính phủ công bố gần đây rằng xấp xỉ 95% dân số đã có kháng thể chống lại Covid-19 do đã từng nhiễm virus hoặc được tiêm chủng.
“Kháng thể đó đang ngăn chặn virus. Và bây giờ virus hoạt động giống như một loài đặc hữu hơn là một loài gây ra đại dịch”, ông nói và nói thêm rằng “phần lớn” các ca phải điều trị ICU là những bệnh nhân chưa chủng ngừa Covid-19.
Giáo sư Heymann cũng dự đoán rằng Covid-19 sẽ tái bùng phát vào thời điểm nào đó trong tương lai, các biến thể khác cũng có thể xuất hiện nhưng ở mức độ nào thì vẫn chưa rõ ràng.
“Điều may mắn là chúng ta có các loại vắc-xin có thể được sửa đổi và đưa vào sản xuất rất nhanh chóng” để đối phó với biến thể mới trong trường hợp nó xuất hiện, ông nhận định.
Tuy nhiên, để đại dịch toàn cầu coi như đã kết thúc, Giáo sư Heymann cho biết, điều đó sẽ không xảy ra “cho đến khi tất cả các quốc gia hoàn thành những gì họ cần làm để khiến loại virus này được thuần hóa hơn và trở thành loài đặc hữu”.
NGUOIDUATIN.VN |