img img

img

Người Đưa Tin (NĐT): Chào ông, tôi rất vui vì được trò chuyện với ông vào thời điểm Hòa Bình đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ người lãnh đạo. Nhiều người quan tâm đến Hòa Bình đặt câu hỏi liệu có sự thay đổi nào trong mô hình quản trị doanh nghiệp hoặc chí ít là làn gió mới từ một người lãnh đạo trẻ. Vừa là “sếp” vừa là cha, ông có kỳ vọng như thế nào về con trai của mình? Ông muốn con trai là người kế thừa những giá trị mình tạo ra hay là người đề ra những bước đột phá mới cho công ty trong thời gian tới?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Việc bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch là để nâng cao hơn vai trò của Lê Viết Hiếu trong công ty. Trong tương lai khi tôi không làm nữa, Hiếu không chỉ là người điều hành mà Hiếu cần phải là người hoạch định chiến lược cho công ty.

img

Do đó, Hiếu cần phải có một vị trí đúng tầm hơn để làm quen với công việc, với việc phải tư duy chiến lược nhiều hơn. Và thực tế, Hiếu cũng là người có khả năng và nắm bắt vấn đề rất nhanh.

Hiện nay, Hòa Bình đang mở rộng thị trường ra các nước khác nên rất cần những người có khả năng hoạch định và có quyền ra quyết định tham gia vào Hội đồng quản trị. Đấy cũng là lý do Hiếu tham gia Hội đồng quản trị vào thời điểm này. Và cũng cần khẳng định đây là mũi nhọn chiến lược mà HĐQT quan tâm và mong muốn Hiếu phụ trách.

NĐT: Cách đây 2 năm, anh Hiếu được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc ngay đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Và dường như người ta thấy rằng khả năng cũng như vai trò của anh Hiếu chưa được thể hiện đúng mức. Ông đánh giá như thế nào về sự thể hiện của con trai mình trong 2 năm vừa qua?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Hiếu có tinh thần chủ động rất cao. Trong giai đoạn khó khăn, Hiếu vẫn duy trì được các hoạt động của Hòa Bình, giữ chân được các cán bộ chủ chốt đồng thời duy trì kết nối với các khách hàng rất tốt. Như thế có thể nói là thành công

Tuy rằng, doanh thu và lợi nhuận đều bị giảm xuống nhưng đó là yếu tố khách quan không thể khác được. Sắp tới, tôi muốn Hiếu tập trung hơn vào thị trường nước ngoài khi tình hình kinh doanh trong nước của Tập đoàn dần đi vào ổn định trong giai đoạn hậu Covid-19.

img

NĐT: Giữa ông và người kế nhiệm trong tương lai, tư duy lãnh đạo và phong cách quản trị có sự khác biệt như thế nào?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Tôi quản lý công ty theo văn hoá của Hoà Bình lâu nay, đặt nặng về cái “tình” trong nội bộ cũng như với đối tác bên ngoài. Niềm tin là yếu tố chi phối nhiều đến mọi quyết định của tôi.

Nhưng ở Hiếu, bên cạnh sự tin tưởng, trong việc đưa ra quyết cần dựa trên các phân tích định tính, theo lý trí nhiều hơn. Hiếu luôn thận trọng hơn trong tư duy và cách làm việc với đối tác. Dù vậy, về những giá trị chung của Tập đoàn, hoài bão sứ mệnh, triết lý kinh doanh thì Hiếu vẫn hết mực tôn trọng. Có sự thống nhất giữa hai cha con nhưng tôi nhìn thấy ở Hiếu có sự thận trọng và hạn chế để rủi ro xảy ra hơn.

img

img

NĐT: Ông nhiều lần thổ lộ khát vọng đưa Xây dựng Hoà Bình trở thành tên tuổi tầm cỡ trên thế giới. Vậy hành trình “đem chuông đi đánh xứ người” của ông đã được hiện thực hóa đến đâu?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Tôi đã làm công trình ở Malaysia, Myanmar có thể nói là thành công. Nhưng chỉ thành công về uy tín chứ chưa có hiệu quả kinh tế. Nguyên do bởi tôi mới chỉ quản lý dự án xây dựng cho họ, chứ chưa được làm tổng thầu, tôi mới chỉ thu được tiền phí quản lý thôi.

Nhưng qua những lần đó tôi cũng như Hòa Bình đã học hỏi được rất nhiều, giúp tôi tự tin hơn khi thấy nước bạn dù phát triển trước mình mấy chục năm, nhưng quản lý về xây dựng của họ không hề hơn mình. Nhiều điều họ còn yếu kém nên phải mời nước mình qua quản lý xây dựng cho họ.

img

Tôi qua Myanmar giúp họ rút ngắn thời gian thi công. Trước đó họ làm cách truyền thống, một sàn mất đến 3 tuần, tôi qua làm thì chỉ còn một tuần.

Tuy nhiên tôi nghĩ, nếu mình làm như vậy thì mình cũng chỉ đang đi đào tạo cho họ có sự tiến bộ thôi. Thế thì mình sẽ đi theo vết xe đổ của của những công ty nước ngoài đến Việt Nam, họ đến và dạy cho mình cách làm, rồi sau đó mình tự làm. Như vậy thì đâu có hiệu quả kinh tế. Vì vậy tôi nghĩ làm cách nào để Việt Nam có thể đưa vật liệu xây dựng của nước mình xuất sang nước họ, vật liệu xây dựng ở nước mình cũng rất cạnh tranh.

Việt Nam có lợi thế nguồn vật liệu chất lượng cao, có nguồn nhân lực giá rẻ, có hệ thống cảng biển nằm gần các khu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ giúp logistics giảm được chi phí.

NĐT: Với những nhận định như trên, Hòa Bình có chiến lược gì để đón đầu cơ hội vươn ra biển lớn trong thời gian sắp tới và ông có dự định cụ thể gì cho Hoà Bình không?

img

Chủ tịch Lê Viết Hải: Để phát huy được năng lực tổng thầu của Hoà Bình, tôi đã đưa ra chiến lược “kiềng bốn chân” để Hòa Bình có thể chạy thật nhanh, vì ở thời điểm này, chúng tôi không thể đi từ từ được nữa.

Trước hết, phải có hợp tác với công ty xây dựng địa phương, thậm chí mua lại những công ty địa phương, từ đó tận dụng luôn nguồn lực, hệ sinh thái và sự hiểu biết của họ. Để đưa nguyên vật liệu của Việt Nam qua, cần nắm chắc khâu thiết kế bằng cách liên kết với công ty thiết kế địa phương để họ nắm vững được tình hình của địa phương, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của từng vùng, đảm bảo cho hoạt động của mình không bị gián đoạn.

Khi áp dụng công nghệ kỹ thuật theo tiêu chuẩn của mình thì vẫn phải kết hợp với thiết kế địa phương, do đó mình cần liên kết với công ty tư vấn thiết kế bằng cách đầu tư một phần vốn, tăng vốn lên cho họ.

Bên cạnh đó, phải có một công ty mua bán vật liệu xây dựng để nhập khẩu vật liệu xây dựng từ Việt Nam qua. Để mình có điều kiện tham gia làm nhà thầu cũng cần tính đến chuyện đầu tư dự án bất động sản tại nước ngoài để tạo cơ hội được đứng ra phát triển dự án, xây dựng, mua bán, thương mại và thiết kế. Từ đó mới có thể đưa chuỗi cung ứng của mình vào khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

img

img

NĐT: Sau những cú sốc từ đại dịch Covid-19, ngành xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn do bão giá vật liệu xây dựng cùng với những vướng mắc thủ tục pháp lý trong việc đầu tư. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều nhà thầu xây dựng có nguy cơ phá sản vì không thu hồi được nợ. Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông nghĩ rằng doanh nghiệp cần gì lúc này?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Đây là tình trạng cần báo động, cần nhanh chóng tìm được giải pháp giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp làm ăn rất tốt nhưng do tình hình biến động bất lợi của kinh tế vĩ mô, khó khăn chung do đại dịch, do trượt giá, siết tín dụng bất động sản, vấn đề pháp lý về đất đai còn nhiều vướng mắc khiến ít dự án được cấp phép,… dẫn đến thị trường bị thu hẹp, các doanh nghiệp thua lỗ.

img

Nếu một doanh nghiệp bị phá sản sẽ như một chiếc máy bay bị tháo rời, không còn giá trị gì, những phụ tùng linh kiện không bán được bao nhiêu. Đó là kịch bản không ai mong muốn.

Trong khi các doanh nghiệp xây dựng nếu được hỗ trợ hồi phục tốt sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá, trong đó có cả khả năng xuất khẩu ra nước ngoài. Điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ. Đồng thời giúp doanh nghiệp giải phóng nguồn lực, giảm bớt áp lực cung cầu của ngành xây dựng trong nước, tạo nên sự cân bằng.

Đây cũng là sự bù đắp việc thiếu hụt nguồn lực trong ngành xây dựng ở nước ngoài, nói rộng ra là chuỗi cung ứng cũng có thể được bù đắp, giảm bớt thực trạng nước ngoài thiếu trong nước thừa.

Nói vậy để thấy rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục là điều cần được quan tâm giải quyết chứ đừng nghĩ là theo quy luật thị trường: khi doanh nghiệp nào mất cân đối tài chính thì cứ cho phá sản rồi thành lập doanh nghiệp mới.

img

NĐT: Vậy cụ thể, Nhà nước cần làm gì để tiếp sức cho doanh nghiệp, thưa ông?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Theo tôi, nhiệm vụ chiến lược trước mắt mà Nhà nước cần quan tâm là tạo điều kiện để doanh nghiệp tích lũy nguồn vốn. Doanh nghiệp xây dựng bây giờ cần vốn, khát vốn, thiếu vốn. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để họ tích lũy kinh nghiệm bằng cách làm nhiều công trình lớn mà Nhà nước đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm chủ được công nghệ.

img

Thêm vào đó, nguồn nhân lực của mình phải được đào tạo chuẩn quốc tế. Cần tăng cường hợp tác quốc tế để tạo nên những chương trình đào tạo kỹ sư, công nhân lành nghề có chứng nhận quốc tế để đi làm ở nhiều nước. Đặc biệt, trong các hiệp định thương mại cũng cần đưa ngành xây dựng vào để có những điều chỉnh thuận lợi cho các công ty xây dựng ký kết các hợp đồng kinh doanh.

NĐT: Cung nhiều hơn cầu, có thể nhìn thực tế vào việc kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình cho thấy, mặc dù doanh thu cao nhưng lợi nhuận lại giảm. Ông có nghĩ đây là thời kỳ khó của doanh nghiệp và điều này có gây áp lực lên ông không?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Ở trong nước, cung - cầu bất cập, công trình mới thì ít, công ty xây dựng mới thì nhiều. Một năm hàng chục nghìn kỹ sư xây dựng thất nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp xây dựng được thành lập, khiến dư địa phát triển của ngành xây dựng trong nước dần bị thu hẹp cũng như tính cạnh tranh ngày càng tăng cao giữa các doanh nghiệp.

img

Khách hàng của Hòa Bình ở Việt Nam đa số là những nhà đầu tư khách sạn, du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, condotel… Theo đó thời gian đại dịch nhiều dự án bị ngưng trệ hoặc không thể triển khai dự án mới. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản nhà ở cũng gặp khó khăn khiến toàn thị trường suy giảm nhiều.

Thành ra giai đoạn 2020-2021, doanh thu Hòa Bình giảm tới 40% trong khi trước đó mỗi năm tăng bình quân tăng 38%, có năm tăng doanh thu tới 5 lần. Doanh thu, lợi nhuận không thể duy trì được, thị trường bất lợi, đại dịch rồi thêm siết tín dụng vào bất động sản. Thậm chí có những dự án đã hoàn thành mà thanh toán chậm, không thu được dòng tiền. Tất cả các yếu tố trên đều đang làm cho nhiều doanh nghiệp xây dựng điêu đứng.

img

NĐT: Ấn tượng của tôi khi gặp ông là sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh, nếu không biết trước về ông tôi sẽ nghĩ ông là một người nghệ sỹ hoặc người làm về thiên hướng nghệ thuật. Khác hoàn toàn với nghề xây dựng vốn được đánh giá là một nghề gai góc, bụi bặm. Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành xây dựng, thưa ông?

img

Chủ tịch Lê Viết Hải: (Cười). Khi tôi đi làm cho Nhà nước thì tôi chỉ làm công tác giám sát thi công sửa chữa nhà, công việc đó rất nhàn hạ và nhàm chán vì nó quá đơn điệu và không đòi hỏi trình độ gì. Tôi nhận ra là công ty xây dựng Việt Nam vào thời kỳ đó quá lạc hậu, quá nghèo nàn, từ quản lý đến phương tiện thi công, kỹ thuật thi công đều kém và tay nghề thợ rất thiếu kỹ năng.

Đặc biệt lương của công nhân, kỹ sư xây dựng Việt Nam rất thấp. Tôi không nhớ chính xác nhưng nó chỉ rơi vào khoảng vài chục đồng cho đến vài trăm đồng một ngày công, tính ra chỉ được vài chục USD cho một tháng lương. Trong khi đó mức thu nhập của những nước phát triển lại cao gấp vài chục đến cả trăm lần.

Tôi mới nghĩ rẳng: Tại sao lại có cái chênh lệch thu nhập quá lớn như thế khi mình đã có hơn 10 năm hòa bình rồi mà không có nhiều tiến bộ hơn? Cái gì mình có thể làm được cho đất nước thì nhất định phải làm. Tôi mong muốn có thể nâng thu nhập của người Việt lên, cải thiện được tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Vì vậy mà tôi quyết tâm thành lập công ty. Thực ra vào thời kỳ đó việc lập công ty vừa để giải quyết vấn đề kinh tế gia đình, bên cạnh đó cũng là hướng đến tiếp cận công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý,… hiện đại của nước ngoài để học hỏi và nâng cao trình độ.

img

NĐT: Nhìn lại hành trình hơn 30 năm chinh chiến trên thương trường, điều gì khiến ông cảm thấy mãn nguyện nhất và đâu là điều khiến ông nuối tiếc nhất?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Điều tôi mãn nguyện là thời gian chúng ta phải trả những cái giá rất đắt cho nhà thầu nước ngoài đã qua. Giờ chúng ta chính là người làm chủ công nghệ, thực hiện những công trình quy mô lớn, yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao, tiêu chuẩn quốc tế với giá thấp hơn rất nhiều.

Trước đây 1m2 có thể tốn đến 2.000 thậm chí 2.500 – 3.000 USD cho nhà thầu nước ngoài nhưng bây giờ người Việt làm chỉ hết 500 USD, 1.000 USD. Điều đó đã đóng góp chung của ngành xây dựng cho nền kinh tế. Tôi mãn nguyện vì trong sự đóng góp đó có một phần công sức của tôi và Hòa Bình.

Điều nuối tiếc, tôi có kế hoạch đưa Hòa Bình ra nước ngoài từ rất sớm nhưng bây giờ mới triển khai mạnh mẽ hơn. Tôi tiếc nuối đáng nhẽ đây là thời cơ bùng nổ, khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản họ mất lợi thế trên thị trường quốc tế là mình thế chân ngay, nhưng chưa kịp làm chuyện này.

Tôi cũng đã chia sẻ ý tưởng xuất khẩu ngành xây dựng với nhiều doanh nghiệp cùng ngành và cả Chính phủ từ nhiều năm nay để san sẻ cơ hội “vươn ra biển lớn” với nhiều người vì lợi ích chung của đất nước.

img

NĐT: Tôi biết ông là một người mến mộ đạo Phật, vậy triết lý Phật giáo có ảnh hưởng đến cách thức ông quản trị doanh nghiệp hay không?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Có chứ. Gia đình tôi rất mộ đạo, dạy con cái theo triết lý Phật giáo và sống theo triết lý Phật giáo. Chính bản thân tôi cũng xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên những triết lý của Phật giáo, đó là Chân - Thiện - Mỹ. Nhận thức về quy luật của cuộc sống, luật nhân quả luôn luôn được tôi tự nhắc nhở bản thân, mình làm điều gì tốt cho xã hội sẽ nhận lại kết quả tốt, không cần nghĩ có nhận được gì hay không, vì theo quy luật nó sẽ có.

NĐT: Trên truyền thông, ông không ít lần nhắc về cha, về mẹ, về gia đình của mình với sự kính ngưỡng và yêu thương. Vậy gia đình có tác động như thế nào đến cuộc đời và những quyết định trong kinh doanh của ông?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Cha mẹ tôi đã một đời tâm nguyện vì cộng đồng và giáo dục con cháu sống chan hòa, nhân ái, vì đồng bào, vì nhân loại, vì sự sống của muôn loài.

Từ những gì cha mẹ tôi để lại, các con cháu đã có một lối sống thuận hòa theo đạo lý nhà Phật, Hòa Bình đã tỏa sáng với một văn hóa doanh nghiệp đầy tính nhân văn.

Riêng đối với tôi thì niềm tin vào thuyết nhân quả, vào giáo lý Đạo Phật; niềm tin vào những lời giáo huấn giản dị mà có ý nghĩa thâm sâu của cha mẹ mình, niềm tin về những giá trị vô hình mà cha tôi đã để lại luôn là điểm tựa vững chắc giúp tôi có thêm nhiều ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên đường đời.

NĐT: Xin cám ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

img

NGUOIDUATIN.VN |