Từ chối những lời đề nghị hấp dẫn từ các công ty lớn ở nước ngoài, Lê Yên Thanh quyết định về nước để khởi nghiệp với niềm tin rằng ở Việt Nam còn nhiều điều cho anh học hỏi và cống hiến.
Thông thường, những người trẻ sẽ tiếp tục học lên cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ. Thế nhưng Lê Yên Thanh sẽ đi ngược lại, từ khởi nghiệp đến các công ty lớn và sau đó đi học. Anh nghĩ rằng nếu bắt đầu theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học sau khi có đủ tiền, kinh nghiệm thì sản phẩm sẽ tốt hơn, mang tính thực tế cho mọi người hơn.
Người Đưa Tin (NĐT): Anh từng chia sẻ, vì chơi game quá tệ nên đã tự viết phần mềm đầu tiên cho mình khi mới 12 tuổi. Điều gì khiến "chàng trai vàng trong làng tin học" lại có sở thích khác biệt như vậy?
Lê Yên Thanh: Thời điểm vào cấp 2, giống như bạn bè cùng trang lứa, tôi cũng bắt đầu chơi game điện tử trên máy tính. Tuy nhiên vì chơi tệ quá, nên tôi không quá hứng thú mà chuyển sang tìm hiểu kỹ hơn về máy tính. Khi đó tôi cũng không nghĩ quá nhiều, chỉ đơn thuần là thấy thú vị nên tìm hiểu và khi càng tìm hiểu thì lại càng cảm thấy cuốn hút.
Từ những hiểu biết ban đầu về máy tính, tôi mày mò tìm hiểu thêm về phần mềm và những hướng dẫn lập trình cơ bản. Với một cậu bé lớp 6 khi đó, thì những gì tìm hiểu được quả thật là một thế giới mới đầy hấp dẫn và thú vị.
Đến lớp 8, 9 tôi bắt đầu viết những phần mềm hoàn chỉnh, được đăng báo rồi đem đi thi. Những thành quả đầu tiên đã cho tôi động lực để quyết định theo đuổi con đường lập trình viên.
Nhờ có mục tiêu đó, nên khi lên cấp 3, tôi tập trung vào học lập trình thuật toán, từ đó tạo nền tảng tốt để trở thành lập trình viên như hiện tại.
NĐT: Theo đuổi ước mơ ở ngay giai đoạn “ăn chưa no, lo chưa tới”, có lẽ khó khăn mà anh gặp phải nhiều hơn cả thuận lợi. Anh đã đi những bước đường đó như thế nào? Đâu là kỷ niệm khiến anh nhớ nhất?
Lê Yên Thanh: Thời điểm tôi bắt đầu theo đuổi đam mê thì tin học còn khá mới, nên tôi xin tài liệu về tự học. Quá trình tự học cũng khá vất vả khi mình không biết một thuật toán nào mà lại không có người trực tiếp hướng dẫn.
Nhưng ngược lại, chính nhờ việc mò mẫm đó đã giúp tôi có khả năng tự học tốt, về sau khi nhận được những tài liệu cao cấp hơn, khó hơn thì tôi vẫn có thể tự học. Khi lên đại học, nhờ vào khả năng tự học nên tôi có thể học nhanh hơn những bạn khác.
Kỉ niệm nhớ nhất đối với tôi có lẽ là lúc viết ra phần mềm BusMap thời còn sinh viên. Đây là lần đầu tiên tôi làm xong phần mềm mà có nhiều người nhắn email, cảm ơn rằng nó rất giúp ích cho họ. Họ cũng không có nhiều tiền, cũng đi xe bus giống mình và nhờ phần mềm này, họ tiết kiệm được rất nhiều.
Đối với tôi đó là những kỷ niệm, là điều đặc biệt, cũng là động lực để tôi có thể cố gắng phát triển những phần mềm tiếp theo. Sau này, khi khởi nghiệp thì tôi cũng lựa chọn BusMap là sản phẩm đầu tay của mình.
NĐT: Dự án BusMap đã giúp anh trở thành 1 trong 6 đại diện Việt Nam được vinh danh Forbes 30 Under 30 châu Á và Việt Nam. Sau khi được vinh danh, công việc của anh chắc hẳn có nhiều thay đổi ?
Lê Yên Thanh: Có lẽ thay đổi lớn nhất sau khi được vinh danh là tôi đủ tự tin để lấy ứng dụng BusMap làm sản phẩm cốt lõi khi khởi nghiệp vào năm 2019. Sau khi gọi vốn thành công, có tiền đầu tư, BusMap đã phát triển rất nhiều và thu hút sự quan tâm của những đối tác lớn.Ngoài ra, tôi cũng có sự thay đổi về tư duy làm sản phẩm. Trước đây mình là Founder nên tập trung vào việc phát triển người dùng nhiều hơn, ít tập trung vào vấn đề kinh doanh bền vững. Sau khi vào Forbes, có cơ hội tiếp xúc với những người làm kinh doanh, tôi học được nhiều kinh nghiệm, kiến thức và cách làm của họ.
Do đó khi phát triển BusMap, tôi xác định phải có hai “cánh tay” đi song hành vừa giúp ích cho cộng đồng vừa có nguồn thu ổn định và khả năng duy trì lâu dài. Nhờ vậy, tôi cũng có tư duy bài bản hơn trong việc kinh doanh để phát triển bền vững.
NĐT: Từng từ bỏ cơ hội làm việc tại “gã khổng lồ” công nghệ Google với mức lương lên đến 6.000 USD, anh có khi nào hối hận với sự lựa chọn của mình?
Lê Yên Thanh: Tôi từ chối chỉ đơn giản vì mong muốn có thể làm ra được sản phẩm có hiệu ứng lớn đến cộng đồng. Khi làm công ty lớn, tôi có thể làm việc ở môi trường thoải mái và mức thu nhập ổn định nhưng không tạo đủ áp lực cũng như cơ hội để học hỏi, cống hiến cho cộng đồng.
Khi còn trẻ, tôi luôn đặt mục tiêu là phải làm gì đó để học hỏi. Do đó, thay vì làm việc cho các công ty lớn, tôi quyết định về nước để khởi nghiệp, tôi tin rằng ở Việt Nam còn nhiều điều cho tôi học hỏi và cống hiến.
Cũng có thể 20 - 30 năm sau khi đã có đủ kinh nghiệm, tôi lại lựa chọn làm việc cho những tập đoàn lớn. Với kinh nghiệm và kiến thức đã được tích lũy, tôi nghĩ rằng khi đó mình sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp, thậm chí là đảm đương một vị trí có nhiều trách nhiệm hơn. Suy nghĩ của tôi có phần hơi ngược so với những người trẻ như vậy (cười).
Thông thường, những người trẻ sẽ tiếp tục học lên cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ. Họ nghĩ như vậy đi làm ở các công ty lớn thì sẽ có mức lương cao và khi lương cao rồi thì có đủ tiền để khởi nghiệp. Thế nhưng tôi sẽ đi ngược lại, tôi sẽ đi từ khởi nghiệp đến các công ty lớn và sau đó đi học. Tôi nghĩ rằng nếu bắt đầu theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học sau khi có đủ tiền, kinh nghiệm thì sản phẩm sẽ tốt hơn, mang tính thực tế cho mọi người hơn.
NĐT: Đó là sự lựa chọn của anh, còn những người xung quanh như bố mẹ chẳng hạn, họ phản ứng ra sao với quyết định đi ngược chiều xã hội như vậy?
Lê Yên Thanh: Điều may mắn là tôi luôn có được sự ủng hộ của gia đình. Bố mẹ tôi vốn rất muốn con theo ngành nhà giáo hoặc bác sĩ, nhưng tôi lại theo đuổi công nghệ thông tin. Khi đó, hiểu biết về ngành này chưa nhiều và xã hội vẫn cảm thấy có gì đó không an toàn, nhưng vì tôi quyết theo đuổi nên bố mẹ tôi vẫn ủng hộ.
Cũng không phải tự nhiên mà có điều đó. Ngay từ nhỏ, tôi đã chứng minh cho gia đình thấy được mình sẽ luôn theo đuổi ước mơ một cách nghiêm túc để đạt được những kết quả đề ra. Do đó, khi tôi chọn con đường khởi nghiệp thay vì làm ở Google, bố mẹ khá tin tưởng và hỗ trợ khá nhiều.
Bố mẹ là giáo viên nhưng tư duy rất cởi mở và luôn ủng hộ mọi việc tôi làm. Điều đó khiến tôi cảm thấy khá tiếc cho những bạn trẻ bị bố mẹ gò bó tương lai hoặc bị ép buộc định hướng theo một con đường từ nhỏ, bởi như vậy thì các bạn sẽ không thể nào phát huy hết tài năng của mình.
NĐT: Dường như mọi thứ anh làm đều rất xuyên suốt và tôi có cảm giác những thành quả mà anh gặt hái được xuất phát từ việc anh đã rất kiên định với lựa chọn của mình. Điều đó có đúng không?
Lê Yên Thanh: Thật ra thì đó là kế hoạch mình đặt ra thôi, còn sự kiên định tùy thuộc vào kết quả của quá trình thực hiện. Ví dụ khi khởi nghiệp mà không mang về hiệu quả, thì tôi sẽ phải thay đổi kế hoạch.
Tất nhiên vẫn là con đường khởi nghiệp, nhưng sẽ tập trung một ý tưởng khác hay làm những sản phẩm khác để phù hợp hơn với định hướng của mình trong tương lai. Việc có kiên định hay không, không quan trọng bằng việc mình có một kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Còn nếu cứ kiên định một kế hoạch mà không có sự tỉnh táo và linh hoạt thì khi kế hoạch gặp vấn đề, chẳng khác nào mình đang theo một chiếc xe lao dốc.
NĐT: Khởi nghiệp dù có nhiều điều kiện thuận lợi đến bao nhiêu vẫn không bao giờ là con đường dễ dàng. Tâm huyết với “đứa con tinh thần” của mình, tôi biết anh rất bận rộn. Vậy trong cuộc sống, anh đã lựa chọn cân bằng giữa công việc và gia đình như thế nào?
Lê Yên Thanh: Thực ra việc cân bằng giữa tình yêu công việc và gia đình khá là khó. Những người chọn con đường khởi nghiệp là những người rất đam mê công việc, họ sẵn sàng không buông lơi những thứ khác để dành thời gian cho việc khởi nghiệp.
Tuy nhiên, mình vẫn có những nguyên tắc, ví dụ cuối tuần vẫn dành thời gian cho những người thân, bạn bè thay vì đi làm. Còn những ngày trong tuần, thì mình sẽ dành hết thời gian cho công việc.
Cũng có thể gọi là một sự đánh đổi khi khởi nghiệp hoặc làm việc ở những vị trí cao nhưng cái giá của khởi nghiệp dù đắt vẫn luôn đáng để người trẻ dấn thân. Tất nhiên, tôi cũng xác định việc startup phải có giai đoạn, nó sẽ không phải là cả cuộc đời. Tôi có kế hoạch, dự định lập gia đình vào 2 - 3 năm nữa, khi ba mẹ về hưu. Mặc dù ba mẹ để mình tự lập, không ép buộc những việc đó nhưng mình cảm thấy có trách nhiệm nên đặt khoảng thời gian đó làm mục tiêu.
NĐT: Nhìn lại chặng đường đã qua, anh nhận thấy gì từ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân và anh có lời khuyên nào dành cho thế hệ Z đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn và thách thức để theo đuổi ước mơ?
Lê Yên Thanh: Khi biết đến tôi, mọi người sẽ thấy về chân dung khởi nghiệp thành công, nhưng thật ra đằng sau đó cũng có rất nhiều khó khăn. Trong giai đoạn công nghệ phát triển, các bạn GenZ sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn, nhưng đồng nghĩa cũng sẽ có rất nhiều cạm bẫy dẫn đến bước đường sai. Bởi khi có nhiều thông tin sẽ khiến các bạn không biết chọn lọc như thế nào cho phù hợp.
Lời khuyên của tôi là trước khi làm các bạn phải nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, kỹ năng cứng. Thời gian trước, mọi người hay nói nhiều việc thiếu kỹ năng mềm, tuy nhiên thời điểm gần đây tôi thấy kỹ năng mềm của các bạn GenZ khá tốt. Nhưng ngược lại, kỹ năng cứng – điều rất quan trọng thì các bạn lại chưa trang bị tốt cho mình.
Kỹ năng cứng mới giúp các bạn lập nghiệp trong tương lai, giúp các bạn gắn bó lâu dài với công việc. Ví dụ các bạn có thể giỏi giao tiếp, có thể làm văn phòng, nhưng các bạn không cố gắng trau dồi kiến thức nền tảng cần thiết thì sẽ khó phát triển hơn. Và đó mới chính là thứ mà các bạn cần phải cân bằng.
Theo quan sát của tôi, các bạn GenZ đôi khi có những quyết định khá nhanh, cảm thấy công việc không phù hợp thì các bạn sẽ thay đổi dễ dàng. Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân là do kỹ năng cứng của các bạn chưa đủ, điều này khiến các bạn sẽ không thấy mình phù hợp với công việc. Cùng với học hỏi kỹ năng mềm, các bạn phải trau dồi kỹ năng cứng, kỹ năng chuyên môn của mình cho tốt. Sau GenZ sẽ là gen Alpha – đó sẽ là một thế hệ còn tiềm năng hơn. Do đó, các bạn GenZ phải cố gắng phấn đấu, thích ứng với xu hướng mới để không bị tụt lại phía sau.
NĐT: Cảm ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ hành trình của mình!
NGUOIDUATIN.VN |