“Kẻ tài hoa” là cái tên mà người trong giới hay gọi khi nhắc đến ông Trịnh Lữ - một hoạ sĩ, dịch giả, nhà văn. Cũng không phải là ưu ái khi nói Trịnh Lữ là “kẻ tài hoa” bởi một phần người có nhiều cái tài như ông không nhiều, phần khác dù với vai trò nào ông đều tạo ra nét đặc sắc cho riêng mình.

May mắn cho chúng tôi được ông cho phép đến căn phòng đặc biệt nơi chứa đầy “hơi thở” nghệ thuật mà người nghệ sĩ dù đã sắp 80 tuổi vẫn dành hơn nửa thời gian trong một ngày để làm việc. Bao quanh căn phòng là những bức tranh do gia đình ông sáng tác, cũng không khó nhận ra phần đa trong số đó là vẽ hoa sen - loài hoa hoạ sĩ Trịnh Lữ chọn bởi sự vô thường. Và dường như cái vô thường đó không chỉ dừng lại ở một bông hoa mà nó còn in sâu trong suy nghĩ, việc làm của một “kẻ tài hoa”.

Người Đưa Tin (NĐT): Biết đến với nhiều danh xưng như nhà hoạ sĩ, dịch giả, thiết kế nội thất. Ông từng làm dự án truyền thông và giáo dục của Liên Hợp Quốc, nhà thiết kế nội thất, một nghệ sĩ piano nghiệp dư hay nhà văn. Trong tất cả tên gọi đó đâu là tên gọi đúng với con người của ông nhất?

Ông Trịnh Lữ: Thôi cứ gọi mình là ông Trịnh Lữ là được rồi, còn tên gọi kia nó có ý nghĩa gì đâu!

Tôi làm gì mà có sản phẩm một chút thì người ta thường hay quy kết thành “nhà” này “nhà” kia nhưng tôi thấy mình chưa ra cái “nhà” gì lắm đâu (cười).

Thực ra mọi người biết nhiều đến tôi ở vị trí nào thì họ gọi gắn với cái đấy, như biết đến sách thì gọi là dịch giả, những ai biết đến tôi vẽ tranh thì họ gọi là người vẽ tranh. Còn những công việc đã qua cũng không cần nhắc lại làm gì, bởi có những việc tôi làm chỉ để vì mình sống sót được.

Trước kia tôi có đến 15 năm làm phát thanh viên, biên tập viên cho Đài Tiếng nói Việt Nam, việc nó đến với mình một cách tình cờ, cũng không được đi học để làm cái việc đó. Ở đời có những cơ duyên như thế, cũng thành ra làm một cái nghề cũng gọi là lâu.

Sau đấy thì đi làm truyền thông và giáo dục cho Liên Hợp Quốc, hay những chuyện gọi là làm thiết kế nội thất thì hoàn toàn là tay trái vì mình cứ có khả năng một chút được bạn bè người ta nhờ làm thôi. Chứ nói tôi làm cái nghề đó một cách đúng nghĩa của nó thì không phải đâu.

Ngày xưa vì tôi làm việc với bố nên cũng học được nhiều nghề của cụ. Sau này cứ làm giúp người này người kia thế thôi chứ đứng lên mở công ty thì không phải, mọi người cứ nói quá lên thế nên mình cũng phải sửa đi (cười).

Có những công việc trong cuộc đời nó là bắt buộc vì nó đỡ cho mình vượt qua những tình cảnh lúc bấy giờ thì tôi vẫn làm. Làm nhiều nghề lắm, nghề nào cũng giúp tôi sống được nhưng cũng làm không lâu.

Với tôi, làm để kiếm ăn khác với việc mình làm chỉ vì thích thế, theo ý nguyện riêng tư của mình và vì muốn giữ cho tinh thần lúc nào cũng sảng khoái. Như việc vẽ vời hay việc viết, tôi làm hoàn toàn không có ý thức của việc làm nghề theo nghĩa thường tình của chữ ấy lắm đâu.

NĐT: Vậy ông Trịnh Lữ làm nghề như thế nào?

Ông Trịnh Lữ: Tôi hay nghĩ làm nghề nghĩa là mình làm ra sản phẩm, là hàng hoá và phải bán nó đi để nuôi sống bản thân, cái đấy mình gọi làm nghề. Thường những người làm chuyên nghiệp chuyện gì đấy bắt buộc người ta phải đi theo hẳn những lề thói của nghiệp ấy, làm ra những sản phẩm đưa vào được thị trường để nuôi sống mình. Làm nghệ thuật như một nghề là rất khó, vì sản phẩm của nó rất khác biệt.

Còn tôi từ xưa đến giờ tôi vẫn cứ vẽ thế thôi vì gia đình mình sinh ra có bố mẹ đều là hoạ sĩ, từ bé đã sống trong căn nhà như một trường dạy vẽ thì việc như thế tự nhiên nó đến với mình. Dù ở đâu và đang làm nghề gì để sống, tôi vẫn cứ phải thu xếp để có chỗ vẽ tranh, đọc sách. Có như vậy mới thấy mình yên lòng, như kiểu không bị lạc đường.

Trong 10 năm vừa qua, tôi quay trở lại với hội hoạ nhiều hơn, càng vẽ càng thấy thích, và may mắn cũng được nhiều người hỏi mua, dần dần cũng được gọi là một hoạ sỹ. Nhưng nó vẫn không khiến mình sống theo tâm trạng phải tìm cách thế này thế kia để bán được tranh. Tâm lý của tôi ở đời vẫn thấy cái nghề quan trọng nhất của mình là làm sao sống cho đúng là con người mình, chắc nghề của tôi chủ yếu là nghề “sống sót”. Làm thế nào mình sống luôn cảm thấy vui vẻ, có ý nghĩa, mọi thứ đều tốt lành thì đấy là nghề chính của mình.

NĐT: Nếu không sinh ra trong gia đình nghệ thuật, ông có nghĩ mình sẽ trở thành hoạ sĩ hay làm những công việc ông đã làm hay không?

Ông Trịnh Lữ: Tôi nghĩ đó là cái duyên của mỗi người. Bố tôi ngày xưa vẫn nói: “Con nhà thuyền chài thì tự nhiên sẽ biết bơi” nên con nhà hoạ sĩ ắt tự nhiên biết vẽ, bởi nó sống trong môi trường đó từ bé, nó tự nhiên như vậy chứ không phải là mình đẻ ra lớn lên là có một ước muốn gì về hội hoạ hay muốn trở thành một nhân vật hoạ sĩ nổi tiếng gì.

Chỉ là sau này khi lớn lên nghề nào cũng có những người tôi rất ngưỡng mộ thế thôi, chứ không phải cả đời mình chỉ muốn theo đuổi cái đấy.

NĐT: Từ xưa đến nay, thời nào cũng vậy “Cơm áo không đùa với khách thơ” là chuyện không hiếm gặp với nhiều nghệ sĩ. Vậy có khó để người ta sống được với cái nghề nghệ thuật không, thưa ông?

trinh-lu.mp4

Ông Trịnh Lữ: Tôi nghĩ là rất khó, bởi không phải ai cũng có tố chất để làm một người nghệ sĩ đúng nghĩa. Những anh em nghệ sĩ tôi gặp đều là những người rất đặc biệt, họ có những khả năng và can đảm riêng thì những người như vậy làm nghề là hợp. Còn bình thường kiểu như tôi cũng rất khó để đi vào con đường làm nghệ thuật theo một cách chuyên nghiệp, chắc cũng bởi khái niệm chuyên nghiệp của mình không giống họ.

Tôi chỉ chuyên nghiệp theo ý thức thôi, chứ không phải theo ý để nuôi sống mình. Đã làm cái gì thì mình làm tận tâm, tận sức, dồn hết cả tâm trí, tâm can, tất cả những cái say mê thì tôi nghĩ đấy nó là sự chuyên nghiệp của mình. Tôi luôn luôn muốn học hỏi, trau dồi thì đấy là lối đi riêng của mình, nhưng cũng không bắt vì những việc đấy mà nó phải nuôi được bản thân.

NĐT: Nét riêng và nét chung được bàn đến nhiều khi người ta nói về nghệ thuật. Nhất là đối với người sống bằng văn chương chữ nghĩa, dường như họ sợ nếu không có lối đi riêng thì cái tên sẽ trở nên mờ nhạt trong hàng nghìn các tác phẩm khác. Ông nghĩ sao về việc phải đi tìm cho mình một góc nhìn, một con đường khác biệt?

Ông Trịnh Lữ: Là ai thì cũng có quan điểm riêng, nhưng nếu quan điểm riêng theo nghĩa phải khác biệt thì tôi băn khoăn không biết có nhiều thứ để khác biệt được hay không. Trải qua bao nhiêu đời, hằng nghìn năm lịch sử đến nay tất cả các chuyện viết lách quanh đi quẩn lại nó cũng chỉ có từng đấy thứ, con người ta nói về mơ ước, thất bại, yêu ghét,… tìm tòi từ xưa đến nay những cái để nói thì vẫn vậy.

Cũng chẳng cần nghĩ ta phải làm gì để khác mọi người, vì mình đã là bản thể khác người ta rồi, chẳng ai giống ai cả. Tốt nhất chúng ta cứ làm sao có một ý thức rõ ràng là cần phải viết chân thực nhất đối với bản thân thì sẽ ra cái riêng của mình.

Tôi nghĩ trong việc làm nghệ thuật và nhất là việc văn chương chữ nghĩa thì cái tình thực, cái tấm lòng của tác giả là quan trọng nhất. Nó cũng luôn là nét riêng biệt tự nhiên không có gì thay thế được của tác giả và tác phẩm. Tại sao không làm cái mình thích chỉ vì sợ rằng có người viết rồi thì tôi nghĩ câu hỏi đấy phải suy nghĩ sâu sắc hơn, ta đừng nên chạy theo chuyện bên ngoài, cứ phải quay về với chính cái tôi vì không bao giờ có hai người giống nhau hoàn toàn.

NĐT: Là tác giả và dịch giả của nhiều cuốn sách, trước mỗi một tác phẩm ông có suy nghĩ mình sẽ tiếp cận nó như thế nào hay không?

Ông Trịnh Lữ: Có chứ. Nhất là khi viết sách. Trước mỗi cuốn sách tôi đều có ý thức cuốn này nó phải khác, nhưng cái khác đấy không phải do đòi hỏi về hình thức mà là yêu cầu về nội dung và mục đích của mình. Như một cuốn viết hoàn toàn về tiểu sử khác cuốn cũng về tiểu sử của một người nhưng lại viết theo tinh thần hồi ký.

Cách tiếp cận vì tự tâm mình muốn cuốn sách đấy có một sức mạnh về tình cảm nhiều hơn là sức mạnh chỉ là cuốn khảo cứu để đưa ra xã hội một cách khách quan. Từng mục đích khiến tôi tìm ra những tiếp cận khác nhau. Đã quyết định vậy thì mình sẽ chọn giọng văn gì, giọng văn đó phải có tổ chức như thế nào cho toàn bộ cuốn sách. Các cấu trúc nội dung phải đi ra làm sao, xuyên suốt cho đến tận từng đoạn trong sách. Cái đó là những thứ rất tự nhiên mà ai làm chuyện viết cũng phải nghĩ đến cả, như vậy nó mới ra được sản phẩm đúng với ý của mình.

NĐT: Với ông, ông cảm nhận thế nào về người viết thời nay so với trước kia, họ có nhiều sự khác biệt hay không?

Ông Trịnh Lữ: Chắc sự khác biệt lớn nhất là xã hội mình ngày xưa chỉ có một “nhúm người” biết chữ. Đến thời tôi còn bé lớn lên vẫn 90% dân số mù chữ. Giới văn sĩ như của các cụ Tự lực văn đoàn cũng chỉ có mấy cụ với nhau, khi viết ra cũng chỉ có một ít người biết chữ đọc, còn dân chúng không mấy ai biết đến.

Chuyện ngày xưa rất khác với bây giờ, bây giờ ai cũng biết chữ, không những vậy còn am hiểu ngoại ngữ ngày càng nhiều nên thậm chí họ chọn đọc nguyên tác nhiều hơn.

Tôi cảm nhận sách thời ông bà, bố mẹ dù là sách dịch hay đến sách viết thì lời ăn tiếng nói của các cụ ngày xưa nó thật, giản dị. Bây giờ văn của mình bị nghị luận, bị ý thức phải sàng lọc làm sao để cho ngôn từ của mình ra đời phải chuẩn chỉ.

Trong xã hội như thế này mà tôi đọc sách nhiều khi cứ cảm thấy như đang đọc văn kiện. Cảm giác hình như không ai dám nói thực chuyện định nói ra, mà phải nói cái gì khác rồi để ám chỉ điều muốn nói. Văn chương hiện nay cũng hay bị cay đắng, bức xúc. Thiếu những giọng văn và chủ đề phổ quát về những giá trị nhân bản cốt lõi, có tác dụng truyền cảm hứng cho những cao thượng đẹp đẽ.

Tôi để ý thấy khi mọi người khen một truyện ngắn hoặc một cuốn tiểu thuyết nào đó, câu tán thán hay dùng nhất là “hay quá, viết đúng thật”. Nghĩa là à nó dám động đến vấn đề ấy, lôi ra viết khéo thế. Chưa mấy ai nhận xét gì về các giá trị văn chương thực sự. Không biết đây là vấn để của người viết hay người đọc?

Nhưng tôi cũng muốn có lời cảm ơn thế hệ trẻ đang viết hiện nay. Tôi có may mắn được giao đãi với một vài nhóm như Vietcetera, Fonos, Spiderum, Văn +, Odly Normal…và cả một vài nhóm chuyên làm sách cho trẻ em. Thế hệ các bạn ấy không còn vướng mắc với quá khứ cay đắng nữa, và văn của các bạn ấy quả thực là tiếng nói của một thế hệ mới, với những quan tâm phóng khoáng, những ước mơ rất riêng tư chân thực về một cuộc sống có ý nghĩa cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội rõ ràng. Tôi nghĩ tương lai của nghệ thuật nằm trong trái tim khối óc và bàn tay của các bạn trẻ hiện nay. Một điều thú vị là công việc của họ lại thường được quốc tế biết đến trước. Cũng là một điều các bạn trẻ nên suy nghĩ.

NĐT: Ngày nay, người ta nói nhiều về “cái nhanh”, mọi thứ được chuyển đổi để trở nên nhanh hơn, thậm chí nếu chậm một chút ta lại trở thành lạc hậu. Nhưng trong guồng quay đó, người nghệ sĩ có cần “cái tĩnh” cho chính mình?

Ông Trịnh Lữ: Nếu không tĩnh sao biết được nó nhanh, mình cũng nhanh theo thì cũng không biết thế nào là chậm. Thực ra tôi nghĩ nếu như cứ phải chạy theo tất cả những cái đang có ở ngoài kia thì sẽ không còn tí gì một giây phút nào để ngẫm nghĩ thậm chí là không nghĩ nổi.

Trong tín ngưỡng cổ đại Ấn Độ, người ta tập phát âm chữ “Om” để trải nghiệm cảm giác thu toàn bộ vũ trụ khép lại thành một tĩnh tại vô ngôn. Ngồi Thiền là thoát khỏi mọi náo loạn của hiện sinh để tĩnh tại nhìn nhận mọi sự. Đều là nỗ lực để quay về chính mình, tìm vào nội tâm. Mình nên nghĩ đến việc tốt, việc cần làm để qua thời gian nhiễu loạn vì sống ở trên đời cũng khó tránh được những cơn gió bụi.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 25/06/2024 | 09:30