Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam xoay quanh vai trò của hội viên Hội Luật gia các cấp cũng như trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế xanh và bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường sống.
NĐT: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã và đang được xác định là một trong những trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa về chính sách phát triển này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền:
Phải khẳng định rằng, việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.
NĐT: Xin Chủ tịch cho biết thêm về những vấn đề đặt ra trong việc chuyển đổi kinh tế xanh, tăng trưởng xanh?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền:
Như chúng ta đã biết, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta và trên toàn thế giới đang ở mức báo động và trở thành vấn đề nhức nhối. Ở trong nước, những năm gần đây, theo quy mô của nền kinh tế, dân số, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thì vấn đề môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách, phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Trên toàn quốc hiện đang có rất nhiều các khu công nghiệp được xây dựng để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Một số khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng cách, hậu quả làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi tiêu dùng sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết.
Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng cũng đang là vấn đề trong những năm gần đây…
Ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những chính sách lớn, mang tính sống còn của đất nước. Trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để định hướng cho vấn đề này. Một trong những quan điểm cơ bản của Đảng đã khẳng định rõ: “Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…”.
Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn đã liên tục được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được với tính cấp bách trong lĩnh vực này.
Đồng thời, từ năm 2003 đến nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, đặt nền móng vững chắc cho lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam, chỉ ra nhiều mục tiêu cũng như nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.
Trong đó, các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường... được đưa lên hàng đầu trong số các giải pháp tổng thể mà chiến lược đã đề ra.
NĐT: Rõ ràng, vấn đề bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Xin ông chia sẻ thêm về vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong vấn đề này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền:
Phát triển kinh tế xã hội rất cần thiết nhưng không phát triển bằng mọi giá mà vẫn phải nghĩ đến môi trường, bảo vệ môi trường. Những năm qua giới luật gia cũng đã có trách nhiệm đóng góp cho công tác này.
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 14 ngày 1/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, xác định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam phải tham gia tích cực vào tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Do vậy, Hội Luật gia Việt Nam coi việc đưa pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đưa pháp luật vào đời sống, trong đó có Luật bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 03 ngày 5/10/2018 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Hội Luật gia Việt Nam thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ “Tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp”.
Trong những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động tuyên truyền như tổ chức hội nghị tập huấn trên toàn quốc cho giới luật gia 63 địa phương, xuống tận cơ sở xã phường và thu được nhiều kết quả tích cực.
Riêng trong năm 2023, Hội đã tổ chức 15 hội nghị tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật và năng lực giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, hỗ trợ việc sớm phát hiện và xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường, hỗ trợ giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường cho cán bộ, hội viên là báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên và hòa giải viên của 63 Hội Luật gia tỉnh, thành phố. Tổ chức biên soạn, xuất bản 3000 cuốn sách và 50.000 tờ rơi hướng dẫn phân loại rác thải và phát hành tới 63 Hội Luật gia tỉnh/ thành phố trong cả nước. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi tổ chức ngày bảo vệ môi trường thế giới triển khai cho toàn giới luật gia và đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực.
NĐT: Trong thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam sẽ triển khai tiếp công tác bảo vệ môi trường như thế nào đến hội viên các cấp?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền:
Với những kết quả tích cực đã đạt được, trong thời gian tới Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực của các đơn vị Hội Luật gia Việt Nam về pháp luật bảo vệ môi trường. Mục đích là sau mỗi buổi tập huấn, các hội viên sẽ là một báo cáo viên, một tuyên truyền viên giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường.
NĐT: Doanh nghiệp là lực lượng sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế. Theo Chủ tịch, để doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm của doanh nghiệp cần phải được nâng cao như thế nào trong việc bảo vệ môi trường?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền:
Tăng trưởng xanh là phương thức phát triển phù hợp trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được cải thiện rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng…
Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm xã hội trong các vấn đề môi trường và tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp cần có ý thức trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Riêng về vấn đề rác thải tại nguồn, doanh nghiệp cũng cần phải có ý thức tốt thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Tôi một lần nữa nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
NGUOIDUATIN.VN |