img

Vốn “ưng” những cung đường “bụi” giàu trải nghiệm hơn các tour du lịch nghỉ dưỡng, cặp vợ chồng U70 từ Vũng Tàu quyết định thực hiện một chuyến xuyên Việt bằng xe máy đầy thử thách cùng vợ chồng cô con gái ngay dịp đầu năm 2020.

img

Chuyến xuyên Việt của ông Nguyễn Huy Phụng (SN 1957) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Đệ (SN 1954), bất ngờ trở thành câu chuyện khiến cộng đồng mạng tấm tắc ngợi khen một cách đầy ngưỡng mộ trên mạng xã hội.

“Dường như đến khi bài chia sẻ về chuyến xuyên Việt của ba mẹ gần được 10.000 lượt thích, hai nhân vật chính mới biết đến sự xuất hiện đầy bất ngờ của mình trên mạng xã hội”, chị Nguyễn Thị Trường An (SN 1987), con gái của cặp đôi này bắt đầu câu chuyện với nụ cười rạng rỡ.

img

Bản thân Trường An vốn có niềm đam mê mãnh liệt với “xê dịch”, nên từ Nam ra Bắc, dường như địa điểm nào cũng có dấu chân chị bước qua. Sau khi kết hôn, chị có thêm “người bạn đồng hành” trên mọi nẻo đường khám phá, đặc biệt, là những chuyến vi vu bằng xe máy.

Có lẽ, chứng kiến vẻ say mê của vợ chồng cô con gái khi nhắc đến kỷ niệm của những chuyến đi “bất hủ”, ông Phụng và bà Đệ cũng nhen nhóm, dự định cho một chuyến đi khám phá thật đặc biệt, một chuyến đi đong đầy những trải nghiệm “để đời”.

Vì thế, sau những chuyến vi vu xuyên Việt, Trường An nghĩ đến việc rủ ba mẹ đi du lịch bằng tour, nhưng thuyết phục bất thành... Ông Phụng nhất quyết muốn có một chuyến đi bằng xe máy, tự chạy xe trên những con đường uốn lượn quanh núi, quanh đèo, chở theo bà xã ở phía sau, tận hưởng những không gian khác lạ trải dọc dải đất hình chữ S.

img

“Vậy là cả gia đình cùng lên kế hoạch đi xuyên Việt, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Thực ra, trở ngại lớn nhất có thể là sức khỏe của ba mẹ, dù gì cũng đã thuộc hàng U70. Mặc dù vậy, mỗi ngày, do công việc nhà nông, ba mẹ cũng vận động nhiều chẳng khác nào tập thể dục thường xuyên, nên cơ thể dẻo dai phần nào... Chỉ đáng bận tâm nhất là một số bệnh thường gặp ở người già, nên trước khi đi, tôi phải gặp bác sĩ để lấy thuốc mang theo, đủ cữ cho cả tháng.

Ngoài ra, chỉ cần chú ý lên lịch trình thật kỹ, chia nhỏ quãng đường đi mỗi ngày để ba mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, không mệt mỏi vì di chuyển… là có thể yên tâm cho một chuyến đi dài”, Trường An chẳng ngại bật mí.

Chuyến đi “để đời” của gia đình bốn người thong dong trên hai chiếc xe máy diễn ra từ ngày 8/2 và kết thúc vào ngày 25/2/2020. Xuất phát từ TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), hai chiếc xe, hai thế hệ men theo đường mòn Hồ Chí Minh, băng qua nhiều tỉnh thành với cảnh sắc mỗi nơi một vẻ, và dừng chân tại một số địa điểm nổi bật như Ngã ba Đông Dương, Bình Phước, Kon Tum, Ninh Bình, Sa Pa, Hà Nội...

img

“Lúc đến Ninh Bình, ba lạnh quá nên hành trình bị “cắt bỏ” cung đường Tây Bắc, chỉ lên Sa Pa rồi quay lại. Lẽ ra, chúng tôi còn ghé cả Vịnh Hạ Long, vì đây là nơi mẹ mong được tham quan nhất, nhưng vì lý do thời tiết nên gia đình tôi quyết định không đi để đảm bảo sức khỏe và trở về bằng máy bay.

img

Chắc sau này tôi phải “rủ rê” ba đi thêm chuyến Tây Bắc nữa để tận hưởng vẻ đẹp của núi rừng và thử sức hết những con đèo nổi tiếng, kẻo tiếc lắm!”, Trường An khẽ nhún vai.

Với những người trẻ mê “xê dịch” như vợ chồng Trường An, chuyến xuyên Việt vừa qua như một trải nghiệm thú vị bởi lần đầu tiên được cùng ba mẹ chạy trốn nhịp sống thường ngày, tìm cảm giác “thức dậy ở một nơi xa”. Còn với ông Phụng và bà Đệ, đây có lẽ là chuyến đi bằng xe máy dài nhất, thú vị nhất và cũng là hành trình để ôn lại những ký ức một thời tuổi trẻ, để tìm lại một “đoạn đường thanh xuân” đã đi qua…

img

Giống với phần nhiều những cặp đôi U70 khác, ba mẹ chị Trường An ở trong mắt cô con gái thực sự là một cặp đôi “ngoài lạnh, trong ấm”: “Thực tình, khi ở nhà, ba mẹ tôi cũng không thích thể hiện tình cảm ra bên ngoài, thậm chí, có lúc còn thích “đấu khẩu” với nhau nữa… Tính mẹ tôi thì dễ giận, dễ hờn, mà ba tôi thì thích trêu chọc, kiếm chuyện để “cà khịa” mẹ, khiến mẹ dỗi rồi có khi lại phải dỗ dành”.

img

Chị hào hứng chia sẻ về câu chuyện thú vị của ba mẹ trong chuyến xuyên Việt vừa rồi: “Tôi nhớ, có đoạn, xe đang chạy bon bon, nhìn sang thì thấy mẹ tôi đang cầm lái. Ôi, quá bất ngờ! Vì suốt cả chuyến đi, vợ chồng tôi đã nhiều lần đề nghị “đổi tài” thay nhau chạy để ba nghỉ tay một chút, nhưng ba nhất quyết không cho. Chỉ có ba chở mẹ thôi!

Tự dưng lúc đó lại thấy mẹ cầm lái, vợ chồng tôi nhao nhao lên hỏi nhau: “Vụ gì vậy nhỉ?!”…

Mãi đến lúc dừng chân, hỏi ra mới biết, là do lúc ba cầm lái, mẹ ngồi phía sau cứ chỉ cách chạy cho ba, phải chạy thế này, phải chạy thế kia… Đã vậy, đến đoạn đường nào thấy sợ sợ, hay có xe chạy lại gần, thì mẹ bất ngờ ôm eo, rồi bấu mạnh vào eo ba như đang “bóp thắng”… khiến ba “ghét”, ba kêu “Bà thử bà chạy đi!”. Mẹ lên chạy luôn. Nhưng chỉ được khoảng 2km là ba lại cầm lái... Sau đó, mẹ không dám nhắc đến vụ đó luôn”.

img

“Ba mẹ hay chọc nhau vậy chứ cũng thương nhau nhiều lắm. Đến địa điểm tham quan nào, ông bà cũng đỡ nhau cùng đi, người này chờ người kia “sánh bước”… Sáng nào hai ông bà cũng đợi nhau ăn sáng, rồi nhắc nhau uống thuốc. Mà tình cảm với nhau thì lại ít thổ lộ ra, chắc là ngại, tôi phải “canh” mãi mới “chụp trộm” được bức hình ba mẹ cùng nhau uống thuốc đấy. Đây là bữa ở Buôn Ma Thuột, cả nhà có hẳn hai ngày để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình dài ngày…”, chị nhẹ nhàng lướt mấy tấm hình lưu giữ khoảnh khắc của ba mẹ trong chiếc điện thoại.

Trong suốt chuyến đi ròng rã 18 ngày, mặc dù vui vì có những trải nghiệm mới, khám phá mới, nhưng ông Phụng lại có riêng một “nỗi buồn”. Đó là không được thưởng thức những món ăn do vợ nấu.

Nhắc đến “hương vị mẹ”, cô con gái Trường An tấm tắc: “Có thể do quen khẩu vị mẹ nấu, nên tôi thấy món nào cũng ngon! Nhưng thấy ba thích nhất là món cari gà, món ấy mẹ nấu là “đỉnh” nhất. Cả hành trình, ba tôi cứ nhắc hoài…

img

Đi đến ngày thứ ba là ba tôi đã chán ăn hàng quán và bắt đầu nhắc: “Mấy ngày rồi chưa được ăn cơm mẹ nấu. Ba thèm…”. Cứ như vậy trong suốt chặng đường cả nghìn cây số, điều khiến ba cảm thấy “kém vui” nhất chính là nhớ cơm mẹ nấu… Có khi nào, vì thế mà đi đến ngày thứ 18, ba đổi ý, muốn về nhà sớm không nhỉ?! Dự định ban đầu là chuyến đi kéo dài một tháng cơ...”.

Lúc xưng “anh - em”, lúc gọi “ông - bà”, nhưng trong gia đình của ông Phụng và bà Đệ dường như chưa bao giờ thiếu sự nồng ấm. Đôi khi ông và bà hay chọc nhau giận dỗi, nhưng những cơn giận cũng tan nhanh như “mưa bóng mây”, khiến tình cảm ngày một bền chặt, ngày một sắt son...

img

Những chuyến xuyên Việt bằng xe máy đã không còn quá xa lạ với hai vợ chồng Trường An, còn với ba mẹ chị, chuyến đi đã ghi dấu rất nhiều trải nghiệm mang tên “lần đầu tiên” cho cả hai ở tuổi U70.

Trường An nhắc đến kỷ niệm mà có lẽ cả ba và mẹ chị đều nhớ nhất trong suốt hành trình: “Có những kỷ niệm đáng nhớ như hôm đi từ Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam) qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), lúc đang ở giữa rừng trên đường mòn Hồ Chí Minh thì trời dần tắt nắng và sương mù xuất hiện. Càng đi, sương càng dày đặc. Không nhìn thấy đường, nên ba phải chạy chậm, cỡ tầm 5-10km/h, mò mẫm theo đường vạch kẻ làn mà chạy theo, chứ nhìn phía trước là không thấy gì.

img

Vợ chồng tôi cũng từng trải qua những tình huống như vậy rồi nên không mấy bất ngờ, tuy nhiên, với ba mẹ thì đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Đến lúc về, nhìn lại cả hành trình, ba vẫn còn nhắc về đoạn sương mù hôm ấy, nói đó là lần đầu ba chạy xe trong sương dày đặc đến như vậy…”.

“Lần dừng chân ở Sa Pa, nhiệt độ xuống khá thấp, nên với ba mẹ tôi cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Ba tôi bị ấn tượng vì từ bé mới cảm nhận không khí này... Câu nói của ba run run giữa đất trời Sa Pa khiến tôi thương quá trời: “Nhỏ tới giờ có biết 10 độ C là gì đâu... Lạnh gì mà lạnh dữ... Đó giờ toàn loanh quanh ở Vũng Tàu, toàn hơn 30 độ C, có năm nào mát lắm mới được 24-26 độ C”. Nhìn hình ảnh ba lúc đó, vừa thương vừa đáng yêu một cách lạ lẫm: ngồi chơi không mà quấn cái chăn dày cả tấc quanh mình luôn...”, cô con gái khẽ gật gù nhớ lại.

Thoáng một phút im lặng, chị bộc bạch: “Cả gia đình đều mong muốn có nhiều trải nghiệm trong chuyến xuyên Việt lần này, một trong những tiêu chí là thưởng thức ẩm thực và chiêm ngưỡng danh thắng ở địa phương nơi mình đến, nhưng do thời gian không có nhiều nên ba mẹ chủ yếu được trải nghiệm cảm giác rong ruổi bằng xe máy trên đường mòn Hồ Chí Minh, ngắm những “kiệt tác” của thiên nhiên hùng vĩ, chứ cũng chưa kịp khám phá phong tục, văn hóa bản địa…

img

Đây là lần đầu tiên ba mẹ tôi ra thăm thú miền Bắc, cảm nhận sự khác biệt rõ rệt của thời tiết, khí hậu; lần đầu tiên biết đất Thủ đô nghìn năm văn hiến ra sao;... Đó đã là những dấu mốc đầy thành công trong chuyến xuyên Việt lần này”.

Nhìn lại hành trình từ Nam ra Bắc trên hai chiếc xe máy chở theo những câu chuyện của hai thế hệ, cô gái Trường An không giấu nổi nét rạng rỡ trên gương mặt: “Tôi có hơi tiếc vì có để quên vài đồ vật trong chuyến đi, nhưng dẫu sao, đây vẫn là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Tôi biết nhiều bạn bè cũng muốn đưa ba mẹ cùng đi thăm thú đó đây giống gia đình tôi, nhưng còn e ngại nhiều thứ… Nhưng hãy thử lắng nghe câu chuyện của ba mẹ tôi, thực ra, họ cũng đâu phải người hoàn toàn khỏe mạnh, cũng có nhiều hạn chế về sức khỏe, nhưng theo tôi, nếu con cái thực sự muốn ba mẹ trở thành “người bạn đồng hành” thì sẽ làm được thôi!”.