img

Người Đưa Tin đã có buổi nói chuyện với CEO Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng - 1996), nhiếp ảnh gia có sức ảnh hưởng khá lớn trong cộng đồng giới trẻ và showbiz Việt hiện nay, từ một góc nhìn mới mẻ về vấn đề khá đau đầu với genZ - quản lý tài chính cá nhân.

img

Tuổi đời không nhiều nhưng Hồng Nhung đã có chặng đường 10 năm gắn liền với nhiếp ảnh thương mại - nghề nghiệp giúp cô đạt được mức thu nhập “khủng" vài trăm triệu mỗi tháng. Gác lại tất cả sang bên, 2021 là năm Nhung tuyên bố không còn là nhiếp ảnh gia để bắt đầu một vị trí mới - Founder và CEO công ty startup, nhưng Covid đã làm mọi thứ chệch khỏi đường ray, từ đó, khiến GenZ-er “vỡ" ra nhiều bài học.

img

Người Đưa Tin (NĐT): Nhìn lại năm 2021, đâu là câu chuyện đem đến cho bạn nhiều cảm xúc nhất trong năm qua?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Với tôi, từ chính xác dành cho năm qua có lẽ là “chật vật". Khi nhìn lại, đôi khi tôi cũng không rõ có “sức mạnh vô hình" nào đó đã khiến mình vượt qua được năm 2021 như vậy.

img

Điều khiến tôi chật vật nhất, chắc chắn cũng giống như bao người - tài chính. Bên cạnh đó, là câu chuyện startup trong năm 2021, nhiều người gọi đây là một sai lầm, nhưng với tôi đó lại là một bước nhảy cóc quý báu cho quá trình trưởng thành của mình.

NĐT: Đi từ vấn đề chung - tài chính thời Covid, bạn không cô đơn trong câu chuyện này. Tuy nhiên, dùng từ “chật vật" liệu có quá cho trường hợp của bạn không, bởi 2021 cũng là năm bạn khởi nghiệp công ty, tài chính khó khăn phải là những điều được xác định trước?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Khó khăn là có xác định cho giai đoạn đầu của một startup, tuy nhiên, Covid lại là một biến số ngẫu nhiên, thậm chí đến giờ cũng chưa ai nói trước được điều gì, khiến tôi ít nhiều rơi vào thế bị động, từ đó tôi nhận thấy thiếu sót của bản thân về vấn đề này.

img

Bài học lớn nhất trong năm 2021, chính là sự tích luỹ. Đây cũng là vấn đề khiến công ty startup của tôi gặp nhiều khó khăn nhất trong năm qua.

Trước đây, làm được bao nhiêu tôi tiêu hết bấy nhiêu, lớn hơn chút thì cũng có tiết kiệm, nhưng cũng lại tiêu vào những khoản đầu tư khác nhau không thuộc chuyên môn của mình, như góp vốn làm ăn cùng các bạn hay tự mở thương hiệu thời trang khi chưa có lộ trình cụ thể.

img

Thực sự, lúc đó tôi không tính toán nhiều, bởi suy nghĩ cứ đầu tư đi rồi hôm sau mình lại tạo ra được tiền nhờ công việc chính của mình.

Năm 2020 vẫn chưa phải vấn đề, bởi dù dịch nhưng vẫn có nguồn thu. Nhưng tới 2021, khi tôi chuyển hướng thành lập công ty, dường như mọi thứ đều bị khoá lại do giãn cách. Mà nguồn thu của công ty đến chủ yếu từ việc sản xuất hình ảnh, nên vấn đề tài chính bắt đầu nổi cộm lên.

Từ đó, mình suy nghĩ, khi không có khoản để sử dụng cho tình trạng khẩn cấp, sẽ khiến cả bản thân và công ty rất dễ rơi vào cảnh lao đao, bởi lúc nào cũng áp lực về vấn đề xoay vòng tiền, tìm kiếm nguồn thu.

Xét trên phương diện người phát triển startup, đây là một điều thực sự tệ. Bởi chính áp lực về tài chính khiến cho tôi không đủ liều để làm những dự án mới, mang tính đột phá, hay không có tiền đầu tư phát triển tốt hơn cho những dự án có sẵn.

img

NĐT: Nhìn ở góc độ rộng hơn, Covid đã khiến mọi thứ thay đổi, trong đó có cách quản lý tài chính của chúng ta, như bạn vừa chia sẻ. Vậy điều này đã thay đổi như thế nào trong suy nghĩ của giới trẻ trẻ, đặc biệt là các bạn ở tầm tuổi như bạn, bạn có thể chia sẻ thêm về điều này?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Theo tôi, hậu Covid, giới trẻ không hẳn thay đổi nhưng sẽ có sự quan tâm nhất định về vấn đề tài chính.

Bởi thế hệ người trẻ hiện đại, hay các bạn trẻ gen Z, về cơ bản, hoàn cảnh sống và trưởng thành hầu hết đều rất đầy đủ, có chỗ dựa về mặt tài chính từ gia đình khá ổn định. Nên khi đi làm, nguồn tài chính đầu vào của các bạn thường sẽ chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân. Dù công việc có người dài hạn, có người ngắn hạn, nhưng sẽ luôn có những công việc tiếp nối nhau để có tài chính phục vụ nhu cầu bản thân.

Do vậy, nhìn chung hầu như các bạn gen Z sẽ ít có khoản tích lũy, làm ra bao nhiêu sẽ tiêu hết bấy nhiêu, làm nhiều tiêu nhiều, làm ít tiêu ít.

Tuy nhiên, trong thời kỳ Covid diễn ra, thị trường việc làm cũng biến động, khiến tìm kiếm công việc cũng khó khăn hơn nhiều. Mặt khác, những bạn trẻ gọi là gen Z nhưng thuộc lứa 96-97 cũng đã khá trưởng thành, ở độ tuổi bắt đầu có suy nghĩ tới việc ổn định tài chính, định hướng cho sự nghiệp.

img

Nên khi rơi vào tình trạng khó khăn về việc làm thì sẽ tạo ra tâm lý không chắc chắn, mông lung về tương lai. Từ đó, dẫn đến suy nghĩ nhiều về việc ổn định tài chính.

NĐT: Các cụ ta có câu “Cái khó ló cái khôn”, thời thế khó khăn là điều khó có thể thay đổi, nhưng khi đã để tâm tới thách thức, chúng ta sẽ có những con đường riêng để vượt qua nó. Bản thân cũng là người trẻ và tiếp xúc nhiều với cộng đồng gen Z, theo bạn điều gì đã giúp gen Z bù đắp cho khoản thiếu tích lũy tài chính, vượt qua 2021?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Chính vì không có tích luỹ, nên trong tình thế khẩn cấp, chúng ta sẽ chỉ có thể tìm cách tăng thêm đầu vào và hạn chế đầu ra để duy trì, khó có thể gia tăng tích lũy ở giai đoạn này.

Đó cũng là lí do vì sao các bạn tìm đến đầu tư tài chính rất nhiều trong năm qua. Bởi đầu tư cho các bạn niềm tin rằng, với một số tiền nhất định, sẽ tạo ra được những khoản tài chính khác.

img

Đặc biệt, ở thời kỳ các bạn trẻ nhận được rất nhiều thông tin từ mạng xã hội, các nền tảng số khác nhau thì các bạn tiếp cận được với rất nhiều hình thức, thông tin phục vụ cho việc đầu tư tài chính.

Hay đơn giản đó chỉ là bạn bè giới thiệu nhau. Ví dụ như thời gian vừa rồi, thị trường chứng khoán “sốt" lên, tạo nhiều đỉnh mới, thì đi tới bất kỳ quán cà phê nào cũng thấy chủ đề cuộc trò chuyện của giới trẻ thay vì mua quần, mua áo thì giờ là mua mã nào, lãi được bao nhiêu.

Có lẽ điều này không chỉ nằm ở hoàn cảnh khó khăn, mà còn xuất phát từ tư duy cởi mở hơn của các bạn trẻ khi đầu tư tài chính. Tôi đã làm việc và trao đổi rất nhiều với các bạn trẻ ở độ tuổi này, thì thấy rằng đây là tâm lý chung của đa số, các bạn nghĩ rằng, có tiền chắc chắn sẽ đầu tư tài chính bởi lợi nhuận đem lại có khi còn cao và nhanh hơn việc dùng số tiền đó đầu tư cho bản thân.

NĐT: Vậy còn bạn và câu chuyện dòng tiền cho công ty của mình thì sao? Đâu là những phương án đã được triển khai để duy trì công ty ở trạng thái an toàn trong năm qua?

img

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Thú thực, tôi cho rằng bản thân không phải là người giỏi về vấn đề quản lý tài chính hay kinh tế.

Tuy nhiên, khi ở vào trường hợp không thể thay đổi hoàn cảnh, con người sẽ có hai xu hướng hành động: buông xuôi, từ bỏ hoặc sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề đang tồn đọng. Rất may mắn, tôi ở trường hợp sau, nên năm qua dù khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn cố tìm ra được những khe cửa hẹp để lách qua, tôi gọi đó là tính thích ứng cao.

Cụ thể, với công ty, thay vì sản xuất hình ảnh ở studio, thì tôi dùng chất xám của mình làm vốn, mở thêm khóa học trực tuyến về sản xuất hình ảnh cho những bạn có nhu cầu tìm hiểu, bởi mảng giáo dục cũng là một trong những mảng mà công ty hướng tới.

Giãn cách đã khiến tôi đẩy nhanh hơn việc thực hiện ở mảng này, bởi dạy học trực tuyến vừa đảm bảo yêu cầu về dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu học khóa ngắn hạn tại nhà của nhiều người, từ đó có thêm nguồn thu cho công ty, tạo việc làm cho các bạn nhân viên vào mùa dịch.

img

Tuy vậy, tôi nghĩ đây không phải sự vận hành tốt, bởi những tình huống chữa cháy, dù có nằm trong định hướng tương lai thì cũng rất dễ khiến mình bị chệch khỏi đường ray, lộ trình đã lên sẵn.

Mặt khác, tư tưởng của mình cũng sẽ bị kìm kẹp trong vấn đề tài chính, không dám đầu tư, mở rộng dự án cho giai đoạn đầu thành lập - giai đoạn quan trọng của một startup.

Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng dùng tiền cá nhân để đầu tư tài chính dưới hình thức chứng khoán, để tạo ra thêm nguồn lợi nhuận, quay ngược lại để sử dụng cho công ty.

img

img

NĐT: Năm 2021, quản lý tài chính cá nhân đã khó, bạn còn đồng thời phải đưa ra chiến lược cân bằng tài chính cho cả công ty. Từ những trải nghiệm và bài học rút ra trong năm qua, bạn nghĩ đâu là điểm tương đồng và khác biệt giữa hai hình thức quản lý này, liệu có điều gì chúng ta có thể áp dụng chéo?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Cá nhân tôi cho rằng, dù là quản lý tài chính cá nhân cũng cần coi như quản lý tài chính doanh nghiệp, bởi cá nhân mỗi chúng ta cũng đều là một cá thể kinh doanh độc lập, đầy đủ thành phần về tài chính, dòng tiền như một doanh nghiệp.

Sau năm vừa qua, tôi không còn đề cao tinh thần sống YOLO (you only live once - bạn chỉ sống một lần trong đời), không thể tiêu hết hôm nay không nghĩ đến ngày mai, nên với cá nhân hay công ty, đều cần có kế hoạch tài chính rõ ràng gắn với từng bước định hướng trong tương lai.

img

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở tính trách nhiệm, sau đó là tính xa cho tương lai.

Khi ở một tổ chức, vấn đề tài chính sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngừoi khác nhau, còn ở mức cá nhân, sẽ chỉ ảnh hưởng đến một người.

Quản lý tài chính cá nhân sẽ dễ dàng linh hoạt hơn, có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, không co thì sẽ không tiêu, chủ động giảm nhu cầu của bản thân để bớt gánh nặng tài chính thì vẫn có thể sống được.

Nhưng với một tổ chức, ngay cả khi không có nguồn thu, vẫn phải chi những mục đã cố định như mặt bằng, nhân viên, do đó ở mức độ này, tính trách nhiệm là rất cao, nói cách khác đây chính là trách nhiệm duy trì cho cuộc sống của nhiều người khác nhau.

Mặt khác, đầu tư tài chính cho bản thân cũng sẽ ít hơn so với doanh nghiệp. Với startup nói chung, thời gian ban đầu, nguồn tài chính vào sẽ thấp hơn tài chính ra rất nhiều, từ vận hành, nhân viên, cho tới quảng cáo đều là những khoản chi cố định khó để cắt giảm. Còn với cá nhân chỉ dừng lại ở, ăn, mặc, học…, đó là những vấn đề có thể tự kiểm soát và cắt giảm hoặc trì hoãn nếu không cần thiết.

img

Qua đó, cần xác định rõ bao nhiêu phần trăm lợi nhuận (khoản dư sau khi trừ hết chi phí bắt buộc) sẽ dùng để đầu tư quay vòng, bao nhiêu sẽ dành cho quỹ khẩn cấp và bao nhiêu phần trăm là khoản sử dụng cho mục đích khác.

NĐT: Như bạn đã chia sẻ, đầu tư tài chính là phương án nhiều bạn trẻ tìm đến trong năm qua để gia tăng giá trị nguồn vốn sẵn có. Là một người trẻ cũng có những hình thức đầu tư tài chính khác nhau, bạn quan niệm điều này như thế nào? Từ đó có thể cho biết suy nghĩ của bạn về hình thức đầu tư gắn liền với công nghệ số - thứ mà người ta vẫn gọi là kỷ nguyên của gen Z?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Thú thực, hiện tại tôi đang đầu tư theo hình thức chứng khoán và góp cổ phần cho một số công ty, không quá mới lạ như blockchain hay crypto (tiền mã hoá).

Nhưng, thực tế cho thấy, chắc chắn việc đẩy mạnh đầu tư tài chính qua các nền tảng 4.0 sẽ cho các bạn trẻ nhiều cơ hội, hình thức đầu tư hơn. Trước đây, nếu đầu tư chỉ có bất động sản, vàng hay ngoại tệ, thì giờ đây là kỷ nguyên của chứng khoán, tiền mã hoá hay blockchain…

img

Cũng chính nhờ vậy quy trình đầu tư cũng sẽ dễ dàng hơn nhờ công nghệ số, thay vì như trước đây đầu tư bất động sản là phải tới tận nơi xem, ký các thể loại giấy tờ rồi công chứng, thì giờ tất cả tích hợp trên điện thoại thông minh, giao dịch mọi lúc mọi nơi chỉ tính bằng phút.

Chính những yếu tố đó cũng sẽ thúc đẩy thị trường đầu tư tài chính cá nhân nhiều hơn, trẻ hoá độ tuổi đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ nhanh sẽ luôn đi kèm với sự choáng ngợp về cả cách thức đầu tư lẫn những thông tin thật, giả. Điều này các bạn trẻ phải hết sức thận trọng.

img

Mặt khác, điều này cũng gây nên một tâm lý không tốt cho người trẻ, đó là đầu tư tài chính sẽ đem lại lợi nhuận tốt hơn việc chăm chỉ đi làm hằng ngày, tăng cường thu nhập từ chính sức lao động chuyên môn của mình.

Bởi tôi là người tin vào việc đầu tư cho tài nguyên con người, nên việc các bạn trẻ tập trung đầu tư tài chính mà quên đi trau dồi kiến thức chuyên môn, phát triển bản thân, lâu dần sẽ hình thành sự thiếu hụt trong xã hội về mặt giá trị cộng đồng, dù lớp trẻ tràn đầy sự sáng tạo ngày càng đông đảo.

NĐT: Từ sự thay đổi về nhận thức tài chính, số lượng nhà đầu tư thế hệ Z ngày càng đông đảo và có lẽ sẽ còn tăng trong thời gian tới, dẫn đến những thực trạng như mua bán theo đợt sóng, mách mã…bạn nghĩ sao về điều này?

img

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Trước khi nêu nhận định của tôi về thực trạng này, cần hiểu chứng khoán là hình thức tài chính lên xuống theo thị trường, càng nhiều người đầu tư vào một mã chứng khoán thì sẽ càng đẩy giá mã đó lên cao hơn và ngược lại.

Vậy nên khi được mách mã hay nhiều người đổ xô mua mã A, B, C nào đó vì thấy sóng đang lên, thay vì nhảy ngay theo con sóng, bạn hãy double check (kiểm tra lại) và cross check (kiểm tra chéo), bởi rất có thể những hội nhóm mách mã lại chính là những người đang muốn đẩy cao giá trị cổ phiếu đó lên.

Theo tôi nghiên cứu, cổ phiếu ở nước ngoài, đặc biệt ở Việt Nam, không phải lên theo giá trị kinh doanh của doanh nghiệp chủ quan, lên và xuống bởi vì những người nắm giữ cổ phần lớn họ muốn như vậy.

Do vậy, những nhà đầu tư cá nhân, cụ thể là gen Z sẽ chỉ là một chấm rất nhỏ trong bức tranh đó, nên chúng ta cần có sự tỉnh táo và nhận định chính xác trước khi đầu tư, không nên theo phong trào bởi ta không thể lường trước được sóng lên và xuống đột ngột đến mức nào.s

img

img

NĐT: Câu chuyện thứ hai trong năm nay đem đến cho bạn muôn vàn cảm xúc đó là khởi nghiệp. Bạn có thể cho biết lí do vì sao lại chọn thời điểm khó khăn như năm nay để triển khai dự án này? Liệu đây có phải tầm nhìn chiến lược lâu dài, như một hình thức đầu tư mà bạn chưa từng chia sẻ không?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Thực ra, khởi nghiệp không phải quyết định ngày một ngày hai, đó là dự định của tôi từ khi mới trở về Việt Nam, có rất nhiều lí do khác nhau.

Thứ nhất, cá nhân tôi vẫn luôn quan niệm rằng, đầu tư để phát triển kiến thức cho bản thân mình, phục vụ cho chuyên môn nghề nghiệp của mình thì sẽ bền vững nhất, hơn là việc chỉ trông đợi vào những nguồn đầu tư tài chính.

Mặc dù, cũng có những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, chắc chắn họ cũng sẽ bỏ không ít thời gian, tâm huyết và cả tiền bạc để nghiên cứu, học tập.

Thứ hai, khi nhìn năm 2020, tôi nghĩ mọi thứ đã rất tệ rồi, nên quyết định tiến hành vào đầu 2021 - khi làn sóng dịch lần thứ 4 chưa bùng phát.

img

Tới lúc dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, giãn cách xã hội, tôi chỉ giữ cho mình suy nghĩ “đâm lao thì phải theo lao", bởi như tôi đã chia sẻ tôi là người luôn tìm cách giải quyết và khá bản lĩnh khi đón nhận những tình huống bất ngờ.

Tôi cho rằng đây cũng là một bài học quý báu mà mình học được trong năm qua. Bởi xác định đây là một con đường dài, chọn khởi nghiệp là chọn con đường gập ghềnh cho chính mình, nên tôi nhận định đây là những thử thách cần thiết cho quá trình trưởng thành của bản thân cũng như công ty.

Thứ ba, trước đây, khi còn đi chụp hình đơn lẻ dưới cương vị nhiếp ảnh gia, nếu chăm chỉ tôi có thể kiếm được tới vài trăm triệu đồng mỗi tháng, nhưng lùi ra sau, nhìn ở góc rộng hơn, nếu công việc chỉ xoay quanh bản thân thì chỉ bền ở một khoảng thời gian nhất định, nhưng lại không thể phát triển mạnh là rộng hơn, đem đến giá trị cho cộng đồng.

img

Bởi mình nhận thấy, thị trường Việt Nam tuy đã có sự phát triển sáng tạo hình ảnh hơn trong khoảng 1-2 năm gần đây, tuy nhiên vẫn hoạt động dưới dạng cá nhân tự do nhiều nên rất khó cho các doanh nghiệp tiếp cận, khi họ cần. Vậy nên, mình quyết định thành lập công ty như một cây cầu nối giữa doanh nghiệp cần làm hình ảnh, truyền thông với những bạn tâm huyết với ngành sáng tạo, tạo một cộng đồng sáng tạo trẻ nhưng chuyên nghiệp và văn minh.

NĐT: Nói là vậy, tuy nhiên chuyển hướng công việc đang ổn định với mức lương vài trăm triệu mỗi tháng, không phải là điều đơn giản mà ai cũng làm được. Bạn đã lấy động lực từ đâu để vượt qua những suy nghĩ về tài chính, hướng đến giá trị lớn hơn như bạn đã chia sẻ?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Dù có ở bất kể hoàn cảnh nào, hay làm gì, tôi vẫn nghĩ đầu tư cho con người là một loại đầu tư bền vững. Bởi kiến thức là thứ dường như sẽ chẳng bao giờ mất đi, ngược lại, đầu tư tài chính có thể thấy kết quả ngay, nhưng nếu thất bại hay bị lừa, chúng ta sẽ mất đi, không thể lấy lại được khoản đã mất.

img

Chúng ta chỉ có 24 tiếng một ngày, nên việc bị phân tâm về vấn đề tài chính sẽ khiến mình không thể tập trung 100% nguồn lực cho công việc chính, chuyên môn của mình - điều mà giúp chúng ta bền vững theo thời gian. Nên các bạn trẻ đầu tư tài chính là tốt, nhưng nếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, thì hãy cố gắng đừng để bị phân tâm.

Còn đầu tư tài chính, nếu có thể dành hết tâm sức vào nó, có thể thành công và tạo ra thành quả rất nhiều, nhưng hãy quay lại việc vì sao mình có nguồn vốn đó để đầu tư? Câu trả lời nằm ở chính sức lao động bằng công việc chính của mình, bằng trí óc, bằng chân tay…

img

Từ đó, quan niệm đầu tư tài chính của tôi theo quy trình rất rõ ràng, từ nghề nghiệp chuyên môn, tạo ra tài chính, thu nhập nhưng không để số tiền đó nằm một chỗ mà có thể san đi đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau để sinh lời. Đồng thời, trong thời gian đó, mình vẫn phải tiếp tục làm việc, trau dồi trình độ chuyên môn, gia tăng vị thế trong nghề nghiệp cũng là một loại sinh lời, khiến bạn có mức lương cao hơn trong lĩnh vực theo đuổi.

NĐT: Là một người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng giới trẻ, bạn có lời nhắn gì muốn gửi tới các bạn genZ về vấn đề tài chính cá nhân không? Làm sao để ta có thể áp dụng bài học quý báu của năm 2021 và năm 2022 một cách hiệu quả nhất?

Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Về vấn đề này, tôi quan niệm rằng, khi ở độ tuổi dưới 30, đừng quá suy nghĩ nhiều về mặt tài chính, dừng nghĩ mình phải tạo ra được bao nhiêu tỷ hay mua nhà to, mua xe xịn, bởi chính điều đó sẽ tạo ra cho chúng ta một giới hạn quẩn quanh trong “phải làm để kiếm ra tiền", mà quên đi những giá trị lâu dài khác.

img

Ví dụ, năm tôi 19 tuổi, tôi có hai sự lựa chọn, thứ nhất, đi làm nhiếp ảnh như mình vẫn làm mặc dù mức lương lúc đó chưa cao nhưng ở mức độ ổn định, thứ hai, bỏ ra vài trăm triệu đi học. Tôi đã đi theo con đường thứ hai, bỏ tiền để trải nghiệm, để có cơ hội mở mang kiến thức ở một nước khác.

Hay những năm khi mới vào nghề, tôi thậm chí còn làm những công việc không lương chỉ để lấy kinh nghiệm và có cơ hội cọ xát ở một môi trường mới, được cầm máy chụp thực tế mới biết mình sai ở đâu, cần bổ sung gì. Nhìn lại mới thấy đó mới chính là nguồn lợi nhuận lớn nhất mà mình thu được không phải tài chính.

Mặt khác, tôi tiếp xúc với các bạn trẻ rất nhiều trong quá trình tuyển dụng, nên có thêm lời khuyên cho các bạn: đừng nên quá coi trọng vấn đề lương, đừng nghĩ rằng mình nhất định chỉ làm việc này khi đạt đến mức lương 10 hay 15 triệu.

img

Thay vào đó, hãy nghĩ tới công việc này sẽ cho mình những cơ hội gì như các mối quan hệ, kinh nghiệm thực chiến, hay nâng cao kỹ năng mềm, cơ hội tiến xa ra sao trong ngành…

Trước năm 30, tài chính nên là thứ bạn nghĩ đến cuối cùng khi đứng trước những sự lựa chọn công việc, đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản là được. Bởi sau năm 30, chúng ta sẽ khác, với kinh nghiệm và kiến thức cứng cáp trong tay, bạn có quyền yêu cầu mức lương như mong muốn bởi bạn đã có năng lực ở tầm khác so với những năm 20.

Hãy để đồng tiền phục vụ cho việc phát triển bản thân chúng ta, bởi chỉ có trải nghiệm từ đời thực mới giúp chúng ta trưởng thành, làm nhiều, gặp nhiều lại càng thấy mình cần cố gắng hơn nữa.

img

NGUOIDUATIN.VN |