Một buổi sáng cuối tuần của mùa thu Hà Nội, bạn Nguyễn Hoàng Minh (Tôn Đức Thắng - Hà Nội) bước vào không gian lịch sử ngàn năm của Hoàng Thành Thăng Long. Không chỉ là một chuyến tham quan thông thường, hôm nay Minh còn được trải nghiệm một Hoàng Thành mới mẻ và sống động qua nhiều công nghệ số tại đây, mang lại cảm giác như được “chạm vào lịch sử”.
Tại phòng trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”, Minh ngắm nhìn những món đồ gốm sứ ngự dụng được mô phỏng lại đầy nghệ thuật nhờ công nghệ trình chiếu 3D Mapping. Những hoa văn tinh xảo, lộng lẫy của các hiện vật hiện lên rõ nét trước mắt, tạo nên một trải nghiệm thị giác hoàn toàn khác biệt.
Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, Minh phấn khởi nói: "Mặc dù nhà mình ở khá gần Hoàng Thành Thăng Long, nhưng đây là lần đầu tiên mình đến tham quan. Mình thật sự bất ngờ, chiếc đĩa gốm từ hàng nghìn năm giờ chỉ còn một mảnh nhỏ, nhưng nhờ công nghệ 3D Mapping, mình không chỉ hiểu rõ hơn về lịch sử mà còn thấy nó trở nên sống động hơn bao giờ hết. Từng chi tiết, từ hình dáng đến hoa văn của món đồ, đều được làm nổi bật một cách tinh tế. Công nghệ này khiến mình cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của các hiện vật".
Gần đó, bạn Lê Hương Giang một du khách khác cũng đang chăm chú quét mã QR tại một hiện vật trưng bày. Với chiếc điện thoại trong tay, Giang nhanh chóng tiếp cận toàn bộ thông tin chi tiết về lịch sử và nguồn gốc của hiện vật.
“Việc quét mã QR rất tiện lợi, tôi có thể tiết kiệm nhiều thời gian tìm kiếm thông tin, mà vẫn nắm bắt được mọi thứ một cách đầy đủ và chính xác. Không cần phải nhờ đến hướng dẫn viên, mọi thứ đều hiện ra ngay trước mắt”, Giang chia sẻ.
Việc ứng dụng công nghệ số trong trải nghiệm du lịch tại Hoàng Thành Thăng Long không chỉ làm phong phú thêm cách khám phá di sản mà còn giúp du khách tiếp cận gần hơn với các giá trị văn hóa, lịch sử một cách trực quan và sinh động.
Bà Nguyễn Minh Thu, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (Ảnh: Kim Thoa).
Bà Nguyễn Minh Thu, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết: “Điều tuyệt vời nhất khi áp dụng công nghệ chuyển đổi số là khả năng tái hiện không gian lịch sử một cách sống động, chân thực. Du khách không chỉ được nghe kể lại các câu chuyện mà còn có thể trải nghiệm, hòa mình vào dòng chảy của lịch sử. Mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết đều được chăm chút tỉ mỉ để mang lại cảm giác như đang thực sự bước vào thế giới của các triều đại xưa”.
Nhờ vào việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại và di sản văn hóa, Hoàng Thành Thăng Long đã tạo nên một không gian tham quan không còn mang tính lý thuyết khô khan, mà thay vào đó là những trải nghiệm lịch sử chân thực, sống động.
Một trong những công nghệ mới nhất ở Hoàng Thành chính là phòng chiếu Panorama, nơi tái hiện các sự kiện lịch sử qua màn hình 360 độ. Du khách có thể “sống lại” những thời khắc huy hoàng của các triều đại phong kiến, từ các cuộc yến tiệc đến các nghi thức đại lễ, một cách đầy ấn tượng và cảm xúc.
Bà Nguyễn Minh Thu thông tin, vào tháng 6/2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã triển khai hệ thống đặt vé điện tử, mang đến sự tiện lợi cho khách tham quan. Thay vì phải xếp hàng tại quầy vé, giờ đây du khách có thể dễ dàng đặt vé trực tuyến qua website: vedientu.hoangthanhthanglong.com chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại di động, du khách có thể lựa chọn ngày tham quan, thực hiện thanh toán trực tuyến, và nhận vé qua email.
Tại cổng soát vé, du khách chỉ cần quét mã QR trên điện thoại mà không cần phải cầm theo vé giấy truyền thống. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi, tránh tình trạng chen lấn, mà còn mang đến sự tiện lợi cho người tham quan, đặc biệt là trong các mùa du lịch cao điểm.
Không chỉ đơn thuần là việc số hóa hệ thống vé, Hoàng Thành Thăng Long còn tiên phong trong việc phát triển các ứng dụng tham quan thông minh trên điện thoại di động. Từ tháng 1/2018, hệ thống hướng dẫn tham quan tự động đã chính thức được triển khai, mang đến cho du khách một phương tiện tiếp cận di sản hoàn toàn mới.
Ứng dụng mang tên “Hoàng Thành Thăng Long" không chỉ cung cấp thông tin chi tiết về từng điểm tham quan qua các đoạn văn bản, hình ảnh minh họa, mà còn tích hợp các video giới thiệu, thuyết minh âm thanh, mang đến trải nghiệm toàn diện và trực quan cho người dùng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và tai nghe, du khách có thể “lắng nghe” câu chuyện về lịch sử hoàng cung, chiêm ngưỡng các hiện vật giá trị, và khám phá kiến trúc độc đáo của Hoàng Thành.
Ứng dụng thuyết minh đa ngôn ngữ cũng là một trong những nỗ lực vượt bậc của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế. Với 5 ngôn ngữ hỗ trợ hiện nay (Việt, Anh, Nhật, Trung và Pháp), du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu hơn về lịch sử phong phú của Việt Nam. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Hoàng Thành Thăng Long ra thế giới.
Ngoài ra, Hoàng Thành Thăng Long còn giới thiệu dịch vụ chụp ảnh tại phim trường ảo hay áp dụng công nghệ GIS (Hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý di sản,...
Du khách trải nghiệm một Hoàng Thành Thăng Long mới mẻ và sống động qua nhiều công nghệ số (Ảnh: Kim Thoa).
Tháng 4/2024 đơn vị tiếp tục trình làng sản phẩm tour đêm đặc sắc “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” dựa trên sự hỗ trợ của nhiều công nghệ số hoá tiên tiến, đem đến cho du khách trải nghiệm độc đáo, mới lạ. Nhiều du khách tham quan đánh giá đây thực sự là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với tour truyền thống ban ngày.
Bên cạnh việc thu hút du khách thông qua các trải nghiệm tham quan đa phương tiện, Hoàng Thành Thăng Long còn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào giáo dục di sản.
Với việc thiết lập các không gian trải nghiệm tương tác dành riêng cho học sinh như “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản,” Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã mở ra cơ hội để thế hệ trẻ không chỉ hiểu về lịch sử mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực tiễn.
Các em học sinh có thể hóa thân thành những nhà khảo cổ, tự mình khám phá, tìm kiếm và nghiên cứu các hiện vật từ quá khứ. Đây không chỉ là phương pháp giảng dạy trực quan sinh động mà còn giúp giáo dục lịch sử một cách tự nhiên, gần gũi, mang lại cảm giác thú vị cho người học.
Những hoạt động này không chỉ đơn thuần là tham quan, mà còn tích hợp với các lễ nghi mang tính lịch sử như lễ dâng văn, dâng hương tại Điện Kính Thiên, giúp học sinh hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống.
Các buổi tham gia chuyên đề không chỉ giúp các em nhận thức về lịch sử và văn hóa mà còn làm sâu sắc thêm lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản. Sự kết hợp giữa giáo dục và trải nghiệm giúp các học sinh tiếp thu kiến thức một cách toàn diện, tạo sự gắn kết lâu dài với di sản văn hóa Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Minh Thu, việc áp dụng công nghệ số đã mang lại những kết quả vô cùng tích cực. Từ tháng 1 đến đầu tháng 9/2024, Hoàng Thành Thăng Long đã đón khoảng 550.000 lượt khách, trong đó, chương trình giáo dục di sản chuyên sâu thu hút 22.000 học sinh, với các buổi học thực tế và chuyên đề tại các không gian di sản. Bên cạnh đó, còn có hơn 61.000 học sinh tham gia tham quan tự do, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị di sản quốc gia.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và truyền tải những giá trị lịch sử, Kiến trúc sư Đinh Việt Phương - người tiên phong trong công tác số hóa di sản tại Việt Nam cho rằng, việc số hóa di sản không chỉ giúp lưu trữ và bảo tồn những dữ liệu quý giá mà còn tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới tiếp cận với các thông tin này một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương - người tiên phong trong công tác số hóa di sản tại Việt Nam
“Ngay như Hoàng Thành Thăng Long, khi mà các nhà khảo cổ vừa hoàn thành khảo cổ, chúng tôi đã đến scan 3D lại. Chỉ trong vài tiếng hoặc một ngày, các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã có thể truy cập và tiếp cận những kết quả nghiên cứu này”, ông Phương cho biết.
Theo ông Phương, việc ứng dụng công nghệ scan 3D không chỉ giúp lưu trữ hiện trạng của di tích một cách chính xác mà còn phục vụ cho mục đích nghiên cứu và phát triển các phương pháp bảo tồn hiệu quả hơn trong tương lai.
Đặc biệt, với những di tích như Hoàng Thành Thăng Long, nơi có nhiều tầng lớp kiến trúc và di chỉ khảo cổ học, việc số hóa giúp tái hiện lại quá khứ một cách trực quan và chân thực. Du khách và các nhà khoa học có thể khám phá những bí ẩn ẩn chứa trong lòng đất qua các hình ảnh 3D sống động, mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với hiện vật thật.
Kiến trúc sư Phương nhấn mạnh rằng, công nghệ số không chỉ là công cụ để bảo tồn di sản, mà còn là cầu nối để truyền tải những giá trị văn hóa đến công chúng một cách sinh động và hiệu quả.
Hoàng Thành Thăng Long.
"Có dữ liệu về di sản, văn hóa và truyền thống, chúng ta có thể kể những câu chuyện về lịch sử, quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam ra thế giới, mà vẫn giữ được bản sắc đậm đà", anh chia sẻ.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cùng nhóm cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển các ứng dụng mới, bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và thực tế hỗn hợp (MR). Các công nghệ này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm tham quan mà còn góp phần đưa di sản Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế.