Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Giáo sư, dành nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, ông được mệnh danh là “Pho sử sống” về Bác Hồ, vậy cơ duyên nào đã đưa ông đến và khiến ông quyết định gắn bó với hành trình đặc biệt này?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Đối với tôi, cơ duyên để dành gần như cả đời tập trung nghiên cứu và kể chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ một sự kiện rất xúc động mà tôi là người trực tiếp trải qua. Đó là thời điểm năm 1969 khi Bác Hồ ra đi. Bấy giờ, tôi mới 25 tuổi là một giáo viên trẻ được đến dự Lễ tang của Bác trong một “biển người”. Được nghe đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc lời điếu và bản Di chúc để lại của Người, tôi đã xúc động không cầm được nước mắt. Tôi vẫn còn nhớ về 5 lời thề thiêng liêng mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thề trước anh linh của Người đặc biệt có đoạn “nguyện học tập, làm theo đạo đức trong sáng, mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh.” Từ niềm xúc động vô hạn và sự ngưỡng mộ dành cho Bác ở thời khắc đó mà tôi khao khát được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác, bắt đầu từ đây và cứ thế cháy bỏng cùng năm tháng trong tôi.
Phải nói thêm, bấy giờ là một nhà giáo, tôi cũng đã có nhiều cơ hội để tìm hiểu về Bác trong đó có việc giảng dạy văn học cho học sinh phổ thông về các tác phẩm thơ văn của Người nhất là tập thơ Nhật ký trong tù. Đó có thể coi là xuất phát điểm để tôi tìm đến với Bác, cũng là khởi đầu cơ duyên cho sự nghiệp của tôi.
NĐT: Giáo sư thấy rằng việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh có điểm gì khác khi nghiên cứu về các danh nhân khác nói riêng và ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nghiên cứu về các danh nhân là một chuyên ngành khoa học trong hệ thống các khoa học xã hội nhân văn không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn ở thế giới. Trong đó, việc nghiên cứu về Bác có những đặc thù so với nghiên cứu về những danh nhân khác. Trước hết, nghiên cứu về Hồ Chí Minh là nghiên cứu về con người vĩ đại, toàn tâm toàn ý vì dân vì nước, một con người đã đạt tới Chân – Thiện – Mỹ. Đặc biệt phải chú trọng đến vấn đề đạo đức và thực hành đạo đức của Người. Đây là điểm nhấn quan trọng mà chúng ta cần lưu ý trong quá trình nghiên cứu về Người.
Nghiên cứu Hồ Chí Minh phải đi sâu nghiên cứu về tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng – đạo đức – phương pháp – phong cách trở thành một chỉnh thể thống nhất, trở thành lối sống hằng ngày với những cung bậc tình cảm cũng như trí tuệ của Người, biến thành văn hóa ứng xử tinh tế với các đối tượng khác nhau. Nghiên cứu Hồ Chí Minh phải thấy một điều rất rõ đó là ở Người có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa dân tộc và quốc tế, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Và một điều đặc biệt là đừng bao giờ chúng ta nghĩ Bác là thần thánh, thần thánh hóa Bác, bởi Bác vĩ đại nhưng vẫn là một con người bằng xương bằng thịt, có niềm vui, có nỗi khổ như chúng ta. Như chính Bác từng nói “ở đời không ai là thần thánh, ai cũng là con người, đời thường Bác cũng vậy. Ở đời, ai cũng có ưu, có khuyết, có tốt, có xấu, có sai, có đúng”. Do đó, phải nhìn nhận Bác như một con người hiện thực, gắn với cuộc đời bình thường thì học Bác mới thấm thía được.
Bà con nhân dân xã Kim Liên đón Bác về thăm năm 1957. Ảnh: BTHCM
NĐT: Ông đã có hàng chục năm, với hàng nghìn buổi kể chuyện về Bác Hồ và mỗi lần như vậy đều để lại rất nhiều cảm xúc với những người tham dự. Vậy ông có bí quyết gì để cuốn hút được người nghe, người xem trong những câu chuyện đó?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo:
Nghiên cứu về Bác, nói về Bác, tôi muốn nhấn mạnh về hai chuẩn mực. Một là thấu hiểu, hai là thấu cảm. Tức là ngoài hiểu về mặt lý trí một cách sâu sắc, phải có sự chia sẻ, hòa vào trong tình yêu, tình thương, nỗi lòng, tâm trạng của Bác. Mỗi một khi viết hay nói về Bác, tôi có một cảm nhận rất riêng tư là dường như trong trái tim, xúc cảm của bản thân mình có hình ảnh của Bác chính từ sự thấu hiểu, thấu cảm đó.
Tôi luôn dặn mình, muốn kể về Bác có khả năng thuyết phục mọi người thì trước hết phải thuyết phục chính mình đã, bản thân mình có xúc động, có tin yêu, thì mới có khả năng truyền sự xúc động, tin yêu đó đến với những người khác. Nếu bản thân mình không xúc động thì đừng hy vọng tạo được xúc động cho người khác. Nếu trái tim mình không rung động thì không thể làm rung động trái tim khác. Còn nếu mình có một sự chân thành, trái tim rung động thì từ trái tim sẽ đi đến trái tim, tức là một sự cộng hưởng để truyền cảm hứng, niềm tin và xúc động cho con người. Chính vì vậy, tôi luôn khát khao được truyền đến cho người nghe, người đọc không chỉ hiểu biết mà còn là cảm xúc, niềm tin yêu về cuộc đời và sự nghiệp của Người.
NĐT: Nhìn lại hành trình cuộc đời của mình, có bao giờ ông cảm thấy hối tiếc… Và điều gì khiến ông hài lòng nhất trong quyết định gắn bó cả đời với việc tìm hiểu về cuộc đời Bác Hồ?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Nếu nói về hối tiếc thì đó chính là những điều mình muốn làm mà chưa làm được bao nhiêu. Bởi con người ta có những mong muốn rất lớn thậm chí trở thành khát vọng. Song những sự hối tiếc đó chỉ khiến tôi lòng dặn lòng đừng bao giờ bằng lòng với bản thân, đừng bao giờ lặp lại những gì đã đạt được, phải nỗ lực vươn tới những cái mới, có giá trị và ý nghĩa hơn nữa. Ở góc độ nghiên cứu, tôi vẫn tiếc rằng mình chưa có được những công trình lớn xứng tầm để nói lên tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi cùng với các đồng nghiệp, các thế hệ học trò vẫn đang nỗ lực để thực hiện điều đó.
Tôi đã có trong hàng ngàn buổi nói chuyện cả ở trong nước và nước ngoài với rất nhiều đối tượng khác nhau. Điều làm tôi có thể yên tâm và hài lòng chính là qua phần trình bày của mình đã có thể chạm đến trái tim của người khác, làm động lực để họ thấu hiểu những bài học nhân sinh, khát khao vươn tới lý tưởng sống đẹp hơn, tốt hơn. Được trực tiếp nhìn thấy và cảm nhận những giọt nước mắt của người nghe đó chính là niềm hạnh phúc của bản thân tôi.
NĐT: Là người được gần gũi với những câu chuyện về cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, Giáo sư đã học được gì từ con người và sự nghiệp của Bác?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Với mỗi chúng ta khi tìm về với Bác cũng đều có thể tự mình rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm. Riêng bản thân tôi, qua thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy cũng như những trải nghiệm cuộc sống mà cuộc sống thì có lúc thăng lúc trầm, lúc thành công lúc thất bại thì điều tôi học Bác nhiều nhất đó là phải có niềm tin, đức tin. Chính nhờ nó mà giúp con người ta vượt qua được biết bao khó khăn của nghịch cảnh, kiên trì theo đuổi lý tưởng, mục tiêu. Tôi học ở Bác sự thành thật, đức tính trung thực, tấm lòng chân thành, bao dung, nhân ái. Điều này rất quan trọng. Là một nhà giáo, nhà khoa học thì đức tính trung thực phải đặt lên hàng đầu cho các phẩm chất về nhân cách. Và không ai khác, chính Bác là người mẫu mực về sự trung thực về đạo đức và văn hóa đạo đức. Trong lối ứng xử, tôi học Bác ở sự chân thành, chân thành đối xử với mọi người, công việc và anh em bạn bè.
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu
NĐT: Giáo sư có nghĩ đến việc xây dựng đội ngũ kế cận - những người sẽ tiếp tục đem ngọn lửa về Bác Hồ đi với thời gian?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Đó là một trong những điều mà tôi trăn trở, sao cho nghiên cứu về Bác trở thành một dòng chảy liên tục, tiếp nối nhau giữa nhiều thế hệ. Nên tôi ý thức được trách nhiệm của mình phải truyền cảm hứng, truyền lửa cho các thế hệ sau để họ tiếp bước tôi và các đồng nghiệp của tôi trong việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với học trò, tôi cố gắng giúp cho họ có phương pháp nghiên cứu tốt, bắt đầu từ cách tiếp cận đa chiều, hệ thống và gắn liền lý luận với thực tiễn, lịch sử với logic. Đặc biệt, tôi thường dặn các học trò của mình rằng nghiên cứu về Hồ Chí Minh thì trước hết mình phải tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân mình về đạo đức. Đó là điều hết sức hệ trọng. Hãy thử tưởng tượng xem một người nghiên cứu, truyền giảng về đạo đức Hồ Chí Minh mà bản thân người đó không phải là hình ảnh của đạo đức tốt lành thì đó sẽ là một điều rất phản cảm.
Do đó, tôi vẫn nói với họ: điều khắt khe nhất, nghiêm khắc nhất mà tự mỗi người phải rèn luyện trước khi đạt đến thành tựu về tri thức khoa học thì phải là những người có đạo đức, gương mẫu về đạo đức. Muốn nghiên cứu có sức thuyết phục thì bản thân người nghiên cứu phải nỗ lực thường xuyên rèn luyện mình cả về tư tưởng, đạo đức và phong cách theo tấm gương của Bác. Do đó bài học về tu dưỡng bản thân theo gương Bác Hồ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là bài học suốt đời của mỗi người nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Đó là những “mỹ đức” và “công đức” để làm người và ở đời như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nó: “ Bác Hồ dạy chúng ta, làm người thì phải chính tâm, ở đời thì phải thân dân”.
NĐT: Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, vậy khi nhìn vào những thực tế trong đời sống hiện nay có những điều không giống như những điều Bác đã dạy, ông có trăn trở gì?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Tất nhiên đó là điều dằn vặt. Bao giờ chúng ta cũng hướng tới lý tưởng tốt đẹp nhưng trong thực tế cũng có khi xảy ra nhiều điều ngang trái, mâu thuẫn. Đơn cử như vấn đề cán bộ, nhìn vào những vụ án tham nhũng, những mức án nặng nề với nhiều cán bộ cao cấp như vừa qua thì đủ hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề như thế nào. Điều đó càng làm tôi trăn trở hơn vào công việc của mình với hy vọng góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng như Bác Hồ hằng mong muốn.
NĐT: Thưa Giáo sư, chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ rất mới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và những thành tựu vượt bậc của con người, giới trẻ Việt Nam hiện nay cũng có tư duy và lối sống khác biệt. Vậy Giáo sư đánh giá như thế nào việc giáo dục về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giới trẻ Việt Nam?
GS.TS. Hoàng Chí Bảo: Giới trẻ ngày nay là “con đẻ” của thời kỳ Đổi mới, được thừa hưởng, tiếp thu nhiều cái hay, cái tốt từ thành quả phát triển của đất nước và thế giới nhất là được hưởng niềm hạnh phúc mà nhiều thế hệ trước không có đó là được sống trong hòa bình. Chính không gian xã hội, hoàn cảnh lịch sử ấy, mà tôi cho rằng tương lai của giới trẻ ngày nay rất tốt đẹp. Do đó, chúng ta phải cổ vũ, tin cậy, tạo điều kiện để người trẻ đạt được nhiều thành tựu mới hơn nữa.
Trong đó, việc giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với người trẻ, đặc biệt trong sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống. Bởi tầm gương về Hồ Chí Minh không gì khác là tấm gương về một con người suốt một đời tận trung với nước, tận hiếu mới dân, một nhân cách văn hóa, một “công dân toàn cầu” mà ở thời đại này chúng ta vẫn thường hay nói. Ở Người, mỗi người chúng ta - không phân biệt thế hệ, tuổi tác, giai cấp, vị trí xã hội, sắc tộc, màu da,…đều có thể tìm được những bài học đạo đức và sự thực hành đạo từ con người- cuộc đời – sự nghiệp của Bác Hồ để soi chiếu, hoàn thiện mình.
Mỗi một thế hệ là sản phẩm của một thời đại hay hoàn cảnh lịch sử nào đó. Với tinh thần dân chủ, chúng ta không áp đặt các thế hệ sau, đừng lấy mình mà đo lường người khác. Thay vào đó, chúng ta phải tôn trọng các sắc thái riêng, những tiếng nói độc lập riêng của thế hệ trẻ để có cách ứng xử, giáo dục, hướng dẫn, thuyết phục cho phù hợp và đạt hiệu quả.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các cháu trong đoàn thiếu niên dũng sỹ diệt Mỹ ở miền Nam ra thăm miền Bắc, tháng 12 năm 1968. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
NGUOIDUATIN.VN |