Người Đưa Tin (NĐT): Tất cả chúng ta đã trải qua một năm 2021 đầy khó khăn và thách thức, Covid-19 vẫn còn đó, nhưng đã bộc lộ rất nhiều bài học, từ mức độ tập thể cho tới cá nhân. Một trong những bài học đắt giá có lẽ là quản lý tài chính, ông đánh giá như thế nào về mức độ quan trọng vấn đề này trong bối cảnh hiện nay, thưa TS?
TS. Võ Đình Trí: Qua dịch Covid mới thấy, đây không chỉ là bài học về quản lý dòng tiền cho cá nhân, mà cả cho doanh nghiệp. Có hai điều tôi cho rằng rất đắt giá mà Covid đã đem lại cho chúng ta về một lối tư duy mới, nhìn nhận đúng hơn về vấn đề tài chính.
Thứ nhất, là về quỹ dự phòng khẩn cấp. Thực tế chứng minh, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp không trụ nổi trên thị trường bởi không có dự phòng, kế hoạch quản lý dòng tiền tốt, nên bị mất tính thanh khoản.
Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp trước đó kinh doanh tốt, nhưng khi dòng tiền bị đứt gãy do không có sự chuẩn bị, rất dễ rơi vào tình trạng suy kiệt. Tôi hay ví với hình ảnh một người đang khoẻ mạnh, bỗng bị trúng gió độc, bất ngờ và không thể gượng dậy. Ở câu chuyện cá nhân, nhiều người trước đây không có quỹ dự phòng khẩn cấp nhưng có lẽ điều này sau Covid sẽ được thay đổi.
Thứ hai, về thói quen chi tiêu. Có thể trước đây không tốt, thì sau Covid sẽ phải có sự điều chỉnh. Ví dụ, như những người có thói quen chi tiêu thoáng tay, khi thu nhập có đều, ta sẽ không cảm thấy có điều gì bất ổn dù tiền kiếm được tháng nào là tiêu hết tháng đó. Nhưng khi thu nhập đã bị gián đoạn, dù chỉ mấy tháng ngắn ngủi, cũng có thể giúp người ta thay đổi nhiều.
NĐT: Người ta biết đến TS. Võ Đình Trí như một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính, nhưng có lẽ ông đặc biệt hứng thú với các chủ đề liên quan tới tài chính cá nhân (Đầu tư, kế hoạch chi tiêu, quản lý,...), điều này thể hiện rất rõ qua những nội dung ông thường chia sẻ trên các trang mạng xã hội của mình. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này và tầm nhìn của mình về vấn đề này không?
TS. Võ Đình Trí: Nếu lùi lại phía sau, ta có thể nhìn thấy bức tranh rộng hơn, tôi có nghiên cứu về tài chính vĩ mô, tài chính doanh nghiệp, nhưng tài chính cá nhân và gia đình cũng không khác gì nhiều tài chính doanh nghiệp. Nên tôi muốn đưa những kiến thức tưởng chừng phức tạp này đến với mọi người một cách dễ hiểu, gần gũi hơn, đặc biệt đơn giản hoá để tiếp cận với đại đa số.
Có lần tôi đã chia sẻ trên podcast của mình, cần nhìn nhận tài chính cá nhân như chính tài chính doanh nghiệp, giữa chúng thực chất có mối liên hệ nhất định. Nghĩa là bạn vẫn cần có báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo bảng cân đối kế toán, dòng tiền.
Nếu ta có một phương pháp đủ khoa học thì quản lý tài chính cá nhân và gia đình sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, tài chính cá nhân cũng đòi hỏi bạn hiểu được sự liên thông tới vấn đề vĩ mô, thị trường. Bởi tiền chúng ta kiếm được, phải biết cách đầu tư, nếu không có sự đầu tư thì mỗi năm tiền của chúng ta đều bị “bào mòn” bởi lạm phát.
NĐT: Nhắc tới podcast, không thể phủ nhận rằng “Chàng ngốc già” dường như là thứ đem tên tuổi TS. Võ Đình Trí đến đông đảo tập công chúng muốn tiếp cận về tài chính hơn. Khách quan mà nói, đây cũng là một lĩnh vực khá kén người nghe, tuy nhiên những bài viết hay podcast của ông đều mang một màu sắc rất “đời”, liệu đây có phải điều khiến “Chàng ngốc già” được đón nhận đến vậy? Nhất là đối với các bạn trẻ?
TS. Võ Đình Trí: Có thể đó là một sự trùng hợp. Một phần đúng là tôi muốn tiếp cận tới các bạn trẻ theo một cách đại chúng, nghĩa là tôi cố gắng bình dân hoá các vấn đề về kinh tế, tài chính, sao cho mọi người hiểu được bản chất của nó, hiểu được chu kỳ, nguyên lý trong kinh tế.
Rõ ràng, mọi người hay nói tới GDP nhưng GDP là gì, điều gì ảnh hưởng gián tiếp, trực tiếp tới GDP thì không phải ai cũng hiểu đúng, do đó tôi muốn đơn giản hoá nhất có thể, cho mọi người đều được phổ cập kiến thức cơ bản một cách dễ dàng nhất.
Mặt khác, tôi thấy, khi một vấn đề được diễn giải đơn giản, trực quan thì người nghe, công chúng sẽ dễ tiếp thu hơn và học sẽ tìm thấy sự thích thú dễ dàng hơn. Đối với kinh tế, tài chính cũng vậy, nếu những vấn đề đó được diễn giải một cách đơn giản nhất, ví dụ gắn với đời sống, thực tiễn thì lúc đó công chúng sẽ dễ tiếp cận, dễ hình dung và tìm được sự thu hút trong mảng kiến thức đó.
Sau một thời gian nghiên cứu, có lần tôi đã nghĩ việc làm hiện tại của mình xa vời với thực tế quá, mặc dù trong giới nghiên cứu, đó có thể được coi là chuẩn mực. Nhưng bản thân tôi lại thấy, có rất nhiều bài báo, bài nghiên cứu nhưng không gắn liền được với thế giới bên ngoài. Vậy nên, đây là điều tôi rất muốn cân bằng.
NĐT: Trong một buổi tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, ông từng nói, sức khỏe tài chính cũng giống như sức khỏe thể chất, khi đã rèn luyện được thói quen thì nó sẽ khỏe lên từng ngày. Vậy ông có thể giải thích thêm “thói quen” ở đây là gì và có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi cá nhân không?
TS. Võ Đình Trí: Tôi cho rằng rèn luyện thói quen về quản lý tài chính cá nhân sẽ giống rèn luyện sức khỏe, ở chỗ, ngay lúc bắt đầu, ta sẽ bắt đầu từng bước thật chậm và nhỏ. Bởi dễ nhất để thành công là đặt mục tiêu nhỏ.
Xét về mặt khoa học, theo tâm lý con người, khi ta đã làm được điều gì thành công, điều đó sẽ tạo động lực cho ta trong những bước đi tiếp theo. Ví dụ như câu chuyện chạy bộ của bản thân tôi, ngày đầu tiên khi xỏ giày, sao lại khó khăn đến vậy, nên tôi chỉ bắt đầu làm quen với 5-10 phút, chủ yếu để lấy tinh thần.
Nhưng những ngày hôm sau, mỗi ngày tăng một chút, tới nay, việc chạy 10km với tôi là rất nhẹ nhàng. Tài chính cá nhân cũng vậy, ví dụ tiết kiệm một khoản mỗi tháng, nhưng không áp lực bắt buộc bỏ ra bao nhiêu, chỉ cần một khoản nhỏ cũng là đáng mừng.
Rõ ràng, khi ta làm được điều đó ở từng bước nhỏ, ta sẽ có động lực duy trì nó, rồi dần dần điều đó sẽ là thói quen vững chắc, tăng cường theo thời gian.
Khi thói quen đã đủ tốt, sẽ tạo cho con người ta một khả năng chống chịu và bật dậy. Thói quen là vô cùng quan trọng, bởi nó giúp chúng ta duy trì được sự đều đặn, từ đó kiểm soát tình huống, suy nghĩ tốt, và giảm đi yếu tố ngẫu nhiên hay biến số trong chi tiêu hằng ngày.
NĐT: Để luyện những thói quen đó lại không phải điều dễ, nhất là đối với các bạn trẻ. Đa số đều cảm thấy mất cân bằng giữa việc thu và chi, thường rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” mỗi cuối tháng, ông nghĩ đâu là nguyên nhân?
TS. Võ Đình Trí: Tôi nghĩ bắt nguồn chủ yếu từ ba suy nghĩ sai lầm về đồng tiền của các bạn, vấn đề này đôi khi người trưởng thành cũng gặp phải.
Thứ nhất, suy nghĩ “tiền chỉ để tiêu”. Nếu xét dưới góc độ kinh tế, tiền không chỉ để chi tiêu. Bởi, nếu một người biết ngày mai mình không còn nữa, họ sẽ tiêu hết tiền vào ngày hôm nay, nhưng nếu ta có một kỳ vọng sống hơn thì lúc đó phải có một khoản tiết kiệm.
Vậy nên, ở bất kỳ mô hình kinh tế nào sẽ có thu nhập, rồi tách ra hai hướng tiêu dùng và tiết kiệm, khoản tiết kiệm đó lại được chuyển sang đầu tư và sản sinh ra tiền.
Thứ hai, tâm lý ảnh hưởng đến việc chi tiêu của con người là “tiêu bây giờ sướng hơn”. Nghĩa là phải chi ngay khi ta nghĩ tới nó. Tôi cho rằng đây là một suy nghĩ không đúng, bởi độ thỏa mãn cho giá trị hữu dụng bây giờ chưa chắc lớn hơn khi ta tiêu sau.
Ví dụ một người nhịn tiêu vào những khoản tiệc tùng, giải trí xa hoa ở thời điểm hiện tại, để 5 -10 năm sau, số tiền đó giúp họ sở hữu một căn nhà riêng của mình, lúc đó mức độ thoả mãn sẽ được nâng lên cao hơn rất nhiều, giá trị hữu dụng khi đánh đổi bởi những giây phút ngắn ngủi cũng được gia tăng.
Cuối cùng, là suy nghĩ “có gì để mai tính”. Thật sự, thế giới hiện tại, sự bất định ngày một lớn hơn, bởi thế giới ngày càng kết nối, bất cứ sự khủng hoảng ở một nơi xa xôi nào đó cũng có thể ảnh hưởng tới chúng ta.
Ai có thể ngờ tới một con virus cúm ở Vũ Hán xa xôi, giờ lại trở thành vấn đề của toàn cầu, len lỏi vào trong từng ngõ ngách hẻo lánh. Vậy nên, để mai tính, nhưng lại tính không kịp, điều này là rất nguy hiểm.
NĐT: Vậy ông có thể đưa ra lời khuyên cho các bạn trong việc hình thành và duy trì thói quen tài chính lành mạnh, tạo tiền đề cho tương lai trong hoàn cảnh mọi thứ đều rất bất định, thưa ông?
TS. Võ Đình Trí: Các bạn trẻ thường khó thực hiện điều này, chủ yếu do thiếu phương pháp. Theo tôi, công cụ tìm hiểu thì không thiếu, nhưng chính các bạn lại không có động lực để tìm kiếm, thực hiện chúng.
Trong tài chính cá nhân, tôi thường khuyên các bạn hãy đặt ra cho mình một mục tiêu lớn, tìm ra mục đích tài chính của mình trước tiên. Tất cả những dự định đó hãy gắn với kế hoạch tài chính của mình như mua nhà, mua xe, du lịch...
Bên cạnh đó, cần suy nghĩ ở cả hai thái cực của vấn đề, có và không có tiền sẽ ra sao, đó như một sự chuẩn bị và lời nhắc nhở.
Mặt khác, các bạn trẻ nên có một cộng đồng, bởi theo đánh giá của tôi, hiện nay các bạn đang thiếu môi trường cho sự thi đua. Tôi cho rằng đức tính thi đua là một trong những điểm mạnh của giới trẻ, nên nếu được làm việc, học tập hay trao đổi trong nhóm thì sẽ rất hiệu quả.
Như vậy, các bạn sẽ không có cảm giác cô đơn hay nản chí, ngược lại còn cố gắng, chỉ cho nhau những điều hay.
NĐT: Như ông đã chia sẻ 3 hoạt động quan trọng của câu chuyện quản lý tài chính đó là: kế hoạch, chi tiêu và đầu tư. Chúng ta đã nói về tầm quan trọng của kế hoạch, các mẹo chi tiêu thông thái, giờ tới đầu tư sao cho hiệu quả, tối ưu hoá giá trị đồng tiền. Vậy theo ông đánh giá, xu hướng đầu tư tài chính cá nhân thay đổi như thế nào với từng độ tuổi?
TS. Võ Đình Trí: Ở giai đoạn đầu, trước lứa tuổi 30, các bạn trẻ chưa có được sự tích lũy tài chính đủ lớn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ thay vì suy nghĩ làm sao để tăng nguồn vốn của mình lên, thì thường gặp sai lầm sa đà vào việc cố gắng tăng hiệu suất ở các khoản đầu tư, tăng tỉ suất sinh lời. Vô hình chung, các bạn đã quên đi một điều quan trọng, đó là khi kỳ vọng vào lợi nhuận tăng, thì rủi ro cũng sẽ tăng theo, đó là một cái bẫy.
Trong đầu tư tài chính, vốn mang tính quyết định rất lớn. Tôi ví dụ, nếu cầm trong tay 10 tỷ với lãi suất 10%, nghĩa là ta đã có thêm 1 tỷ mỗi năm. Trong khi đó, một bạn trẻ cố gắng rất nhiều, có trong tay trăm triệu, lãi suất có lên tới 20% thì cũng chỉ nảy ra được thêm 20 triệu mỗi năm.
Nói vậy, để thấy khoản vốn quan trọng như thế nào, phải đến một ngưỡng nhất định thì mới có sự bứt phá trong tài chính.
Do vậy, giai đoạn 20-30 tuổi, tốt nhất nên đầu tư cho công việc chính của mình, làm sao để gia tăng thu nhập, đó là thứ có thể tăng bền vững, bởi vị trí công việc, thu nhập sẽ tăng khi kiến thức trong công việc của chúng ta tăng theo thời gian.
Đến lứa tuổi 30-40, ta cũng có thể tích luỹ được lượng vốn khá ổn. Còn giai đoạn từ 40-55 tuổi, tôi gọi đó là giai đoạn đỉnh cao, chu kỳ thu nhập ở giai đoạn đó là cao nhất của một đời người. Tới lúc đó, chính số vốn sẽ trở thành công nhân của mình.
NĐT: Qua đó, ta có thể thấy rõ vai trò của nguồn vốn quan trọng ra sao, tuy nhiên đây lại là vấn đề nan giải mà giới trẻ hay gặp phải, thậm chí rơi vào cạm bẫy nhằm tạo ra nhiều tiền hơn. Dưới góc độ chuyên gia, ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư tăng thêm thu nhập?
TS. Võ Đình Trí: Các bạn trẻ bây giờ có cơ hội nhiều hơn thời kỳ trước rất nhiều, bởi thế giới hiện tại là thế giới của sự kết nối, dù bạn ở bất cứ nơi nào, cũng có thể kiếm tiền. Tôi nghĩ, khái niệm “công việc trọn đời” bây giờ không còn nữa, nên phải đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình.
Trước đây sẽ không có chuyện, bạn ở Việt Nam mà làm việc cho một công ty ở bên kia bán cầu như Mỹ, Anh như hiện tại, làm việc bất kể múi giờ, biên giới.
Mặt khác, cùng một chuyên môn đó, ta làm công việc chính, nhưng vẫn có thể làm sáng những ngành nghề khác, cần đến chuyên môn của ta sẵn có.
Ví dụ như tôi và “Chàng ngốc già”, có thể coi là một cách ứng dụng chuyên môn của mình vào mảng khác để tạo hiệu ứng cho cộng đồng, đồng thời gia tăng thu nhập của bản thân, còn công việc chính của tôi vẫn là nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại học.
Do đó, cách tốt nhất là hãy sử dụng kiến thức, kỹ năng của mình như một loại đòn bẩy, tìm điểm giao thoa của sở trường của mình với một lĩnh vực khác, đó chính là điểm giúp các bạn tạo ra thu nhập.
NĐT: Ông đánh giá như thế nào về các hình thức đầu tư 4.0 gắn liền với sự phát triển của KHCN, được cho là xu hướng trong giới trẻ, ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia vào thị trường này để tìm kiếm sự sinh lời. Ông có thể cho biết suy nghĩ của mình về thực trạng này, ông có lưu ý gì cho những nhà đầu tư mới?
TS. Võ Đình Trí: Trong những lĩnh vực mới, việc các bạn trẻ tìm cách đầu tư là một điều tốt. Hãy luôn cởi mở với những cơ hội đầu tư mới, ta không nên bảo thủ quá bởi như vậy sẽ tự bỏ đi những cơ hội lớn.
Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng muốn khuyên các bạn đi theo hướng đầu tư có nghiên cứu, chọn lọc, bởi thị trường này có rất nhiều cạm bẫy, lừa đảo, cần hết sức cẩn thận.
Sự tiện lợi của tài chính 4.0 là có, nhưng có rất nhiều kẻ lợi dụng KHCN để tiến hành lừa đảo, bởi mọi sự giao dịch đều diễn ra trên không gian mạng, không có sự trao đổi tài sản thật, mà ta chỉ thực hiện cá cược với chủ sàn.
Hơn nữa, những sàn đó không được công nhận về mặt pháp lý, có thể ôm tiền của ta và đóng cửa bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, trong giới tài chính hay tài chính cá nhân, ta buộc phải làm “bài tập” nhiều, tự có những nghiên cứu của bản thân, đồng thời làm thẩm tra, kiểm tra chéo rất nhiều thông tin, không bao giờ nghe thông tin một chiều.
Tóm lại, tư duy tài chính tốt ở bối cảnh hiện tại là, hãy rộng mở, tiếp cận và tìm hiểu, đồng thời có sự chọn lọc.
NĐT: Ông dự đoán xu hướng đầu tư tài chính cá nhân có triển vọng năm 2022 là gì? Khẩu vị đầu tư tài chính cá nhân trong năm tới có thể thay đổi như thế nào, thưa ông?
TS. Võ Đình Trí: Thực sự không ai có thể đoán trước được ngày mai ra sao, khi dự báo thì cần có nhiều giả định trong đó, đồng thời có nhiều biến số ta không thể kiểm soát được, Covid là một yếu tố.
Tuy vậy, nếu xét trên lộ trình bình thường, kiểm soát được dịch bệnh, thì 2022 sẽ là năm hồi phục của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế các nước đang phát triển như Việt Nam nói riêng.
Khi đó, tất cả các hình thức đầu tư đều được hưởng lợi. Đầu tư tài chính cá nhân cũng không phải ngoại lệ. Càng ngày các nhà đầu tư cá nhân sẽ càng được tiếp cận nhiều hơn đối với các sản phẩm tài chính.
Thời gian trước, sản phẩm tài chính được ra đời dành cho những người giàu, nghĩa là bạn phải có một số vốn lớn, mới có thể đầu tư. Nhưng xu hướng bây giờ sẽ ngày càng mở rộng cho nhiều người.
Để dễ hình dung, tôi ví dụ một Quỹ trước đây phải có ngưỡng tài sản tối thiểu cho mỗi suất tham gia, nhưng hiện tại ngưỡng đo được chia ra mức nhỏ hơn, như vậy sẽ có nhiều suất tham gia hơn.
Từ đó, với quy mô một nhà đầu tư cá nhân, ta hoàn toàn có thể tham gia được vào hình thức đầu tư mà trước đây không thể.
Cụ thể, với thị trường Việt Nam, tôi dự đoán thời gian sắp tới sẽ có dạng Quỹ uỷ thác bất động sản. Thay vì bạn phải bỏ tiền ra mua cả một dự án bệnh viện, thì giờ họ sẽ xây dựng một Quỹ bất động sản, chia ra thành cổ phần, bạn chỉ cần mua một phần là đã có quyền sở hữu, rồi cho thuê một đơn vị kinh doanh thuê bất động sản đó.
Hay những hình thức đầu tư crypto, có những đồng tiền rất đắt, nhưng sắp tới sẽ có những Quỹ gọi là ETF, mỗi người có thể mua được rất nhiều phân mảnh nhỏ từ nhiều đồng crypto khác nhau.
NGUOIDUATIN.VN |