Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong những ngày cận kề Tết Nguyên Đán 2022, Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Cán bộ truyền thông, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế (là 01 trong 36 cá nhân vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19), lắng nghe chia sẻ của chị về những kỷ niệm trực tiếp tác nghiệp tại tâm dịch, cũng như những cái Tết đặc biệt cùng các đồng nghiệp trong 2 năm vừa qua và mong ước ngày xuân.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Người Đưa Tin (NĐT): Chào chị Nguyễn Thị Phương Thảo, vừa qua, chị là 01 trong 36 cá nhân vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cảm xúc của chị lúc này như thế nào?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Tôi cảm thấy mình may mắn vì được đóng góp một phần nhỏ bé sức lực của mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là trong đợt chống dịch tại Bắc Giang vừa qua. Khi được nhận quyết định Bằng khen Thủ tướng và các khen thưởng của Bộ Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cảm xúc của tôi vẫn còn thật bồi hồi khi nhớ về những ngày tháng được chứng kiến và ghi lại những câu chuyện đặc biệt trên mặt trận chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh/thành phố khác. Mỗi nơi đều có những câu chuyện cảm động về tình người, những nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn, không quản ngại gian khó, thậm chí là hi sinh để cứu chữa cho người bệnh. Từng cá nhân, tập thể mà tôi đã gặp, trò chuyện, cùng làm việc tại “nơi tuyến đầu” là những mảnh ghép muôn màu góp phần đưa đến thành quả dịch bệnh được đẩy lùi và kiểm soát.

Nguyễn Thị Phương Thảo

NĐT: Thời điểm dịch bệnh tại Bắc Giang căng thẳng, lại được điều động vào tâm dịch khi đó chị cũng như gia đình có lo ngại về nguy cơ lây nhiễm?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Khi nhận quyết định tham gia vào Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang (sau này là tập trung công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang), gia đình tôi cũng chỉ nhắc nhở: “Đi thì nhớ giữ an toàn, giữ gìn sức khỏe nhé”. Còn con trai tôi 5 tuổi sau vài ngày đầu xa mẹ thì gọi điện nói: “Con nhớ mẹ. Bao giờ mẹ về?”.

Chắc có lẽ, vì gia đình đã quen với những nhiệm vụ công tác xa nhà của tôi trong 2 năm qua khi đi công tác chống dịch nên đến khi biết tôi đi chống dịch tại Bắc Giang cũng không có gì lo lắng quá.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguyễn Thị Phương Thảo

NĐT: Khi vào tâm dịch chị đã chuẩn bị cho mình một tâm thế như thế nào?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Ngày chính thức lên đường về Bắc Giang chống dịch Covid-19, tôi và các anh em tiểu ban truyền thông Bộ phận thường trực đã gặp nhau và xác định ngay nhiệm vụ cần phải thực hiện trước tình hình dịch bệnh phức tạp đang diễn ra.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Để nhập cuộc và bắt kịp thực tế diễn tiến của dịch Covid-19, tiểu ban truyền thông đã có cuộc họp với tiểu ban truyền thông phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang để xác định các nội dung, cách thức phối hợp để hỗ trợ công tác truyền thông cho địa phương, và của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế một cách tốt nhất.

Ngoài nhiệm vụ thực hiện các hoạt động truyền thông của Bộ phận thường trực, tiểu ban truyền thông đã chia sẻ và hướng dẫn các cơ quan truyền thông của tỉnh Bắc Giang sử dụng kho dữ liệu của Bộ Y tế tại thời điểm đó với trên 500 sản phẩm truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 (infographic, video clip, audio clip, áp phích, tờ rơi,…); đồng thời, tham gia tư vấn, góp ý và hỗ trợ xây dựng các tài liệu truyền thông của Bắc Giang theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo, quy định chính thống về phòng, chống dịch của Bộ Y tế...

Nguyễn Thị Phương Thảo

Sau gần 1 tháng hoạt động, tiểu ban truyền thông đã sản xuất ra 150 tin, bài, phóng sự truyền hình phản ánh kịp thời, chính xác tình hình chống dịch tại Bắc Giang. Đồng thời, trở thành là nguồn cung cấp thông tin chính cho các cơ quan báo đài toàn quốc qua hệ thống thông tin của Bộ Y tế. Trung bình mỗi ngày, tiểu ban truyền thông cung cấp cho các cơ quan truyền thông từ 6-7 tin, bài (có những ngày lên đến 11 tin, bài, phóng sự). Các thông tin do tiểu ban cung cấp được lan tỏa trên các kênh sóng, các trang mạng xã hội phổ biến lại càng khiến chúng tôi thấy mình càng phải nỗ lực hơn nữa để làm tròn vai trò của mình là những “chiến sĩ thông tin” trong trận chiến cam go này.

Tôi có thể nói, các thành viên tiểu ban truyền thông của Bộ phận thường trực xác định tâm thế sẵn sàng, chủ động, linh hoạt và luôn làm việc với cường độ cao nhất.

Nguyễn Thị Phương Thảo

NĐT: Là chiến sĩ trên mặt trận thông tin, trong quá trình tác nghiệp tại tâm dịch có câu chuyện, hình ảnh nào khiến chị đặc biệt ấn tượng? Cảm xúc khó phai nhất của chị tại tâm dịch khi ấy đó là gì?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Tôi còn nhớ những ngày tiểu ban truyền thông của Bộ phận thường trực cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cuộc họp thậm chí đến 11-12 giờ đêm và họp trực tiếp tại các “điểm nóng” tâm dịch.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Giữa cái nắng hè oi bức tháng 5, tháng 6, có những ngày chúng tôi đi liên tục 6-7 địa điểm để khảo sát, đánh giá tình hình. Từ đó, lên phương án ứng phó với nguy cơ lây nhiễm của dịch, thiết lập địa điểm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân và họp triển khai với các đơn vị liên quan. Mồ hôi ướt đẫm, nhễ nhại là cảm giác thường trực khi liên tục làm việc dưới cái nóng gay gắt. Bạn cứ tưởng tượng nhiệt độ ngoài trời 41 độ C mà lại đứng dưới mái tôn thì nó sẽ như thế nào? Rồi lại mặc thêm bộ đồ bảo hộ nữa...

Trong thời gian “tác nghiệp” kỷ niệm khiến tôi xúc động nhất là hình ảnh hơn 100 em sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tập trung tại Nhà văn hóa thôn Núi Hiển, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Các chiến sĩ mặc bộ đồ PPE kín từ đầu đến chân, chẳng nhìn rõ mặt ai, chỉ nhận ra nhau qua số/ký hiệu/tên viết vội sau lưng áo. Khí thế của tuổi trẻ khi lâm trận, những cô cậu sinh viên ở nhà chắc vẫn được người thân lo cho miếng ăn, giấc ngủ nhưng khi ở trong trận chiến này, các em thể hiện như những chiến binh áo trắng thực thụ.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Lúc đó, trong lòng tôi dấy lên rất nhiều cảm xúc: thương, quý mến, tự hào và căm ghét “kẻ thù vô hình” virus SARS-CoV-2 này… Cuộc chiến này đã khiến bao đồng nghiệp, anh chị em, bao gia đình phải tạm thời xa cách nhau, có quá nhiều hi sinh, vất vả, cực khổ và đến lúc nhìn cảnh tượng đoàn quân hàng trăm người như “giọt nước tràn ly” cảm xúc khiến tôi bật khóc ngay lúc đó.

NĐT: Trong quá trình ở tâm dịch đó, gia đình đã động viên chia sẻ với chị ra sao?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Quả thực, nếu không có bố mẹ, gia đình là hậu phương vững chắc thì tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ được. Trong thời điểm căng thẳng đó, có khi tôi chỉ gọi điện về nhà 1-2 lần/tuần. Vì cường độ làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm nên bị cuốn đi, rồi có lúc giật mình không biết hôm nay là thứ mấy.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguyễn Thị Phương Thảo

NĐT: Quay trở lại với công việc thường nhật tại Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, suốt 2 năm chống dịch, các cán bộ, chuyên viên của Vụ đã đối mặt với cường độ công việc như thế nào?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Chúng tôi hay nói đùa với nhau là công việc ở cơ quan chỉ có 2 trạng thái: Bận và rất bận.

Những lần đi chống dịch, được chứng kiến, cảm nhận những câu chuyện chống dịch chúng tôi lại càng tự nhủ mình cần phải làm tốt công việc của mình. Mình vất vả 1 thì các anh chị em khác đang vất vả 10. Cứ nghĩ thế để làm động lực cho mình không được nản lòng.

Nguyễn Thị Phương Thảo

NĐT: Chị có thể chia sẻ về cái Tết năm đầu tiên cả nước và Bộ Y tế chống dịch, khi đó nhiệm vụ của chị là gì? Và Tết này lại là một cái Tết bận rộn với ngành Y tế khi số ca mắc vẫn tăng, thêm biến chủng mới xâm nhập… Chị đã chuẩn bị tinh thần đón Tết ra sao?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là xây dựng Bộ tài liệu Hỏi – Đáp về dịch Covid-19; thiết lập bộ tài liệu nội dung về phòng, chống dịch để bộ phận trực đường dây nóng Bộ Y tế sử dụng khi người dân gọi điện cần tư vấn; vận hành và cập nhật nội dung trang tin điện tử chính thức về dịch Covid-19, sản xuất các sản phẩm truyền thông, khuyến cáo, thông điệp phòng, chống dịch; vận hành các kênh mạng xã hội của Bộ Y tế như nhắn tin gửi toàn quốc qua Zalo, Lotus. Tiktok, Gapo, Youtube, Facebook,...

Năm nay là tết thứ 3 chúng tôi được giao các nhiệm vụ công tác truyền thông, trong đó có phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, với tình hình biến chủng mới Omicron diễn biến phức tạp, chúng tôi xác định bất cứ ngày nào cũng làm việc, cũng sẽ có nhiều cuộc họp xuyên Tết và đã không còn thấy lạ gì việc mùng 1, mùng 2 được triệu tập họp.

Nguyễn Thị Phương Thảo

NĐT: Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nếu lại có sự điều động thì chị có sẵn lòng xung phong lên đường?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Tất nhiên là tôi sẵn sàng đi rồi! Vì đó không chỉ là nhiệm vụ công việc của mình được giao mà đó còn là trách nhiệm của một người làm công tác truyền thông y tế mà hơn 10 năm qua tôi luôn theo đuổi.

NĐT: Năm mới 2022 đang gõ cửa mọi nhà, lúc này đây mong ước lớn nhất của chị đó là gì?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Tôi mong gia đình được mạnh khỏe, an vui và mãi là hậu phương vững chắc cho tôi. Bản thân có nhiều sức khỏe để có thể luôn sẵn sàng làm việc. Được cống hiến và làm công việc mình thích đó đã làm may mắn rồi!

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Nguyễn Thị Phương Thảo

NGUOIDUATIN.VN |