Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa Moscow bước chân vào cuộc nội chiến Syria cũng như Trung Đông và giành được những thành công một cách đáng kinh ngạc.
Theo Middle East Forum, hơn ai hết ông hiểu những thất bại cũng như chiến thắng của Nga vẫn hiện hữu nỗi đau mất đất của người Nga với quân Đức trong Thế chiến I. “Chúng tôi đã thua phe thua cuộc”, ông nói với các nhà hoạt động ủng hộ Điện Kremlin 2016, “lần duy nhất trong lịch sử!”.
Tổng thống Putin là một trong những chính khách quan trọng có ảnh hưởng nhất của thời đại chúng ta. Trong số những nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm nhất và sáng tạo nhất thế giới, ông chủ Điện Kremlin thực sự nổi bật bởi phong cách mạnh mẽ, tràn trề sinh lực cùng sự bí hiểm của một nhà lãnh đạo quyền lực. Không chỉ có đai đen trong môn võ Karate, nhà lãnh đạo Nga còn là một chuyên gia Judo, ở cấp tám trong tổng số mười cấp. Ông đã lãnh đạo lực lượng Nga đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác ở Trung Đông.
Nga bắt đầu tham gia cuộc nội chiến ở Syria kể từ tháng 9/2015 mang theo mục tiêu lớn khi đó của ông Putin: “Giải cứu” vị thế quyền lực của nhà độc tài Syria Bashar Assad và giúp ông Assad đánh bại nhiều kẻ thù: Phiến quân Sunni Arab, khủng bố al-Qaeda và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS). Nga cũng giúp nhà lãnh đạo Syria đương đầu với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cả chính sách “phiến quân ôn hòa” của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Vụ sát hại Tướng Libya Mu’ammar Qaddafi của phiến quân do phương Tây ủng hộ đã thúc đẩy ông Putin đi đến quyết định đến lúc phải cứu nhà lãnh đạo Syria. Nhà lãnh đạo Nga đã có những quyết định táo bạo khi “đầu tư” nhiều vào cảng Tartus của Syria để phục vụ các tàu Nga.
Ông thành lập căn cứ không quân tại Latakia. Và nhà lãnh đạo Nga có niềm tin rằng Syria là một quốc gia có khả năng phát triển dầu khí mạnh. Tổng thống Putin dường như cũng đặt cược toàn bộ niềm tin vào ý tưởng: Tham gia cuộc chiến Syria là cách tốt nhất để xây dựng vị thế của Nga ở Trung Đông, một mục tiêu từ lâu phương Tây từ chối.
Syria có nhiều điểm cuốn hút nhà lãnh đạo Nga. Tháng Giêng năm 2015, ông Putin đã khiến phương Tây ngạc nhiên khi quyết định “đóng băng” những vấn đề ở Ukraine và rầm rộ đưa quân vào Syria để cứu chính quyền ông Assad.
Gần bốn năm sau, ngày 25/11/2018, mặc những sự cố ở Biển Azov và Biển Đen, một lần nữa, ông Putin một mực đóng băng “cuộc chiến” ở Ukraine để tăng cường cuộc chiến của ông tại Idlib, Syria.
“Moscow vẫn là cường quốc duy nhất có thể làm hạ nhiệt những xung đột ở Syria”.
Bình luận viên quốc tế Joost Hiltermann nhận định
Thành công ở Syria của ông Putin dường như đã được đoán trước. Dù trong nước và tình hình quốc tế lúc đó có nhiều biến động. Nhưng vượt qua tất cả, sự ủng hộ ông Putin của người dân vẫn cao và các lực lượng quân sự của Nga đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ông Putin cũng được xem là có được nhiều vận may. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đưa đến thắng lợi cho ông Donald Trump, sự phản đối từ Washington với Moscow đã giảm.
Tuy nhiên, dù sẵn sàng tôn trọng việc duy trì quyền lực của ông Assad và theo đuổi ngoại giao với Moscow, song ông Trump không thể hoàn toàn thực hiện được ý tưởng này vì những lý do chính trị. Ông đã bị các đối thủ cáo buộc và phản đối vì cái sự “quá thân” với Nga. Ý tưởng ban đầu về vấn đề quan hệ ngoại giao với Nga của ông Trump có thể bị cản trở nhưng ông chủ Nhà Trắng hẳn nhiên từ chối mọi sự thù địch.
Ngoài việc không còn rơi vào thế đối đầu căng thẳng với Washington, việc ông Putin thành công ở Syria phần lớn nằm trong các hoạch định về quân sự của nhà lãnh đạo Nga. Tổng thống Putin đã triển khai chiến dịch hiệu quả chống các phiến quân, lực lượng không chỉ thiếu khả năng chiến đấu mà còn thiếu cả khả năng phòng không.
Sau khi triển khai máy bay tới Latakia vào tháng 10/2015, Nga đã nhiều lần điều thêm các tên lửa phòng không S-300 và S-400 tiên tiến, ngăn chặn máy bay của kẻ thù nước ngoài vượt qua Syria.
Vào năm 2015, sau khi Nga bước vào nội chiến Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan có nói với ông Putin: “Nước bạn thậm chí không có biên giới chung với Syria”. Tuy nhiên, khi đó nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể không hiểu rằng Nga thậm chí không quan tâm đến điều này.
Ông Putin đã thay đổi vấn đề địa chính trị theo hướng có lợi cho Nga, đặc biệt là cho hải quân nước này. Phần thưởng lớn nhất mà Moscow giành được trong cuộc chiến ở Syria là việc nước này có được căn cứ hải quân Sevastopol, quê hương của hạm đội Biển Đen của Nga. Các cảng và đường thủy người Nga có được, cho phép người Nga dễ dàng triển khai lực lượng giữa cảng Biển Đen và Cảng Tartus của Syria.
Ông Putin ban đầu triển khai các hoạt động vũ trang ở Syria và sau đó dùng chính thế mạnh này để chi phối các cuộc đàm phán tiếp theo. Tiếp đó, ông chủ Điện Kremlin đã làm hết sức mình để phát triển và duy trì các mối quan hệ tích cực với các đối thủ quốc tế của mình nhằm đạt được mục tiêu hai bên cùng có lợi.
Mô hình này có lẽ được minh họa rõ nét nhất trong mối quan hệ của Moscow với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là kẻ thù lâu năm của Nga.
Từng theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền ông Assad, ông Erdoğan thậm chí đã hỗ trợ cả về quân sự và tài chính cho phiến quân Syria để đạt ý tưởng này. Vậy nhưng mối quan hệ của ông với ông Putin đã làm thay đổi tất cả. Điều lạ là sự thay đổi này bắt đầu sau khi xung đột nghiêm trọng nổ ra giữa Ankara và Moscow.
Vào ngày 24/11/2015, sau khi hai phi công Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân sát hại một phi công Nga, ông Putin đã áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Bảy tháng sau, vào ngày 27/6/2016, ông Erdoğan đã xin lỗi Nga và quan hệ giữa nhà lãnh đạo Nga với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ bước sang một giai đoạn mới. Quan hệ giữa hai bên càng ấm nồng hơn khi Ankara mua tên lửa phòng không S-400 của Nga thay vì Patriot của Mỹ mặc sự phản đối từ phía các đồng minh NATO.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường hợp tác phát triển đường ống khí đốt tự nhiên TurkStream. Dự án phát triển mạnh bất chấp lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ.
Mối quan hệ của ông Putin và ông Erdoğan đã thay đổi một lần nữa theo hướng xích lại gần nhau sau quyết định rút quân của Mỹ khỏi Syria vào tháng 12/2018.
Ông Putin rất thân thiện với người Do Thái và Israel. Ông nhận thức sâu sắc về sức mạnh công nghệ và quân sự to lớn của Israel cũng như mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với Mỹ. Kết quả là, Nga đã tham gia một cách hiệu quả vào cuộc chiến bí mật của quân đội Israel.
Là cường quốc có vị thế ở Syria, Nga thích duy trì mối quan hệ tốt với tất cả “người chơi” ở mảnh đất Trung Đông như: Israel, Iran, Hezbollah và chính quyền Syria. Sức mạnh cân bằng và hòa giải của Nga ở đây thật tuyệt vời.
Sự can thiệp vào nội chiến Syria của Nga thành công không chỉ khiến Moscow trở thành “trọng tài” trong cuộc xung đột Syria mà còn cho phép nước này lấy lại vai trò ưu việt trong khu vực. Theo nhà phân tích người Israel Jonathan Spyer.
“Bàn tay của Moscow hiện đang mạnh mẽ hơn ở Trung Đông ... Ông Assad, người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hiện đang phụ thuộc vào Moscow khi tham gia nội chiến Syria. Tất cả các con đường đến Syria bây giờ dường như đều chạy qua Moscow”.
Nhà phân tích người Israel Jonathan Spyer
Ông Putin muốn kiềm chế Washington và tạo ra một thế giới đa cực. Ông đã học được cách triển khai các cuộc chiến với chi phí tối thiểu. Syria là nơi ông Putin đã thể hiện tốt nhất cách ông có thể giành chiến thắng bằng cách kết hợp sức mạnh cứng với sức mạnh mềm. Sử dụng sức mạnh quân sự để mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo dễ dàng hơn.
T.H