Hoàng hôn ngày 28/8, ngọn lửa bùng phát cháy rừng rực tại công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã thiêu rụi cả một đế chế vốn quen thuộc với phần đông dân chúng.
Không có thiệt hại về người, thiệt hại vật chất ban đầu được doanh nghiệp ước tính khoảng 150 tỷ đồng.
Đã hơn 2 tuần kể từ khi vụ cháy mang đến những hoang mang khó gọi thành cái tên cụ thể, khu nhà xưởng cháy loang lổ chỉ còn sót lại những tàn tích của một thời Rạng đông, những tấm bạt đen kịt, những dải băng khoanh vùng khu vực cấm xa lạ...
Và đó là những động thái mới nhất của chính quyền Hà Nội trong chiến dịch "làm tất cả" để khắc phục hậu quả của vụ cháy tại nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi – những người đưa tin đau đầu là nhịp sống của hàng trăm hộ dân trên dãy phố Hạ Đình sát nhà máy vẫn chưa thể trở lại như những ngày đẹp tươi trước đó. Là những căn nhà khóa trái cửa, công viên vắng tiếng cười đùa, khu chợ sầm uất thay bằng tấm biển đóng tạm không hẹn ngày quay lại...
Chúng tôi tìm đến cụm chung cư 54 Hạ Đình - là một trong những nơi ảnh hưởng nặng nề nhất do vụ cháy hỏa hoạn ngày hôm ấy. Chỉ cách nhà máy Rạng Đông 1 bức tường rào, tòa nhà A2 chung cư 54 trở thành nhân chứng và là “con bệnh” oan ức hứng khói bụi ô nhiễm.
Nó hẳn phải khó chịu lắm trong những cơn tấn công dồn dập của mùi hóa chất tan vào không khí. Tòa chung cư đơn độc nhìn sang phía công viên trơ trọi ghế đá và những nhánh cây bạc màu tro bụi.
Vắng tiếng cười đùa, vắng cả tiếng râm ran mỗi độ trưa sang chiều ghé tạm. Phía xa, những khoảng trống rợn người phủ bụi cô độc. Nhớ tiếng bi bô khanh khách của cậu bé dãy bên, nhớ tiếng hắng giọng của ông cụ già đã qua tuổi thất thập.
Tất cả những gì còn sót lại là vài người đàn ông trung tuổi chẳng thể rời đi vì công việc và nuối tiếc chốn xưa đi về.
Ngồi thẫn thờ bên túi đồ ăn trưa là gói mỳ tôm tạm bợ cùng vài quả trứng luộc nhỏ bằng 1/3 lòng bàn tay, ông bảo vệ già cụm chung cư nghẹn lòng: “Bây giờ chỉ ăn như thế mới an toàn, chứ nếu muốn ăn cơm phải đi chợ xa, chung cư giờ còn ít người mà toàn người già, nên khó nhờ ai đi chợ mua dùm được”.
“Trước có khoảng 300 hộ sống ở đây, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 50 hộ là có người đại diện ở lại trông coi và chờ cơ quan chức năng xử lý vụ việc”, ông Hùng vẩn vơ những dòng suy nghĩ.
Ngồi thất thần nhìn xa xăm, gần đến giờ trưa nhưng ông vẫn chưa về nhà, ông Chương (người dân chung cư 54 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) ngậm ngùi: “Hơn 2 tuần nay, tôi nhớ một bữa cơm có cả vợ và con quây quần. Sau khi vụ cháy xảy ra, vợ con tôi phải gửi về ngoại. Chỉ còn mình tôi ở lại vì phải lo nhiều việc khác. Mọi ngày có vợ chăm lo, cơm vợ nấu, bát vợ rửa, nay chỉ còn tôi tạm bợ với mì tôm trứng qua ngày”.
Những ngày gần đây, người dân hết sức hoang mang vì sự sợ hãi bàng hoàng chưa qua thì cả tá thông tin nhiễu sóng ập tới. Tin dài tin ngắn đan xen trong không gian u ám của khu Hạ Đình – những thông tin không đúng sự thực!
Ra là chuyện thông tin kết quả quan trắc không khí kiểm tra thủy ngân ra ngoài môi trường được công bố từ nhiều cơ quan khác nhau với kết quả khác nhau khiến người dân “chẳng biết đường nào mà lần”!
Người đàn ông trạc tuổi tứ tuần ghé vào những câu chuyện của chúng tôi mà gắt gỏng: “Lắm tin nhiều mối khiến bà con nhao nhác hết cả lên. Kể cả khi chính quyền tổ chức khám sức khoẻ miễn phí cho người dân cũng khiến chúng tôi bức xúc. Ở nhà thì hoang mang, cất công đến đó họ chỉ đo huyết áp, làm vài thao tác đơn giản rồi cho về. Muốn kiểm tra kỹ thì phải lên bệnh viện tuyến trên và mất tiền. Lương hưu mấy ông bà già thì được mấy đồng, đi khám tổng quát thì cũng hết tiền triệu, tiền đâu mà đi?”
Có lẽ với những người dân nơi ấy, một phát ngôn chỉn chu, thống nhất, một sự đính chính đã là quá đủ cho một ngày mai không lo sợ. Và phía công ty Rạng Đông, nếu có thể hãy lên kế hoạch cụ thể với người dân, bao giờ có thể thu gom, giải quyết hậu quả vụ cháy để dân cư chủ động phòng tránh.
Chúng tôi cứ đùa nhau về câu nói “10 căn nhà 9 số phận” là bởi tự nhiên không đâu những căn nhà bị dán lên mình chiếc phiếu giảm giá bán mua. Nào tăng giá, nào hạ giá, nào bán gấp bán vội vì... sợ!
Chị Nguyễn Thị Liên, người dân tại phố Hạ Đình cho biết, nhiều báo đăng người dân bán nhà gấp để chuyển đi nơi khác là hoàn toàn không đúng sự thật, cả mặt phố có mỗi một nhà người ta rao bán từ rất lâu rồi, bảng rao bán nhà có từ lâu chứ đâu phải đến vụ cháy chúng tôi mới rao bán nhà”.
Tin đồn cứ kéo dài kéo theo cả sự phẫn uất và tức tối của những người dân đáng thương vùng Hạ Đình. Và có lẽ ám ảnh chúng tôi hồi lâu có lẽ là câu chuyện ở trọ của cả một hộ gia đình. Một gia đình 4 người, lỉnh kỉnh bê vác dắt díu nhau đi thuê trọ!
Nhà ông Bùi Văn Đoàn có lẽ đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi vụ cháy, ba tầng trên đều bị lửa bén vào, mưa xuống có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, may mắn tầng 1 là nguyên vẹn.
Ông Đoàn cho biết, hiện giờ cả gia đình phải đi thuê trọ và chưa thể quay lại cuộc sống bình thường được. Vừa nói vừa chỉ tay lên căn nhà loang lổ vết thương, hôm mưa lớn, những mảng tường tróc lở sau vụ cháy bây giờ sụp xuống.
“Gia đình chúng tôi đã chuyển sang nơi khác ở, chứ hộ bên cạnh còn phải chen chúc nhau trong một tầng rất khổ sở vì không có tiền để đi, nếu mà tường sập thì không biết thế nào”, nhìn vào mảng tường tróc sơn, ông trải lòng.
Con ngõ này trước đây thường xuyên xảy ra tắc đường, nhưng bây giờ chẳng mấy người qua lại, cũng không còn ai họp chợ bán chác gì nữa”, ông Đoàn ngậm ngùi chia sẻ.
Đóng cửa gần hai tuần, đến hôm nay mới mở hàng, chủ tiệm cà phê trong khu chung cư 54 cho biết, quán chủ yếu phục vụ cho người dân tại chung cư nhưng giờ người ta đi hết cũng chẳng bán được cho ai, từ nửa tháng nay thất thu. Không biết sau sẽ thế nào?
Một tổ ấm để đi về, một quán sửa xe đông khách, một không khí trong lành và an toàn là những gì người dân Hạ Đình mong muốn.
Tuy nhiên có lẽ động thái của Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi trả lời báo chí rằng: “người dân không có bức xúc gì” có lẽ chưa thỏa mãn tâm ý của những người con Hạ Đình giáp bên lề tường vụ hỏa hoạn kinh hoàng.
Thực tế, mong muốn của những người dân là một sự ra quân quyết liệt từ các cơ quan chính quyền, từ chính công ty Rạng Đông để giúp họ có thể trở lại cuộc sống bình thường trước kia, an tâm trở về ngôi nhà của mình.
Hà Nội những ngày mưa bất chợt, một trận mưa trắng trời xóa đi một phần đen nhám loang lổ trên bức tường bọc ni lông cao vài mét.
Vẫn thoang thoảng mùi hóa chất, mùi khét lẹt của nhựa công nghiệp trong nhà máy. Nhưng sau tất cả, với những động thái thiết thực từ chính quyền TP. Hà Nội và các bộ, ban, ngành, điều cuối cùng họ muốn.
Họ muốn được trở về trong ánh rạng đông. Để một buổi sáng trong lành, khu phố Hạ Đình sẽ lại tấp nập người qua lại, tiếng còi xe inh ỏi hòa với tiếng chào hỏi líu lo của lũ trẻ khi gặp những gương mặt thân quen khi cắp sách tới trường.
Nhịp sống dù không sôi động như xưa nhưng sự thân thuộc và quen nhớ vẫn đọng lại từng con đường góc phố.
Chúng tôi chẳng ai bảo ai, khẽ nhìn những ô cửa kính nhiều màu hướng về phía Rạng đông, một bình hoa ly mới cắm còn vương nhựa sống, một bộ quần áo được treo ở góc ban công, một ly cà phê tí tách gõ trên ly thủy tinh, hi vọng những kí ức về một đêm đỏ lửa sẽ không còn làm người dân Hạ Đình bận lòng thêm nữa.