Người Đưa Tin (NĐT): Giữa năm nay, khi thăm và làm việc với tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành sự đánh giá cao về những kết quả đạt được của tỉnh trong những năm vừa qua. Xin ông điểm lại một số nét nổi bật trong bức tranh phát triển chung của tỉnh?
Ông Lê Thành Đô: Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng. Trong những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Năm 2022, Điện Biên đạt và vượt 48/51 chỉ tiêu kế hoạch; GRDP tăng 10,19%; công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 22,2%; dịch vụ phục hồi tốt, với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 41%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 21,9%.
Đặc biệt, nửa đầu năm 2023, trong bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn song Điện Biên có tốc độ tăng trưởng đạt khá, tăng 7,06% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, xếp thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, du lịch có nhiều khởi sắc; tổng lượng khách du lịch tăng mạnh trở lại so với các năm trước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
NĐT: Từ mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng trước đây, ngày nay Điện Biên đang định hướng phát triển đột phá, nhanh và bền vững trong thời gian tới. Với mục tiêu đầy khát vọng đó, Điện Biên có chiến lược và cách làm cụ thể như thế nào cho chặng đường phát triển tiếp theo?
Ông Lê Thành Đô: Với mục tiêu phát triển đột phá, nhanh và bền vững trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ở các lĩnh vực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo một cách bền vững. Cụ thể, về chính sách của tỉnh trong giai đoạn tới, Điện Biên đang tập trung vào những chương trình lớn.
Thứ nhất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển mạnh diện tích cây mắc ca ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chính sách chung của tỉnh là gắn kết giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết với người dân thông qua đại diện của người dân là mô hình hợp tác xã.
Thứ hai, đưa du lịch của Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên 3 trụ cột, trong đó quan trọng nhất là bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ.
Thứ ba, phát triển về kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với việc phát triển đô thị. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, kết cấu hạ tầng được gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ phần kết cấu hạ tầng về nông thôn như đường, điện, trường, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân được tiếp cận sớm với những dịch vụ thiết yếu.
NĐT: Việc nhận diện các thách thức, “điểm nghẽn” có vai trò quan trọng đối với các địa phương trong việc dành nguồn lực để khơi thông. Với đặc thù của Điện Biên, xin ông cho biết, đâu đang là “điểm nghẽn” lớn nhất cần giải quyết để tạo động lực cho tỉnh chuyển mình, phát triển?
Ông Lê Thành Đô: Điện Biên có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, dân cư phân bố rộng, rải rác nên việc phát triển hệ thống hạ tầng kết nối gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cần nguồn lực đầu tư rất lớn.
Đây có thể coi là “điểm nghẽn” lớn nhất trên chặng đường phát triển của địa phương bởi “giao thông đi trước mở đường”, nếu không có hạ tầng giao thông tốt thì Điện Biên rất khó có thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư dù tỉnh có nhiều tiềm năng, tài nguyên. Từ đó sức hút của tỉnh trên bản đồ phát triển kinh tế cũng bị suy giảm.
Trong những năm qua, trong điều kiện có nhiều khó khăn, Điện Biên đã nhận diện được vấn đề này và tập trung phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược, điển hình là dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và mạng lưới giao thông kết nối.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đang phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào quý IV/2023. Đây là dự án trọng điểm, được kỳ vọng tạo sức bật mới cho tỉnh và vùng Tây Bắc, khơi thông con đường đón các nhà đầu tư, tập đoàn lớn và khách du lịch về với Điện Biên.
Về giao thông kết nối, Ðiện Biên đã tranh thủ sự quan tâm của Bộ GTVT để đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như: Quốc lộ 12, quốc lộ 279B, quốc lộ 6, quốc lộ 4H, tạo thuận lợi cho giao thông kết nối Ðiện Biên với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế lân cận cũng như giao thương với các tỉnh bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); hình thành các khu vực kinh tế động lực, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
NĐT: Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc. Điện Biên với cánh đồng Mường Thanh cũng như nhiều lợi thế trong việc phát triển ngành nông nghiệp, định hướng phát triển như thế nào để tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình và biến nông nghiệp trở thành bệ đỡ của nền kinh tế?
Ông Lê Thành Đô: Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong những năm qua, Điện Biên tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện.
Tỉnh đã chú trọng vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thâm canh cây trồng; quy hoạch và đầu tư mở rộng vùng sản xuất cà phê, mắc ca, gạo,…theo hướng tập trung; đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nuôi cá... Đến nay, Điện Biên đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại.
Việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Từ phương thức sản xuất truyền thống, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đưa kinh tế ngày càng phát triển.
NĐT: Điện Biên là địa phương còn nhiều dư địa phát triển du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, nhất là các di tích gắn với chiến trường chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - đây là lợi thế không phải địa phương nào cũng có được. Để tận dụng lợi thế vốn có, Điện Biên có định hướng làm du lịch như thế nào để đạt mục tiêu phát triển đột phá, nhanh và bền vững?
Ông Lê Thành Đô: Trong những năm qua, Điện Biên luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho toàn tỉnh.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Điện Biên đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, xây dựng tỉnh Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc với ba trụ cột chính, là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Để phát triển du lịch lịch sử xứng đáng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã giành nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm nhằm bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, như: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Bức tranh Panorama; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; cải tạo, sửa chữa khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Ngoài lợi thế về du lịch lịch sử, Điện Biên còn được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc và có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nhiều danh thắng, hang động đẹp như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, cao nguyên đá Tả Phìn, Tủa Chùa hay các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như: Khoáng nóng U Va, khoáng nóng Hua Pe, Khu du lịch sinh thái Him Lam. Trong đó, các điểm du lịch nghỉ dưỡng đang ngày càng được đông đảo du khách ưa chuộng.
NĐT: Doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng, mang tính then chốt cho sự phát triển kinh tế, môi trường và xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp ở Điện Biên còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, tỉnh có quan điểm và cách làm như thế nào để phát triển và thu hút đội ngũ doanh nghiệp?
Ông Lê Thành Đô: Đến hết năm 2022, tỉnh Điện Biên có 1.340 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 30.000 tỷ đồng và 565 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa phương. Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng.
Dù quy mô, số lượng còn khiêm tốn so với nhiều địa phương khác, tuy nhiên trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Điện Biên đã tích cực hoạt động, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Chúng tôi xác định doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, là động lực quan trọng góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp chính là thước đo sự phát triển của địa phương. Điện Biên muốn mạnh thì phải có doanh nghiệp, doanh nhân mạnh.
Để khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với nhiều nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, quản lý điều hàng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm động lực cho phát triển.
Để lắng nghe nhiều hơn từ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Điện Biên hằng năm đều tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư với sự tham gia đầy đủ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Điện Biên sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, chính sách và hành động để đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, không ngừng, không nghỉ.
NĐT: Bên cạnh việc phát triển lực lượng doanh nghiệp tại địa phương, Điện Biên sẽ làm gì để tăng sức hút với các nhà đầu tư, để kéo doanh nghiệp với về Điện Biên?
Ông Lê Thành Đô: Với những tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, đến thời điểm này đã có một số nhà đầu tư là các tập đoàn lớn của Việt Nam như: Tập đoàn VinGroup, Đèo Cả - Văn phú - Phú Mỹ - Thành Lợi; Hải Phát, Tập đoàn Plamingo, Sun Group… đã đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Điện Biên. Trong đó, có Tập đoàn VinGroup đã quyết định đầu tư tại tỉnh.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo tỉnh đều khẳng định Điện Biên sẽ cam kết hỗ trợ tối đa việc thực hiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là các thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất là về lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai… Chúng tôi cũng sẽ duy trì kênh đối thoại, sẵn sàng lắng nghe doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Với chủ trương “đồng hành với doanh nghiệp”, Điện Biên sẽ kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền, từ tư duy “quản lý, điều hành doanh nghiệp” trở thành “kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động”, để doanh nghiệp an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
NGUOIDUATIN.VN |