img img

Trong cuộc trò chuyện với Người Đưa Tin (NĐT) về phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec nói rằng, hiện các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản KCN tại Việt Nam đang luôn tìm cách đầu tư phát triển KCN xanh, lấy tiêu chí phát triển bền vững để triển khai xây dựng. Ông cũng chia sẻ, ngoài “tự thân vận động” khi bắt tay vào xây dựng KCN, doanh nghiệp rất cần sự động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương sở tại.

img img

NĐT: Xin ông cho biết, những kết quả mà Shinec đạt được trong thu hút đầu tư vào các KCN do đơn vị quản lý hiện nay?

Ông Phạm Hồng Điệp: Với các hiệp định cam kết giữa các nước tiêu dùng như châu Âu, các nước bên bờ Thái Bình Dương đều nhắm vào phát triển bền vững. Vì vậy với sản phẩm hạ tầng kỹ thuật công nghiệp theo tiêu chí sinh thái tiên phong của Nam Cầu Kiền nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

img

Để có thể được lựa chọn đầu tư, chúng tôi phải ký cam kết trước và công nghệ tự động hoá cao mới được lựa chọn vào đầu tư trong KCN, trong đó có các doanh nghiệp sống cộng sinh với nhau tạo lên hệ sinh thái tuần hoàn mà chuỗi giá trị đó đã sinh lời cho các nhà đầu tư.

Vì vậy hiện nay tôi tự tin khẳng định việc thu hút nhà đầu tư vào KCN Nam Cầu Kiền không phải là vấn đề khó. Không chỉ riêng tại Hải Phòng, công ty chúng tôi đã phát triển để tạo ra chuỗi sản phẩm hạ tầng kỹ thuật công nghiệp trên một số tỉnh thành phố trong cả nước.

NĐT: Hiện nay, KCN truyền thống đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh, thay vào đó KCN hướng tới yếu tố xanh, bền vững ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Theo ông, cần chú trọng những yếu tố nào để xây dựng thành công những KCN chất lượng, thân thiện môi trường?

Ông Phạm Hồng Điệp: Trải qua thực tiễn phát triển KCN Nam Cầu Kiền, tôi nhận thức rõ được xu hướng phát triển bền vững trên thế giới là một xu hướng tất yếu và gần như là tiêu chuẩn số 1 của các dự án FDI.

img

Theo tôi, để xây dựng KCN hướng tới là KCN xanh, phát triển bền vững, bản thân nhà đầu tư cần chú trọng đến yếu tố quy hoạch, yếu tố hạ tầng kỹ thuật, công nghệ quản trị theo hướng số hoá, chất lượng thu hút đầu tư cũng như yếu tố con người.

Trong đó, muốn xanh hoá KCN cần những doanh nghiệp đầu tư hạ tầng có đủ năng lực về con người, về trình độ hiểu biết để tiếp cận với xu hướng phát triển của thế giới. Đồng thời, chủ đầu tư cần có tâm với sản phẩm hạ tầng công nghiệp do chính mình làm ra.

Trên thực tế trong quá trình đầu tư, vận hành hiện nay còn vướng rất nhiều về tính pháp lý của các bộ luật chưa được hoàn thiện có ảnh hưởng đến công việc như Luật Đất đai, sự đồng thuận của nhân dân vùng dự án, Luật Tài nguyên Môi trường, Luật Xây dựng...

Vì vậy, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các bộ ngành Trung ương rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc phát triển dự án công nghiệp bởi sự phê duyệt của các cơ quan quản lý này đối với dự án. Theo tôi, đó là một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KCN sinh thái.

img img

NĐT: Tại Shinec, Tập đoàn nhìn nhận về xu hướng phát triển bất động sản KCN xanh này như thế nào? Theo đó, Shinec có đặt phát triển KCN xanh trở thành mục tiêu chính để hướng tới hay không, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Điệp: Xu hướng phát triển KCN xanh, KCN sinh thái hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu chứ không còn là xu hướng khuyến khích nữa.

Vì vậy, hiện các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản KCN tại Việt Nam đang luôn tìm cách đầu tư phát triển KCN xanh, lấy tiêu chí phát triển bền vững để triển khai xây dựng. Tuy nhiên không thể phủ nhận trong quá trình thực hiện xây dựng, phát triển các dự án hướng tới xanh hoá trên cũng còn nhiều vướng mắc về thủ tục, về nhận thức nên việc phát triển còn chậm.

Tại Shinec, chúng tôi đặt ra mục tiêu kiên quyết phải tạo ra được dòng sản phẩm KCN sinh thái trong cả nước đúng theo tiêu chí của chính phủ ban hành và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hơn nữa, chúng tôi đã đưa tiêu chí di sản văn hoá địa phương vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật của KCN tạo ra sự hài hoà với văn hoá địa phương đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người. Như vậy, sản phẩm hạ tầng kỹ thuật công nghiệp của Shinec sẽ có giá trị cao hơn tiệm cận với sự phát triển bền vững, đó là cái đích mà chúng tôi luôn hướng đến.

img

Lý do chúng tôi chủ động lựa chọn hướng đi sinh thái cho Nam Cầu Kiền bắt nguồn từ câu chuyện xảy ra vào năm 2008, lúc KCN mới được thành lập. Khi đó, có một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, dù đã ký hợp đồng thuê 5.000m2 với giá 55 USD/m2/năm, nhưng khi đến đây, họ lắc đầu rồi bỏ đi và nói thẳng “không thấy sức sống trong KCN Nam Cầu Kiền”.

Sau đó, đúng thời điểm KCN Nam Cầu Kiền rất “khát” những nhà đầu tư thứ cấp, một số doanh nghiệp như doanh nghiệp Nhật Bản kể trên “đến rồi lại đi” vì lý do tương tự. Để tạo sức sống cho KCN, phát triển theo hướng sinh thái là lựa chọn đúng đắn và có thể nói là duy nhất.

NĐT: Trên thực tế, việc chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang mô hình KCN xanh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đáng chú ý trong đó là vấn đề tài chính, tại Shinec, công ty đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Phạm Hồng Điệp: Kinh nghiệm tại Nam Cầu Kiền cho thấy, việc chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái có rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Phạm Hồng Điệp: Kinh nghiệm tại Nam Cầu Kiền cho thấy, việc chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái có rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều người cho rằng đó là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, không phải vậy, thách lức lớn nhất là các quy định, các điều khoản của các bộ luật chưa thống nhất. Các văn bản hành chính còn chưa quy định rõ về mô hình KCN sinh thái và các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật để xây dựng một KCN sinh thái, KCN xanh.

Nhiều người cho rằng, lựa chọn xây dựng KCN sinh thái, chủ đầu tư KCN cũng như các nhà đầu tư thứ cấp sẽ phải “hi sinh” bớt lợi nhuận vì phải chi nhiều hơn cho xử lý vấn đề môi trường. Nhưng thực tế tại Nam Cầu Kiền ngược lại với nhận định này.

img

Đối với doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại KCN, Shinec sẽ miễn tiền dịch vụ cơ sở mỗi năm 15.000 đồng/m2, nếu họ chủ động trồng thêm cây xanh phủ quanh mặt bằng dựng nhà máy. Như vậy, nếu thuê 2 ha, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 300 triệu đồng tiền dịch vụ cơ sở hằng năm. Nhờ cách này, đến nay, diện tích đất cây xanh của Nam Cầu Kiền lên tới 31% tổng diện tích, vượt 6% so với tiêu chí xác định KCN sinh thái trong Nghị định số 82.

Đối với Shinec, cái được lớn nhất là các nhà đầu tư ưa tiên lựa chọn thay vì “đến rồi lại đi” khi chưa xây dựng KCN sinh thái. Hiện tỉ lệ lấp đầy của KCN Nam Cầu Kiền đạt 80% với hơn 70 dự án. Dự kiến trong năm 2024, chúng tôi sẽ hoàn thiện toàn bộ hạ tầng sinh thái KCN.

Nhờ vậy, số tiền thuế mà Nam Cầu Kiền đóng góp cho ngân sách Hải Phòng liên tục tăng và luôn ở mức cao trong số các KCN trên địa bàn. Năm 2019, nếu con số này là hơn 800 tỷ đồng, thì trong 2 năm 2022 và 2023, đã ở mức hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Ở một góc nhìn tích cực hơn, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kể trên, ngoài “tự thân vận động”, khi bắt tay vào xây dựng KCN chúng tôi đã tranh thủ được sự động viên, giúp đỡ của Thành uỷ, HĐND, UBND Tp.Hải Phòng cùng các sở ban, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải phòng và chính quyền huyện Thuỷ Nguyên, nơi KCN đóng chân.

Thời gian qua, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng đã đồng hành cùng Shinec tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính cũng như tạo sự đồng thuận của Nhân dân địa phương để các nhà đầu tư triển khai dự án một các thuận lợi.

img

NĐT: Xin ông cho biết, trong trung và dài hạn, Shinec đã có những định hướng gì để phát triển hiệu quả các KCN theo hướng thân thiện với môi trường?

Ông Phạm Hồng Điệp: Shinec đặt ra mục tiêu xây dựng Nam Cầu Kiền thành KCN sinh thái hàng đầu của Hải Phòng và cả nước các theo tiêu chí trong Nghị định 82. Đồng thời, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng đưa tiêu chí di sản văn hóa địa phương vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật của KCN. Qua đó, tạo ra sự hài hòa với văn hoá địa phương, đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người.

Trong chiến lược trung và dài hạn, chúng tôi củng cố hoàn thiện lại mô hình quản trị, hoàn thiện lại các tiêu chí theo Nghị định 35 của Chính phủ về quản lý khu kinh tế, KCN và hoàn thiện duy trì vận hành ít để xảy ra sai sót nhất có thể. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn của KCN sinh thái có mối liên kết cộng sinh để có thể lấy đó làm cơ sở phát triển chuỗi các KCN trong cả nước.

Chúng tôi cũng rất mong muốn học hỏi, tư vấn, hợp tác với tất cả các nhà đầu tư KCN trong cả nước, để từ đó hoàn thiện mô hình KCN sinh thái phát triển bền vững theo tiêu chí của Việt Nam, mang màu sắc Việt Nam, đem thương hiệu KCN sinh thái Việt Nam ra thế giới.

NĐT: Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

NGUOIDUATIN.VN |