img img

img

Tại phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”, người ta đã chứng kiến những “khoảng lặng”, những “nốt trầm” của sự hối hận, ăn năn, của những giọt nước mắt muộn màng. Những cụm từ “hối lỗi”, “xin lỗi”, “nhận tội”, “đau đớn” và hàng loạt những tính từ mạnh khác liên tục được các bị cáo sử dụng xuyên suốt những ngày tòa xét xử.

Trong nước mắt, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng gửi lời xin lỗi thành khẩn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao và nhân dân về những điều mình đã gây ra. Bị cáo này mong muốn có cơ hội để quay trở về với gia đình trong những năm cuối đời.

img

Bàng hoàng khi là bị cáo duy nhất bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình, Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nghẹn ngào trong nước mắt, cho rằng đây là sự nghiệt ngã đối với cuộc đời bị cáo cũng như gia đình. Kiên không nghĩ mình phải đối diện với mức án cao như vậy, phải bị loại trừ ra khỏi cuộc sống, trong khi mới ngoài 40 tuổi. Đứng trước ranh giới của sự sống – cái chết, Kiên không còn đủ mạnh mẽ và dũng khí như cái cách Kiên đã từng đập bàn, quát lớn vào mặt đại diện doanh nghiệp trong những ngày cấp phép chuyến bay.

Cũng chua chát vì “dính chàm” ngay trong những ngày cuối của sự nghiệp, cựu Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn phải thốt lên rằng “tôi ngu thì phải chịu, làm sai thì phải chịu”. Từng là Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, có lẽ trong suốt cuộc đời làm nghề, vị cựu Thiếu tướng này chưa từng nghĩ đến việc có ngày chính mình phải tra tay vào còng số 8, đứng dưới tòa với tư cách bị cáo.

Nhưng những giọt nước mắt hay sự ăn năn hối hận ở phút cuối đó không thể làm xóa mờ đi những sai lầm nghiêm trọng của các bị cáo, họ phải trả giá bằng những năm tháng cuộc đời trong nhà tù, bằng số tiền phải nộp khắc phục. Và hơn hết đó là sự day dứt trong lương tâm và sự phán xét của cuộc đời.

img

Trong lời nói sau cùng, cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Chử Xuân Dũng phải ngậm ngùi thừa nhận “lương tâm mình sẽ bị phán xét cho đến hết cuộc đời”. Đó có thể là những lời nói thật, bởi trong những năm tháng còn đứng trên bục giảng, thầy giáo Chử Xuân Dũng có lẽ cũng chưa từng nghĩ có ngày mình lại phải để chính học trò của mình biện hộ, bào chữa cho sai lầm của mình. Ông Dũng gọi đó là những ngày đau khổ nhất cuộc đời.

Lấy câu Kiều "Trót đà gây việc chông gai / Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng" trước bục khai báo, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết vi phạm của mình là “nỗi buồn sâu sắc, nỗi sầu đau nhân thế vô bờ bến duy nhất trong cuộc đời”.

Sự hối lỗi, ăn năn thậm chí day dứt dằn vặt của các bị cáo là điều dễ hiểu và rất cần thiết. Xét xử một vụ án không chỉ đơn thuần là việc cưỡng chế các bị cáo ra tòa để phán xét và tuyên án, điều cần hơn là để chính những người sai phạm nhận thức được lỗi lầm của mình. Để cảnh tỉnh xã hội, hơn ai hết, chính họ phải là người trước hết, trên hết nhận thức được sai lầm của mình.

Nhưng rồi chúng ta cũng mong rằng sẽ không còn phải chứng kiến những lời xin lỗi, ăn năn như vậy. Những lời nói muộn màng khi “sự đã rồi”, khi sai phạm đã thành án, khi những con người này từ cán bộ nhà nước, chủ doanh nghiệp đều đã trở thành tội phạm.

Made with Flourish

img

Trở lại thời điểm đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) và nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới.

Trước tình hình diễn biến rất phức tạp, tháng 3/2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước. Đến tháng 4/2020, Chính phủ cho phép tổ chức một số chuyến bay giải cứu theo hình thức: Công dân chỉ cần trả tiền vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội.

img

Đến tháng 11/2020, đại dịch lan rộng trên thế giới, Việt Nam trải qua hơn 70 ngày liên tiếp không ca nhiễm cộng đồng. Quê nhà trở thành nơi trú ẩn an toàn, do đó nhu cầu của công dân muốn trở về nước tăng cao đột biến. Nhưng những chuyến bay giải cứu của Chính phủ đưa kiều bào về nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bài toán tổ chức chuyến bay thương mại để bảo hộ công dân một lần nữa được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đặt lên bàn nghị sự sau nhiều lần phân vân đóng - mở.

Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", ngày 13/11/2020, Ban Chỉ đạo ra quyết định thí điểm chuyến bay combo - người dân tự trả toàn bộ giá vé và phí cách ly. Từ đây, các doanh nghiệp được tham gia đón công dân về nước.

Tuy nhiên, do các chuyến bay thương mại đang bị cấm hoàn toàn, để được cấp phép chuyến bay, các doanh nghiệp phải trải qua một quy trình với việc phải đi “qua cửa” của nhiều bộ, ngành, địa phương. Cụ thể:

img

img

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tổ chức chuyến bay, lợi dụng quy trình cấp phép, một số cá nhân có thẩm quyền ở các Bộ, ngành, địa phương đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin - cho buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ.

Trong giai đoạn tháng 11/2020 đến 4/2021, khi Văn phòng Chính phủ còn vai trò trong quy trình cấp phép, cơ quan điều tra phát hiện một số cá nhân tại Văn phòng Chính phủ trực tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp dù không được giao nhiệm vụ, bỏ qua quy trình thẩm định của Tổ công tác 4 Bộ/ 5 Bộ, báo cáo thẳng lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.

img

Bên cạnh đó, với cả những hồ sơ đi đúng quy trình thông qua Bộ Ngoại giao, nhiều cán bộ vẫn lợi dụng thẩm quyền để nhũng nhiễu, ép doanh nghiệp chi tiền mới giải quyết.

Mỗi chuyến bay được "ra giá", từ 100 đến 500 triệu đồng; hoặc tính trên đầu người thì từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, thậm chí 7-15 triệu đồng, tuỳ thời điểm. Căn cứ "bảng giá" thỏa thuận trước, doanh nghiệp "hối lộ" mức tương ứng để được cấp phép bay.

Trong giai đoạn này, có 5 đại diện doanh nghiệp tiếp cận cán bộ Văn phòng Chính phủ (cấp phê duyệt) và Bộ Ngoại giao (cấp đề xuất) để hối lộ, gồm: Hoàng Diệu Mơ (Công ty An Bình), Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Công ty Bluesky), Hoàng Anh Kiếm (Công ty Lữ Hành Việt, Hoàng Long Luxury), Nguyễn Thị Tường Vy (Công ty ATA, Investco, Minh Vượng), và Phan Thị Mai (Công ty Việt Phát, Việt Nhật).

img

Trong đó, Hoàng Diệu Mơ - Tổng giám đốc Công ty An Bình, là người đón bắt được chủ trương tổ chức chuyến bay combo từ rất sớm. Tháng 5/2020 - khi chuyến bay combo mới chỉ là đề xuất, bà Mơ thông qua quan hệ cá nhân gặp ông Tô Anh Dũng, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nhờ hỗ trợ để được tổ chức chuyến bay giải cứu. Khi chính sách này thực thi vào tháng 11/2020, Công ty An Bình thuộc nhóm doanh nghiệp đầu tiên tham gia và sau đó cả quá trình đã được cấp phép 66 trong tổng số 500 chuyến bay combo. Đổi lại, bà Mơ bỏ ra gần 35 tỷ đồng để "mua chuộc" 8 người thuộc Tổ Công tác 4 Bộ/5 Bộ.

Tuy nhiên, dòng tiền hối lộ đã có sự điều chỉnh kể từ tháng 4/2021, khi Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ được Chính phủ trao quyền quyết định chuyến bay giải cứu, Văn phòng Chính phủ không còn vai trò trong quá trình cấp phép. Trong đó, Bộ Ngoại giao là đầu mối chủ trì, tiếp nhận hồ sơ, đề xuất danh sách doanh nghiệp được cấp phép. 4 Bộ còn lại có nhiệm vụ cho ý kiến về danh sách các doanh nghiệp được cấp phép theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Điều đó có nghĩa chỉ khi cả 5 Bộ trong Tổ công tác 5 Bộ chấp thuận thì doanh nghiệp mới được phép tổ chức chuyến bay. Để thuận lợi, doanh nghiệp thỏa thuận ngầm mua "chữ ký" đồng thuận từ nhiều quan chức ở các Bộ. Từ đây, dòng tiền hối lộ bắt đầu chuyển sang một số cán bộ, quan chức tại Bộ Y tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Bộ GTVT.

img

Cũng kể từ đây, số doanh nghiệp tham gia cũng tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, đã có khoảng 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp được triển khai thực hiện, số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, sau đó, bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng có đến hơn 90% số tiền đút lót của vụ án được đưa trong giai đoạn này, cho đến khi các đường bay thương mại mở lại vào tháng 1/2022. Giá mỗi chuyến bay được điều chỉnh từ 100 đến 200 triệu đồng, thay vì 231 triệu (10.000 USD), thậm chí 500 triệu, như giai đoạn trước.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cáo, các bị cáo là quan chức trong vụ án có 2 dạng thủ đoạn để nhận tiền hối hộ: một là đưa ra yêu cầu và mặc cả thẳng về giá, hai là người có thẩm quyền đã gây khó khăn để buộc doanh nghiệp phải chi tiền "theo luật bất thành văn" để được cấp phép chuyến bay. Nhiều câu hỏi đặt ra là nếu không chấp nhận chi tiền “bôi trơn”, các doanh nghiệp sẽ gặp phải những chuyện gì? Câu trả lời được bị cáo Phan Thị Mai - nguyên Giám đốc Công ty Sao Hà Nội khẳng định đó là: Doanh nghiệp đã bay là phải cảm ơn, đó là luật bất thành văn. Và các cán bộ với thẩm quyền của mình có đủ cách để “trị” những người không tuân theo “luật ngầm”.

img

Đơn cử như ở Cục Lãnh sự, đối với những doanh nghiệp không chịu “cảm ơn”, mặc dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép nhưng các bị cáo sẽ không sắp xếp cho doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình đã báo cáo mà chỉ cho doanh nghiệp thực hiện chuyến đầu tiên, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản của Cục Lãnh sự; thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc thay đổi kế hoạch bay, thay đổi số công dân trên chuyến bay làm cho doanh nghiệp không thể thực hiện được ngay; tự ý ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng triển khai chuyến bay trong khi doanh nghiệp đã bán hết vé máy bay cho khách và thuê tàu bay đế đưa công dân về Việt Nam.

Hay như ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nhiều doanh nghiệp sẽ không nhận được văn bản chấp thuận vì lý do “sếp không biết mặt” và được “gợi ý đến cảm ơn”.

Hoặc như với vị trí Thư ký của mình, Phạm Trung Kiên sẽ chụp hình, nhắn tin cho doanh nghiệp với nội dung: “Thứ trưởng đã ký, chuyển tiền thì có dấu”.

Đến lúc này, dù muốn hay không, dù biết hay không biết, các doanh nghiệp buộc phải đến tiếp xúc, gặp gỡ và “xuống tiền” để nhận được cái gật đầu chấp thuận của các “cửa ải”.

img

img

Thị trường ngầm mua bán giấy phép các chuyến bay chỉ hé lộ sau khi vụ án được khởi tố vào tháng 1/2022. Quá trình điều tra cho thấy, quy trình từ lúc cấp phép phần lớn các chuyến bay, đón công dân, đến đưa đi cách ly đều có thể được mua bằng tiền. Không chỉ mua - bán giấy phép bay, một nhóm cá nhân còn đứng ra môi giới chuyển nhượng.

Sau khi điều tra, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đủ cơ sở kết luận có 21 quan chức nhận 165 tỷ đồng tiền hối lộ, 23 người bị cáo buộc Đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, còn 61 tỷ đồng chênh lệch đang tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ. Ngoài ra, còn 4 bị cáo bị truy tố vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2 bị cáo bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 4 bị cáo bị truy tố về tội Môi giới hối lộ.

Trong số 21 cán bộ bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, có 7 người hầu như doanh nghiệp nào cũng phải "qua cửa". 5 bị cáo thuộc Bộ Ngoại giao gồm: Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lưu Tuấn Dũng, và Lê Tuấn Anh. Hai người còn lại là "đầu mối" từ Bộ Y tế (Phạm Trung Kiên) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Vũ Anh Tuấn), thông qua họ, các chủ doanh nghiệp lần lượt tiếp cận những người có thẩm quyền khác để đút lót, đẩy nhanh tiến độ hồ sơ.

img

Để qua hết các "cửa" xin được cấp phép chuyến bay, 18 nhóm doanh nghiệp đã thực hiện 515 cuộc đưa - nhận hối lộ diễn ra tại Hà Nội, cả trong những ngày phong tỏa. Một nửa số vụ đút lót được xác định địa điểm ngay tại trụ sở Cục Lãnh sự, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Bộ Y tế. Số còn lại được giao - nhận ở nhà riêng, các địa điểm công cộng (ngã tư đường, xe ôtô, bến xe buýt…), hoặc qua tài khoản người thân để che giấu hành vi.

Đơn cử như bị cáo Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, người nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, cả về số lần và số tiền với 253 lần nhận, tổng số tiền 42,6 tỷ đồng trong 11 tháng. Tính trung bình Kiên nhận mỗi tháng gần 4 tỷ đồng, mỗi ngày 130 triệu đồng. Với 253 lần nhận hối lộ, Kiên nhận 228 lần qua chuyển khoản.

Việc nhờ người thân nhận giúp tiền hối lộ cũng là hình thức nhận phổ biến tại vụ án này. Điển hình như bị cáo Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ GTVT) đã 5 lần nhận tiền của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) thông qua tài khoản của chị gái, tổng 1,3 tỷ đồng.

Thị trường mua bán chuyến bay giải cứu dần tới hồi kết khi giữa tháng 12, các đường bay thương mại quốc tế được thí điểm khôi phục từ ngày 1/1/2022, theo đề xuất của Bộ GTVT. Các chuyến bay và những khoản hối lộ cuối cùng được thực hiện dồn dập.

img

Đến tận giữa tháng 1/2022, nhiều cuộc đưa nhận hối lộ vẫn còn được thực hiện theo thỏa thuận của những chuyến bay đã thực hiện. Cụ thể, ngày 12/1/2022, Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự, nhận 1,5 tỷ đồng của Hoàng Diệu Mơ ngay tại phòng làm việc. Hôm sau, Lưu Tuấn Dũng, cựu Phó Phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, cũng nhận 30 triệu đồng từ nhân viên của Mơ.

Hơn hai tuần kể từ lần tham nhũng cuối cùng, vụ án được chính thức được khởi tố và những cán bộ trên cùng lúc bị bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Ngay sau đó, lo sợ bị điều tra, nhiều bị cáo đã đối phó quyết liệt, tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tài sản, gây nhiều khó khăn cho cơ quan công an. Một phương thức được nhiều bị cáo sử dụng là trả lại tiền đã nhận hối lộ để tạo vỏ bọc tiền vay mượn. Chỉ trong hai ngày 28-29/1/2022, Phạm Trung Kiên liên hệ đại diện 7 doanh nghiệp, chuyển trả hơn 8 tỷ đồng. Vũ Anh Tuấn cũng chủ động trả lại tiền cho những người từng đưa hối lộ.

Theo đánh giá của các cơ quan tố tụng, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. 54 bị cáo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân. Hành vi của các bị cáo làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách mà Đảng, Nhà nước triển khai. Không những thế, hành vi đó còn đã phản bội lại chính sự cố gắng của chính đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí của chính các bị cáo.

img
img

NGUOIDUATIN.VN |