Ông bầu Xuân của đoàn Dạ Lý Hương một thời vang bóng và các nghệ sĩ già, chọn chùa Nghệ Sĩ để sinh sống và chăm lo mộ phần cho những ngôi sao tài danh đã khuất. Mỗi ngày họ quét dọn, lau chùi, giữ nếp sống xanh sạch cho khuôn viên chùa, như một cách trân quý những nghệ sĩ lừng danh đã về với cát bụi trần ai.
Tôi đến thăm chùa Nghệ Sĩ (quận Gò Vấp, TP.HCM) khi ánh nắng ban trưa đã bớt gay gắt. Một khuôn viên chùa thanh bình với những ngôi mộ được quét dọn sạch sẽ, trồng hoa, cây kiểng xanh tươi.
Người đàn ông trung niên ân cần hướng dẫn tôi đưa xe vào đúng vị trí rồi từ tốn hỏi tôi cần gì, viếng mộ ai. Người này tự giới thiệu nghệ danh là Cảnh Tượng, xưa theo đoàn hát Hương Mùa Thu. Về già, không nơi nương tựa, ông được vào đây làm công quả cho chùa.
Nghệ sĩ Cảnh Tượng
Khi biết tôi tìm gặp ông bầu Xuân, nghệ sĩ Cảnh Tượng nói: “Cậu Ba Xuân hả? Cô theo tôi”. Ông dẫn tôi đến một căn phòng nhỏ nhưng rất gọn gàng. Bên trong phòng, tiếng ho liên hồi của một người nào đó đã có tuổi vang lên.
“Cậu Ba Xuân, tên thật là Diệp Nam Thắng, 92 tuổi rồi. Cậu từng là ông bầu của đoàn Cải lương Dạ Lý Hương, Trưởng ban Quản trị chùa Nghệ Sĩ. Mấy nay, bệnh cậu trở nặng, ho nhiều nên hơi khó chịu một chút”, nghệ sĩ Cảnh Tượng cho biết thêm.
Trong căn phòng nhỏ, ông bầu Xuân lẫy lừng một thuở nằm trên chiếc ghế xếp và cố thở sau những cơn ho kéo dài. Tuy sức khỏe yếu, tai bị lãng nhưng đầu óc ông còn khá minh mẫn. Khi tôi nhắc đến đoàn Dạ Lý Hương, ông nắm tay vào ghế để cố ngồi dậy, đôi mắt ánh lên sự kiêu hãnh.
Ông bầu Xuân
Ông nói, bà Bảy (NSND Phùng Há) tạo ra đoàn Dạ Lý Hương, còn ông giúp đoàn phát triển đến đỉnh cao. Có thời điểm, tất cả tài danh của ngành sân khấu Cải lương đều tập trung về Dạ Lý Hương. Nói đúng ra, ông làm đủ thứ nghề như: Xây dựng, làm thầu, buôn bán... nhưng vốn trong người có máu nghệ sĩ nên chuyển hướng sang Cải lương. Mà thật, nhờ ông có máu nghệ sĩ nên mới làm được đoàn Dạ Lý Hương nức tiếng thời bấy giờ.
Và, cũng bởi có máu nghệ sĩ, ông mới quản lý được nghệ sĩ. Ông bảo: “Nghệ sĩ tốt thì cũng có tốt nhưng mà lôi thôi lắm. Vừa làm vừa chơi chứ không cần tiền bạc”.
Ông nhớ, cùng thời với đoàn Dạ Lý Hương, các đoàn khác “chết” hết. Sự lớn mạnh của đoàn Dạ Lý Hương khiến các đoàn khác lao đao.
“Đoàn mình dám tốn tiền. Dám đầu tư nên nổi lên. Mấy ông bầu kia sợ tốn tiền, sợ đủ thứ, còn tôi không sợ. Thêm vào đó, đoàn mình có Bạch Tuyết dám hát và diễn gợi cảm, lối diễn thực tế táo bạo, hiện đại. Chẳng những vậy, tôi còn mời các nghệ sĩ danh tiếng ở các đoàn khác về diễn như: Thanh Nga, Thành Được… Muốn mời được Thanh Nga qua đoàn khó lắm, cô ấy chỉ diễn những vở lịch sử nghiêm túc. Vậy mà, tôi sẵn sàng trả cát - xê cao để mời nữ nghệ sĩ về diễn cho đoàn”, bầu Xuân tự hào kể lại.
Lịch sử của ngôi chùa Nghệ Sĩ có thể tính từ năm 1958, khi nghệ sĩ Phùng Há xin được tiền để hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế mua đất để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ Cải lương. Tuy nhiên, khi mua được mảnh đất 6.080m2, bà lại để không gần 10 năm trời bởi không có tiền xây chùa.
Đến năm 1969, bầu Năm Công (Lê Minh Công) thấy đất bỏ không nên quyết định xin Phùng Há cho dựng am để tu hành. Năm 1970, am hoàn thành, lúc đó bầu Năm Công quyết định bán. Bầu Xuân đồng ý mua lại am với giá tương đương gần 100 lượng vàng. Từ đó, am được xây thành chùa và nhiều nghệ sĩ Cải lương đã qua đời được mai táng tại đây.
Năm 1994, bầu Xuân về nương tựa chùa Nghệ Sĩ và có dịp gắn bó với NSND Phùng Há trong 15 năm cuối đời của bà. “Má Bảy mất đi rồi, tôi thay thế bà quản lý, chăm lo mộ phần cho nghệ sĩ đã mất. Tôi làm nhiều việc cho chùa Nghệ Sĩ đều xuất phát từ cái tâm và làm từ thiện bằng đầu óc. Tôi cũng có hướng tu nên được làm việc cho chùa, tôi rất vui vẻ”, bầu Xuân chia sẻ.
Mộ phần của NSND Phùng Há
“Sống ở đời chuyện tình cảm dài dòng, mình chết cũng vì nó. Đất đai rất nhiều, tiền gửi ngân hàng cũng nhiều nên tôi không lo thiếu tiền mà chết. Tôi chỉ cần sức khỏe để có sức chăm lo thêm cho ngôi chùa chứa nhiều tâm huyết của bà Bảy”, ông bầu Xuân đau đáu.
Nói về tâm huyết của bầu Xuân với chùa Nghệ Sĩ, nhiều nghệ sĩ làm công quả ở chùa đều cảm phục. Nghệ sĩ Cảnh Tượng cho biết: “Ngày nào, cậu Ba cũng đến chùa, lễ Tết gì cũng không vắng mặt, trừ khi ông bệnh nặng. Mấy bữa rày, ông bệnh nhưng cũng lên chùa đều đặn. Mỗi ngày, khoảng 11-12h, tôi lại thấy tài xế lái chiếc xe hơi cũ kỹ đưa ông đến chùa. Ông ở miết cho đến 7h tối mới lên xe về nhà. Trước còn khỏe, ông ở lại khuya lắm, thắp nhang hết thảy nghệ sĩ mới về nhà”.
Nhiều lớp nghệ sĩ làm công quả ở chùa cũng cống hiến nhiều tâm sức. Họ không có nơi chốn đi về nên được ông bầu Xuân cho vào nương náu rồi phụ giúp công việc giữ gìn an ninh trật tự, chăm sóc cây kiểng, quét dọn mộ phần cho người đã khuất.
Ban đầu, những công việc ấy như để khỏa lấp nỗi buồn tẻ của tuổi già nhưng lâu dần, họ chăm sóc các mộ phần bằng cái tâm và sự yêu thương đồng cảm. Hơn ai hết, họ hiểu sự bạc bẽo của nghệ thuật sân khấu, hào quang đó nhưng quay về bóng tối chẳng biết khi nào.
Nghệ sĩ Cảnh Tượng (66 tuổi), một trong những nghệ sĩ Cải lương khi bước vào tuổi xế chiều không nơi nương tựa được về chùa Nghệ sĩ sinh sống từ đầu năm 2015. Trước đó, ông theo diễn hài tại đoàn Hương Mùa Thu. Ông nói nghe nhẹ tênh: “Người nghệ sĩ khi nằm xuống hoặc lớn tuổi không người quan tâm. Đó là số phận của mình, phải chịu thôi, chứ tủi cái gì. Ngày xưa mình đã vinh quang rồi, đi hát được theo đoàn đi đây đi đó, thoải mái hơn người khác. Giờ tuổi già phải nhường cho đàn em, mình lại trở về bóng tối”.
Hiện tại, chùa có hơn 546 ngôi mộ và hơn 500 lọ cốt. Những mộ nằm lâu năm sẽ được hoả táng đưa vào 2 tháp cốt trong sân chùa.
Nghĩa trang của chùa Nghệ Sĩ đều trân trọng và chôn cất cẩn thận nhiều tài danh nổi tiếng, cũng như những nghệ sĩ bạc mệnh khi chưa nổi danh. Đó là ý nguyện của NSND Phùng Há. Bà mong muốn bao tất cả bộ môn không phân biệt diễn viên công nhân hậu đài, ai cũng được chôn cất dưới mái nhà chung.
Khuôn viên chùa có mộ phần của các nghệ sĩ: NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, NSƯT Thanh Nga, Bảy Cao, Minh Phụng, Lê Vũ Cầu, Lê Công Tuấn Anh… Không những chỉ an táng các nghệ sĩ cải lương từ trần trong nước, các nghệ sĩ người Việt từ trần từ nước ngoài cũng xin được mang hài cốt và hình ảnh về chùa Nghệ Sĩ thờ cúng như: Hữu Phước, Hùng Cường…
Theo nghệ sĩ Cảnh Tượng, vào những rằm lớn, chùa mới có nhiều người đến viếng. Đa số đến thăm viếng mộ nghệ sĩ Phùng Há, Thanh Nga, Lê Công Tuấn Anh... Họ từ các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang… đi xe đò đến thăm viếng các thần tượng đã khuất. Gần Tết, những nghệ sĩ ở hải ngoại cũng về viếng mộ phần của lớp nghệ sĩ đi trước.
“Ngày giỗ, nhiều diễn viên kịch đến viếng cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh lắm. Có năm, người yêu cũ của Lê Công Tuấn Anh đến viếng, mới đến đây thôi. Khi đến, cô này bịt mặt, vào thắp nhang rồi đi rất nhanh. Lâu lắm, kể từ ngày nam diễn viên được chôn ở chùa, tôi mới thấy cô này đến viếng mộ. Chắc có lẽ, cô ấy giận Lê Công Tuấn Anh nhiều lắm”, nghệ sĩ Cảnh Tượng cho biết.
Mộ phần của diễn viên Lê Công Tuấn Anh
Họ cũng nhớ những lần nghệ sĩ Hà Linh đến thăm mộ mẹ - nghệ sĩ Thanh Nga. Mỗi lần thấy Hà Linh, họ thấy buồn và tội lắm. Họ thương cho nữ nghệ sĩ tài năng nhưng bạc mệnh, thương cho cậu bé sớm mất cha mẹ, một đời bơ vơ nhưng vẫn chọn sân khấu để gắn bó.
Nhiều mộ phần có người thân, khán giả thăm viếng nhưng cũng còn đó một số ngôi mộ cút côi, quạnh hiu, thiếu người nhang khói. Thương cho một kiếp người nằm xuống bơ vơ, những người làm công quả của chùa sớm hôm chăm sóc cho cây đơm hoa, nhang tỏa hương quanh mộ phần cô độc.