Thường những ngày lễ, tết trong năm, thay vì sum họp với gia đình, người thân, các thành viên đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại tỉnh Tây Ninh lại tất bật trên những cung đuòng vì những vụ tai nạn giao thông và các nạn nhân kém may mắn. Các chiến binh thầm lặng có tuổi đời, địa vị xã hội khác nhau nhưng những con người này có chung một nguyện vọng. Họ khát khao và sẵn sàng quên đi niềm vui riêng để chăm lo, giúp đỡ cho cộng đồng trong dịp lễ, tết.
Anh Đặng Văn Phúc, Đội trưởng đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh tham gia giữ gìn an ninh trật tự cho biết: “Những ngày lễ, tết, đội trực 24/24 và không nghỉ ngày nào. Bởi, đây là thời gian cao điểm của tai nạn giao thông”. Qua tìm hiểu, PV được biết, hiện tại, đội có 50 thành viên ở những lứa tuổi và có ngành nghề khác nhau. Anh Phúc chia sẻ, thành viên trẻ nhất trong đội mới 17 tuổi và đang học 12, cao tuổi nhất là 59 tuổi.
Anh Phúc bộc bạch: “Những thành viên của đội đều là người tình nguyện xin tham gia. Tuy nhiên, tôi cũng có những yêu cầu nhất định. Đầu tiên, họ phải là người không sử dụng rượu bia. Các thành viên mới sẽ được thử thách 3 tháng. Tiếp đến, thành viên phải là người có công việc ổn định. Bởi, đây là việc làm thiện nguyện, không có thu nhập. Do đó, các thành viên trong đội là những người đủ ngành nghề như: Chạy ô tô, lái xe tải, thợ hồ, công nhân viên chức. Người không có ngành nghề, tôi sẽ không nhận. Vì có lo được cho gia đình mình mới làm việc xã hội”.
Anh Phúc chia sẻ tiếp: “Nói chung, những thành viên của đội đều có tính chịu đựng, kiên nhẫn rất cao. Ngày thường đã thế, ngày lễ, tết, điều này càng rõ nét hơn. Bởi, ngoài việc cứu giúp người gặp tai nạn, hàng đêm, đội còn đưa người say xỉn về nhà. Những trường hợp này mệt mỏi, ức chế về tinh thần rất nhiều bởi họ chửi bới, văng tục với mình. Thậm chí, có người còn sẵn sàng hành hung các anh em nữa. Gặp trường hợp như vậy, nếu các em không bình tĩnh, chịu đựng rất dễ sinh chuyện”.
Các thành viên trong đội cho biết, thời điểm nghỉ lễ, đặc biệt là dịp tết, tai nạn giao thông thường gia tăng, người say xỉn cũng nhiều nên đội quyết định trực 24/24. Do đó, trong khi người người quây quần bên gia đình, các thành viên đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh tham gia giữ gìn an ninh trật tự lại sẵn sàng thuốc men, dụng cụ sơ cấp cứu, túc trực 24/24 tại trụ sở của đội.
Anh Phúc cho biết, vào dịp Tết, tình trạng say xỉn, tai nạn giao thông gia tăng hơn nhiều lần ngày thường. Với ước mơ không một ai trong cộng đồng phải chịu cảnh đau đớn, không người giúp đỡ trong ngày Tết, các thành viên của đội đã quyết tâm bớt lại thời gian bên gia đình. “Ngày Tết, các thành viên sẽ dành một khoảng thời gian nhất định bên gia đình, lo hết việc nhà rồi chạy ra đội trực. Anh, em cứ thay phiên nhau trực như thế 24/24, không nghỉ một giờ nào”, anh Phúc nói.
“Nhiều khi, anh em đang ăn cơm nhưng nghe tin báo có tai nạn lại vội vàng bỏ chén, gác đũa mà chạy đi ngay. Nhiều hôm cứ như thế từ sáng đến chiều tối, khi biết rằng người dân đã về nhà, quây quần bên gia đình, tai nạn giao thông sẽ ít hơn, anh và các thành viên mới dám tự tin dùng vội bữa chiều cho qua bữa”, anh Phúc nói thêm.
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, những bữa cơm vội vã trong ngày Tết của đội chỉ là điều hết sức bình thường và như lời anh Phúc nói “chuyện không đáng kể”. Không chỉ thế, dịp này, các anh còn bị hành hung, chửi bới, đối mặt với thương tích từ những người say xỉn. Anh Phúc chia sẻ: “Cấp cứu, hỗ trợ người gặp tai nạn giao thông không mấy khó khăn vì đội đã quen”.
“Cái khó trong những ngày này là đưa người say xỉn về nhà. Lúc này, họ bị rượu bia kiểm soát rồi, mất bình tĩnh lắm. Có khi họ chửi lại mình, thậm chí lao vào hành hung. Mặt khác, dù không bị hành hung, việc điều khiển xe, chở họ về nhà cũng rất nguy hiểm. Nói chung, những ngày Tết vừa qua, việc bị thương tích do cấp cứu, đưa người say xỉn về nhà, đến bệnh viện là chuyện thường xuyên”, anh Phúc thông tin thêm.
Tuy nhiên, chia sẻ về kỷ niệm ấn tượng, đáng nhớ nhất cuả anh cũng như toàn đội là kịp thời giúp đỡ kịp thời cho một thai phụ gặp tai nạn khi tham gia giao thông dịp tết vừa qua.
Anh Phúc nhớ lại: “Chúng tôi nhận được tin báo về việc một chị đang trong thời gian mang thai gặp tai nạn giao thông. Khi tiếp cận, dù bị thương nhưng với tình mẫu tử thiêng liêng, chị ấy cứ khóc và xin chúng tôi phải cứu giúp cái thai”.
“Với bản năng của một người mẹ, chị ấy không màng đến tính mạng của mình mà cứ van xin chúng tôi cứu đứa bé trong bụng. Trên xe cứu thương đến bệnh viện, chị ấy cứ khóc. Chúng tôi phải hết sức cố gắng an ủi và động viên chị để cảm xúc của chị không ảnh hưởng đến thai nhi. Cuối cùng, do đến bệnh viện kịp thời nên cả mẹ và thai nhi đều an toàn. Đó thực sự là một niềm vui lớn của đội”, anh kể.
Trong khi đó, các thành viên nữ của đội lại “ấn tượng” với những lần phải sử dụng phương pháp hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân nhiễm HIV trên đường đến bệnh viện. Nhiều chị cho biết, tưởng chừng các phương pháp miệng hô hấp nhân tạo chỉ có trong phim, thực tập. Nhưng, ở đội, các thành viên phải thực hiện thường xuyên.
Khẳng định thông tin trên, anh Phúc nói: “Đây là chuyện có thật và hết sức tự nhiên. Trên đường đi cấp cứu, nạn nhân bị ngưng tim, chúng tôi phải thực hiện ngay các phương pháp trên. Hơn thế, nhiều lúc, biết bệnh nhân nhiễm HIV nhưng trong lúc họ nguy kịch, chúng tôi vẫn phải thực hiện. Tôi nhớ có lần cô bé trong đội đã quên mình dùng phương pháp trên cho một nam nạn nhân gặp tai nạn. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện, dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng vẫn không cứu được. Nghe tin ấy, cô bé khóc nức nở, đau đớn vì đã cố hết sức nhưng vẫn không níu giữ được một mạng người”.
Anh Phúc cho biết, động lực để anh cống hiến, giúp đỡ cộng đồng xuất phát từ sự ra đi của người em trai do không thể kêu cứu. Sau nỗi đau ấy, anh không muốn có một người nào phải trải qua nỗi đau như em trai mình. Cũng theo anh, các thành viên của đội hiện nay đa số có hoàn cảnh tương tự anh. “Có người nhà gặp tai nạn nhưng không được giúp đỡ, có người mẹ bị tai nạn mất nhưng không được ai cứu,… Một số khác được tôi giúp đỡ nên cảm thấy hoạt động này có ý nghĩa nên tình nguyện tham gia đội”, anh Phúc nói.
Mời quý độc giả theo dõi Kỳ II:
Những hiệp sĩ săn bắt cướp và biệt đội chống "đinh tặc"