Cao Mạnh Tuấn từng là phóng viên của một số tờ báo. Ngoài 30 tuổi, anh kết hôn, một năm sau thì có bé Phương Anh (tên thường gọi là bé Mèo). Một ngày, bão tố ập đến, bé Mèo chào đời chẳng bao lâu thì được chẩn đoán mắc hội chứng Down cùng nhiều bệnh nền khác, trong đó có ung thư máu. Anh rơi vào tình trạng mất phương hướng khi mọi nỗ lực đều không cứu được Mèo. Đứa con đầu lòng ra đi để lại một khoảng trống không thể lấp trong lòng anh Tuấn và vợ - chị Lan Phương.
“Sau biến cố đó, tôi không dám đến những chỗ đông người, hạn chế đi thực tế viết bài hay tiếp xúc với những hoàn cảnh đặc biệt. Dù trước mặt mọi người tôi tỏ ra ổn nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, tôi lại đắm chìm trong sự đau thương. Đó thực sự là một quãng thời gian đặc biệt khó khăn”, anh Tuấn trải lòng.
Hai năm sau cú sốc, vợ chồng anh Tuấn mới đến được với hành trình làm bố mẹ lần 2, chào đón bé Dê. Cùng với cảm giác vỡ òa hạnh phúc là sự sợ hãi, ám ảnh mà anh Tuấn bảo, có lẽ sẽ đeo đẳng anh suốt đời. Có Dê, anh chị làm đủ loại xét nghiệm máu, chọc ối để loại trừ khả năng con mắc bệnh. Ngày bé Dê chào đời, niềm hạnh phúc chưa kéo dài được bao lâu thì tinh thần và thể chất của người bố này lại bị thử thách một lần nữa khi bé Dê được tách riêng để theo dõi sau sinh 3 ngày với lý do tiền sử bé đầu có bệnh và mẹ bị tiểu đường thai kỳ.
“Mong muốn đầu tiên của tôi là được nhìn thấy con của mình trong tình trạng đang khóc. Tôi mong con khóc thật to, thật khỏe, thật lâu, thật dữ dội. Tôi coi đó như một lời chào của con đến tôi. Lý do bởi, với con đầu, khi tôi được bế cháu, cháu đã nhoẻn miệng cười rất tươi. Đó là một nụ cười ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Vì thế, tôi muốn con trai sinh ra sẽ phải có gấp đôi những gì con đáng phải có. Con phải khóc gấp đôi, con phải khỏe gấp đôi, phải chơi gấp đôi và cũng phải ngoan gấp đôi... Bởi con phải có cả những gì chị con chưa kịp có...”, anh Tuấn tâm sự mà mắt đỏ hoe.
Bé Bu đến khi Dê được hơn 3 tuổi, nhưng đúng lúc chị Lan Phương vừa cắt hai bên tuyến giáp, phải uống rất nhiều thuốc. Bầu bé Bu, chị bị nghén nặng, mệt mỏi căng thẳng. Trong khi đó, công việc của anh áp lực, lại hay phải đi công tác, giờ giấc thất thường, công việc luôn là ưu tiên số một. Chứng kiến vợ như vậy, anh nhận ra rằng bản thân không thể mãi đuổi theo guồng quay của công việc mà bỏ quên gia đình nhỏ. Anh Tuấn quyết định nộp đơn xin nghỉ việc.
"Sự ra đi của bé Mèo khiến tôi nhận ra cuộc đời quá vô thường. Tôi không chắc tương lai sẽ thế nào, liệu mình có ung thư, tai nạn, va vấp gì không... Thế nên, tôi chỉ muốn được cùng con trải nghiệm hành trình lớn lên nhiều nhất có thể bởi tuổi thơ của con chỉ trải qua một lần duy nhất. Chính vì vậy, tôi chỉ đang làm những việc mà về sau sẽ không phải nói: Biết thế ngày xưa chơi với con nhiều hơn", anh Tuấn trải lòng.
Cậu bé Dê đi cả trăm chuyến đi lớn nhỏ, tắm gần như khắp các bãi biển từ Bắc vào Nam
Quyết định nghỉ việc, anh Tuấn có một công việc quan trọng hơn tất thảy là làm bố, đảm nhiệm công việc chăm sóc và vẽ ra các chuyến đi cho hai con trải nghiệm. Nhà ở Hà Nội nhưng chẳng mấy khi có mặt ở Thủ đô bởi “bận” rong ruổi hết nơi này đến nơi khác, có những chuyến đi đầy đủ cả gia đình, có những những chuyến đi thì chỉ có ba cha con. Thấy anh đi nhiều, lại còn tha lôi bé con mới có mấy tháng tuổi đi theo, nhiều người dành cho anh ánh mắt hoài nghi, chẹp miệng nói: “Đi là để thoải cái niềm đam mê của bố nó chứ bé thế, đi nó cũng có biết gì, nhớ gì đâu” hay câu hỏi mà anh được nghe nhiều nhất: “Tiền đâu mà đưa con đi lắm thế?”.
Anh Tuấn thú thực: “Ngoài thời gian chăm con, tôi nhận việc làm thêm quản lý trang mạng xã hội của một đài truyền hình và một số trang chuyên về động vật và du lịch. Còn vợ tôi kinh doanh online”.
Sáu tháng tuổi, cậu bé Dê đã có chuyến đi đầu đời, sau đó thì tháng nào cũng được lên đường. Hơn 2 tuổi, Dê được đi Maldives ngắm cá heo. Ba tuổi, Dê bắt đầu khám phá rừng, tham gia một số hoạt động bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường, khi thì Mộc Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, lúc lại ra Phú Quốc, Côn Đảo. Thậm chí, cậu bé được bố cho đến đảo hoang Hòn Gội toàn muỗi dĩn, phải đi xuyên rừng mới tới bãi biển, nhưng Dê được tự chơi và tự khám phá các ngóc ngách trên đảo. Đến nay cậu bé đã đi cả trăm chuyến lớn nhỏ, đặt chân qua 3 trong số 4 “tứ đại đỉnh đèo” phía Bắc và tắm gần như khắp bãi biển từ Bắc chí Nam.
Còn cô em Bu, mới 5 tháng tuổi đã có chuyến đi Côn Đảo và bất đắc dĩ ở đó 2 tháng liền vì dịch Covid-19. “Hai tháng ở Côn Đảo, mọi người tưởng Bu là cư dân ở đây khi thấy con bé ngồi trên bãi biển bốc cát nghịch, nằm trên ghế xếp ngủ, phơi nắng cả ngày, bơi giữa biển, nằm trên phao lênh đênh, đi cano đến các đảo... Dù lăn lê khắp các bãi biển đến mức bị cháy nắng đỏ ửng nhưng trong suốt 2 tháng Bu chẳng phải uống đến một viên thuốc nào”, anh Tuấn kể.
Suốt ngày được bố đưa đi khám phá thiên nhiên kiểu “hoang dại”, cậu bé Dê không ít lần bị tai nạn. Nhưng với anh Tuấn, đó cũng là một cách để con làm quen với nỗi sợ và biết rút kinh nghiệm. “Con chơi khoẻ mấy thì khoẻ, mình mệt mấy thì mệt cũng phải đua theo nó để đảm bảo mọi việc trong tầm kiểm soát. Nhưng không có nghĩa là mình đụng vào chuyện của con, chỉ khi nào thực sự nguy hiểm mới cảnh báo để con không làm quá. Còn như ngã xuống bể bơi, xước xát chảy máu cứ bình tĩnh xử lý để con nhận ra là việc đó nguy hiểm, lần sau cần tránh…”.
Sau các chuyến khám phá, trải nghiệm, cậu bé Dê trở lại các lịch học trên lớp. Còn bé Bu cũng đã đi nhà trẻ. Hỏi anh, nếu được cho chọn lại, anh có còn quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con không? Anh trả lời: “Nếu đi làm, có thể tôi sẽ cho con được điều kiện tốt nhất nhưng tôi sẽ không cho con những phút giây bên còn, cùng con trải nghiệm, khám quá cuộc sống trong khi đó những năm tháng tuổi thơ của con không dài, qua đi rồi không tìm lại được”.
P.L