Tái định cư Thủy điện bản vẽ

Làm nghề chở khách tròn 10 năm, đã rất nhiều lần ông Hùng đưa các gia đình bịn rịn rời khỏi lòng hồ Bản Vẽ, nhưng rồi một thời gian sau, ông lại tất tả đưa họ trở về.

img
sutit

Chúng tôi có mặt tại bến đò Thượng Lưu, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An sau khi vượt gần 200km từ TP.Vinh, thế nhưng để vào được nơi ở của những người dân lòng hồ Bản Vẽ thì phải ngồi thuyền thêm 1 giờ đồng hồ nữa.

Trên đường đưa khách đi, người lái thuyền tên Nguyễn Văn Hùng kể chuyện: “Thực hiện việc xây dựng thủy điện Bản Vẽ, từ năm 2009, gia đình tôi cũng nằm trong diện được tái định cư tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do nơi ở mới cách đây gần 150km, vợ chồng tôi không nỡ rời đi nên đành ra bến đò này để sống và làm ăn cho đến nay”.

Thủy điện Bản Vẽ

Hồ thủy điện Bản Vẽ, đây là công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực bắc miền Trung và tỉnh Nghệ An.

Thời điểm dự án thủy điện Bản Vẽ được xây dựng thì hàng nghìn hộ dân thuộc các xã Nhôn Mai, Hữu Khuông, Kim Đa, Kim Tiến phải di dời đến nơi ở mới.

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, Ngọc Lâm và Thanh Sơn là 2 xã mới thành lập với 100% người dân tái định cư từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chuyển về năm 2009.

img

Muốn đến nơi người dân sinh sống phải di chuyển hơn 1 tiếng bằng thuyền

sutit

Đến nay đã tròn 10 năm, tuy nhiên số người bỏ về đang ở mức báo động. Hiện có tới 145 hộ (với 513 nhân khẩu) đã quay về sinh sống ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương.

Ở Bản Vẽ, người dân không sống tập trung mà chia thành các cụm nhỏ. Phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể tiếp cận được các gia đình ở đây.

Cố lách thuyền máy qua những điểm cạn nước, khi đến một vùng bùn lầy, người lái thuyền chỉ vào con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo theo lưng chừng đồi rồi nói: “Đây là điểm để các anh đi vào bản Kim Hồng cũ, và cũng là cụm bản đang có nhiều hộ dân di cư ngược về lòng hồ thủy điện sinh sống. Tuy nhiên để vào đó cũng còn khoảng 5km nữa, đường ngập toàn bùn, vì vậy khi đi phải cẩn thận”.

sutit

Để đồ đạc ở trong thuyền, chúng tôi chỉ mang duy nhất chiếc máy ảnh. Đi được chừng nửa cây số, chúng tôi đã mệt bơ phờ đi thêm đoạn nữa ai cũng mồ hôi nhễ nhại, quần áo ướt đẫm mồ hôi.

Trời nắng gắt nhưng dưới chân bùn ngập đến đầu gối, có đoạn phải dùng gậy mò mẫm nếu không rất dễ bị nhấn chìm. Qua được đoạn bùn ngập thì gặp lối mòn nhỏ bên mép suối, vừa lởm chởm, gập ghềnh; vừa quanh co, khúc khuỷu.

sutit

May mắn, sau hơn 1 giờ đồng hồ theo chỉ dẫn, khi cảm thấy không còn sức để lết đi nữa, chúng tôi đã thấy thấp thoáng 6 mái nhà tranh vách nứa ở lưng chừng đồi nên ai cũng vô cùng vui mừng. Thế nhưng khi đến gần, nụ cười dần dần tắt với những hình ảnh vô cùng nhếch nhác, tạm bợ đập vào mắt.

Thấy những vị khách lạ, ông Chương Xuân Tần (SN 1959, dân tộc Thái) bước ra chào đón. Ông Tần nguyên là Trưởng bản Kim Hồng cũ, vì vậy nói tiếng Kinh sõi nhất. Năm 2009, gia đình ông cũng thuộc diện được tái định cư ở xã mới Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, đến năm 2013, ông cùng vợ quay về bản cũ trong lòng hồ để mưu sinh.

“Tôi với vợ từ khu tái định cư quay về đây cũng đã gần 6 năm. Chúng tôi đánh cá và chăn nuôi gia súc để sống qua ngày. Trong này sóng điện thoại không có, nước sạch không có, may mà chúng tôi sử dụng sức nước suối đặt máy tua-bin nên cũng tạo ra được điện đủ cung cấp trong nhà”, ông Tần nói.

Ông Chương Xuân Tần

Ông Chương Xuân Tần vốn là trưởng bản cũ đã trở về đây được 6 năm

Vị trưởng bản cũ thừa nhận, việc quay trở về nơi cũ trong vùng lòng hồ, các hộ dân đang sống trong tình cảnh tạm bợ, hiểm nguy. Cuộc sống của các hộ dân coi như biệt lập với bên ngoài. Nếu lỡ đau ốm thì việc đưa người bệnh ra được trung tâm y tế vô cùng khó khăn, ngoài ra không có thẻ y tế nên chi phí chữa trị phải chịu 100%.

Giải thích về nguyên nhân chính các hộ quay trở về vùng lòng hồ, ông Tần cho hay là do điều kiện sống tại khu tái định cư không đảm bảo; việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại nơi ở cũ ở vùng lòng hồ chưa thỏa đáng. Mặt khác, nơi ở cũ trong vùng lòng hồ trước đây đã từng gắn với tập quán, sinh hoạt, cuộc sống của các hộ dân, các hộ cho rằng quay trở lại vùng lòng hồ có thể làm được nhiều nghề để tăng thu nhập, cuộc sống đỡ vất vả hơn khi ở tại các khu tái định cư.

“Còn một nguyên nhân nữa, do việc di chuyển đến khu tái định cư theo từng đợt, nên những người dân đến trước đã chiếm hết đất để trồng keo của những người đến sau. Khi chúng tôi phản ánh thì những hộ dân này hứa thu hoạch xong lứa keo sẽ trả. Nhưng cây keo để thu hoạch được cũng ít nhất 3 năm. Trong 3 năm đó chúng tôi biết làm gì để sống?”, ông Tần nói.

Tái định cư Bản Vẽ

Những ngôi nhà dân ở trong rừng sâu nằm cheo leo

Không phải ai cũng “may mắn” như chị Kha Thị Chiên (SN 1977). Gia đình chị phải rời khỏi Bản Vẽ từ năm 2009. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, chị cùng chồng và 2 người con lại “đèo bòng” trở về Bản Vẽ. Bám trụ ở Bản Vẽ được thêm 5 năm, đến cuối năm 2017, gia đình chị một lần nữa chuyển đi sau khi được vận động.

“Chúng tôi xuống đây (Huyện Thanh Chương, nơi ở tái định cư – pv) không có đất sản xuất, không có nước sạch dùng, không biết làm sao phải sinh sống nên mới trở về. Nay chính quyền hứa chia đất nên gia đình mới đồng ý quay lại. Giờ cuộc sống cũng tạm ổn rồi, gia đình cũng có đất để trồng keo như mọi người”, chị Chiên nói.

Ông Lô Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cũng thừa nhận, nguyên nhân chính khiến người dân rời khu tái định cư là do việc bị chiếm đất sản xuất. Ngoài ra, công trình phục vụ di dân tái định cư được đầu tư không đồng bộ, chất lượng kém, hiệu quả sử dụng không cao. Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài (từ năm 2004) nên nhiều chính sách thay đổi, dẫn đến việc áp dụng không đồng nhất, gây bức xúc cho người dân.

sutit
câu nói

Trên thực tế, việc chia đất lại không phải là vấn đề duy nhiên. Điều lo ngại nhất chính là những đứa trẻ có nguy cơ thất học.

Chỉ vào người con trai đang thổi lửa trong bếp, chị Lương Thị Hà buồn rầu nói: “Nó không biết nói tiếng Kinh đâu, cũng chẳng biết chữ nữa, vì ở lâu trong rừng mà. Muốn cho nó đi học cũng đành chịu, đường xá xa xôi, gia đình khó khăn không có tiền. Thôi thì để nó ở nhà đi rừng và chăn nuôi trâu bò với bố mẹ vậy”.

Một số người dân vẫn muốn các con được đến lớp học chữ, nên đã sang xã Hữu Khuông bên cạnh xin được vào trường. Thế nhưng, con đường học chữ vô cùng gian nan vất vả. Theo đó, người dân phải cõng con nhỏ đi gần 1 tiếng đồng hồ lội bùn mới ra được thuyền. Tiếp đó, đi thuyền máy thêm 30 phút mới đến bến ở xã Hữu Khuông. Từ bến đi bộ thêm 20 phút đường rừng nữa mới đến lớp học.

“Thương con nên ngày nào cũng đưa con đi học kiểu này. Vất vả quá nên chúng tôi bàn với các hộ khác xin nhà trường và chính quyền xã cho dựng lều tạm gần trường để các con theo học. Đầu tuần đưa con đi học, cuối tuần đón con về bản”, một người dân kể.

Chị Lương Thị Hà

Chị Lương Thị Hà cho biết do không có đất nên gia đình lại trở về

sutit

Về việc này, ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết: “Việc dựng lều tạm cho các em theo học chúng tôi ủng hộ ngay. Dù không có hộ khẩu ở đây nên học sinh không được hưởng các chế độ ưu tiên dành cho miền núi và không có cả thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em theo học”.

sutit

Có một bất cập lớn nữa, đó là việc dự án thủy điện Bản Vẽ thực hiện di dân tái định cư từ năm 2005 đến năm 2009, phần diện tích trên cốt ngập không quy định được bồi thường, hỗ trợ. Do đó, trong quy hoạch không có phần diện tích này và trong tổng mức kinh phí bồi thường được duyệt cũng không có nội dung này.

Con chị Lương Thị Hà

Người con của chị Hà không được đi học do ở quá xa trường

Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương cho biết: “Người dân ở lòng hồ dựa vào phần diện tích đất lâm nghiệp trên cốt ngập đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà phần diện tích này chưa được chính quyền thu hồi nên vẫn quay trở lại sinh sống. Vì vậy, chúng tôi cố gắng thực hiện việc lập hồ sơ thu hồi diện tích đất này để có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đi và nơi đến cho người dân”.

box

Trước thực trạng trên, ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Huyện sẽ kiên trì tiếp tục vận động người dân về lại khu tái định cư. Huyện cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương xác định lại đất đai, bồi thường cho bà con trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con được thụ hưởng chính sách đất đai. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân về đất đai”.

Đặc biệt, mới đây ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cùng đoàn công tác đã vượt hàng trăm cây số vào tận nơi ở của những người dân ở lòng hồ Bản Vẽ để vận động. Tại đây, ông cũng phân tích những thuận lợi, mặt tích cực và khó khăn ban đầu tại nơi ở mới.

Vị Phó chủ tịch mong muốn người dân quay lại, chuyển xuống để “an cư lạc nghiệp” cùng bà con làng xóm tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Phía chính quyền huyện, xã của huyện Thanh Chương sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân về định cư tại nơi ở mới. Đặc biệt, cán bộ địa phương sẽ cầm tay chỉ việc trong việc phát triển kinh tế cho người dân. Tất cả vẫn đang ở phía trước cùng với hi vọng vẫn là những trăn trở theo chúng tôi suốt chặng đường về…