Đến con phố Hàng Bạc, không khó để tìm được căn biệt thự vườn rộng 700m2, bởi ai ai trên con phố này đều biết sự nổi tiếng của nó trong quá khứ và hiện tại. Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm và gặp được chủ nhân căn biệt thự - ông Phạm Ngọc Giao (80 tuổi).
Được biết, ông Giao là chủ nhân đời thứ 3 của căn biệt thự. Trước đó, năm 1944, nơi đây thuộc sở hữu của bà Phạm Thị Tốn - một thương gia buôn bán trên phố Hàng Bồ. Sau đó, căn nhà được cụ ông Phạm Văn Thanh (bố ông Giao), và cụ bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) - là những thợ kim hoàn nức tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 mua lại.
“Sau khi mua lại, năm 1945, ngôi nhà được kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ (SN 1910) - một trong những người thuộc lớp kiến trúc sư đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thiết kế.
Dưới bàn tay nghệ thuật đầy tài hoa của kiến trúc sư, ngôi biệt thự hoàn thành năm 1947 mang phong cách kiến trúc Pháp hòa lẫn với kiến trúc đình làng Việt tạo nên sự thanh thoát, hài hòa cho toàn bộ căn nhà”, ông Giao kể.
Chính sự kết hợp Đông - Tây đã tạo nên điểm nhấn hiếm căn biệt thự nào có được. Căn biệt thự có kết cấu bên ngoài là nhà ống, bên trong là nhà vườn với hệ thống sân vườn 180m2 với nhiều loại cây: Tre, lộc vừng, cau, bơ, hồng xiêm… và hệ thống nhà ở.
Theo ông Giao, có lẽ, điểm đặc biệt nhất của ngôi biệt thự vườn cổ này là được xây dựng theo lối “nhà xuyên phố”. Trong đó, cổng trước nằm ở số 115 Hàng Bạc được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh, cổng sau nằm ở số 6 Đinh Liệt. Điểm đặc biệt tiếp theo phải kể đến là hệ thống sân vườn nơi có giếng cổ và bể cảnh – được coi như đôi mắt ngọc trong tổng thể kiến trúc.
“Cái giếng cổ này không biết có từ bao giờ. Khi gia đình nhà tôi chuyển đến đây đã có rồi. Sau này, khi có nước máy dùng, gia đình tôi từng có ý định nấp nhưng bạn của ông cụ nhà tôi khuyên ngăn không nên vì đây là phong thủy của căn nhà. Còn nhớ, sau khi không sử dụng nguồn nước dưới giếng làm nước ăn, chúng tôi coi nó như chiếc tủ lạnh thiên nhiên ban tặng vì khi thả những chai nước nhân trần, cam thảo xuống giếng sẽ rất mát”, ông Giao chia sẻ.
Tiếp tục, dẫn chúng tôi thăm quan ngôi nhà, ông Giao cho hay, cầu thang lên các phòng của ngôi nhà được chế tác bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chuyên xây dựng các biệt thự cổ với chiều rộng 1m, các bậc cách nhau 20 phân.
Điều ngạc nhiên là ở bất kỳ chỗ nào, dù là cầu thang, cửa sổ hay trên cánh cửa luôn xuất hiện đan xen hình ảnh “con dơi” và chữ “Thọ”. Ông lý giải “Thọ” biểu tượng cho sức khỏe. “Dơi” có cách đọc đồng âm với chữ “Phúc”. Sự kết hợp này như lời cầu mong hạnh phúc và trường thọ của chủ nhân ngôi nhà tới các con cháu.
Khu vực bên trong ngôi nhà cũng không kém phần xa hoa, với nhiều đồ nội thất, trang trí đắt giá. Trong phòng đọc sách, ông Giao giới thiệu về bộ bàn ghế cổ có họa tiết mang phong cách của Louis XIV, bộ bàn ghế có từ những năm 1935 do nghệ nhân Pháp làm ra.
Đến nay, bộ bàn ghế vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính không hề bị mối mọt hay biến dạng. Theo ông Giao kể, có một lần được vào phòng khách của Nhà hát Lớn nhân lễ tuyên dương thanh niên tiêu biểu của Thủ đô, ông bắt gặp bộ bàn ghế có thiết kế giống với bộ bàn ghế của nhà mình.
Ngoài ra, có nhiều đồ vật, vật liệu xây dựng nhà nhập từ Pháp về. Nền nhà được làm từ bê tông nguyên khối rất rắn chắc, càng đi nhiều càng bóng loáng . Các cánh cửa nhà trạm trổ tinh xảo đến giờ vẫn còn nguyên vẹn.
“Từ khi bà cụ nhà tôi mất, căn phòng nơi cụ ở trở thành phòng thờ và mọi đồ đạc vẫn được giữ nguyên vẹn. Đây, hai câu đối này là gia đình tôi được tặng bởi một nhà nho vào năm 1926 và được lưu giữ cho đến nay. Nó như một món đồ kỉ niệm thiêng liêng”, ông Giao vừa nói vừa chỉ về phía hai câu đối và đọc rõ ràng.
“Cư gia hữu hằng quy chính công trương nhẫn” đối lại “Xử thế vô biệt pháp liễu thứ lâu thiên”. Theo lý giải của ông Giao: “Ở nhà có quy định không đổi là tôn trọng sự công bằng và tính kiên nhẫn, để nhắc nhở các thế hệ về gia phong của người Tràng An. Còn đối lại với bên ngoài không có gì bằng sự mềm mại xanh tươi như cây liễu và đàng hoàng khiêm tốn như lâu đài”. Đến nay, gia đình ông vẫn sống theo gia phong của ông cha để lại.
Ông Giao cũng thú thật, gia đình ông rất coi trọng phong thủy. Vì vậy, bên cạnh điện thờ, gia đình ông còn thiết kế khoang âm dương có 9 giếng trời. Ông Giao cho biết, 9 giếng này thể hiện âm dương hòa hợp. Giếng trời tạo không gian để khi đứng đó, gia chủ sẽ thấy tâm hồn thanh thản, rửa hết ưu phiền...
Đúng như ông Giao chia sẻ, căn biệt thự có lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp, và nét đặc sắc nhất thể hiện phong cách Việt trong ngôi nhà là mái ngói uốn cong vút. Ở mỗi góc đầu đao là hình mây được cách điệu uyển chuyển như đang bay lượn. Do mảnh đất không vuông vức nên ông nội ông cùng nhà thiết kế đã sáng tạo ra một góc mái ngói có tới hai đầu giao để khắc phục khiếm khuyết đó. Phần xương cốt mái ngói chính là gỗ lim.
Để có được căn biệt thự rộng 700m2 xuyên phố này, bố mẹ ông Giao - chính là chủ hiệu vàng Sư Tử “danh bất hư truyền” nức tiếng giàu có ở phố cổ Hà Nội đã phải bán 3 căn biệt thự trên phố Hàng Vôi, Hàng Bạc, Hàng Bè.
Theo ông Giao kể, danh tiếng hiệu vàng nhà ông sánh ngang với hiệu vàng Kim Thành trong miền Nam, lúc nào cũng buôn bán tấp nập. Ông bật mí: “Thời ấy, để thương hiệu vàng phát triển vững mạnh, cậu mợ (bố mẹ - PV) tôi luôn căn dặn con cháu và gia công phải luôn trung thực và giữ chữ tín. Cốt lõi đều từ việc ‘lấy công làm lãi’ nên khách rất tin tưởng vào uy tín của mình. Hiệu vàng Sư Tử ngày ấy vang danh đất Hà thành.Lúc nào trong nhà cũng có 10 gia nhân làm vàng. Bố mẹ tôi hay nhận những người lang thang cơ nhỡ về hướng dẫn nghề nghiệp. Không ít người làm được dựng vợ gả chồng từ đây như cậu nhỏ lấy cô sen, có người sau còn tham gia hoạt động cách mạng”.
Tuy nhiên, hiệu vàng Sư Tử tồn tại được 18 năm tạm dừng hoạt động. Gia đình ông Giao sau đó cũng bán lại toàn bộ số vàng cho Nhà nước quản lý với giá cung cấp. Các con cháu trong gia đình ông Giao cũng làm công việc khác và không còn ai kinh doanh vàng bạc nữa.
Bản thân ông Giao theo nghề đông y, chị gái người thì làm họa sĩ, người làm sợi thủ công, người theo nghề thêu... Sau nhiều năm thăng trầm, hiện nay ngoài người em trai út sống ở TP.HCM, 7 cặp dâu rể vẫn đang sinh sống trong căn biệt thự với khoảng gần 50 nhân khẩu.
Đến nay, căn biệt thự có tuổi đời 75 năm, thế nhưng, kiến trúc, kết cấu vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Theo ông Giao chia sẻ, có nhiều đoàn khách trong nước và cả nước ngoài tìm đến nhà ông chiêm ngưỡng và ngỡ ngàng phát hiện trong khu phố cổ lại có một căn biệt thự xanh tươi, mát rượi và đẹp mê hồn đến vậy. Đó là sự tự hào, là món quà vô giá, là dấu ấn thăng trầm của một đại gia đình.
P.L - H.H