Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi tìm về làng biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tìm gặp anh Đinh Tý (SN 1984), sau khi được nghe câu chuyện làm sạch môi trường “có một không hai” của anh. Thời điểm này, anh mới từ Hàn Quốc trở về thăm quê được tròn 2 tháng. Ấn tượng lần đầu gặp mặt, đó là một người đàn ông có vẻ ngoài rất phong trần, từng trải, nhưng càng nói chuyện, chúng tôi càng thấy ở anh sự chân thành, và một trái tim luôn mang lòng trắc ẩn đối với cuộc sống, sự đổi thay của quê hương mình.
“Mình đi nước ngoài tính đến nay cũng gần chục năm rồi, mỗi lần có dịp về nhà, mình đều ngỡ ngàng bởi sự thay đổi đến chóng mặt của quê hương khi đời sống của người dân, nhà cửa đã khang trang hơn rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải thì không hề ổn chút nào. Mình đi dạo khắp làng, thấy chỗ nào cũng đầy rác thải, đặc biệt là dòng Rào Con chảy qua làng, đã ô nhiễm rất nhiều bởi rác thải người dân vứt xuống”, anh Tý cho biết.
Những lúc như vậy, nghĩ đến không gian sống ở nước ngoài, anh Tý cảm thấy buồn bã, chạnh lòng vô cùng. Những câu hỏi về vệ sinh môi trường, rác thải cứ thế quẩn quanh, đau đáu trong đầu anh không rời.
Cùng thời điểm này, anh Tý đón 10 người cháu từ Đức trở về thăm quê. Nhưng cứ mỗi buổi chiều dẫn cháu ra biển chơi như vậy, anh Tý thấy lạ khi đám cháu không đứa nào chịu xuống tắm. Gặng hỏi mãi, anh mới “ngả ngữa” khi đám cháu trả lời cùng một lý do, đó là bờ biển quá bẩn, đầy rác thải. “Bờ biển quê mình đẹp lắm, nhưng nghe thấy các cháu nói như vậy, tôi thấy rất chạnh lòng nên ngay ngày hôm sau, tôi đã mang cào ra biển, dọn dẹp, nhặt hết sạch rác thải. Tôi dẫn đám cháu quay lại bờ biển, nói: Cậu dọn sạch rác rồi, các cháu yên tâm xuống tắm đi. Đám trẻ nghe thấy tôi nói vậy, chúng đảo mắt khắp nơi kiểm tra lời cậu nói, rồi không đứa nào bảo đứa nào, cả đám cùng chạy xuống biển tắm. Không nói ra, nhưng chắc bạn cũng hiểu cảm giác lúc đó của tôi vui sướng đến nhường nào”, anh Tý tâm sự.
Cũng chính từ đây, trong đầu anh Tý nảy sinh ý định sẽ vận động bà con, cùng thu gom rác thải, làm sạch vệ sinh môi trường. Ban đầu, khi trình bày với người thân, bạn bè, anh Tý vấp phải sự phản đối dữ dội từ họ. “Khi nghe tôi nói về kế hoạch làm sạch môi trường, đa phần mọi người đều cho rằng đó là một ý tưởng “điên rồ”.
Họ bảo, bao nhiêu năm rồi, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở xã đã vào cuộc nhiều lần nhưng vẫn không cải thiện được tình hình thì một mình tôi làm được gì. Mỗi lần nghe mọi người nói như vậy, tôi cũng có cảm giác nản chí, nhưng vì mong muốn môi trường sống của người dân phải được cải thiện, tôi đã không bỏ cuộc”, anh Tý kể lại.
Nghĩ là làm, ngay từ khi mới bắt đầu kế hoạch, anh Tý trao đổi và viết đơn trình bày xin ý kiến lãnh đạo xã Nhân Trạch. Được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, anh nhanh chóng kêu gọi nguồn đầu tư từ những người bạn đang làm ăn ở nước ngoài, sau đó mua sắm loa máy và 120 thùng đựng rác đặt tại chợ, các trục đường chính trong xã và các trường học trên địa bàn.
Để công việc thực sự hiệu quả, hàng ngày anh Tý đi cùng các cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã đến những nơi người dân họp chợ tự phát để tuyên truyền, vận động vào đình chợ đang bị để trống để họp cho đúng quy định; không nên họp chợ ở đường, bờ kè gây ách tắc giao thông và gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, anh Tý đầu tư thuê máy múc nạo vét toàn bộ rác thải nằm đen nghịt dưới dòng kênh Rào Con, thông luồng dòng chảy. Đồng thời, anh Tý cũng cho in hàng chục tấm biển với nội dung: “Xin ông bà, cô bác, chú dì, anh chị… hãy bỏ rác vào thùng vì Nhân Trạch xanh-sạch-đẹp. Xin cảm ơn!” hay “Anh không được vứt rác xuống biển, xuống sông; Hãy bỏ vào thùng đúng quy định vì Nhân Trạch xanh-sạch-đẹp”… treo dọc bãi biển, những nơi tập trung đông người. Theo anh Tý, tổng kinh phí đầu tư cho việc làm sạch môi trường gần 100 triệu đồng, trong đó, 60 triệu đồng là nguồn anh kêu gọi được từ người thân, bạn bè đang làm ăn ở nước ngoài; còn lại do anh bỏ tiền túi.
Hai tháng trở về nước, là 2 tháng người ta bắt gặp hình ảnh người đàn ông rắn rỏi, kiên nhẫn đi làm sạch môi trường, không hề nề hà bất cứ việc gì. Theo đó, cứ sáng sớm, anh Tý đã có mặt trên cầu, chỗ con đường dẫn vào trung tâm xã Nhân Trạch để nhắc nhở bà con vào đình, không họp chợ trên đường, để xe đúng nơi quy định tránh ách tắc giao thông. Mới đó, anh Tý lại chạy về phía bờ kè động viên những người lái máy múc đang khơi thông dòng kênh Rào Con. Chiều về, lại thấy anh cùng với nhiều người khác đang nhặt rác ở bãi biển.
“Mới đầu, nhìn thấy chú ấy như vậy, ai cũng bảo chú ấy “khùng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”… nhưng dần dà, thấy môi trường sống được cải thiện rõ rệt, dòng Rào Con bớt ô nhiễm bởi rác thải, bờ biển trong sạch, người dân họp chợ đúng nơi quy định… mới thấy việc làm của chú ấy thật đáng quý và không phải ai cũng có thể làm được”, một người dân địa phương chia sẻ.
Thời gian đầu, thấy chồng cứ “ôm việc bao đồng” ngoài xã hội, không có nhiều thời gian dành cho vợ con, chị Hoàng Phương Thủy (SN 1994, vợ anh Tý), cũng cảm thấy chạnh lòng. Nhưng dần dà, nhìn thấy tâm huyết, công sức của chồng bỏ ra, chị dần hiểu được mong muốn của chồng đối với quê hương nên đã tạo điều kiện, động viên chồng toàn tâm, toàn ý lo cho công việc.
“Gái có công thì chồng không phụ”, đến nay, dạo quanh một vòng Nhân Trạch, người dân dễ dàng bắt gặp sự thay đổi hoàn toàn khác về môi trường; không còn những đống rác bốc mùi nồng nặc quanh chợ, dọc kênh Rào Con hay bờ biển; không còn những tuyến đường ngập trong rác thải và cũng không còn cảnh người dân tiện tay vứt rác...
Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, cho biết, hành động làm sạch môi trường của anh Tý là một việc làm rất đáng quý: “Những việc làm của Đinh Tý không chỉ làm thay đổi cảnh quan môi trường, mà còn có tác động rất lớn đến ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Một số người lúc trước còn bảo Tý “khùng” thì bây giờ đã chung tay dọn rác cùng anh. Hiện, lãnh đạo xã Nhân Trạch đang chỉ đạo lực lượng đoàn viên thanh niên, các tổ chức, đoàn thể địa phương cùng phối hợp với anh Tý tiếp tục công việc giữ cho môi trường xã nhà luôn xanh, sạch, đẹp”, ông Nghị cho hay.
Anh Đinh Tý chia sẻ, theo kế hoạch, đến cuối tháng 9 này, vợ chồng anh sẽ tiếp tục đi nước ngoài lao động. Mặc dù chưa đi, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, anh Tý luôn trăn trở việc làm thế nào để người dân có thể duy trì được thói quen, ý thức bảo vệ môi trường.
“Cuối tháng 9 tôi bay rồi, không biết khi tôi đi, bà con có còn giữ được ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định hay không? Không biết liệu rồi bờ biển Nhân Trạch, kênh Rào Con có còn trong sạch hay không…”, anh Tý trầm ngâm.