img
Cẩm Mịch

Say mê khám phá thiên nhiên, đặc biệt bị thu hút bởi thế giới côn trùng đa sắc, chàng kỹ sư công nghệ thông tin đã phù phép căn phòng chất đầy phế liệu thành một hệ sinh thái độc đáo với hàng loạt mô hình “côn trùng thép”.

img

Tìm đến căn phòng nhỏ ngập tràn sức sống với những mô hình “côn trùng thép” của kỹ sư công nghệ thông tin Đỗ Minh Khoa (SN 1983, trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên), chúng tôi không khỏi bất ngờ.

Nhìn gian phòng nhỏ với hàng chục loại côn trùng được tạo nên từ những mảnh kim loại, những vật liệu tái chế, ít ai có thể nghĩ rằng, chủ nhân của những mô hình tinh xảo kia lại không phải là một nghệ nhân hay một nhà chế tác chuyên nghiệp.

img

Sau những giờ làm việc trên trường, anh lại trở về với căn phòng nhỏ được sắp xếp như một xưởng chế tác đặc biệt, nơi giúp anh thỏa niềm đam mê sáng tạo. Có thời điểm, quỹ thời gian anh dành cho những mô hình trong phòng còn nhiều hơn các sinh hoạt khác.

Tiết lộ về nguồn cảm hứng đầy sáng tạo này, anh Khoa chia sẻ, tình cảm dành cho những mô hình kim loại ấy đã ấp ủ từ những ngày còn nhỏ.

“Thuở bé, tôi dường như bị mê hoặc bởi những chú robot trong các bộ truyện tranh nổi tiếng thời đó như Doraemon hay Dũng sĩ Hesman, nên bắt đầu với suy nghĩ về việc tự tay tạo nên những mô hình tương tự.

Một vài mô hình robot được bắt đầu, nhưng vẫn dang dở do nhiều lý do... Đến năm 2013, tôi tình cờ được chiêm ngưỡng các tác phẩm bằng kim loại về các loài vật của một số nhà chế tác nổi tiếng trên thế giới.

Lúc này, sự tinh xảo trong mỗi tác phẩm đã khơi gợi cho tôi một cảm hứng mãnh liệt để sáng tạo nên những côn trùng bằng kim loại kia”, anh nhớ lại.

img

Lý do chàng trai này lựa chọn chủ đề côn trùng để sáng tạo cũng được bật mí: “Bản thân tôi là một người rất yêu thiên nhiên, yêu môi trường; đặc biệt, cá nhân tôi nhìn thấy những loài côn trùng thật ngộ nghĩnh, đáng yêu và gần gũi với cuộc sống.

Chúng chiếm một số lượng rất lớn trong tự nhiên và có ý nghĩa quan trọng đối với hệ sinh thái của Trái Đất. Tôi thường xuyên quan sát các loài côn trùng từ thực tế đến những tài liệu trên mạng xã hội... để cảm nhận, thổi hồn vào mỗi tác phẩm.

Để có một tác phẩm đẹp thì cần phải tạo ra dáng vẻ thật sinh động. Điều này quyết định đến sự thành công của tác phẩm”.

Trong căn phòng chỉ rộng khoảng 15m2, trên những bộ bàn ghế gỗ, không biết bao nhiêu cơ man những phế liệu kim loại, được anh thu thập, phân loại và sắp xếp theo từng nhóm.

img

Những chiếc máy đục, máy mài, máy khoan... đồ sộ chiếm phần lớn diện tích căn phòng, nhưng cũng chính là những “trợ thủ đắc lực” giúp anh tạo nên những mô hình sinh động.

Nhìn thấy một chiếc khoan tay đã nhuốm màu thời gian được treo trang trọng trên một chiếc giá nhỏ cạnh tường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, vì sao anh vẫn giữ những dụng cụ như vậy trong khi đã trang bị khá nhiều máy móc, thiết bị khác tiện lợi hơn?

Như dò đoán được ánh mắt của chúng tôi, anh Khoa cẩn thận gỡ chiếc khoan tay xuống và giới thiệu: “Đây chính xác là “mối tình đầu” của tôi đấy! Từ những ngày mới bắt đầu theo đuổi đam mê, tôi đã làm gì có kinh phí để mua sắm những máy móc hiện đại như bây giờ.

Số tiền ít ỏi đầu tiên mà tôi dành cho những mô hình sáng tạo, chính là để “tậu về” chiếc máy khoan cầm tay này. Mặc dù, “mối tình đầu” của tôi đã không còn hoạt động được từ lâu, nhưng tôi vẫn muốn giữ lại đây, giống như kỷ niệm từ thuở ban đầu”.

img
img

Để có được những tác phẩm ấn tượng như trong căn phòng vừa chế tác, vừa trưng bày kia, chàng kỹ sư công nghệ thông tin phải tốn không ít thời gian trong việc tư duy, lắp ghép những mảnh phế liệu kim loại.

Có một nguyên tắc quan trọng mà anh luôn áp dụng trong việc chế tác sản phẩm, đó là các chi tiết phải được lắp ráp với nhau bằng ốc, không được sử dụng các phương pháp gắn keo hay hàn xì.

img

Mỗi mảnh kim loại được chọn làm chi tiết cấu tạo nên mô hình côn trùng chỉ được chế tạo qua các phương pháp gò, mài, khoan,... một cách đơn giản nhất, rồi được kết nối bằng ốc.

“Tôi muốn sản phẩm của mình cho dù có tháo ra thì vẫn có thể lắp ghép lại hoàn chỉnh. Đặc biệt, những mảnh ghép được cố định bằng ốc sẽ đảm bảo sự chắc chắn và thể hiện dược đúng tinh thần của tác phẩm.

Nhưng cũng chính vì không sử dụng keo dán hay mối hàn, nên để lựa chọn được một chi tiết thực sự phù hợp để mô phỏng cấu tạo của loại côn trùng, đó là một điều vô cùng thử thách”, anh lý giải.

Cứ như vậy, từ những mảnh kim loại bỏ đi, tưởng chừng không liên quan đến nhau và cũng không còn giá trị sử dụng nhưng lại trở thành những mảnh ghép có giá trị được anh kết nối, thiết kế thật thống nhất với nhau.

img

Đứng trước chiếc tủ kính trưng bày gần như trọn vẹn các tác phẩm chế tác bằng kim loại của mình, anh Khoa vừa lau chùi vài góc cạnh, vừa tự hào chia sẻ: “Dù công việc chế tác không phải khi nào cũng suôn sẻ, có lúc lâm vào bế tắc, có những khi tôi phải dành cả tuần trời chỉ để đặt các chi tiết vào, ướm thử với nhau rồi lại bỏ ra, vì không phù hợp.

Nhưng chỉ cần được nhìn ngắm những “đứa con tinh thần” đang dần hoàn thiện, tôi lại có thêm động lực và sự kiên nhẫn để tư duy. Đó là mấu chốt giúp bản thân thấy yêu công việc hơn, vun đắp cho niềm đam mê này nhiều hơn”.

Một trong những lý do mà anh Đỗ Minh Khoa yêu thích công việc này, chính bởi khả năng tận dụng những phế liệu bỏ đi, thậm chí gây hại cho môi trường và cho chúng một cơ hội được tái sinh dưới một hình dáng mới, một linh hồn mới, đẹp mắt và sinh động hơn.

Anh lựa chọn kim loại làm chất liệu chính cho hầu hết các tác phẩm bởi nó đảm bảo được sự cứng cáp và chắc chắn hơn so với nhựa. Và có lẽ, quan trọng nhất, anh muốn minh chứng cho một thông điệp, đó là, sắt thép mặc dù bề ngoài trông rất thô cứng nhưng qua bàn tay của con người, vẫn có thể mang lại những nét mềm mại, uyển chuyển và thể hiện được cái hồn cần có của tác phẩm.

img

Trong hàng chục mô hình được chế tác tỉ mỉ suốt nhiều năm qua, anh Khoa tâm đắc nhất với chú chuồn chuồn kim “phiên bản khổng lồ”: “Chuồn chuồn là loại côn trùng có vẻ đẹp rất cuốn hút, theo cảm nhận của riêng tôi, với rất nhiều màu sắc đa dạng và thân dáng mềm mại, uyển chuyển.

Lần đầu tiên, tôi có ý tưởng làm một chú chuồn chuồn kim, nhưng thất bại ngay thời điểm ban đầu. Mãi cho đến khi hoàn thành được sản phẩm ấy, niềm vui trong tôi chộn rộn, phấn khích hơn hẳn, điều đó đã tạo một nguồn động lực rất lớn. Cũng chính vì kỷ niệm về tác phẩm chuồn chuồn kim này mà tôi đã lấy nó làm biểu tượng cho fanpage của mình”.

img

Anh tâm niệm, chặng đường chinh phục dù khó khăn hay dễ dàng thì cũng sẽ gieo cho bản thân nhiều kỷ niệm quý giá. Và kỷ niệm khiến anh không thể quên nhất chính là khoảng thời gian sáng tạo nên tác phẩm đầu tiên.

“Lúc đó, tôi cũng bận khá nhiều việc, chỉ dành thời gian vào các ngày nghỉ để chế tác. Gia đình không ủng hộ và mẹ đã nói rằng, tôi không khác gì hồi còn nhỏ, không làm được việc gì lớn lao, vẫn “nghịch” những thứ mô hình như vậy...

Mặc dù rất buồn nhưng tôi vẫn tự nhủ, cần phải cố gắng hơn nữa, theo đuổi đam mê đến cùng để chứng minh cho mọi người thấy mình thực sự nghiêm túc”, anh không ngần ngại giãi bày.

Sau những tháng ngày cặm cụi trong xưởng chế tác, những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên dần dần hoàn thiện và anh cũng dần nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, chàng kỹ sư thổi hồn nghệ thuật cho kim loại tiết lộ, anh không chỉ muốn dừng lại với côn trùng mà sẽ còn thử sức với nhiều chủ đề đa dạng và phong phú hơn.

img

Đặc biệt là những chủ đề liên quan đến thiên nhiên, khai thác vẻ đẹp sinh động của các loài động vật.

Rời bước khỏi xưởng chế tác, chúng tôi lạc vào một khoảnh sân nhỏ với bạt ngàn cây xanh, trước khi tạm biệt ngôi nhà của một chàng kỹ sư công nghệ thông tin mang tâm hồn nghệ sĩ, người yêu thiên nhiên đúng nghĩa.


img

“Giữa bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng phát triển, trẻ nhỏ ở thành phố, đặc biệt là thành phố lớn, ít có cơ hội tiếp cận với thiên nhiên thực tế. Vì vậy, tôi mong, những mô hình côn trùng như thế này, cũng như những mô hình các loài động vật tương tự mà tôi đang ấp ủ, sẽ góp phần giúp học sinh quan sát cấu tạo mô phỏng của các sinh vật này dễ dàng hơn. Quan trọng hơn nữa, tôi cũng hy vọng, những sản phẩm này sẽ thúc đẩy ý tưởng sáng tạo trong môi trường học đường, thầy và trò có thể thử sức mô phỏng thiên nhiên bằng bất kỳ chất liệu nào, có thể góp phần bảo vệ môi trường”

Anh Đỗ Minh Khoa bày tỏ

C.M