Giữa khói lửa chiến tranh, giữa mưa bom lửa đạn, ông Thắng vô tình gặp bà Tự trong một lần làm nhiệm vụ tại đơn vị. Không một lời hứa chờ, chẳng một lời hứa đợi, nhưng họ lại tìm được về bên nhau sau gần 5 năm “bặt vô âm tín” để cùng nhau viết một chuyện tình đẹp như cổ tích.
Cơ duyên đặc biệt đã giúp chúng tôi có một cuộc gặp gỡ thân tình với ông Trần Đức Thắng tại nhà riêng của ông trong con ngõ nhỏ thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Là một cựu chiến binh về địa phương, ông Thắng tích cực tham gia hoạt động xã hội, hiện làm Chủ nhiệm CLB B93 (Mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng – PV) phường Nghĩa Đô. Thời trẻ, ông là một cá nhân tiêu biểu cho lớp thanh niên xưa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tham gia vào chiến trường ác liệt giải phóng miền Nam năm xưa. Ông cũng chính là một trong những người lính đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập năm 1975.
Cái se lạnh của một ngày đầu đông như biến mất, bởi chúng tôi đã được sưởi ấm bằng sự đón tiếp nhiệt tình, gần gũi của hai người lính già là ông Trần Đức Thắng (SN 1955) và vợ ông - bà Vũ Thị Tự (SN 1955). Rất cởi mở và chất phác, ông bà đã giúp cho những người trẻ như chúng tôi thấy lại cả một thời thanh xuân sôi nổi mà rất đỗi tự hào khi cả hai người đều tham gia vào cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Và rồi, từ tình yêu đất nước, từ việc chung một ý chí “sống chết cho quê hương” mà tình yêu của họ đã “bén rễ, nảy mầm” và vươn xanh mãi cho đến tận bây giờ - khi hai mái đầu đã ngả màu bạc trắng.
Kể về thời “gác bút nghiên ra trận”, ông Thắng chia sẻ, năm 17 tuổi, cũng như bao thanh niên thời đó, ông bà viết đơn xin đi bộ đội để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1972, ông Thắng hành quân bộ gia nhập đơn vị C22, Tiểu đoàn 768, Trung đoàn 15, Quân khu 3 tại Thạch Thành, Thanh Hoá. Đây cũng là nơi “ươm mầm” cho tình yêu son sắt của hai người lính bộ đội Cụ Hồ, nơi ông tìm thấy một nửa duy nhất của cuộc đời mình.
Giữa khói lửa chiến tranh, giữa mưa bom lửa đạn, ông vô tình gặp bà trong một lần làm nhiệm vụ tại đơn vị. Khi đó, ông thuộc trung đoàn chiến đầu còn bà thuộc trung đoàn phục vụ chiến đấu.
Ấn tượng đầu tiên trong lòng chàng trai khi ấy chính là nghị lực của cô gái nhỏ nhắn khoảng 40kg gánh trên vai mình những tải lương thực nặng cố gắng leo từng con dốc. Chính sự ngưỡng mộ khi ấy thôi thúc ông phải cố gắng hết sức theo kịp và ngỏ lời làm quen. Những câu hỏi ngây ngô về quê quán, tuổi tác là khởi đầu của câu chuyện tình yêu thật đẹp giữa hai người lính trẻ sau đó.
Mùa xuân năm 1973, ông được đơn vị cho nghỉ vỏn vẹn 3 ngày phép về quê ăn Tết và chuẩn bị chuyển công tác vào miền Nam chiến đấu. Ngày mùng 2 Tết, ông xin phép gia đình đến Ninh Bình để thăm “bóng hồng trong tim” trước khi đi xa.
Trong cái rét cắt da cắt thịt của tháng 2 năm ấy, chàng lính trẻ với một manh áo mỏng chẳng đủ ấm đã không quản ngại đi bộ hơn 100km từ Hà Nội về Ninh Bình để thăm người mình thầm thương trộm nhớ. Thời buổi chiến tranh loạn lạc hố bom phủ kín đường, phương tiện đi lại chẳng có nhưng chàng trai năm ấy không hề nản vì trong lòng luôn có tình yêu “sưởi ấm”.
Ông Thắng kể, ngày ấy đi cả 1 ngày mới tìm được đến nhà bà (tại xóm Rận, xã Khánh Hoà, huyện Yên Khánh, Ninh Bình). Thế nhưng Tết năm nay ấy bà Tự chỉ về nhà chớp nhoáng rồi vào đơn vị ngay nên ông chỉ gặp và thưa chuyện với bố mẹ và em gái của bà. Sau bữa cơm với gia đình, ông xin phép trở về để tối mùng 3 có mặt tại đơn vị.
Khi đó, bà Tự vẫn phục vụ bộ đội chiến đấu tại đơn vị (Thạch Thành, Thanh Hoá) mà không hề hay biết chuyện ông Thắng tìm đến nhà mình. Ngày về đơn vị, nghe ông kể lại mà bà nghĩ rằng ông đùa, vì không thể tin được chàng trai năm ấy cất công về tận nhà của mình thăm hỏi. Khi biết được sự thật, bà kể mình cũng ngỡ ngàng. Tình yêu của ông Thắng và bà Tự được vun đắp từ những điều đơn giản và bình dị như vậy.
Thế rồi chiến tranh ác liệt, ông nhận nhiệm vụ theo đoàn vào Nam chiến đấu. Thời ấy, những người lính được cử đi B (vào chiến trường miền Nam - PV) là rất đỗi thiêng liêng và tự hào. Hào khí của một thời cả nước lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ùa về trong ký ức của ông Thắng. Tuy đi B là con đường “vào sinh ra tử” vô cùng nguy hiểm, nhưng những người trẻ như ông chưa từng nghĩ đến việc sẽ chọn lựa con đường khác.
Tháng 4 năm 1973, ông vào Nam tập kết. Trên bến xe năm ấy, có chàng trai Hà Nội được người thiếu nữ tiễn biệt. Ngày chia tay của ông bà không có nước mắt, cũng chẳng kịp nói lời yêu thương. Chia xa mà chẳng biết còn cơ hội gặp lại. Người lính trẻ chỉ kịp gửi gắm vài lời:
“Nếu có ra Hà Nội thì đi trên tàu từ Ninh Bình ra tới ga Tía (ga Chợ Tía, Thường Tín), nhìn sang bên phải là làng Mui (làng của ông) có cây đa cao nhất, tìm người tên Thắng có chị gái sinh đôi, rồi hỏi thêm tên bố mẹ là tìm được tôi”.
Ngày vào Nam năm ấy ghi mãi trong lòng ông, về một niềm hy vọng được gặp lại cô gái mà ông đem lòng yêu thương. Hy vọng về ngày hòa bình giải phóng, thống nhất Bắc Nam, hạnh phúc lứa đôi được trọn vẹn. Suốt những năm tháng xa nhau, chưa từng một lần ông quên đi người con gái đang ở hậu phương chờ mình.
“Khoảng thời gian đó có rất nhiều kỉ niệm. Thế nhưng tôi vẫn nhớ nhất tấm ảnh bà ấy tặng tôi trước lúc vào Nam công tác. Tấm hình nhỏ như một “tín vật” chứng minh cho tình yêu của bà dành cho tôi. Tấm ảnh đó cũng như một lời hẹn ước dù mưa bom bão đạn cũng không bao giờ quên nhau. Chỉ tiếc là khi tôi bị phục kích trong cuộc chiến ở thị trấn Tây Ninh nên tấm ảnh bà ấy tặng đã bị thất lạc”, ông Thắng nhớ lại.
Trước khi vào Nam chiến đấu, bước vào những ngày cam go ác liệt nhất của lịch sử, có một lần duy nhất ông viết thư gửi bà. Bức thư được viết ra từ trái tim của một người lính trẻ đã dám hy sinh hạnh phúc cá nhân để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc. Chỉ vài dòng thư ngắn ngủi mà chứa đựng bao nghĩa tình:
“Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm há dễ mấy ai quên”
Hẹn ngày rộng tháng dài, ngày đất nước được thống nhất thì mình sẽ gặp gỡ và đoàn tụ.
Cho chứng tỏ, lúc bấy giờ, anh mới nói!”
Nhận được bức thư năm ấy, bà vẫn nhớ rõ cái cảm giác của mình dù đã mấy chục năm trôi qua: “Trong suốt quãng thời gian xa nhau ấy, tôi luôn nghĩ ông ấy sẽ trở về”. Niềm hy vọng bên nhau đã được ông bà nuôi dưỡng trong những tháng ngày dài xa cách.
Nhìn người phụ nữ của mình, ông vẫn dành cho bà ánh mắt và những lời âu yếm yêu thương: “Bà ấy luôn luôn là người tâm huyết, tôi biết bà luôn luôn nhớ đến mình thì sau này mới đi tìm mình, để rồi lại gặp được nhau và nên duyên vợ chồng. Nếu không trân trọng tình cảm ấy thì chắc chúng tôi không thể đến được với nhau.”
Có lẽ, tình yêu của ông Thắng và bà Tự không phải là mối tình đẹp duy nhất có được trong thời chiến, nhưng họ may mắn hơn rất nhiều người khi được trở về và vun đắp hạnh phúc cho riêng mình sau khi chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Hòa bình năm 1975, bà Tự chính thức nhận công tác ở Học viện Quốc Phòng tại Hà Nội. Sau nhiều năm xa cách, mặc dù không có bất cứ một thông tin gì từ ông nhưng bà vẫn một lòng chờ ông trở về. Bao năm qua bà vẫn chưa một phút giây quên lời hẹn “ra Hà Nội nhất định đi tìm nhau”.
Giữa cái tiết trời nắng chang chang của tháng 6, bà đạp xe từ đơn vị tìm đến nhà ông ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín (Hà Nội). Đúng là mối duyên trời “sắp đặt” giúp bà hỏi đường đúng người trong dòng họ nhà ông Thắng. Sau khi nghe bà bảo tìm người con trai tên là Thắng, có chị sinh đôi và là bộ đội mới từ trong Nam ra thì ông chú chỉ đường cho bà đến tận nơi.
Ngày gặp lại sau giải phóng là ngày ông vẫn còn nằm dưỡng bệnh vì sốt rét. Lời hẹn gửi gắm hôm tiễn biệt ấy, chưa một lần bà quên. Lần gặp lại này, ông bà biết sẽ không bao giờ phải chia xa nữa.
Ông bồi hồi nhớ lại cảm xúc khi gặp lại ấy, nghẹn ngào có, rưng rưng có, nhưng trên hết là hạnh phúc:
“Tôi luôn nuôi hy vọng sẽ được gặp lại bà ấy khi đất nước hòa bình. Nhưng bởi năm tháng chiến đấu ác liệt, bom rơi đạn lạc, sống chết không thể đoán trước được nên chẳng dám nghĩ nhiều”.
“Gần 4 năm ròng rã trong chiến trường chẳng liên lạc gì mà bà vẫn một lòng chờ đợi. Tôi thực sự cảm động và cũng cảm phục bà ấy”, ông Thắng xúc động.
Năm 1976, sau biết bao tháng đợi năm chờ, ngày hạnh phúc cũng đến với hai người lính ấy. Họ tổ chức lễ cưới trong ngày nắng đẹp. Không mâm cao cỗ đầy, không sơn hào hải vị, không tô son trang điểm, chỉ là bộ áo quần màu lính giản đơn, chỉ là những món ăn thời chiến... vậy là họ đã nên duyên vợ chồng.
Chia sẻ về cuộc tình thời chiến đầy khó khăn, khắc nghiệt của một giai đoạn lịch sử nhưng trên môi ông Thắng và bà Tự vẫn nở những nụ cười hiền hậu. Không có lời hứa chờ, chẳng một lời hứa đợi, nhưng cả hai đã dành hết hy vọng cho nhau về một ngày mai hạnh phúc sum vầy khi đất nước thống nhất. Họ trân trọng nhau và chẳng để lạc mất nhau thêm một lần nào nữa. Giờ đây, ông bà vẫn hạnh phúc sống những ngày tháng thật bình dị bên con cháu.
Chia sẻ về bí quyết giữ lửa cho cuộc hôn nhân trong thời bình, ông cười rồi nói: “Tôi thấy quan trọng nhất trong cuộc sống vợ chồng chính là phải nhường nhịn. Phải trân trọng tình cảm của nhau, nhường nhịn, hy sinh cho nhau. Tiền bạc không thể mua được tình cảm chân thành, chính cái tâm và cái tình giữ mình luôn ở bên nhau.
Mái ấm gia đình thực sự phải là nơi cả hai nỗ lực cùng tu dưỡng phẩm chất đạo đức tốt. Phải biết nhẫn nhịn và thấu hiểu cho nhau. Lấy nhau không chỉ là việc tặng nhau chiếc nhẫn để ràng buộc mà là chấp nhận hy sinh vì nhau”.
Đã hơn 40 năm trôi qua, hai người lính trẻ khi xưa mái tóc giờ đã điểm bạc, gương mặt xuất hiện những nếp nhăn, điểm chấm đồi mồi nhưng ánh mắt họ dành cho nhau vẫn chứa chan niềm hạnh phúc của tình yêu mãnh liệt như thời đầu.
Rời nhà ông Thắng và bà Tự khi mặt trời đã ngả, những cơn gió mang cái lạnh đầu mùa một lần nữa đưa chúng tôi trở lại thực tại. Không còn bom đạn chiến tranh, không còn sự chia xa cách trở nhưng tình yêu mãnh liệt của họ vẫn vẹn nguyên trong chúng tôi với niềm cảm phục và ngưỡng mộ. Tình yêu ấy thực sự đã làm sống lại niềm hy vọng về tình yêu và khát khao hạnh phúc của thế hệ trẻ chúng tôi.
Cuộc sống này còn rất nhiều điều tốt đẹp, nhiều niềm tin và hy vọng, hạnh phúc sẽ vẫn còn đó đợi chúng tôi khám phá và cái lạnh lúc này dường như chẳng còn hiện hữu.
Tuy đã về hưu nhưng ông Trần Đức Thắng và bà Vũ Thị Tự vẫn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể và xã hội. Ông Thắng vừa đảm nhiệm chức vụ Tổ trưởng tổ dân phố 20 phường Nghĩa Đô, đồng thời còn là Chủ nhiệm CLB B93.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đào Trường Quảng – Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô cho biết, ông Thắng luôn chấp hành mọi chủ trương chính sách của Nhà nước, tích cực tham gia hoạt động của phường và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong quá trình vận hành CLB B93, ông Thắng đã giúp phường quản lý được rất nhiều người sau cai nghiện và giúp họ hoà nhập với cuộc sống.
Hiện nay bà Vũ Thị Tự đang giữ chức vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm phụ trách về Dân số và hỗ trợ chị em vay vốn giải quyết việc làm. Ông Quảng cũng chia sẻ thêm, bà Tự luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Chi hội, có nhiều đóng góp đáng kể trong các hoạt động đoàn thể và xã hội của tổ dân phố 20 nói riêng và của phường Nghĩa Đô nói chung.