6h sáng, tôi đậu xe và bước vào khuôn viên của Công trường Hòa Bình (còn gọi Quảng trường Công xã Paris) trước nhà thờ Đức Bà tại quận 1, TP.HCM. Một không gian bình yên đến lạ giữa bốn bề xe cộ bắt đầu chật chội. Giữa khoảng trời yên ả ấy, tôi mải miết ngắm đàn bồ câu thong thả nhặt từng hạt bắp, đậu xanh… được gieo từ tay đám con nít dễ thương.
Tại khuôn viên Công trường Hòa Bình, các công nhân đang gấp rút chỉnh trang quang cảnh với việc trồng hoa, lát gạch mới. Nghe nói, đến cuối năm nay, việc tu sửa nhà thờ Đức Bà và Công trường Hòa Bình sẽ hoàn tất. Khi ấy, người dân thành phố mang tên Bác sẽ có một khoảng không gian thật đẹp và bình yên để vui chơi và cầu nguyện những điều an lành.
Trong sự hối hả ấy, tiếng gù, tiếng nhặt thức ăn của đàn bồ câu và trẻ con gọi nhau í ới vẫn lan tỏa khắp khuôn viên Công trường Hòa Bình. Nhìn cảnh trẻ hồn nhiên vui chơi, một công nhân chia sẻ: “Trước khi thực hiện công tác tu sửa, quảng trường là nơi cho người dân đến vui chơi và cầu nguyện. Đặc biệt, nhiều trẻ con đến đây cho bồ câu ăn và chơi đùa với chúng. Mặc dù chúng tôi đang làm việc nhưng cũng cố thu xếp, vén khéo để các em có chỗ vui chơi”.
Trước tượng Đức Mẹ, tôi thấy một ông lão thành tâm chắp tay cầu nguyện. Ông kể: “Sáng nào tôi cũng ra đây để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và nhìn trẻ con nô đùa với đàn bồ câu. Tôi thật thích thú khi nơi đây có đàn chim bồ câu thật đẹp. Đàn chim mang đến cho chúng tôi cảm giác bình yên và hòa bình. Hình ảnh đàn chim quá phù hợp với ý nghĩa, biểu tượng của Công trường Hòa Bình và tượng Đức Mẹ Hòa bình”.
Nhịp sống của thành phố có 2 mùa mưa nắng cứ hối hả và mải miết nên chẳng mấy người biết đàn bồ câu trước nhà thờ Đức Bà có từ lúc nào. Có người nhớ mông lung rằng, trước khi đàn bồ câu xuất hiện, Công trường Hòa Bình luôn ríu rít với tiếng chim se sẻ. Lúc các cây cổ thụ thưa dần, chim se sẻ tìm nơi khác trú ẩn thì đàn bồ câu tìm đến và rồi “thường trú” lâu dài trong sự yêu mến của người dân thành phố. Đàn bồ câu khoảng hơn 700 con. Chúng rất đẹp và vô cùng thân thiện với người dân TP, du khách và đặc biệt là trẻ con. Nhiều con chim trống đang độ sung sức, có màu lông, biết gù nhìn rất thích mắt.
Sự vô tình của thiên nhiên đưa đàn bồ câu đến nhưng nhờ cái hữu tình của con người mới níu giữ loài chim hòa bình trú ngụ lâu dài ở khuôn viên nhà thờ Đức Bà. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đàn bồ câu bay đến nhà thờ thật sớm và được ăn ngũ cốc no nê. Hơn 15 năm nay, đàn chim tụ họp nơi đây và sống chan hòa với người dân thành phố, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Để đàn chim gắn bó lâu dài, một người đàn ông đã âm thầm chăm sóc và cho đàn bồ câu ăn suốt hàng chục năm qua. Đó là ông Nguyễn Phi Cường sinh năm 1970, ngày ngày chạy đến Nhà thờ Đức Bà để cho bồ câu ăn. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông Cường chở một bao ngũ cốc nặng trịch với đủ loại hạt như lúa, bắp, đậu xanh…
Ông Cường cười và nói: “Bồ câu thích ăn cát và đậu xanh. Từ hồi cho bồ câu ăn tới giờ, tôi đoán chừng mình đã mua khoảng vài tấn đậu xanh nhưng chẳng khi nào tôi để lại 1 hạt nấu cho bản thân ăn”.
Ông Cường kể, trước khi cho bồ câu ăn, ông có nuôi đàn chim se sẻ 400 - 500 con. “Đàn se sẻ ở đây nhiều lắm. Tụi nó trú ngụ trên những cây cổ thụ cao. Bây giờ, hết chỗ đậu, tụi nó bay đi hết. Se sẻ đi, tôi chuyển qua nuôi bồ câu. Lúc đó, ngoài tôi còn có bác ba Lê, con cháu của bác ở dưới quê gửi lúa lên cho ông nuôi bồ câu. Thấy vậy, tôi lo mưu sinh để mình bác làm. Sau đó, bác mất, tôi lại tiếp tục nuôi”.
Vả lại, trước đây, khi đi câu cá ở công viên Đầm Sen, ông Cường ấn tượng với đàn bồ câu tuyệt đẹp hiếm nơi nào có được. Ông mê lắm nên hay lấy cớ đi câu cá, nhưng lại dành chủ yếu thời gian để ngắm bồ câu bay lượn. Lúc đó, ông ước có đàn bồ câu của riêng mình và rồi điều đó cũng trở thành hiện thực. Đàn bồ câu không chỉ của riêng ông mà là của tất cả người dân Sài thành. Từ ngày có đàn bồ câu ở nhà thờ, ông Cường chẳng ham thích câu cá nữa. Bao nhiêu tâm huyết, yêu thương, ông dồn hết cho đàn chim trời.
Ông nói, ông gặp vợ mình cũng nhờ loanh quanh cho bồ câu ăn ở khu vực Công trường Hòa Bình. Đó là cuộc gặp của những kẻ lao động nghèo, anh đạp xích lô, chị bán hàng rong. Cuộc đời trôi dạt, họ gặp và yêu nhau dưới sự chứng kiến và chúc phúc của Đức Mẹ Maria và đàn bồ câu.
“Chạy xích lô được bao nhiêu tiền, tôi cũng trích ra mua thức ăn cho bồ câu. Ở hiền gặp lành, tôi có cơ duyên chuyển qua mua bán tem cổ nên tiền bạc dư ra chút đỉnh, lo cho đàn bồ câu chu đáo hơn. Lúc đó, tôi cũng còn ở nhà thuê. Mỗi lần thấy tôi vác bao ngũ cốc qua nhà thờ, bà chủ nhà liền nói: “Bộ ông khùng hay sao mà ngày nào cũng vác tiền ra mua đồ cho bồ câu ăn? Bộ tiền không biết xài sao, tối ngày ném cho chim ăn”. Nghe vậy, tôi chỉ cười. Sau này, cháu bà ấy không chịu đi học, bà thường dẫn nó qua đây để dụ cho chim ăn xong mới dẫn nó đi học đó”, ông Cường cười hiền lành.
Không chỉ cháu của bà chủ nhà thích cho bồ câu ăn, nhiều đứa trẻ khác cũng được cha mẹ đưa đến đây để vui chơi. “Tôi nuôi đàn chim được khoảng hơn 15 năm. Đàn chim quá thân thuộc với con người, đặc biệt là với trẻ em”, ông Cường kể.
“Tôi phát hiện trẻ con thích bồ câu rất nhiều từ chuyện của đứa bé trong xóm. Chuyện là, tôi thấy thằng nhóc trong xóm không chịu thức dậy đi học. Tôi mới rủ nó ra cho bồ câu ăn. Nó liền phấn khởi đi theo. Những ngày sau, nó tự thức dậy đúng giờ, chơi với bồ câu xong liền ngoan ngoãn đến trường. Vậy là trẻ con trong xóm cũng được cha mẹ dỗ bằng cách ấy, mỗi lần bé quấy khóc, cha mẹ, ông bà đều dỗ và hứa cho đi xem bồ câu. Bé liền cười tít mắt”, ông Cường tự hào nhắc lại.
Đang nói chuyện với tôi, ông Cường nhìn thấy bé trai đi cùng mẹ liền lên tiếng: “Rồi, đi học ngoan nha. Chị dắt xe được không, tôi dắt dùm cho”. Vừa hỏi, ông Cường vừa lắc lon bắp trên tay. Nghe tiếng lắc, đàn bồ câu tung cánh bay lượn vòng quanh khuôn viên tượng Đức Mẹ. Một khung cảnh tuyệt vời trước Nhà thờ Đức Bà hiện ra khiến ai cũng đứng lặng để ngắm nhìn.
“Mấy bữa nay, cứ 5h30 sáng, tôi ra đây rồi. Mùa này, mặt trời lên sớm nên tôi phải tranh thủ ra cho bồ câu ăn. Nắng quá, tôi phải đem ca đựng nước cho bồ câu uống. Tôi sợ bồ câu uống nước bẩn sẽ bị bệnh. Bồ câu ở đây quen với con người rồi. Tụi nó chỉ ăn cát và ngũ cốc, kiến nó cũng không mổ. Nhiều con không sợ sệt, bay hẳn lên vai người ta để mổ bắp ăn”, ông Cường chia sẻ.
Một người mẹ trẻ chở 2 đứa con đến, và như một thói quen mỗi ngày, chúng nhanh nhẹn đón lấy hộp đậu xanh mà ông Cường đưa cho rồi chạy tới chỗ đàn bồ câu béo núc ních. Cho bồ câu ăn xong, 2 đứa trẻ ngồi dưới chân tượng Đức Mẹ, chống cằm ngắm đàn chim. Bất chợt, các bé ồ lên khi đàn bồ câu tung cánh bay lên trời xanh.
Gương mặt rạng rỡ, những em bé lại thủng thẳng bước ra xe cho mẹ chở đến trường. Còn cha mẹ các bé, đôi lúc, họ gửi ông Cường vài đồng bạc lẻ, 5.000 – 10.000 đồng, nói lời cảm ơn rồi nổ máy xe chạy đi. “Bà con đến đây chơi thường ủng hộ vài đồng để tôi mua ngũ cốc cho chim ăn. Buổi chiều, một em bán nước ở bên kia đường cũng phụ cho bồ câu ăn, chứ không tôi gồng cũng không nổi”, ông Cường cho biết.
Ông Cường tự hào nói tiếp: “Sáng giờ, chị nhận được tiếng cám ơn nào chưa, chứ tôi được 5 tiếng “cám ơn” rồi đó. Mình làm việc nghĩa, việc tốt người ta mới cám ơn, chứ đâu phải tự nhiên được vậy. Những lời cám ơn này mang lại cho tôi nhiều thứ lắm. Nhiều lúc muốn buông ra không làm nữa nhưng cứ sợ chim bệnh, chim đói, người ta đến không thấy bồ câu lại buồn là tôi không đành lòng”.
“Có mấy người đến cho chim ăn để giăng lưới bắt. Tôi và mọi người xung quanh đây phải xin họ. Họ bảo chim trời, tôi giải thích nhiều người bỏ gạo ra nuôi để thành phố thêm đẹp. Rồi, tôi khuyên họ suy nghĩ lại. Nghe vậy, họ cất lưới, vui vẻ bỏ đi. Nhiều người cũng kêu tôi chọn mấy con bồ câu trống đẹp đẹp đem đi bán, lấy tiền mua thức ăn. Nhưng thôi bắt làm gì…”, ông Cường dứt lời rồi nhìn về đàn chim, ánh mắt dâng lên niềm tự hào khôn tả.