Khi biết tin con ông La Văn Linh đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, toàn bộ dân bản Đan Lai đều vô cùng kinh ngạc, họ cho rằng điều đó không thể nào và truyền tai nhau “ông Linh bán con rồi”. Phải sau 2 năm, người con gái của ông Linh trở về thì mới khiến mọi người hiểu ra rằng phải biết cách rời khỏi bản đi làm ăn thì mới thoát được cái đói, cái nghèo bám lấy hàng nghìn năm nay.
Ông La Văn Linh (SN 1962) là người dân tộc Đan Lai, sinh ra và lớn lên tại vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, thuộc bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Cũng như những người trong bản, ngay vừa mới chào đời ông đã phải chịu một hủ tục khắc nghiệt nhất: Nhúng trẻ sơ sinh xuống dòng nước lạnh.
“Trước đây, bất kỳ đứa trẻ Đan Lai nào mới được sinh ra, nghi lễ đầu tiên phải trải qua là thử thách dưới dòng nước khe Khặng. Dù đó là mùa đông lạnh giá, đứa trẻ sau khi lọt lòng mẹ sẽ được bế thẳng ra sông và được nhúng xuống dòng nước. Đứa trẻ nào vượt qua được thì sẽ có sức khỏe tốt, ít ốm đau. Còn nếu không thì phải chịu… Phải rất nhiều cố gắng vận động thì hiện nay hủ tục đó mới được thay đổi”, ông Linh cho hay.
Không những vậy, sống trong vùng “sơn cùng thủy tận”, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài nên cuộc sống người dân ở đây chỉ loanh quanh việc đánh bắt cá và lên rừng hái lượm. Nhiều hủ tục cùng với việc tảo hôn và kết hôn cận huyết đã khiến cho tộc người này suy giảm nhanh chóng. Có thời điểm toàn bộ tộc người Đan Lai chỉ còn hơn 3.000 người.
Nhớ về những năm tháng tuổi thơ khốn khổ, ông Linh kể: “Cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, đông anh chị em nên đói ăn quanh năm. Vì vậy, từ nhỏ tôi đã theo cha lên rừng hái măng, đi xuyên núi tìm mật ong để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho gia đình. Trong một vài lần đó, tôi lần đầu thấy người từ bên ngoài, đó là các chú bộ đội biên phòng”.
Trước những con người khác lạ đã thu hút sự tò mò của cậu bé La Văn Linh. Lúc này cậu mới biết ngoài kia là một thế giới vô cùng rộng lớn và đầy mới mẻ. Đó cũng là thời điểm bộ đội biên phòng Nghệ An phát hiện một nhóm người Đan Lai sinh sống như người rừng ở đầu nguồn khe Khặng. Phải rất khó khăn, bộ đội biên phòng mới có thể tiếp cận được nhóm người này. Lúc này chính quyền cũng nhanh chóng cử cán bộ và các giáo viên vào cắm bản để dần dần xóa bỏ hủ tục và lạc hậu nơi đây.
Sau nhiều cố gắng, một lớp học vỡ lòng được thành lập với 10 em học sinh, trong đó có La Văn Linh. Đây được xem là một “cuộc cách mạng” về sự học cho cộng đồng trong vùng lõi đại ngàn Pù Mát, nơi có đường biên giới với nước bạn Lào. Cậu bé La Văn Linh đã có thể đọc, viết được tên bố mẹ mình và làm được những phép toán cộng trừ, điều mà cả đời bố mẹ cậu không bao giờ biết được.
Nhưng ở bản Cò Phạt, các thầy cô giáo chỉ có thể dạy học sinh cấp 1. Muốn học tiếp phải vượt thác, trèo đèo về trung tâm xã Môn Sơn. Đối với người Đan Lai, họ rất nhút nhát trong việc giao tiếp nên gần như chưa bao giờ đi ra thế giới bên ngoài cả. Mặc dù biết như vậy, nhưng La Văn Linh muốn học nữa nên đã về nhà mạnh dạn nói với bố. Rồi thêm sự động viên của cô giáo, bộ đội biên phòng, cuối cùng bố Linh đã đồng ý cho con được tiếp tục đến trường.
“Ngày ấy chưa có con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên núi như bây giờ, cách duy nhất là phải dùng bè nứa vượt thác ghềnh khe Khặng. Để chuẩn bị cho tôi đi học xa, mẹ đã chuẩn bị 1 túi có vài cân ngô, thầy cô tặng 1 cây bút và 1 quyển vở. Đó là toàn bộ tài sản để tôi đi tìm cái chữ”, ông Linh kể.
Hai bố con đã phải chèo chống mất một ngày rưỡi mới ra đến trường học ở trung tâm xã Môn Sơn. Sau đó một mình cậu bé ở lại ký túc xá, còn bố phải trở về với rừng núi, tuy nhiên La Văn Linh không khóc, bởi người Đan Lai rất mạnh mẽ, không khóc bởi những thứ vặt vãnh như thế.
Hơn 5 năm được học những kiến thức văn minh, những điều mới lạ của xã hội đã thay đổi cậu bé Đan Lai nhút nhát ngày nào. Thời điểm này La Văn Linh đã trưởng thành, suy nghĩ chín chắn và có nhiều hoài bão. Thậm chí ông có thể tiến xa hơn trong con đường học hành. Tuy nhiên, ông muốn cả bản đều thay đổi, đều có cuộc sống ấm no nên quyết tâm ôm quần áo trở về.
Ngay khi bước chân trở về bản, La Văn Linh lập tức được chính quyền địa phương và đồn biên phòng Môn Sơn chọn lựa, làm nhân tố nòng cốt tham gia tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước và đặc biệt là bảo vệ an ninh biên giới. Mặc dù mới 20 tuổi, nhưng La Văn Linh đã được mọi người tín nhiệm bầu làm thôn đội trưởng bản Cò Phạt và là công an thôn bản phụ trách an ninh vùng lõi Pù Mát.
Với sự tích cực của mình, chỉ vài năm sau La Văn Linh đã được mọi người bầu làm trưởng bản và giữ chức vụ đó tới gần 3 khóa. Năm 2003, khi bản Cò Phạt thành lập chi bộ Đảng đầu tiên thì La Văn Linh vinh dự là một trong những người đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2013, ông La Văn Linh được bầu làm Bí thư Chi bộ Cò Phạt. Thời gian đầu chi bộ chỉ có 4 đảng viên, nay đã tăng lên 8 đảng viên.
Giữ nhiều chức vụ càng khiến ông La Văn Linh thêm đau đáu về hướng phát triển của tộc người Đan Lai. Với kinh nghiệm của bản thân, cùng với những chính sách của Nhà nước, ông hiểu rằng muốn thoát nghèo chính bản thân người Đan Lai phải rời khỏi núi rừng mới có thể đi tìm kế mưu sinh.
“Chúng tôi đã quanh quẩn trong vùng rừng núi này hàng nghìn năm rồi, nhiều thứ hủ tục ăn sâu tiềm thức nên không thể thay đổi ngày một ngày hai. Vận động mọi người mà không thể nói bằng miệng được, phải làm cả tay chân, nhất là phải có kết quả thì cả bản mới chịu nghe theo. Vì vậy, tôi mới làm gương đi đầu”, ông Linh cười.
Năm 2015, thông qua UBND xã Môn Sơn, ông Linh biết đến chương trình đưa người đi xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út. Vì vậy, ông lập tức đăng ký cho người con gái của mình là La Văn Sài (SN 1987) tham gia. Sự việc này đã chấn động cả bản, tất cả mọi người đều nói rằng: “Ông Linh ham giàu nên bán con rồi”. Thậm chí có người còn tố cáo việc làm của ông Linh lên UBND xã Môn Sơn và đồn biên phòng.
Nhớ về thời điểm đó, ông Linh kể: “Lúc đầu tôi ra sức giải thích, có người nghe nhưng đa số đều không tin. Người Đan Lai ở núi rừng quá lâu rồi nên dù nhiều người tin tưởng vào nhân phẩm của tôi vẫn không thể hiểu được vì sao tôi lại “bán con” như vậy”.
Tuy nhiên, ngoài miệng nói cứng nhưng trong lòng ông Linh cũng vô cùng lo lắng. Ông sợ con gái mình mặc dù đã học hết THPT nhưng việc đi nước ngoài cũng lần đầu nên khó thích nghi. Xa nhà, xa bố mẹ, lại không hiểu hết tiếng sẽ khiến con nản lòng. Thế rồi vài tháng sau cầm được đồng tiền đầu tiên của con gửi về đã khiến cho ông vui mừng, giải đi nỗi lo lắng bấy lâu nay.
Năm 2017, cả bản lại xôn xao: “Con gái ông Linh về rồi, về thật rồi”. Khi đó, ông Linh và chị Sài đã đi khắp các nhà, cầm theo túi kẹo dúi vào tay trẻ nhỏ. Thậm chí trong cuộc họp xóm, ông Linh cũng đưa con gái đến và tuyên bố trước tất cả mọi người. Từ thực tế đó, nhiều người nhận ra rằng, có đi ra khỏi bản làm kinh tế mới mong xóa cái đói, giảm cái nghèo được.
Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà mới xây nổi lên giữa những ngôi nhà tranh tre nứa lá của bản Cò Phạt, ông La Văn Linh cười vui: “Có được cơ ngơi này mà tôi mang tiếng “bán con” đó. Tôi phải cố xây nhà thật khang trang để bà con dân bản nhìn vào thấy có dám nghĩ, dám làm mới đổi thay được số phận của mình. Nhà tôi là một trong những gia đình đầu tiên mua được tivi, xe máy và cả máy giặt nữa”.
Sau bước đi của con gái, ông Linh tiếp tục đăng kí cho con trai La Văn Thái (SN 1993) đi Malaysia. Rồi hai người con gái út đi vào miền Nam làm nhân công may mặc, lắp ráp điện tử của các công ty. Ông Linh nói: “Chúng làm trong đó giờ có gia đình cả rồi đấy. Chính lớp trẻ này đã phá bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết do trước đây quanh năm sống co cụm trong rừng nên anh em lớn lên chỉ biết lấy nhau vì không biết lấy ai. Chúng lấy chồng xa, tôi đồng ý hết miễn là chúng hiểu nhau, yêu thương nhau”.
Học theo ông Linh, giờ trong bản Cò Phạt đã có thêm 4 người con của các ông La Văn Kiệm, La Văn Đoàn, La Văn Phú đi lao động ở Ả Rập Xê Út. Riêng nam nữ thanh niên bản Cò Phạt đi làm nhân công các công ty ở phía Nam thì đã lên đến hàng chục người.
Ông La Văm Tám, trưởng bản Cò Phạt cho biết thêm, hiện gia đình nào xây được nhà mới, mua sắm được tivi và xe máy thì đích thị có con cái đi nước ngoài và lao động ở miền Nam. Chỉ có những người trẻ dám rời bản mưu sinh thì mới có khả năng gửi tiền về làm thay đổi cuộc sống nơi đây. Không những vậy, từ việc đi làm xa đã khiến cho thế hệ tiếp theo của người Đan Lai nhận thức được những hủ tục lạc hậu, phá vỡ hôn nhân cận huyết làm suy giảm nòi giống.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông vui mừng cho biết, hiện nay cuộc sống của người Đan Lai đang thay đổi từng ngày. Đặc biệt, năm 2006, đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, huyện Con Cuông được Chính phủ phê duyệt. Theo đề án phải phân tán di chuyển 146 hộ dân Đan Lai ra vùng tái định cư xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông cách đó 60 km. Tiếp đó, vào tháng 7/2019, 22 gia đình tiếp theo cũng đã được di dời để thay đổi cuộc sống.
“Đặc biệt trong đó, ông La Văn Linh và những đảng viên trong chi bộ đã năng nổ vận động, tuyên truyền người dân đi tới địa điểm mới để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu không có những người như ông Linh thì chính quyền địa phương chẳng thể thay đổi được cuộc sống của cộng đồng Đan Lai. Vì những cống hiến của mình, năm nào ông Linh cũng xuất sắc được giấy khen”, ông Hùng khẳng định.