Biết tin mình bị ung thư máu ngay trong những tuần cuối thai kỳ, không tránh khỏi nỗi bàng hoàng, sợ hãi, song, người mẹ trẻ ấy vẫn tự dặn mình thật bình tĩnh và kiên cường “tìm sự sống cho con”. Tình mẫu tử diệu kỳ đã chắp dải cầu vồng sau “cơn bão”, đón một thiên thần nhỏ đến với gia đình ngay trong ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3.
Đây quả thực là một cuộc rượt đuổi đầy nguy hiểm ngay trước hiên nhà, trước cánh cửa bình yên, mở ra một gia đình hạnh phúc. Câu chuyện của người mẹ trẻ với cái tên Lưu Ngọc Lan (SN 1991), đột ngột nhận tin mình bị ung thư máu, trong khi đang mang thai ở tuần thứ 37, đã chạm đến hàng nghìn, hàng vạn trái tim.
Cái tên Ngọc Lan vốn đã không còn quá xa lạ với nhiều người tại Hà Nội, chị vốn là một giáo viên tiếng Anh vô cùng tâm huyết, và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng học trò.
Một cuộc sống vốn dĩ đang rất yên bình, ngày ngày livestream dạy tiếng Anh cho học sinh, tối tối trò chuyện với cô con gái đang lớn lên từng ngày trong bụng mẹ, bỗng chốc bị xáo trộn hoàn toàn: Một “cơn bão” khắc nghiệt “nhăm nhe” trước hiên nhà.
Ba ngày trước khi sinh, chị nhận tin “sốc”, biết mình bị ung thư máu, cũng thoáng giật mình, sợ hãi. Nhưng ngay sau đó, chị tự trấn tĩnh lại, dặn mình không được phép gục ngã.
Chị quyết định phải tìm cơ hội trao sự sống cho cô con gái bé bỏng sắp chào đời…
Bất cứ người phụ nữ nào khi sinh cũng đều mất nhiều máu, mà nguy cơ mất máu của chị Lan còn cao hơn nhiều lần, khả năng cầm máu lại rất thấp. Các bác sĩ tiên lượng, chị cần truyền nhiều máu và chế phẩm máu cả trước, trong và sau ca mổ, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng máu dự trữ tại viện Huyết học-Truyền máu Trung ương không còn nhiều.
Ngày 19/3, cô giáo Lưu Ngọc Lan đã viết những dòng tâm sự, kêu gọi người thân, bạn bè và học sinh trên mạng xã hội Facebook đến hiến máu để chị có thể thực hiện ca mổ và đón con gái chào đời một cách an toàn.
Ngay trong buổi chiều hôm ấy, hàng trăm người đã tình nguyện đến hiến máu, viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận hơn 200 đơn vị máu, đủ cho ca mổ vào sáng hôm sau của chị Lan. Đó là tất cả những tình cảm đáng trân quý mà người thân, bạn bè, học trò và cả cộng đồng dành tặng cho người mẹ trẻ đang “gồng mình” mạnh mẽ vì con.
Đêm đó cũng là một đêm thao thức của người mẹ trẻ. Chị chẳng ngại bộc bạch trên trang Facebook cá nhân: “Khi mình viết những dòng này là còn 8 tiếng trước cuộc phẫu thuật của mình, vào lúc 9h sáng mai. Ba ngày qua thực sự là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời của mình. Đó là kể từ lúc mình đang hoàn toàn khỏe mạnh và biết được mình bị ung thư máu.
Dù đến bây giờ, mình vẫn chưa biết mình bị thể gì, nặng hay nhẹ, nhưng vấn đề lớn nhất là mình đang mang thai, em bé đã lớn, sắp đến ngày sinh và vấn đề nguy hiểm là mình cần đưa con ra và có thể tử vong vì mất máu. Đó là một ca mổ nguy hiểm. Mình nghĩ như vậy…”.
Sáng ngày 20/3, quả là một thử thách lớn đối với mẹ con chị Lan, với các y, bác sĩ trong phòng mổ, và với cả những người đứng đợi tin tức sau cánh cửa.
Trước đó, tiên lượng ca mổ hết sức khó khăn do sản phụ có nguy cơ khó cầm máu do giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu, các bác sĩ của viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã hội chẩn với bệnh viện Phụ sản Trung ương và quyết định mổ lấy thai ngay tại Viện.
Sau hàng giờ căng thẳng, cuối cùng, người mẹ trẻ cũng đã tìm thấy cánh cửa để đón cô con gái đến với thế giới ngập tràn ánh sáng, màu sắc này một cách thành công.
Chỉ trong ba ngày trước và trong ca mổ, sản phụ Lưu Ngọc Lan đã phải truyền hơn 40 đơn vị chế phẩm máu các loại (bao gồm khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, tủa lạnh), đó là “món quà” của cả cộng đồng, tiếp thêm sức mạnh cho tình mẫu tử thiêng liêng.
Cô con gái nhỏ chào đời trong sự “vỡ òa” của bố mẹ, của ê-kíp thực hiện ca mổ, và cả những người biết đến câu chuyện của mẹ Lan trong suốt mấy ngày qua...
Dải “cầu vồng” màu nhiệm đã đưa cô bé đến với gia đình nhỏ, tạm bỏ quên “cơn bão” sau cánh cửa…
Trong lúc ca mổ đang diễn ra, phía bên ngoài cánh cửa, có một người đàn ông lặng lẽ, nhìn chằm chằm như muốn xuyên thấu qua bức tường phía trước mặt; nhưng trong lòng chắc chắn đang “như có lửa đốt”, đếm từng nhịp đồng hồ quay. Người đàn ông đó là anh Nguyễn Tiến Dũng (28 tuổi), chồng chị Lưu Ngọc Lan.
Trước giờ đưa vợ vào phòng mổ, anh Dũng luôn ở bên cạnh, dặn dò, hỏi han xem chị có khó chịu ở đâu không, rồi xoa nhẹ lên má và nắm chặt bàn tay để tiếp thêm sức mạnh… Ai cũng dễ dàng nhận thấy, đây là một người chồng rất quan tâm, yêu thương vợ mình và săn sóc tỉ mỉ đến từng chút một.
Khi cánh cửa phòng mở ra, người đàn ông ấy đã không thể nén nổi những giọt nước mắt. Nước mắt của người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường, luôn làm chỗ dựa cho gia đình thật chẳng dễ dàng rơi xuống, nhưng anh đã khóc, khóc vì lo lắng cho sự an nguy của vợ con, khóc vì phải bất lực đợi chờ, khóc vì hạnh phúc “vỡ òa” khi đón thiên thần nhỏ chào đời, và người vợ thân yêu đang hồi phục sau “cuộc đua với tử thần”.
Sau khi nắm chặt tay vợ và ngắm nhìn cô con gái trong niềm hạnh phúc dâng trào, anh Dũng xúc động chia sẻ trên trang cá nhân của mình:
“Em bảo tôi rằng, chưa bao giờ em nhìn thấy anh khóc!
Đúng vậy, em yêu tôi một người đàn ông, đàn ông theo đúng nghĩa như tôi hay nghĩ, 28 tuổi, tự lập từ nhỏ, quyết định mọi việc, trải qua quá nhiều biến cố cuộc đời làm tôi chai sạn hơn. Trái tim và lý trí ngang bằng nhau nên với tôi tất cả mọi chuyện đều có thể giải quyết được. Không có một con đường nào là không có ánh sáng.
Thế nhưng...
Khi sự việc ập đến quá nhanh, bác sĩ bảo tôi rằng, em bị ung thư máu cấp tính rất nặng, lại còn có thai nhi lớn, rủi ro sẽ rất cao. Có thể mất tất cả!
Tôi vẫn cố gắng kiên cường, vững chắc làm chỗ dựa cho em. Bình tĩnh xử lý mọi chuyện, công tác tư tưởng cho em. Thỉnh thoảng vẫn khóc một chút vì quá thương em. Em chỉ nhận ra khi mắt tôi đã đỏ...
Nhưng hôm nay, thực sự tôi đã phải trải qua cái quãng thời gian mà ai cũng gọi là dài nhất trong lịch sử. Mỗi phút trôi qua ngồi ngoài phòng mổ cảm giác dài như hàng giờ đồng hồ... Và rồi, thực sự tôi đã khóc, khóc trước mặt tất cả mọi người, khi nhìn thấy con mình.
Cô con gái của chúng ta, con rất xinh và ngoan với đôi mắt và đôi môi chúm chím, cứ nhìn bố hoài.
Còn em nữa, và tôi lại ngồi hàng giờ lo lắng. Một tiếng dài như mười tiếng vậy. Và cuối cùng bác sĩ đã ra và nói em ổn. Tỉnh táo và có thể nói chuyện một chút cùng bác sĩ. Lúc đó, tôi biết, ở hiện tại... Đây là giây phút hạnh phúc nhất, hạnh phúc tột đỉnh!”.
Chắc chắn rồi, đó sẽ là giây phút hạnh phúc không thể nào quên trong ngày Quốc tế Hạnh phúc của gia đình nhỏ này.
Cô con gái nhỏ được đặt một cái tên đầy ý nghĩa, Nguyễn Ngọc Lan Chi. Có thể, nhiều người biết đến cỏ lan chi như một loài cỏ có sức sống bền bỉ, mãnh liệt và luôn mang lại may mắn; nhưng ít ai biết, cỏ lan chi còn có một tên gọi khác là lan mẫu tử. Cái tên không chỉ là niềm mong mỏi của một ông bố mạnh mẽ dành cho con gái, mong con luôn kiên cường và may mắn; mà còn là cái tên mang cả câu chuyện cảm động về ngày cô bé được sinh ra, ngày mẹ Lan đã trải qua cuộc “vượt cạn” sinh tử đáng nhớ.
Ngay sau những phút trò chuyện và nhìn thấy cô con gái chào đời bình an, chị Lan tiếp tục với hành trình chiến đấu của bản thân, chiến đấu với căn bệnh ung thư máu.
Những ngày sắp tới có thể sẽ không trải nến và hoa hồng, nhưng trong trái tim người mẹ trẻ, chắc chắn, niềm hạnh phúc sẽ còn lớn lao hơn cả... Niềm tin, sự kiên cường và tình yêu mãnh liệt dành cho gia đình nhỏ,... chắc chắn, sẽ là nguồn động lực lớn để chị Lan vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong tương lai.
Và hơn hết, cô bé chào đời trong ngày Quốc tế Hạnh phúc sẽ là lá “cỏ may mắn” luôn ở bên cạnh mẹ Lan, tiếp thêm sức mạnh để “hồi sinh” nguồn năng lượng tích cực của mẹ Lan. Gia đình nhỏ hứa hẹn ngày nào cũng là Quốc tế Hạnh phúc!