img
[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 1.

Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO), trong 10 năm qua, ở Việt Nam, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, mỗi người tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần. Do đó, tỉ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 19 thì có hơn một người bị thừa cân hoặc béo phì.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015, Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040. Sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là một nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Tăng tiêu thụ đồ uống có đường sẽ dẫn đến tăng năng lượng nạp vào (năng lượng rỗng) gây thừa cân, béo phì.

WHO khuyến nghị việc tiêu thụ đường tự do nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%. Đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành và dưới 12 - 25 gram mỗi ngày với trẻ em.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 2.

BS. Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của WHO tại Việt Nam thông tin thêm, theo thống kê của WHO, hiện nay đã có trên 110 quốc gia áp dụng thuế đối với nước ngọt.

Ông dẫn chứng ở Mexico, 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường, các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung. Ở Nam Phi, với mức thuế khoảng 12%, đã dẫn tới giảm tiêu thụ sản phẩm khoảng 15%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay, tại Việt Nam gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Ước tính hằng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường….

Tỉ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 đến 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 3.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn.

Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Cùng với đó, kiểm soát quảng cáo các sản phẩm đồ uống có đường, đặc biệt là đối với trẻ em.

Gần đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm đó là dự thảo bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10%. Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao...

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 4.

Bộ Tài chính cũng tính toán rằng giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tương ứng. Đặc biệt, áp thuế sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các công ty sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu, nhưng sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời, người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.

"Việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải", Bộ Tài chính giải thích.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, mỗi năm sẽ thu thêm khoảng 2.400 tỷ đồng từ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

Lý giải về ngưỡng chịu thuế 5gram/100ml, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước áp thuế với nước ngọt theo hàm lượng này như một số nước EU. Nhưng cũng có quốc gia chọn ngưỡng cao hơn, như Pháp đánh thuế với hàm lượng trên 11gram trong 100ml; Ailen và Anh theo hai ngưỡng: 5-8 gram chịu một mức thuế và trên 8gram sẽ cao hơn 1,5 lần.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 5.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 6.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đỗ Thái Vương – Trưởng Tiểu ban Nước giải khát, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 7.

Theo ông Vương, nếu chỉ đánh thuế đối với nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các đồ uống và thực phẩm có đường thay thế khác vốn cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm.

Hiện nay, tình trạng tiêu thụ nước giải khát được sản xuất thủ công, không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm là rất phổ biến.

"Do đó, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát có đường sẽ tạo gánh nặng tuân thủ lên các doanh nghiệp sản xuất chính thống, trong khi lại vô hình chung tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất phi chính thức; nhập lậu, làm giả, làm nhái; sản xuất sản phẩm kém chất lượng ngày càng phát triển bởi các doanh nghiệp trong khu vực không chính thức này sẽ có động lực tránh thuế lẫn sự quản lý của Nhà nước. Với tình trạng này, việc tiến hành thu cũng như các mục đích về ngân sách của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt lại không đạt được", ông Vương nói.

Ông Vương cũng chỉ ra, ngành sản xuất nước giải khát nếu phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh và kinh tế xã hội như: Ngăn trở đà phục hồi và phát triển của doanh nghiệp do nguy cơ giảm doanh thu, giảm lợi nhuận; giảm thu nhập của người lao động, nguy cơ mất việc làm gây hệ lụy đến xã hội; giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, môi trường thu hút FDI.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 8.

"Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường và nước giải khát sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này, ngăn trở đà phục hồi và tăng trưởng của ngành và nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội", ông Vương nhấn mạnh.

Theo thống kê của VBA, doanh thu của ngành mỗi năm đạt tới trên 200.000 tỷ đồng, đóng góp gần 60.000 tỷ đồng hàng năm cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, muốn khai thác thị trường "ngách", bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp Hiệp hội VBA vừa được tổ chức, các doanh nghiệp đều có chung kiến nghị Bộ Tài chính không nên đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Bởi điều này khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh hàng ngoại trong quá trình tiêu thụ.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt các doanh nghiệp đã rất chật vật trước những khó khăn chồng chất.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 9.

Đại diện các doanh nghiệp trong hiệp hội, VBA cho rằng cần cân nhắc kỹ càng trong bối cảnh nền kinh tế dự báo nhiều khó khăn. Nguyên nhân do khả năng phục hồi của doanh nghiệp còn rất chậm, đang còn phải trông chờ vào các hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước như việc giảm thuế VAT 2% cho đến hết năm 2024, cắt giảm các thủ tục hành chính, phí và lệ phí.

Theo bà Vân Anh, chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, theo các nghiên cứu khoa học, tại Việt Nam bệnh béo phì hay tim mạch có rất nhiều nguyên nhân, trong đó tiêu thụ nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính.

"Các sản phẩm nước giải khát, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao đều chứa đường và các chất dinh dưỡng khác có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, cần làm rõ các nguyên nhân để hướng tới truyền thông, khuyến cáo và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý", bà Vân Anh nêu quan điểm.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã công bố cũng không đại diện cho hết tất cả các đối tượng, thậm chí hiện nay ngay cả những vùng sâu vùng xa nông thôn, nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được nước giải khát có đường.

VBA cho rằng, khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả. Như vậy, có thể việc tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 10.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 11.

Theo bà Chu Thị Vân Anh, việc đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% cần phải dựa trên các cơ sở khoa học, những đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các tác động không chỉ với đối tượng chịu tác động trực tiếp mà còn các đối tượng chịu tác động gián tiếp.

Nếu không, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ khó đạt được mục tiêu duy nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, VBA kiến nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 12.

Tổng tổn thất tài chính từ khu vực phi chính thức vào khoảng 2,8 tỷ USD. Trong đó, tổn thất tài chính từ việc sản xuất là 751 triệu USD, từ các hoạt động buôn lậu và sản xuất hàng giả, hàng nhái vào khoảng 2,015 tỷ USD.

Trước những ý kiến trên, VBA đã kiến nghị thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nên bắt đầu từ năm 2027. Song, Bộ Tài chính nên xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Vì đây là một khung pháp lý vô cùng quan trọng đối với ngành đồ uống nên VBA mong rằng, khi Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tác động xây dựng dự án Luật sẽ ưu tiên những nghiên cứu đánh giá đặt vào bối cảnh thực tế, dựa trên các cơ sở khoa học, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện hơn", phía VBA kiến nghị.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 13.

Ông Đỗ Thái Vương cũng kiến nghị cần nghiên cứu và đánh giá toàn diện về tác động của công cụ thuế đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thực hiện các nghiên cứu khoa học về mối liên quan giữa thừa cân béo phì với các tác nhân đầy đủ, bao gồm cả tác động của các loại thực phẩm có đường và hàm lượng calorie cao ngoài đồ uống có đường.

Cần đánh giá toàn diện tác động về kinh tế, xã hội: Cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần

Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đã được chứng minh là hiệu quả hơn công cụ thuế để kiểm soát thừa cân béo phì.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu quan điểm cá nhân bà ủng hộ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhưng đặc biệt chú ý đến tính thời điểm.

"Trong thời điểm này, theo tôi chúng ta nên rà soát để xây dựng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng thời điểm áp dụng cần tính toán tránh tạo áp lực cho các doanh nghiệp", bà Nga nói.

[E] Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?- Ảnh 14.

Hoàng Bích - Tú Anh

Thiết kế: Hoàng Yến

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.