Mấy ngày nay, ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Liên (SN 1950), trú tại xã Nghị Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có rất đông bà con đến chia sẻ niềm vui khi nhận được tin con gái bà là chị Lê Thị Lan (SN 1976) trở về sau 24 năm bị bán sang Trung Quốc.
Trở về quê nhà sau nhiều năm, cảnh vật xung quanh đều đã đổi thay, chị Lan chỉ còn mang máng nhận ra gian nhà cũ và người mẹ của mình. Người phụ nữ với ánh mắt lạ lẫm, nói tiếng Việt không sõi, gương mặt dạn dày sương gió, chân tay thô kệch là bằng chứng về những tháng ngày phải lao động vất vả. Những người họ hàng và hàng xóm thân thiết đến vui vẻ chúc mừng, song chị không thể nhớ thêm ai. Từ khi về nhà cho đến nay, chị toàn níu tay mẹ không muốn rời.
Chị Lan là con gái đầu lòng trong gia đình có 5 chị em. Năm 1995, khi mới 19 tuổi, thay vì lập gia đình như những người bạn cùng lứa, chị lại quyết định đi làm thuê với ý định kiếm tiền về phụ cha mẹ chăm sóc đàn em. Chị không ngờ mình lại bị người lạ lừa uống thuốc mê, đến khi tỉnh mới biết mình bị bán qua Trung Quốc. Do không quen biết ai, lại bị ép uống thuốc gây “mất trí nhớ” trong thời gian dài nên mọi hình dung về quê nhà dường như không còn trong suy nghĩ chị.
Đầu tháng 7/2019, chị Lan tình cờ biết một người phụ nữ Việt Nam cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Người này giúp chị chia sẻ đoạn video lên mạng xã hội với hi vọng có thể tìm thấy gia đình. Trong đoạn video clip lan truyền trên mạng, dù tiếng mẹ đẻ không rành rọt nhưng chị Lan vẫn nhớ tên mẹ, tên cha và quê quán ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc. Từ đó, manh mối về gia đình dần được sáng tỏ bởi người thân ở quê nhà biết được chị vẫn còn sống.
Chiều 18/7, được sự hỗ trợ của Công an tỉnh Nghệ An, Tổ chức Rồng Xanh và Công an Trung Quốc, chị Lan được trở về quê nhà sau 24 năm bị lừa bán sang xứ người. Do được thông báo từ trước nên dù trời nắng như đổ lửa nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn chờ đón phút giây được gặp lại người con, người em lưu lạc nơi xứ người.
Nhìn con gái bước xuống xe ô tô từ đầu ngõ, bà Liên như ngã quỵ trong vòng tay người thân. Khi chị Lan đến gần thì người mẹ bất hạnh mới chạy ào đến ôm chầm, rồi những người họ hàng khác cũng níu lấy òa khóc. Giây phút hai mẹ con, chị em được đoàn tụ ngập trong nước mắt. “Lan đây rồi, đúng là con rồi, mẹ cứ nghĩ sẽ không còn được gặp con nữa”, bà Liên nức nở ôm con gái.
Chứng kiến giây phút ấy, nhiều người có mặt cũng không cầm nổi nước mắt vì quá xúc động. Với người dân xã Nghi Thịnh, có lẽ cũng chưa bao giờ họ thấy một cuộc đoàn tụ nào nhiều nước mắt như hôm nay. Thắp nén hương thơm trước bàn thờ của tổ tiên, chị Lan càng thêm bùi ngùi, bởi khi trở về thì đã không còn gặp được người bố thân yêu.
Không may mắn như người phụ nữ trên, chị Trương Thị Thìn (SN 1967) trú tại xóm Nam Lộc, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An khi trở về sau 23 năm bị lừa bán thì bố mẹ đã không còn một ai. Ngôi nhà gỗ 3 gian hịu quạnh, vắng bóng tiếng cười. Chị Thìn chỉ biết gục khóc trước bàn thờ bởi quá đau đớn và xót xa trước số phận bi thảm của mình.
Chị Thìn là người con gái thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em. Nhà đông anh em, lại làm nông nên cuộc sống vô cùng vất vả, vì vậy đến năm lớp 4 chị phải bỏ học ở nhà giúp bố mẹ. Năm 22 tuổi, chị gặp và kết hôn với một chàng trai quê huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An lên làm thuê.
Những tưởng hạnh phúc bền lâu thì sóng gió bắt đầu xảy ra khi chị bắt đầu mang thai người con gái thứ 2. Trong một ngày trời mưa, chồng chị bất ngờ bỏ đi không rõ lý do. Đi tìm nhiều nơi không thấy, chị Thìn đành chấp nhận ôm 2 người con trở về nhà bố mẹ đẻ.
Cả nhà 5 người chen chúc trong một ngôi nhà gỗ 3 gian nhỏ bé, rau cháo nuôi nhau. Chị gồng người cố gắng đi làm thuê để kiếm tiền nuôi các con, nuôi bố mẹ thì không ngờ cũng vì thế mà bị đau một bên chân. Vào khoảng tháng 3/1997, một người phụ nữ cùng ở cùng xã Nghĩa Long nói sẽ dẫn chị đi cắt thuốc và cam kết thuốc chữa khỏi bệnh nên chị đồng ý.Ngày đó, chị còn nhớ trời mưa rất to, vì đường chính bị ngập nước nên hai người đi bộ men theo quốc lộ 15A khoảng 8km để ra Quốc lộ 48. Ra tới nơi thì có một người phụ nữ khác đứng chờ sẵn...
Cuối cùng, một nam thanh niên bản địa đã mua chị với giá 9.000 nhân dân tệ. Sau đó, người này dẫn chị về làm vợ tại một vùng quê vô cùng hẻo lánh. Chị Thìn kể: “Gia đình chồng vô cùng nghèo, cũng chỉ làm ruộng. Thời gian đầu, người chồng không cho đi đâu vì sợ chị trốn. Nỗi nhớ bố mẹ, nhớ con khiến chị vô cùng buồn bã. Thậm chí, chị đã tìm đến cái chết nhưng được chồng phát hiện và can ngăn”.
Sau khi sinh được 2 người con, chị Thìn được đi lại thoái mái hơn. Cách đây 1 năm, trong lúc đi làm thì chị Thìn bất ngờ gặp được một nhóm người Việt Nam sang Trung Quốc làm ăn. Khi nghe được tiếng quê hương, chị mừng rỡ chạy đến bắt chuyện. Biết được hoàn cảnh của chị, những người này hứa sẽ giúp đỡ. Vì vậy chị lập tức viết lấy một mẩu giấy nhỏ ghi lại thông tin gia đình, cùng số điện thoại liên lạc của bản thân và nhờ họ đưa về quê.
Điều chị không thể ngờ được là nhóm người trên đã liên lạc được với gia đình chị. Người đầu tiên gọi điện là ông Trương Công Dần (SN 1963, anh trai chị Thìn). Khi nghe được giọng người em gái xa cách hàng chục năm trời, 2 người đã òa khóc nức nở.
Sau 23 năm lưu lạc trở về, chị Thìn đứng trước bàn thờ bố mẹ thắp nén hương mà khóc. Khi chị bị bán đi Trung Quốc, 2 người con còn thơ dại nhưng may mắn được ông bà chăm sóc. Giờ đây, khi chị trở về thì bố mẹ đã khuất núi, không thể báo hiếu được nữa.
Thấy chị gái đang sửa soạn để đi chợ buổi chiều, bà Hồ Thị Hoa (SN 1969), trú phường Mai Hùng, TX.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An nhanh tay phụ giúp. Đây là công việc ưa thích của người phụ nữ này trong mấy tháng qua, khi được giải cứu trở về sau 20 năm bị bán sang Trung Quốc.
Kể lại ký ức năm 29 tuổi ly hôn chồng, mang 2 đứa con 13 tuổi và 9 tuổi nhà chị gái Hồ Thị Đào (SN 1965) nhờ chăm sóc để đi rửa bát thuê ở Thanh Hóa, bà Hoa cho biết đã bị người phụ nữ quen biết lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông lớn tuổi.
Sau nhiều lần van xin khóc lóc và bị đánh đập “thừa sống thiếu chết”, biết không thể trốn chạy, bà Hoa đành cắn răng chịu đựng, chấp nhận làm vợ xứ người. Quá trình sinh sống, người phụ nữ này sinh được 5 người con (2 trai và 3 gái). Điều oái oăm là chồng và gia đình nhà chồng không cho bà tiếp xúc, gần gũi con. Bà kể, cứ sinh con chừng một tháng là họ tách rời con ra khỏi mẹ với mục đích không cho bà chạy trốn, thậm chí còn bị cấm nói tiếng Việt trước mặt các con.
Sau 18 năm chung sống, bà Hoa lâm bệnh nặng, da vàng, mặt phù, người mệt mỏi. Lúc này, gã chồng đã nhẫn tâm vứt bà ra đường. Trong 2 năm sống cảnh đầu đường xó chợ, bà Hoa chỉ biết ăn xin, nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Đêm về, bà chọn gầm cầu làm nơi ngả lưng. Không ít lần người phụ nữ này bị kẻ xấu đánh đuổi.
May mắn sau đó, bà gặp được một người phụ nữ tên Hải, trú huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Chị Hải vốn là dân buôn bán, thường đi lại giữa hai nước nên vô tình biết đến hoàn cảnh của bà Hoa. Người phụ nữ này đã đăng hình ảnh kèm thông tin cá nhân về trường hợp bà Hoa lên mạng xã hội Facebook nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người thân.
Điều kỳ diệu cuối cùng đã đến, khi thấy ảnh em gái thì bà Hồ Thị Đào lập tức nhận ra dù nhiều năm trôi qua và dung nhan cả bà Hoa cũng đã thay đổi. Ngày 17/12/2018, bà Hoa được người phụ nữ tên Hải đưa về đến Việt Nam trong sự ngóng chờ của 2 cậu con trai. Cuộc gặp gỡ đầy nước mắt giữa 3 mẹ con sau bao nhiêu năm xa cách khiến ai cũng xúc động.
Vậy nhưng, hoàn cảnh nơi xứ người của bà Hồ Thị Hoa vẫn chưa kinh khủng bằng cuộc sống “địa ngục trần gian” trong quá khứ của chị Lê Thị Lới (SN 1979), trú tại xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Bây giờ thấy người lạ đến nhà, chị Lới lập tức chạy đến bên người chị dâu Đinh Thị Bình (SN 1964) lẩn trốn. Mặc dù gần một năm trở về quê hương nhưng chị Lới vẫn luôn sống khép mình trong sợ hãi và chưa thể hòa nhập cộng đồng.
Xuất thân từ cô gái xinh xắn trong làng song năm 18 tuổi Lới bị người yêu “quất ngựa truy phong” bỏ mặc chị với cái bầu trong bụng. Sau đó một người đàn ông đã qua một lần đò cùng xã đã ngỏ ý hỏi cưới rồi đưa 2 mẹ con về nhà chăm sóc. Cứ nghĩ từ nay cuộc đời của Lới sẽ có chỗ nương tựa, nào ngờ được một thời gian ngắn, người đàn ông này đã đưa 2 mẹ con Lới trả về cho gia đình không một lý do.
Năm 2010, Lới đưa cô con gái ra thị trấn Anh Sơn giúp việc cho một gia đình người quen để kiếm tiền. Nhưng chỉ sau một thời gian, cả hai mẹ con bỗng mất tích. Qua điều tra của công an, gia đình mới biết cả 2 mẹ con đã đi theo một người phụ nữ sang Trung Quốc.
Nhiều năm trôi qua, ngày 9/12/2017, chị Lới bất ngờ được một người đàn ông quê Vĩnh Phúc đưa về nhà. Lúc này, mẹ già đã mất, vợ chồng bà Bình đón người em lưu lạc này về chăm sóc. Thế nhưng, lúc này chị Lới đã trở thành con người khác, nói năng không bình thường, vui, buồn bất chợt, gần như không nhớ được ai nữa. Nhìn người đàn bà một thời xuân sắc cười nói ngây ngô, bà Bình chỉ biết ôm chầm lấy em mà khóc nức nở.
Từ một cô gái xinh đẹp năm nào, giờ đây chị Lới đã thành người phụ nữ 39 tuổi hóa điên, sống khép mình trong sợ hãi. “Nhiều lần tôi hỏi chuyện nhưng Lới chỉ nói những điều khó hiểu. Chỉ biết rằng khi bị bán sang Trung Quốc, Lới phải sống với một người đàn ông hơn cả chục tuổi. Trong quãng thời gian 7 năm, Lới có sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái”, bà Bình kể.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đức Sơn xác nhận, sau 7 năm trở về từ Trung Quốc, do chị Lới không có nhà cửa, tinh thần không được minh mẫn nên đang được người anh ruột chăm sóc. Trước mắt, Hội Phụ nữ xã chu cấp khoảng 20kg gạo/tháng cho chị Lới đến hết năm nay. Do chị Lới chưa có giấy tờ giám định của bệnh viện chứng nhận thuộc diện người tàn tật hay bệnh tâm thần nên chưa được hưởng chế độ trợ cấp xã hội.
Nhìn chị Lô Thị May (SN 1998) trú xã Yên Thắng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, không ai nghĩ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn này đã có tới 7 năm sống trong sóng gió. Bị bán làm vợ xứ người vào năm 13 tuổi với giá 60 triệu đồng, bị sẩy thai, bị chồng đánh đập tàn nhẫn ngay cả khi đã sinh được con trai,… dường như mọi bi kịch của cuộc đời đều đổ dồn vào, xô đẩy, cưỡng ép chị.
Kể chuyện con gái mình trong sự xót xa, ông Lô Văn Hiền (SN 1975, bố chị May) cho biết: “Có thời điểm, gia đình tôi cứ nghĩ rằng sẽ không bao giờ được gặp con gái nữa. Chúng tôi đã tìm con ròng rã hơn 7 năm nay, nhưng chẳng nghĩ rằng cháu bị bán sang Trung Quốc rồi trở về như thế này. Đây là điều kỳ diệu mà gia đình có được”.
Sau 7 năm khốn khổ tủi nhục, giờ đây hạnh phúc đã mỉm cười với chị May khi được anh Điền Giang, trú tại tỉnh Quế Châu, Trung Quốc phát hiện, cưu mang nơi đất khách quê người và là người chồng hiện tại của chị. Hiện May đang mang thai với người chồng này vì vậy, sau khi làm xong giấy tờ thì em sẽ quay trở lại Trung Quốc với chồng.
Câu chuyện của May như thứ ánh sang le lói cuối đường hầm của những số phận cô dâu Việt hết sức bi thảm. Thật ấm lòng vì sau khi trải qua song gió, một số cô dâu Việt đã tìm được hạnh phúc an ủi phần đời còn lại. Và Y Vy (SN 1999) trú xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng là một cảnh đời như vậy.
Sinh ra trong một gia đình ở bản làng heo hút vùng biên giới xứ Nghệ, dù nhà đông con nhưng Vy vẫn được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Không phụ lòng gia đình, em cố gắng học tập và thi đỗ trường THPT huyện trong khi các bạn cùng trang lứa ở nhà lấy chồng sinh con.
Do trường cách nhà gần 70 km nên em phải ở trọ. Để tiện liên lạc với con gái, người bố đã sắm cho em chiếc điện thoại di động, không ngờ rằng đó chính là khởi nguồn cho bi kịch cho cô gái nhỏ thiếu hiểu biết. Xa nhà, Vy thường xuyên sử dụng điện thoại để giao lưu kết bạn. Qua mạng xã hội, cô gái tuổi mới lớn quen biết một chàng trai người Mông, đã giấu gia đình, thầy cô, một mình bắt xe ra Bắc gặp người tình. Tuy nhiên, người yêu đâu chưa thấy, cô gái trẻ đã bị kẻ lạ đưa sang Trung Quốc. Tại đây, sơn nữ này bị đánh đập, ép buộc lấy người đàn ông bản địa.
Ngày trở về, Vy ôm chầm lấy người thân khóc nức nở. Cuộc trùng phùng như chuyện cổ tích đã khiến cho tất cả mọi người đều vỡ òa, không có ngôn từ nào có thể diễn tả được sự sung sướng của gia đình khi thấy con gái lành lặn trở về. Mới đây, sơn nữ này đã kết hôn với chàng trai ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn. Cô gái trẻ tâm sự, trải qua quãng thời gian khổ cực, tủi nhục ở xứ người, việc được ở cùng gia đình, người thân là điều hạnh phúc nhất.