sông Tô Lịch

Là một nhánh của sông Hồng, sông Tô Lịch từng là con sông thơ mộng bậc nhất chảy giữa lòng Hà Nội xưa. Ấy vậy mà, con sông đã từng là biểu tượng Thủ đô, luồn lách tới mọi ngóc ngách thành phố, giờ đây chỉ là một dòng sông “chết". Nếu chúng ta tin thiên nhiên cũng có tâm tư, tình cảm giống như con người, thì chắc hẳn, những dòng sông ô nhiễm như Tô Lịch đang bị chôn vùi cùng những câu hỏi chưa có hồi đáp...

sông Tô Lịch

“Chết" ở đây, không phải đã bị lãng quên, mà bởi ô nhiễm đã quá nặng nề, nước chẳng thể trong xanh trở lại, từng là ký ức đẹp của thời ông, thời bà chúng ta, nhưng biểu cảm giờ đây dành cho con sông này chỉ là những cái nhăn mặt, vội đưa tay che mũi mỗi lần chợt ngang qua.

Nhưng đó là biểu cảm của những người qua đường, không sống gần khu vực có sông ô nhiễm. Liệu người dân sống dọc con sông này có “sống đâu quen đó" và thấy bình thường với điều này?

sông Tô Lịch

“Trước đây sông này trong lắm. Chỉ có bèo, rau xanh ngắt, còn trồng được thả rau muống đầy sông, tôm cá cũng nhảy tanh tách. Cháu không biết đâu, chính bác đã từng giặt chiếu nuôi rau ở đây đấy", bà N.T.Đ (68 tuổi) sống tại quận Thanh Xuân, nơi sông Tô Lịch chảy qua kể với Người Đưa Tin.

Nhưng đó là câu chuyện của 50 năm về trước, khi bà Đ. bắt đầu từ quê lên Hà Nội sinh sống. Tới giờ, nhà bà vẫn ở đó, nhưng mọi thứ xung quanh đã thay đổi nhiều. Chia sẻ với chúng tôi, tôi nhận ra trong câu chuyện của bà không chỉ có mỗi sự tiếc nuối, mà đâu đó còn chất chứa bức xúc.

Theo lời kể của bà Đ., ngày xưa sông Tô Lịch không có mùi và rất trong sạch, chỉ khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi người dân ở mọi nơi về đổ về, ngày càng có nhiều chung cư cao tầng mọc lên, hệ thống nước thải lại được xả thẳng xuống sông, nên Tô Lịch ngày một trở nên hôi thối.

sông Tô Lịch

“Bình thường mùi đã hôi rồi, đặc biệt là mùa nắng nóng, nước cạn, hay mùa nồm ở Hà Nội, thì mùi hôi thối bốc lên đến mức nhức đầu. Cửa nhà có đóng chặt cả ngày cũng không ăn thua", bà Đ. cho biết.

Nhưng ngày nào có mưa xuống, nước đầy lên thì sẽ đỡ hôi hơn một chút, con người cũng cảm thấy dễ chịu hơn. Người ta có câu: “Đi qua ngày mưa, mới yêu thêm những ngày nắng", còn với trường hợp những người dân sống quanh sông ô nhiễm thì có lẽ câu nói này cần phải đảo ngược lại.

sông Tô Lịch

Đúng vậy, đã có lúc sông Tô đẹp như những áng thơ, áng văn, tới mức ngay cả nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cũng từng phải thốt lên đầy tiếc nuối: “Khi đi trên con sông này, tôi nhìn ngắm mọi thứ như hiện về trước mắt. Thật đáng tiếc khi mà con sông lịch sử, con sông văn hóa mà đang chết dần, không có ai dang tay cứu vãn. Biến nó thành con sông như ngày xưa, để cho phong cảnh Hà Nội hữu tình hơn”.

Bởi cái tên Hà Nội nghĩa là "thành phố trong sông", không chỉ có sông Hồng, Hà Nội còn có Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ. Tuy nhiên, giống như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu cũng đang lâm vào cảnh ô nhiễm, chết dần do không có dòng chảy.

sông Tô Lịch

Tuy nhiên, nhìn theo hướng khách quan, những năm vừa qua, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án kết hợp với các doanh nghiệp từ Đức, Nhật Bản nhằm “hồi sinh” sông Tô Lịch, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực để thay đổi diện mạo dòng sông. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tất cả vẫn giậm chân tại chỗ.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở sông Tô Lịch, mà là câu chuyện của cả hệ thống sông nội đô, tất cả đều đang gặp tình trạng ô nhiễm nặng nề, và “bốc mùi nhức óc" trong những ngày hè nắng nóng này.

sông Tô Lịch

Trả lời với Người Đưa Tin về nguyên nhân cho tình trạng này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, một trong những nguyên nhân chính mà ta nhìn nhận ra là hệ thống thoát nước thải chưa được tách biệt rõ ràng.

Hiện những sông ở Hà Nội hay một số kênh đều là nơi thoát của nước thải, nhưng không được xử lý. Thậm chí, chỗ truyền dẫn có khi còn gắn kết với sông hở chứ không phải hệ thống đường cống ngầm, nên gây ra hiện tượng ô nhiễm nặng nề.

sông Tô Lịch

Mặt khác, bản thân các mặt sông, hồ, diện tích mặt nước nói chung có những nơi được gìn giữ cẩn thận nhưng không ít nơi bị ô nhiễm bởi rác thải và khí thải. Kể cả những sông hồ ở trung tâm cũng đều xảy ra hiện tượng như thế. Đây là nguyên nhân do ý thức của người dân, vấn đề mà các sông như Tô Lịch, Kim Ngưu gặp phải.

Với những nguyên nhân này, hệ thống thoát nước của chúng ta đã có những lần đưa ra những quy hoạch để đưa ra khu vực tập trung xử lý nước thải nhưng tiến độ còn chậm hoặc không thể tiếp tục triển khai.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần phân tích rõ cả ở góc độ khách quan, các con sông khác ở Hà Nội gặp cảnh ô nhiễm, đều có liên quan đến sự phát triển đô thị, mặt khác cũng do tình trạng hạ thấp mực nước sông Hồng, nên các sông nội địa cũng như các công trình thuỷ lợi không lấy được nước, từ đó, vấn đề ô nhiễm xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

sông Tô Lịch

Theo đó, đi sâu vào nguyên nhân hạ thấp mực nước sông Hồng, chủ yếu liên quan đến phù sa tại các hồ thượng nguồn, cộng thêm nhu cầu khai thác cát gia tăng, làm cho cùng một cấp lưu lượng nhưng mực nước bị hạ thấp nhiều.

Ông cho biết, hiện nay, mực nước ở Sơn Tây đã hạ khoảng 2,5m so với cùng cấp lưu lượng từ năm 1990 trở về trước. Theo dự báo, thì trong khoảng 10 năm tới, mức này còn hạ thêm 1m nữa, do đó, tác động đến các sông nội thành có lẽ sẽ tăng lên nếu chưa tìm ra giải pháp giải quyết.

sông Tô Lịch

Biết ý thức người dân là một trong những nguyên nhân lớn, nhưng bà Đ.T.H (75 tuổi, Thanh Xuân) cho biết, một số hộ gia đình đã có ý thức thay đổi cách sinh hoạt của mình, bảo vệ môi trường xung quanh hơn. Song, hành động gây ô nhiễm cho sông vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là ở khu vực chợ cóc, hàng ăn, quán ăn dọc hai bờ sông, đồ thải, thừa, sau mỗi lần họp chợ, mỗi tốp khách đều được “thẳng tay" hất xuống sông.

“Một người dọn, mười người bày, thì tới bao giờ mới có thể sạch sẽ được?”, bà H tự hỏi.

Ý thức người dân là điều khó có thể thay đổi được trong ngày một ngày hai, lỡ như 10 năm nữa, tình trạng vẫn thế này, liệu họ còn có thể trông chờ vào điều gì?

img

Về vấn đề này, bà H. chia sẻ thêm: “Trong trường hợp cỡ 10 năm nữa vẫn không có sự quyết liệt làm giảm được sự ô nhiễm này, chúng tôi cũng đành chịu, hoặc lúc đó già đi, có thể sẽ tính đến việc về quê. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng có thể thấy dòng sông được “sống lại" một lần nữa”.

Người già còn có thể tính đến nước về quê sinh sống, nhưng những người trẻ như chị T.T.H (30 tuổi), mới lên Hà Nội lập nghiệp bằng một cửa hàng thuốc nhỏ và sinh con được vài năm, sao có thể đi đâu được. Chị vẫn sẽ tiếp tục ở căn nhà thuê ven sông này để tiện kinh doanh và nuôi con nhỏ, dù biết rằng môi trường sống ô nhiễm đang từng ngày bào mòn sức khoẻ của chính mình và gia đình.

“Chỉ mong sớm có dự án cải thiện vấn đề này, cho người dân chúng tôi có thể yên tâm làm ăn, sinh hoạt thoải mái", chị H. bộc bạch.

sông Tô Lịch

Lắng nghe những ý kiến này, TS. Nghiêm cho biết việc cải tạo lại, làm trong sạch những dòng sông như Tô Lịch, cũng như các dòng sông nội đô là việc phải làm. Bởi, các dòng sông này là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm, không chỉ là môi trường sống mà còn là ô nhiễm không khí cho người dân xung quanh.

Mặt khác, một vấn đề nữa đặt ra là lợi thế cảnh quan thiên nhiên không được khai thác đúng để phát triển tiềm năng kinh tế. Đặc biệt khi biết cách khai thác hợp lý dòng sông kết hợp bảo tồn phát huy giá trị còn tạo ra đặc trưng cho thủ đô. Nó sẽ tạo ra sự hấp dẫn mới với du lịch, kinh tế đô thị.

Giống như câu chuyện về Dự án cải tạo con suối nổi tiếng Cheonggyecheon (Seoul, Hàn Quốc). Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên) là một con suối dài khoảng 8,4 km chảy từ phía tây sang phía đông qua trung tâm thủ đô Seoul (Hàn Quốc), sau đó hòa vào phụ lưu Jungnangcheon của sông Hán.

sông Tô Lịch

Trong vòng 20 năm kể từ năm 1958, Cheonggyecheon được lấp bằng bê tông; một con đường trên cao dài 5,6km được xây dựng trên khu vực này vào năm 1968. Vào tháng 7/2003, thị trưởng Seoul vào lúc đó là ông Lee Myung-bak đã khởi xướng dự án phục hồi con suối này.

Theo đó, Dự án có mục tiêu xóa bỏ con đường trên cao, phục hồi lại dòng suối và tạo cảnh quan sinh thái xung quanh khu vực, với ý nghĩa rộng hơn là khuyến khích quy hoạch đô thị thân thiện với môi trường và chấn hưng nền kinh tế của Seoul.

Để thực hiện dự án, 3 cơ quan lớn đã được thành lập - Ban Chỉ đạo Dự án Phục hồi Cheonggyecheon, Ủy ban Công dân Dự án Phục hồi Cheonggyecheon, và Đội Nghiên cứu Phục hồi Cheonggyecheon. Các cơ quan này đã phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp điều hướng giao thông, bào toàn bản sắc môi trường và văn hóa của khu vực, đồng thời khuyến khích phát triển hạ tầng cho người đi bộ trong khu vực.

img

Tổng kinh phí của dự án là trên 380 tỷ Won (345.2 triệu USD). Khu vực suối Cheonggyecheon chính thức được mở cửa lại cho công chúng vào tháng 9/2005 và trở thành một không gian công cộng xanh thu hút nhiều người dân địa phương và khách du lịch thăm quan, dạo chơi.

Không chỉ vậy, dự án này còn giúp tăng mức đa dạng sinh học và giảm nhiệt độ trung bình trong khu vực xuống 3,6 độ C so với các khu vực khác của Seoul.

sông Tô Lịch

Thực tế cho thấy, các dự án hay đóng góp ý kiến để “hồi sinh" nhưng dòng sông ô nhiễm như Tô Lịch là không thiếu. Song, xét ở góc độ quy hoạch đô thị, TS. Nghiêm cho rằng cần dựa trên 3 yếu tố cốt lõi.

Thứ nhất, hệ thống sông hồ của Hà Nội kết nối với các tỉnh thành và tạo thành một hệ thống bởi thế giải pháp nào để chống ô nhiễm cần phải nghiên cứu trên quy hoạch của ngành, quốc gia và của vùng. Đây là vấn đề còn tồn tại.

Thứ hai, khi đưa ra các giải pháp cần có một lộ trình, đồng thời có liên kết giữa các tỉnh thành với nhau.

Thứ ba, là có giải pháp huy động về nguồn lực.

sông Tô Lịch

Mặt khác, hiện tại hệ thống sông của Hà Nội đang liên kết với tất cả các tỉnh xung quanh. Quy hoạch vùng thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trọng điểm kinh tế có đề cập đến ý nghĩa, nguyên tắc chung, nhưng lại chưa có nghiên cứu cụ thể nào. Còn chưa kể đến vấn đề biến đổi khí hậu, có tác động rất lớn nhưng chúng ta chưa cập nhật kịp thời để đề xuất giải quyết.

Thêm nữa, riêng với Hà Nội trong khu nội đô, có vấn đề là hệ thống sông, hồ, mặt nước, kênh, mương là sự tồn tại của lịch sử để lại hơn 100 năm nay. Khi nghiên cứu sẽ vướng vào việc giải phóng mặt bằng về quyền, kế hoạch sử dụng đất, không gian công cộng vì vậy càng đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt hơn, nếu không sẽ không thể đồng bộ được.

Từ đó, TS. Nghiêm bày tỏ hy vọng, để bảo tồn hệ thống sông ngòi là phải hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo dựng sự đồng bộ về cơ sở pháp lý, xây dựng các chính sách tạo điều kiện.

Ông cho biết, chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi Luật thủ đô (LTĐ), Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị ban hành đầu tháng 5, nhằm tạo điều kiện hoàn thiện sửa đổi Luật Thủ đô. Trong Luật Thủ đô qua các nghiên cứu đề xuất tới 16 chính sách đặc thù, đồng thời hoàn thiện thêm thời gian tới sẽ tạo nguồn lực, sự hấp dẫn cho Hà Nội.

img

Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch mới cũng đang được nghiên cứu: tích hợp nhiều ngành giai đoạn 2021-2030, hy vọng đầu 2023 sẽ có quy hoạch mới, thuận tiện cho ng sử dụng, tích hợp lĩnh vực lợi ích các ngành, không chỉ quy hoạch từng ngành như đã làm.

Nếu xét về tính chất để xử lý các vấn đề về tài nguyên nước, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam, GS.TS Học đưa ra ý kiến, để phát triển bền vững, hướng tới tương lai môi trường trong sạch thì ta buộc phải có những giải pháp tổng thể để xử lý vấn đề ô nhiễm ở các con sông, con kênh, công trình thuỷ lợi trên địa bàn thành phố.

Trước đây, việc làm sạch nước sông Tô Lịch đã có dự án Nhật Bản đang làm dở dang, hiện tại lại dừng, nhưng đó cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, dứt khoát phải tách được nguồn nước mưa và nguồn nước thải, bao gồm cả nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.

“Hai loại nước thải này, bắt buộc phải được tách riêng với nguồn nước mưa thì mới có thể có hướng xử lý tiếp theo. Không có cách nào khác", ông Học nhấn mạnh.

sông Tô Lịch

Giống như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở Tp.HCM đã triển khai và thu được thành quả rất khả quan. Do đó, nếu cứ mãi gộp chung thì không bao giờ xử lý triệt để được, bởi nguyên nhân khác, yếu tố thời tiết miền Bắc thay đổi liên tục, vào mùa mưa thì lượng nước mưa vô cùng nhiều, mùa khô thì lại quá nắng nóng.

Ông giải thích thêm vì sao cần chú ý đến yếu tố thời tiết, bởi để xử lý nguồn nước, cần rất nhiều công nghệ tiên tiến, trong đó, việc sử dụng vi sinh vật là rất quan trọng. Tuy nhiên, bài toán khó đặt ra là vi sinh vật sẽ chết hết khi gặp mưa lớn. Vậy nên, đúc kết lại vẫn là tách các nguồn nước độc lập vẫn là việc nên làm trước tiên, sau đó, xử lý nước thải bằng các công nghệ tiên tiến.

Còn xét về việc phải làm ngay trước mắt để hạn chế ô nhiễm đồng thời đảm bảo cho các hoạt động sản xuất của người dân, thì phải làm cho tất cả sông nội địa, cũng như các công trình thuỷ lợi lấy nước từ sông Hồng, sông Đà có thể lấy nước chủ động trong mọi thời gian.

sông Tô Lịch

Bởi ở thời điểm hiện tại, hầu hết các sông nội địa và công trình thuỷ lợi đều đang gặp khó khăn trong việc lấy nước từ những con sông lớn, có thể kể đến ví dụ như: trạm bơm Sơn Hà, cống Liên Mạc, sông Đáy, công trình thuỷ nông Bắc Hưng Hải,... Từ đó, tạo ra một sức ép rất lớn lên môi trường của Đồng bằng sông Hồng.

Đó là về mặt khoa học, còn khi xét trên khía cạnh văn hoá - giải trí, một doanh nghiệp đã từng đưa ra Đề án quy hoạch "Xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh" vào cuối năm 2021 và đoạt giải thưởng cao.

Theo đó, công trình sẽ được chia không gian mặt nước theo vùng mực nước nông và mực nước sâu. Từ đó, trong tổng số 18 Thời/Thời đại/Triều đại tái hiện chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc ta, sẽ được chia ra làm 2 vùng với mục đích sử dụng không gian mặt nước khác nhau.

img

Với ý tưởng để lòng sông tự nhiên, sẽ được áp dụng Công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để xử lý tận gốc triệt để mùi hôi, phân hủy tầng bùn đáy, xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ, diệt các vi khuẩn có hại đã và đang tồn tại trong lòng sông Tô Lịch và duy trì môi trường trong sạch, không còn bốc mùi hôi thối đảm bảo cảnh quan Công viên.

Bên cạnh đó, có kết hợp với Dự án thu gom nước thải bằng hệ thống cống bao dọc sông Tô Lịch đưa về Nhà máy XLNT Yên Xá và Dự án cấp nước bổ cập cho sông mà thành phố Hà Nội đã và đang triển khai để tránh chồng chéo, lãng phí chi phí đầu tư.

sông Tô Lịch
sông Tô Lịch

Độc đáo hơn cả, hàng loạt phù điêu sẽ được trưng bày dọc suốt chiều dài hai bên Công viên, trong đó sẽ bao gồm đủ các ảnh về các Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di chỉ khảo cổ, Bảo vật Quốc gia sẽ được minh họa trên phù điêu ở dọc mỗi Thời/Thời đại/Triều đại.

Từ đó, khi dạo chơi ở Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch, du khách có thể ngắm nhìn các thực thể và ghi nhớ thông tin về lịch sử, văn hoá. Quan trọng, Công viên là nguồn tư liệu phong phú phản ánh các giai đoạn lịch sử dưới các Triều đại/Thời đại, sẽ là nơi mà các trường học có thể tổ chức các buổi đi học thực tế về lịch sử các triều đại suốt chiều dài lịch sử dân tộc, và các em học sinh sẽ cảm thấy yêu môn Lịch sử hơn, hiểu và nhớ hơn việc chỉ học qua sách vở, cảm giác gần gũi hơn.

sông Tô Lịch

Tạm kết, chuyện sông Tô chỉ là một mảng trong bức tranh môi trường toàn thành phố. Nhiều năm qua, các cấp, ban ngành và cả doanh nghiệp, người dân cũng đã có những nỗ lực để góp phần cứu vớt dòng sông trong xanh một thời, từ xây dựng bờ kè, nạo vét thường xuyên, trồng cây hay đơn giản hơn nữa là tuyên truyền việc bảo vệ môi trường hai bên bờ sông, hạn chế rác thải...

Tuy vậy, trước mắt vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải bàn và hơn hết ở bất kỳ giai đoạn nào, cũng cần có sự đồng lòng, chung tay của tất cả chúng ta. Cùng nhau quyết tâm lấy lại những điều tưởng chừng như đã quá muộn - những mảnh ghép Thủ đô được Mẹ Thiên nhiên ban tặng.

NGUOIDUATIN.VN |

% include googleAnalystic %>