Trong năm qua, nền kinh tế Mỹ giành được một chiến thắng “nho nhỏ” khi vượt qua mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm mà không rơi vào suy thoái. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đã hoàn thành nhiệm vụ khi đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới tới gần với một cú “hạ cánh mềm” hơn bao giờ hết.
“Những gì chúng ta đang có trông giống như một cú hạ cánh mềm với những kết quả rất tốt cho nền kinh tế Mỹ”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một sự kiện của Bloomberg hồi cuối năm ngoái.
Bất chấp lãi suất cao hơn, người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu đủ để giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Ảnh Getty Images
Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn hiện nay, không thể nói trước điều gì. Mặc dù Fed đã ra tín hiệu về 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, nhưng mức cắt giảm là nhỏ hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia và thị trường. Do đó, việc lãi suất duy trì ở mức cao trong lịch sử vẫn gây lo lắng, và nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ có khả năng chỉ bị trì hoãn chứ không biến mất.
Bất chấp tình hình chung không chắc chắn và điều kiện thị trường biến động trong suốt năm qua, các chuyên gia và các nhà phân tích trong ngành đều đồng ý: Nền kinh tế Mỹ đã hoạt động tốt hơn mong đợi vào năm 2023.
Nền kinh tế số 1 thế giới chứng kiến lạm phát giảm trở lại mức trước đại dịch mà không rơi vào tình trạng suy thoái, và do đó không phải chịu bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về tỉ lệ thất nghiệp. Nói cách khác, đó là một cú “hạ cánh mềm”.
Tổng thống Mỹ Biden phát biểu tại nhà máy của CS Wind ở Pueblo, Colorado, ngày 29.11.2023. Ảnh Getty Images
“Hạ cánh mềm” tương đương với “khoảnh khắc Goldilocks” đối với các Ngân hàng Trung ương: Sau khi siết chặt chính sách, nền kinh tế ở mức vừa phải - không quá nóng (lạm phát) cũng không quá lạnh (rơi vào suy thoái), theo các chuyên gia Sam Boocker và David Wessel của viện nghiên cứu chính sách Brookings Institute có trụ sở tại Washington DC.
“Goldilocks” là từ được sử dụng để mô tả một tình huống vừa phải, mọi thứ đều ở vào chỗ của nó. Những dấu hiệu của một “khoảnh khắc Goldilocks” có ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ, ông Neil Dutta, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Renaissance Macro Research có trụ sở tại New York, nhận định.
Theo ông Dutta, ví dụ rõ ràng nhất là lạm phát đã chậm lại, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi – thước đo lạm phát được sử dụng rộng rãi, không bao gồm các hạng mục dễ biến động như chi phí thực phẩm và giá năng lượng – đã giảm xuống quanh mốc 3% từ mức tăng đột biến 9,1% hồi tháng 6/2022.
Bức tượng đồng “Charging Bull” mang tính biểu tượng của Phố Wall, New York, Mỹ. Ảnh The Telegraph
“Vẫn còn rất nhiều áp lực giảm phát trong hệ thống”, bà Sarah House, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo Economics, cho biết. Bà House đồng thời dự báo rằng điều này có thể sẽ khiến lạm phát thậm chí còn thấp hơn vào năm 2024.
Một tín hiệu tích cực khác đến từ năng suất lao động – đo lường sản lượng của một người trong vòng một giờ. Tăng trưởng năng suất tăng lên đáng kể trong quý III năm ngoái và đạt mức không suy thoái cao nhất kể từ năm 2003 và dường như đang tăng trưởng phù hợp với xu hướng trước đại dịch.
Sự tăng trưởng về số giờ làm việc của người lao động đã chậm lại, nhưng sản lượng vẫn ổn định, có nghĩa là người Mỹ đang hoàn thành được nhiều việc hơn trong thời gian ngắn hơn. Sự bùng nổ năng suất này có nghĩa là khi người lao động làm việc hiệu quả hơn, các doanh nghiệp có thể tăng lương cho nhân viên mà không cần phải chuyển chi phí lao động tăng lên đó sang người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC, Mỹ. Ảnh Lonely Planet
Trong 3 tháng cuối năm 2023, thu nhập trung bình mỗi giờ của tất cả nhân viên đã tăng 3,2% – một con số đáng khích lệ đối với người lao động Mỹ và nhìn chung phù hợp với mục tiêu lạm phát dài hạn của Fed.
“Nói chung, thị trường việc làm đang góp phần đưa chúng ta hạ cánh nhẹ nhàng”, ông Daniel Zhao, chuyên gia kinh tế trưởng tại trang xếp hạng việc làm Glassdoor, cho biết.
Tuy nhiên, các con số được báo cáo chắc chắn không thể xóa bỏ cảm giác dai dẳng rằng nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn. Nỗi sợ hãi chủ yếu xuất phát từ lo ngại rằng chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed vẫn chưa thể hiện đầy đủ “lợi hại” và nguy cơ về một cuộc suy thoái vẫn rình rập.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo sau cuộc họp kín về chính sách lãi suất, ở Washington DC, ngày 13.12.2023. Ảnh CNBC
“Điều không chắc chắn lớn nhất đối với thị trường lao động vào năm 2024 là liệu tăng trưởng việc làm có chậm lại với tốc độ bền vững hơn, hay liệu nền kinh tế có chuyển từ tăng việc làm hàng tháng sang mất việc làm hàng tháng hay không. Điều trước sẽ phù hợp với kịch bản hạ cánh mềm của Fed, trong khi điều sau có nghĩa là suy thoái”, ông Gus Faucher, chuyên gia kinh tế trưởng tại PNC Financial Services, cho biết.
Mặc dù không có định nghĩa chính thức, các nhà kinh tế thường coi ít nhất 2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng GDP âm là suy thoái. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) Mỹ mô tả điều này rộng hơn một chút: “Suy thoái liên quan đến sự suy giảm đáng kể về hoạt động kinh tế trải rộng khắp nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng”.
Thị trường việc làm mạnh mẽ góp phần đưa nền kinh tế Mỹ tới một cú “hạ cánh mềm”. Ảnh Getty Images
Ngoài ra, theo ông Austan D. Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, trong khi Fed đã thành công trong việc giảm lạm phát, vẫn có sự khác biệt giữa dữ liệu kinh tế tích cực và cảm nhận của người dân về nền kinh tế.
Nhiều người Mỹ nói rằng họ cảm thấy nền kinh tế đang tồi tệ hoặc thậm chí khủng khiếp, nhưng đồng thời họ cũng thường lưu ý rằng tình hình tài chính cá nhân của họ vẫn tốt, ông Goolsbee cho biết.
Các nhà kinh tế cho rằng lý do chính khiến hầu hết người Mỹ có quan điểm ảm đạm về nền kinh tế – mặc dù tỉ lệ thất nghiệp rất thấp và việc làm ổn định – là do chi phí của những thứ họ mua thường xuyên, như sữa, thịt, bánh mì và các hàng tạp hóa khác… vẫn cao hơn rất nhiều so với thời điểm 3 năm trước. Nhiều mặt hàng trong số này vẫn đang ngày càng đắt hơn, mặc dù mức tăng giá là dần dần.
Có nhiều dự báo khác nhau về nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024. Trong khi nhiều chuyên gia dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,2% vào năm 2024, thì tổ chức Conference Board hoài nghi rằng “xứ cờ hoa” có thể duy trì tăng trưởng kinh tế với lãi suất cao như vậy.
Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận này dự báo mức tăng trưởng GDP chỉ là 0,8%, bao gồm một “cuộc suy thoái nông” trong nửa đầu năm. Điều đó nghĩa là sau khi mở rộng ở mức trên 2% vào năm 2023, tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm 2024 sẽ chậm lại đáng kể. Nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về khả năng xảy ra suy thoái ở nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Hầu hết người Mỹ có quan điểm ảm đạm về nền kinh tế vì giá các mặt hàng như trứng, sữa, thịt... vẫn cao hơn rất nhiều so với thời điểm 3 năm trước. Ảnh Thomas Insights
Trong các bình luận đầu tiên sau cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng mặc dù hài lòng với sự tiến triển của nền kinh tế nhưng ông vẫn chưa tuyên bố chiến thắng.
“Tôi nghĩ luôn có khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới và đó là khả năng rất có thể xảy ra bất kể nền kinh tế đang diễn biến ra sao”, ông Powell nói. “Chắc chắn có những rủi ro. Chắc chắn có khả năng nền kinh tế sẽ hành xử theo cách không mong đợi. Nó đã làm điều đó nhiều lần trong thời kỳ hậu đại dịch”.
Lần cuối cùng Ngân hàng Trung ương Mỹ thực hiện tăng lãi suất 25 điểm cơ bản là vào tháng 7 năm ngoái, sau khi tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản trong 11 cuộc họp từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023 để chống lại lạm phát cao nhất trong hơn 4 thập kỷ, và từ đó đến nay vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao lịch sử 5,25-5,5%/năm.
Một số nhà kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái sẽ diễn ra muộn hơn vào năm 2024. Các nhà phân tích tại PNC cho biết trong một ghi chú hồi tháng trước: “PNC dự kiến chi tiêu của người tiêu dùng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024 khi nền kinh tế Mỹ bước vào một cuộc suy thoái nhẹ. Lãi suất cao và tỉ lệ mất việc làm ở mức khiêm tốn sẽ khiến các hộ gia đình trở nên thận trọng hơn”.
Công ty quản lý đầu tư PIMCO ước tính khả năng Mỹ xảy ra suy thoái vào năm nay là 50%, trong khi Deutsche Bank (Đức) nhận thấy nguy cơ suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm. Trong số các công ty tư vấn khác, JP Morgan cũng lo ngại về một cuộc suy thoái vào năm nay.
Trái lại, Goldman Sachs nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế ở “xứ cờ hoa” trong năm 2024 là rất hạn chế. Thực tế, ngân hàng đầu tư lớn thứ hai thế giới tính theo doanh thu này nằm trong số những tổ chức lạc quan nhất về nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vào năm con Rồng.
Goldman Sachs nằm trong số những tổ chức lạc quan nhất về nền kinh tế Mỹ và toàn cầu năm 2024. Ảnh Fox Business
“Các nhà kinh tế của chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ lại vượt xa các quốc gia thị trường phát triển khác”, Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo cuối năm ngoái.
Nhưng tỉ lệ giữa đường cong lợi suất 10 năm và đường cong lợi suất 2 năm của trái phiếu Kho bạc Mỹ đã bị đảo ngược kể từ giữa năm 2022. Và trong lịch sử, đường cong lợi suất đảo ngược là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy khả năng xảy ra suy thoái. Theo đó, mô hình xác suất suy thoái của Fed chi nhánh New York cho thấy khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ là 56,12% vào tháng 9 năm nay.
Việc lãi suất được giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn cộng với các yếu tố khác sẽ “lên đỉnh” vào năm 2024, ông Vasu Menon, người đứng đầu chiến lược đầu tư của OCBC – một ngân hàng đa quốc gia của Singapore, cho biết.
Nền kinh tế Mỹ được dự đoán có thể tăng trưởng chậm lại hơn nữa vảo năm 2024 vì tác động tích lũy của việc thắt chặt tiền tệ vẫn chưa phát huy hết. Ảnh Techopedia
Ông Menon nói với Bloomberg rằng ông không dự đoán về một cuộc suy thoái nghiêm trọng, nhưng cho biết Mỹ có thể chứng kiến 2 quý tăng trưởng âm trước khi nền kinh tế phục hồi. “Trong ngắn hạn, các vị phải sẵn sàng cho nhiều biến động”, vị chuyên gia cảnh báo.
Trong khi ngày càng nhiều nhà kinh tế lạc quan về khả năng “hạ cánh mềm” vào năm 2024, thì vẫn có rất nhiều rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới. Rủi ro rõ ràng nhất mà Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã xác định là lạm phát. FOMC coi việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% là ưu tiên hàng đầu trong gần 2 năm qua.
Trong trường hợp lạm phát không có xu hướng giảm thấp hơn vào năm 2024, FOMC có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đáp trả bằng cách tăng lãi suất nhiều hơn nữa. Và điều đó sẽ gây thêm áp lực lên thu nhập của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, giảm chi tiêu và đầu tư, đồng thời làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Trong trường hợp lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm trong năm nay, FOMC vẫn sẽ cần thời gian để chuyển từ tăng lãi suất sang cắt giảm lãi suất một cách “hoàn hảo” để tránh lạm phát tái bùng phát hoặc tăng trưởng kinh tế giảm mạnh có thể dẫn đến suy thoái. Fed đang cố gắng khéo léo hành động để đạt được cú “hạ cánh mềm”, nhưng chỉ một chút sai lầm cũng có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào vòng xoáy suy thoái.
Fed đã đặt mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2_ là ưu tiên hàng đầu trong gần 2 năm qua. Ảnh PBS News
Áp lực tài chính như trả nợ khoản vay sinh viên, tăng lương chậm lại và nợ hộ gia đình gia tăng có thể tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng trong năm nay, nhất là khi người Mỹ đã “đốt” hết tiền tiết kiệm thời đại dịch của họ. Mức nợ thẻ tín dụng tăng cao khi lãi suất đã ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng.
Cuối cùng, rủi ro địa chính trị luôn là lá bài nguy hiểm đối với nền kinh tế. Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và bạo lực bùng phát giữa Israel và Hamas ở Trung Đông, có thể tác động đáng kể đến thị trường tài chính quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, năm nay là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại ngân hàng ANZ cho biết họ không kỳ vọng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng hoặc thiết lập chính sách vì Fed hoạt động độc lập và sẽ hành động khi thấy phù hợp.
Khách hàng mua sắm trong một cửa hàng của chuỗi siêu thị Target ở San Mateo, California, ngày 12.12.2023. Ảnh Xinhua
NGUOIDUATIN.VN |