Phát triển kinh tế số ở Việt Nam có tầm quan trọng lớn vì nó không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và cải thiện hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khan liên quan hạ tầng công nghệ nhân lực hay khung pháp lý để quản trị các dịch vụ số… Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam về vấn đề này.
NĐT: Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế quan trọng nhất. Ông nhận định thế nào về vai trò của kinh tế số đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Trước hết, cần phải khẳng định chuyển đổi số nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng hiện đã trở thành xu hướng chủ đạo trên phương diện toàn cầu. Đây cũng có thể coi là quá trình tất yếu mà mỗi một nền kinh tế phải thực hiện nếu không muốn bị tụt lại phía sau trong tiến trình phát triển chung của nhân loại.
Trong hơn một thập kỷ qua, kinh tế số đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, giao dịch và thanh toán trực tuyến, các dịch vụ nền tảng, chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình làm việc cũng như cung cấp các dịch vụ tiện ích, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và ứng dụng các công nghệ mới như blockchain và trí tuệ nhân tạo. Việt Nam cũng đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng các thiết bị số, công nghệ phần mềm trong khu vực và thế giới.
Nghiên cứu của Temasek International Pte đánh giá kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á khi ở vị trí đứng đầu trong năm 2022 và 2023. Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, kinh tế số của Việt Nam đóng góp 11,33% GDP năm 2023, ở mức cao so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan (12,1%), Indonesia (8,3%) và Philippines (6,9%), đứng sau Malaysia (23,1%) và Singapore (17,3%).
Vai trò quan trọng của chuyển đổi số và kinh tế số không chỉ thể hiện qua những con số, đây chính là nhân tố mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh phải ứng phó với đại dịch và những thách thức từ biến động kinh tế thế giới và cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các nền kinh tế.
Hơn nữa, phát triển kinh tế số cũng góp phần xây dựng nền tảng thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả và quản lý điều hành sản xuất để đạt được các mục tiêu phát triển.
NĐT: Trong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỉ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%. Theo ông, yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu trên là gì?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Yếu tố then chốt đầu tiên để đạt được mục tiêu trên là tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chất lượng. Công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng thời gian qua, nhưng sự phát triển còn chưa đồng đều ở những khu vực khác nhau, đặc biệt là khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Vì vậy, cần cải thiện và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, mở rộng phạm vi phủ sóng điện thoại di động và truy cập internet băng thông rộng. Đây là những nền tảng của kinh tế số, xã hội số, là những yếu tố tiên quyết trong việc thực hiện thành công Chiến lược quốc gia.
Hai là, xây dựng và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số. Môi trường pháp lý để phát triển kinh tế số vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển rất nhanh của kinh tế số. Nhiều vấn đề mới phát sinh gây lúng túng cho các cơ quan quản lý Nhà nước như quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp dân sự, bảo đảm lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh, thương mại trên môi trường số…
Ba là, tăng cường phối hợp liên ngành để xây dựng các cơ sở dữ liệu, quản lý và khai thác các hệ thống nhận dạng kỹ thuật số, xác minh danh tính hiệu quả và an toàn. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, hiện nay Bộ Công an đã hoàn thành việc cấp thẻ căn cước cho người dân và có cơ sở dữ liệu quản lý cư dân. Các bộ, ngành cũng có các cơ sở dữ liệu theo chuyên ngành quản lý.
Tuy nhiên việc chia sẻ và tạo lập cơ chế khai thác các cơ sở dữ liệu này còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả quản lý định danh số, cấp quyền truy cập cho tổ chức và cá nhân, cũng như đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể này khi tham gia các hoạt động kinh tế số.
Bốn là, bảo đảm an ninh mạng và bảo mật thông tin. Không gian mạng càng mở rộng, thách thức đối với an ninh mạng càng lớn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, các hành vi lừa đảo, tấn công mạng cũng ngày càng gia tăng. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh xây dựng và tăng cường hệ thống pháp luật, đặc biệt là định danh số và xác thực số cũng như các quy định có liên quan đến áp dụng công nghệ số trong những giao dịch có yếu tố quốc tế.
Năm là, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật số. Đảm bảo nguồn nhân lực kỹ thuật số là nhân tố quyết định để phát triển kinh tế số. Trong khi đó, nguồn nhân lực cho nền kinh tế số bao gồm các chuyên gia, người lao động có trình độ và kỹ năng công nghệ số và người dân có hiểu biết về kỹ năng số hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của kinh tế số.
Vì vậy, cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao về công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
NĐT: Để đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% vào GDP, cần có một kế hoạch triển khai chiến lược phát triển hợp lý. Theo ông, những bước đi cụ thể nào để thực hiện chiến lược này một cách có hiệu quả?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những thay đổi theo xu hướng xanh hóa, giảm phát thải các-bon, việc triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số sẽ lan tỏa hiệu quả hơn nếu như cập nhật sự phát triển của khoa học công nghệ và lồng ghép với xu hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.
Thứ nhất, việc phát triển đồng bộ khuôn khổ pháp lý, chính sách cho phát triển các ngành công nghiệp phần cứng, phần mềm, bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm dịch vụ và thông tin đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng kinh tế số.
Đầu tư cho việc số hóa và đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ số trong các quy trình tổ chức và quản lý sản xuất, hợp lý hóa hoạt động logistic và cung cấp dịch vụ thương mại, giao thông vận tải, du lịch… sẽ đạt được cả 2 mục tiêu, vừa đưa ra những sản phẩm, dịch vụ xanh đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, vừa giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế chất thải ra môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đạt mục tiêu net-zero vào năm 2050.
Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, đồng bộ các chính sách, khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân là rất cần thiết để triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư công trong các lĩnh vực then chốt thúc đẩy kinh tế số như hạ tầng viễn thông, năng lượng phát thải thấp, cơ sở dữ liệu công và dịch vụ công hiệu quả. Hạ tầng năng lượng đầy đủ, chất lượng là điều kiện tiên quyết để kinh tế số phát triển ổn định, trong đó chuyển dịch năng lượng sang phát thải thấp sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế số hội nhập thị trường thế giới nhanh và sâu hơn. Dịch vụ công với cơ sở dữ liệu công cũng là yếu tố quan trọng tạo cơ sở cho các dịch vụ xác thực dữ liệu, tăng cường an ninh mạng và củng cố lòng tin, bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế số.
Điểm cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh là yếu tố con người. Chuyển đổi số nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng đều phụ thuộc vào nhận thức và trình độ hiểu biết của cán bộ quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương, lãnh đạo quản trị doanh nghiệp và lực lượng lao động.
Phát triển kinh tế số luôn gắn liền với quá trình chuyển đổi mô hình và phương thức sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ, gắn liền với quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế, vì thế cần đẩy mạnh liên kết đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ quản lý, người lao động và người dân. Các chương trình đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực, chẳng hạn như Chương trình đào tạo 50.000 – 100.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn, sẽ là những sáng kiến quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế số hơn nữa.
NĐT: Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với rào cản trong quá trình chuyển đổi số như thiếu nhân lực, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu nguồn vốn… Vậy đâu là lời giải cho những bài toán khó trên, nhất là về nguồn vốn để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh chuyển đổi số?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Doanh nghiệp là động lực chính của việc phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành lõi như phần mềm, dịch vụ số, bên cạnh việc số hoá các ngành kinh tế do doanh nghiệp đang thực hiện. Ước tính Việt Nam có trên 70.000 doanh nghiệp công nghệ số năm 2023. Các doanh nghiệp số của Việt Nam trong các lĩnh vực như phần mềm đã có những thành công nhất định cả trong nước và quốc tế. Ước tính doanh thu xuất khẩu phần mềm khoảng 7,5 tỷ USD năm 2023.
Nhìn rộng ra công tác chuyển đổi số của toàn nền kinh tế, Việt Nam có tới 97% các doanh nghiệp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đóng góp trên 40% GDP và cung cấp việc làm cho 36% tổng lực lượng lao động. Tuy có vai trò quan trọng như vậy trong nền kinh tế, việc tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNVVN nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến chuyển đổi thiết bị, công nghệ.
Để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng số hóa, áp dụng công nghệ số, họ cần có đầy đủ các yếu tố như năng lực tiếp thu và quản trị công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Doanh nghiệp cần tiếp cận được các tri thức và năng lực phù hợp, bên cạnh nguồn vốn trong khả năng tài chính của mình.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể chuyển đối số hiệu quả, cần nâng cao hiệu quả chính sách và các gói hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là hỗ trợ về nhận thức, năng lực và quản trị cho các DNVVN chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng thương mại điện tử và công nghệ số, cũng như đào tạo nhân lực số cho các DNNVV, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Hiện nay vấn đề tiếp cận vốn của các DNVVN đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm và đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cả các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, với nhiều chính sách cụ thể như cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất, miễn giảm phí… đã đem lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chính sách để giải quyết các nút thắt trong tiếp cận vốn đối với các DNVVN cũng cần linh hoạt hơn vì các DNVVN có quy mô nhỏ thường thiếu tài sản đảm bảo hoặc có tài sản nhưng giá trị thấp để đảm bảo cho việc vay vốn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục các cải cách thể chế để khơi thông, thu hút nhiều hơn đầu tư từ các kênh huy động vốn khác như thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu để tránh tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn từ ngân hàng tạo ra những rủi ro đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào công nghệ số nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số, trong đó cần cải thiện chính sách thuế khuyến khích hoạt động đầu tư vào phát triển kinh tế số ở Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi chuyển đổi số, áp dựng công nghệ số.
NĐT: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!