Kể từ sau khi mở cửa vào năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới đối với một số mặt hàng.

Các tập đoàn gia đình mới chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong khoảng vài chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên chiếm vị trí trụ cột và đóng góp cho sự tăng trưởng của các ngành và nền kinh tế.

Những tên tuổi lớn như Vingroup, Sungroup, Novaland hay Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), BRG Group, và T&T Group không chỉ vươn lên trở thành những tập đoàn hàng đầu mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế. Trong số đó, Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình ông Đặng Văn Thành nổi bật với một hành trình phát triển đáng chú ý.

Ông Đặng Văn Thành khởi nghiệp năm 1979, khi bước vào tuổi 20. Ông cùng vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc thành lập cơ sở sản xuất cồn với vốn đầu tư ban đầu 100 triệu đồng và 20 nhân viên. Đây cũng là tiền thân của Tập đoàn Thành Thành Công - TTC Group hiện nay.

Sau hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cồn, đến năm 1998, Công ty TNHH Thương mại – sản xuất Thành Thành Công ra đời, mở đầu cho một quá trình thâm nhập sâu hơn vào các lĩnh vực mới của công ty.

Năm 2001, TTC Group xây dựng hệ thống kho bãi tại Khu công nghiệp Tân Bình. Đến năm 2004, công ty phát triển cụm kho tại Khu công nghiệp Sóng Thần Bình Dương.

Năm 2011, sau 5 năm hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, vốn điều lệ của TTC Group đã đạt hơn 3.000 tỷ đồng với 6 đơn vị thành viên, bao gồm: Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, và Thành Ngọc.

Không chỉ đồng hành cùng TTC Group và hệ sinh thái mía đường, ông Đặng Văn Thành còn nổi bật trong giới tài chính qua vai trò của mình tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Năm 1991, ông Đặng Văn Thành là một trong những cổ đông tham gia góp vốn thành lập Sacombank với vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỷ đồng. Từ năm 1994, ông được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Năm 2006, ngân hàng đã tăng vốn điều lệ lên đến 2.089 tỷ đồng. Đây cũng là năm Sacombank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối năm 2006, ông Đặng Văn Thành sở hữu gần 6,8 triệu cổ phần, tương ứng 3,25% vốn điều lệ Sacombank. Trong khi đó, ông Đặng Hồng Anh - con trai ông Thành - cũng sở hữu hơn 8,5 triệu cổ phần, tương đương 4,08% vốn.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2011 - 2012 các thành viên gia đình ông Đặng Văn Thành lần lượt chuyển nhượng và rút bớt vốn tại Sacombank. Không chỉ vậy những đơn vị trong “hệ sinh thái” TTC Group như Đường Biên Hoà, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), Bourbon Tây Ninh cũng đều bán bớt phần lớn cổ phần tại Sacombank.

Đến cuối năm 2012, sau thương vụ thâu tóm của gia đình ông Trầm Bê, ông Đặng Văn Thành rời ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Và tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh chính thức không còn là Thành viên Hội đồng Quản trị của Sacombank.

Trong vòng 20 năm từ 1991-2012, ông Đặng Văn Thành đã để lại rất nhiều dấu ấn trong giới ngân hàng, đặc biệt là tại Sacombank. Rời Sacombank, ông Đặng Văn Thành quyết định tập trung phát triển Thành Thành Công – doanh nghiệp gia đình.

Chia sẻ với truyền thông sau cuộc “chia ly”, ông Thành cho biết: “Cái mất lớn nhất là tôi mất một đứa con mà tôi dốc hết niềm tin để xây dựng nó thành một ngân hàng tầm cỡ ở Việt Nam”.

Rời hẳn khỏi lĩnh vực ngân hàng và quay về với nơi từng khởi nghiệp, ông Đặng Văn Thành tiếp tục cùng vợ tập trung phát triển TTC Group với lĩnh vực chính là mía đường, bất động sản và du lịch.

Đến năm 2015, TTC Group bắt đầu tái cơ cấu, định hướng hoạt động với các ngành trọng điểm: bất động sản, năng lượng, mía đường, du lịch và giáo dục. Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của công ty đạt 20.269 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 80.300 tỷ đồng.

Từ đó, công ty liên tục tăng vốn điều lệ, đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của công ty đạt 20.269 tỷ đồng và tổng tài sản đạt trên 80.300 tỷ đồng. Cũng trong năm đó, công ty ghi nhận doanh thu đạt 33.774 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.898 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 9% so với năm 2021.

Thông tin trên website của công ty cập nhật năm 2024 cho biết TTC Group có hơn 120 đơn vị trực thuộc tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore và Úc.

Tập đoàn này sở hữu hệ thống khách sạn từ 2 đến 4 sao, khu du lịch, resort trải dài từ Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Lạt, bao gồm các khách sạn như Ngọc Lan, Michelia, các khu du lịch như Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ, Hòn Rơm 2, Pegasus Resort, và nhiều dự án khác.

Trong lĩnh vực giáo dục & du lịch, tháng 6/2022, trang chủ của TTC công bố kết quả M&A: Trường Đại học Yersin Đà Lạt và Trường THPT Yersin Đà Lạt đã chính thức gia nhập hệ sinh thái của Tập đoàn TTC.

Đối với mảng bất động sản, TTC Land đang trên đà phục hồi nhờ vào việc tiết giảm chi phí. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, TTC Land ghi nhận doanh thu đạt 328,66 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, và lợi nhuận trước thuế đạt 21,85 tỷ đồng, tăng 37,3% so với 9 tháng đầu năm 2023.

Thông tin từ trang chủ TTC cho biết, TTC Land hiện sở hữu 1.800 ha đất với gần 30 dự án trọng điểm.

Tại mảng năng lượng, CTCP Điện Gia Lai (GEC, HoSE: GEG) sở hữu 23 nhà máy thủy điện, mặt trời và điện gió với tổng công suất vận hành gần 800 Mwp, cung cấp 5,9 tỷ kWh sản lượng điện.

Lũy kế doanh thu trong 9 tháng đầu năm, Điện Gia Lai đạt doanh thu 1.770 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế lũy kế đạt 80 tỷ đồng, giảm 28%.

Theo giải trình từ phía công ty, quý III hàng năm được xem là mùa thấp điểm của các dự án điện gió. Bên cạnh đó, các dự án điện gió vẫn đang ghi nhận mức giá bán điện tạm thời do Bộ Công Thương quy định (bằng 50% giá trần của khung giá phát điện Nhà máy điện gió trên biển). Do đó, kết quả trên chưa phản ánh chính xác doanh thu và lợi nhuận thực tế khi giá bán điện thực tế được áp dụng.

Tại mảng nông nghiệp, công ty để lại dấu ấn với Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS; HoSE: SBT), với hành trình gần 3 thập kỷ xây dựng một "đế chế" mía đường lớn tại Việt Nam, chiếm 46% thị phần toàn ngành.

Đặc biệt, hành trình phát triển của TTC AgriS không thể thiếu vai trò quan trọng của bà Huỳnh Bích Ngọc. Trong thời gian ông Đặng Văn Thành - đồng sáng lập TTC AgriS xây dựng Sacombank, bà Ngọc là người điều hành chính mảng mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công.

Gần đây, trong niên độ tài chính 2023-2024 (tính từ 1/7/2023 – 30/6/2024), TTC AgriS ghi nhận doanh thu đạt 29.021 tỷ đồng, tăng 17%. Đây là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng 33%, đạt gần 806 tỷ đồng.

Hiện TTC AgriS đã sở hữu tới 7 vùng nguyên liệu chính trải dài trên 4 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia và Australia, với tổng diện tích vùng nguyên liệu hơn 71.000 ha.

Những người con của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc hầu hết đều tham gia điều hành tại các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái TTC", với hai cái tên nổi bật nhất là Đặng Hồng Anh và Đặng Huỳnh Ức My.

Đặng Hồng Anh, con trai cả của gia đình, đã trở nên nổi tiếng từ lâu trong giới thương trường. Ông từng "chinh chiến" cùng cha tại Sacombank, trước khi rút lui và chuyển hướng phát triển sự nghiệp tại các công ty trong hệ sinh thái TTC. Trong suốt sự nghiệp, ông đã kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các đơn vị như DHC Corp và Sacomreal. Ngoài ra, Đặng Hồng Anh còn được biết đến rộng rãi là một "cá mập" trong chương trình Shark Tank, nơi ông tham gia từ mùa thứ 2 và để lại nhiều dấu ấn qua các thương vụ đầu tư.

Không kém phần nổi bật, Đặng Huỳnh Ức My, con gái của ông Thành và bà Ngọc, cũng đang gặt hái được thành công trong sự nghiệp. Sinh năm 1981, bà Ức My có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và đã có nhiều đóng góp cho Tập đoàn TTC.

Đặc biệt, từ giữa tháng 7/2024, bà Đặng Huỳnh Ức My chính thức kế nhiệm mẹ mình, bà Huỳnh Bích Ngọc, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT TTC AgriS. Cuộc "đổi ngôi" này diễn ra sau khi bà Huỳnh Bích Ngọc kết thúc nhiệm kỳ 5 năm làm thành viên HĐQT, bắt đầu từ ngày 13/7/2024. Hiện tại, bà Đặng Huỳnh Ức My đang nắm giữ gần 145 triệu cổ phần SBT, tương đương 19,02% vốn điều lệ của công ty.

Ngoài Đặng Hồng Anh và Đặng Huỳnh Ức My, một người em khác của ông Đặng Hồng Anh là Đặng Huỳnh Anh Tuấn, sinh năm 1991, cũng tham gia vào hệ thống của Tập đoàn. Hiện tại, ông Tuấn đang là Thành viên HĐQT không điều hành tại Điện Gia Lai (GEG). Tuy nhiên, tên tuổi và sự nghiệp của vị doanh nhân trẻ này hiện vẫn chưa được nhắc đến nhiều.

Thực hiện: Phương Anh

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |