Người Đưa Tin (NĐT): Tôi được biết anh đã lâu từ những bài viết đóng góp ý kiến của anh ở nhiều lĩnh vực và từ lời giới thiệu của từ Bộ Ngoại giao về điển hình của một Việt Kiều hướng về quê hương. Tôi cũng từng nghe anh nói ở nhiều diễn đàn và biết rằng anh là một Việt Kiều tại Canada. Xin mạo muội hỏi anh về cơ duyên để anh rời quê hương và sang định cư tại Canada?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Vào những năm giữa thập niên 80s, tôi đã rời Việt Nam sang trại tị nạn trên đảo Pulau Bidong Malaysia bằng đường biển. Tôi trở thành một trong những “thuyền nhân” cuối cùng của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Sau gần 1 năm sống trong trại tị nạn, tôi được Chính phủ Canada tiếp nhận và trở thành công dân Canada từ năm 1988.
NĐT: Trong những ngày đầu đến với Canada, mọi thứ diễn ra có như anh nghĩ không? Anh đã gặp phải những khó khăn, thử thách nào trong những ngày tháng đó?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Là người Việt Nam khi đến định cư tại Canada - một quốc gia ở Bắc bán cầu, một trong 7 quốc gia đứng đầu thế giới (G7) về mọi lĩnh vực, đương nhiên mọi khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá và ý thức lao động của người bản xứ đã tác động mạnh đến cuộc sống của tôi.
Để hoà nhập với cuộc sống mới nơi xứ người, bản thân tôi và những người tị nạn mới đến “miền đất hứa” buộc phải học tập, lao động và tìm kiếm công ăn việc làm để nuôi sống bản thân và tiết kiệm chút đỉnh tiền bạc hỗ trợ cho người thân đang sống tại Việt Nam.
Tôi luôn tự nhủ bản thân rằng cuộc sống “trong mơ” sẽ không bao giờ có được bởi dù ở bất cứ quốc gia nào cũng phải làm việc và phải cố gắng mới tồn tại và phát triển. Dù sao đi nữa Canada vẫn là nơi tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho mọi người cùng phát triển, chỉ cần người ấy chịu khó và siêng năng làm việc.
NĐT: Rời quê hương, để đi tìm cơ hội và rồi lại quay trở lại quê hương để đầu tư, phát triển. Thời điểm những năm 90, điều gì đã khiến anh quyết định như vậy?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Mỗi người ra đi tìm cuộc sống mới nơi xứ lạ, quê người đều có lý do khác nhau. Theo tôi nghĩ dù bất cứ lý do nào đi chăng nữa, ai cũng yêu quê hương mình, bởi người ta có thể đến và sinh sống ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng nơi sinh chỉ có một. Người Việt chúng ta luôn nặng lòng với quê hương, với nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình và tiếng gọi cố hương luôn neo giữ tâm hồn người viễn xứ.
Tôi trở lại Việt Nam đầu tư sớm hơn nhiều người bởi có thể là tôi có cơ hội và điều kiện hơn họ. Theo cách nghĩ của tôi “nước luôn chảy chỗ trũng” và Việt Nam là mảnh đất “trũng” nên có thể tìm kiếm được nhiều cơ hội đầu tư, phát triển. Cũng từ các suy nghĩ, luận giải và điều kiện có thể nên tôi đã trở về Việt Nam từ rất sớm (1991) để tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng không thành công.
NĐT: So với ngày rời Tổ quốc ra đi tìm "miền đất hứa", anh thấy rằng đất nước đã đổi thay như thế nào? Điều gì khiến anh ấn tượng nhất trong sự thay đổi diện mạo của đất nước?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Để so sánh từ những năm 1990 đến nay (2023) về sự phát triển của Việt Nam, có lẽ không cần suy nghĩ ai cũng biết là Việt Nam đã phát triển hơn hẳn ngày ấy. Nhưng không chỉ có Việt Nam phát triển mà cả thế giới cùng phát triển. Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng phát triển.
Ngày tôi rời quê hương GDP đầu người khoảng 200 USD/năm và bây giờ GDP đầu người khoảng 3500 USD/năm. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, các cơ sở hạ tầng đã tốt hơn rất nhiều, nhà máy, hãng xưởng của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đã trải dài khắp 63 tỉnh thành. Thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam đã phát triển tương đối tốt mặc dù chưa xứng với tiềm năng của đất nước.
NĐT: Thú thật, tôi chưa biết anh nghĩ thế nào nhưng thực tế những điều anh đã và đang làm chứng minh anh là người có tâm, có hiếu với gia đình, với quê hương, đất nước. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều Việt Kiều mang tâm lý “e dè” khi mang tiền về nước đầu tư. Là người trong cuộc, anh thấy điều đó có đúng không?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Cám ơn Phóng viên đã có lời khen, thú thực rằng sau hơn nửa kiếp người, tôi đã đi, đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã đầu tư nhiều lĩnh vực không chỉ có ở Việt Nam. Nhưng điểm đến và tồn tại với tôi là Việt Nam, nơi đó có gia đình, có vợ con và bà con dòng họ … từ đó tôi luôn suy nghĩ làm sao để tạo được công ăn việc làm cho người thân và cho xã hội, nên tôi đã cố gắng bằng 120% sức lực của mình.
Về vấn đề còn nhiều bà con Kiều bào “e dè” khi mang tiền của về Việt Nam đầu tư cũng là chuyện rất bình thường bởi tiền bạc họ làm ra cũng vất vả vô cùng nếu mang khoản tiền tích cóp cả đời về làm ăn tại quê hương sẽ gặp nhiều rủi ro bởi Việt Nam luật pháp và các quy định chưa minh bạch, rõ ràng; các thủ tục đầu tư, xây dựng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện. Do đó bà con Kiều bào lo lắng là có cơ sở.
Thực tế cho thấy có rất nhiều Kiều bào đã về quê hương đầu tư, buôn bán nhưng thành công thì không nhiều. Đến người Việt trong nước còn khó thành công huống chi là Kiều bào. Là người đã và đang đầu tư tại Việt Nam hơn 20 năm qua, là người trong cuộc nên tôi càng hiểu rõ những trăn trở của bà con.
NĐT: Lịch sử của đất nước đã từng có nhiều chia rẽ và ngay cả hiện tại vẫn còn những chia rẽ về mặt nhận thức, tâm lý giữa những người Việt với nhau dù đã có nhiều nỗ lực hàn gắn. Từ góc nhìn của mình, anh thấy rằng quá trình đó đã diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Ngược dòng sông lịch sử để cảm nhận những biến chuyển trong cuộc sống xã hội, không chỉ riêng tôi mà đa số mọi người đều hiểu được những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam và thế giới. Đặc biệt là với người dân Việt Nam trải qua quá nhiều đau thương mất mát vì chiến tranh, vì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất hai miền Nam Bắc, nhất là cuộc chiến vệ quốc giải phóng miền Nam kéo dài ¼ thế kỷ.
Sau ngày giải phóng miền Nam (1975) kẻ đi, người ở mặc nhiên trong tâm thức, trong chính kiến của họ có nhiều khác biệt. Thiết nghĩ đã qua rồi những ngày tháng đau thương ấy, chúng ta đã trải qua bao lần ban hành các văn bản, nghị quyết hoà giải và hàn gắn vết thương nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.
Mặc dù đã có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Kết luận 12 của Ban bí thư nhưng điều bà con Việt kiều mong muốn là hãy xoá bỏ mọi rào cản để mọi người trong nước và nước ngoài cùng nắm tay nhau tiến về phía trước xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và giàu mạnh.
NĐT: Theo anh, chúng ta có thể làm gì để tiếp tục hàn gắn những vết thương chia cắt trong lòng những người Việt với nhau, để thực sự hòa hợp, hòa giải dân tộc cùng hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Để đạt mục đích của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời…” không chỉ là văn bản, lời nói mà phải bằng việc làm cụ thể. Chẳng hạn như việc hiện nay nhiều khi bà còn muốn đầu tư, muốn mở cơ sở buôn bán, làm ăn tại quê hương, thủ tục vẫn nhiêu khê, khó khăn hơn hẳn người Việt trong nước, khi về thăm thân vẫn phải cấp visa mặc dù thời hạn được dài hơn. Còn nhiều vấn đề “tế nhị” khác nữa sẽ gây áp lực tâm lý lên bà con Kiều bào.
NĐT: Ở anh, tôi thấy có nhiều điểm đặc biệt. Không chỉ trở về quê hương, xây dựng doanh nghiệp, làm kinh tế. Anh còn tích cực trong việc tham gia ý kiến nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng, Chính quyền, hệ thống pháp luật và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Anh cảm nhận như thế nào về những điều mình làm?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Mỗi con người đều có cách nhìn nhận và sự hiểu biết khác nhau về mọi lĩnh vực, với tôi là người sinh ra tại Việt Nam, đầu tư nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam như: giáo dục, nhà máy, cảng biển, năng lượng, công nghệ cao… va chạm và trải nghiệm nhiều nên có cơ hội học hỏi, nhìn thấu nhiều vấn đề của luật pháp, quy định nhà nước ban hành chưa chuẩn, chưa trúng...
Việc tham gia góp ý, phản biện với mục đích góp thêm tiếng nói để luật pháp của chúng ta hoàn thiện hơn, tốt hơn bởi luật pháp là xương sống để phát triển đất nước, để giữa kỷ cương phép nước buộc mọi người phải tuân thủ.
NĐT: Anh đã làm được nhiều điều, cho bản thân, cho gia đình và cho cả đất nước. Có còn nhiều gì khiến anh trăn trở hay không?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Nói về “trăn trở” thì ai ai cũng có, tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi người mà trăn trở ít hay nhiều. Cá nhân tôi chỉ mong muốn và tự hỏi đến khi nào bà con Việt kiều trở về quê hương cảm nhận được mình không phải là Việt kiều, cảm nhận được mình được đối xử như người Việt trong nước.
Quá khứ đã qua nên khép lại để cùng nhau hướng tới tương lai bởi Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan công quyền phải nhận thức được nguồn tài nguyên lớn nhất của quốc gia chính là con người. Việt Nam có 100 triệu người dân trong nước, có gần 5,5 triệu Kiều bào, đây là nguồn tài nguyên không gì sánh nổi, quyết định vận mệnh của dân tộc, hưng thịnh của quốc gia. Do đó cần phải làm những gì tốt nhất có thể để phát huy nguồn lực này.
NĐT: Cảm ơn ông về những chia sẻ đầy tâm huyết.
NGUOIDUATIN.VN |