Trước thềm năm mới, khi ngành nông nghiệp được dự báo còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có đôi lời tâm sự về một tư tưởng lớn lao, chính là sự đổi mới, khoác chiếc áo mới lên ngành nông nghiệp.
Mở đầu cuộc trò chuyện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải xác định tư tưởng không vì phản ứng mà ngại đổi mới. “Mỗi lần đổi mới, bao nhiêu dư luận, người tích cực, người thờ ơ, người thì phản đối, đó là điều bình thường. Đổi mới mà không bị phản đối thì không còn là mới nữa”.
Với công cuộc đổi mới đó, sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phải của riêng ai, không gian đó đủ chỗ cho tất cả mọi người đóng góp và cống hiến bằng trách nhiệm, nghề nghiệp của mình. Trong đó, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, báo chí có một sức mạnh diệu kỳ, dẫn dắt tâm thức xã hội để thay đổi.
Từ đó, Bộ trưởng cho rằng phải đưa phương hướng, cách thức cho người nông dân để chính họ phải thay đổi. “Thường tôi hay bất cứ ai gặp người nông dân thì đều thấy thương mến. Nhưng kinh nghiệm cho thấy “của cho không bằng cách cho". Giúp người nông dân không phải chỉ là tiền, nhưng sâu xa hơn nữa là cả một tri thức, kiến thức, hiểu biết, phù hợp với sự phù hợp” Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Nhắc lại một câu nói “Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn chỉ ra rằng: “Chúng ta thường cân nhắc nhiều đến cái giá phải trả nếu thay đổi mà ít cân nhắc về những hệ lụy nếu không thay đổi. Thế giới không đứng yên, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi. Người mua hàng giờ không mua sản phẩm, mà mua cách tạo ra sản phẩm, câu chuyện tạo ra sản phẩm của nông dân, của một ngành hàng, của một đất nước”.
Cụ thể hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lý giải: “Tại sao người tiêu dùng không mua con cá vi phạm IUU? Đó là vì họ mua cách tạo ra sản phẩm”.
Chúng ta đang sống trong thế giới đa dạng, đa văn hóa, đa nhu cầu, thay đổi nhanh. Chính vì vậy mà sự cải tiến, thay đổi, đổi mới là những gì ngành nông nghiệp cần làm. Tất cả chúng ta cùng liên kết thành tạo ra ngành hàng, không cần nhất, không cần đứng đầu mà cần sự khác biệt. Khác biệt mới tạo nên thương hiệu riêng của ngành nông nghiệp.
Theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp, không chỉ là xuất khẩu mà thị trường nội địa cũng cần chú trọng, làm sao tối ưu giá. Bộ NN&PTNT đang làm bộ chỉ số để đo đếm chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bởi nếu không đo đếm sẽ không phát triển được. Nhưng trước giờ mình chỉ đo đếm dựa trên các chỉ số kim ngạch xuất khẩu mà không để ý rằng còn nhiều chỉ số khác cũng cần quan tâm. Đích đến cuối cùng vẫn là để cải thiện thu nhập của người nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Chúng ta phải tính toán được cả 2 chiều. Khi cung cầu quy định giá cả, chúng ta chỉ quyết định được chi phí đầu vào, kéo giảm được 1 đồng là thu nhập của người nông dân được thêm 1 đồng.
Nhắc về câu chuyện tư duy xanh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Kinh tế xanh, tư duy xanh cần được định nghĩa tường minh. Khi khởi sự cái gì mới, chúng ta đừng vội nghĩ cần làm gì cho cái mới mà hãy nghĩ tìm hiểu đó là cái gì”.
Cụ thể, theo Tư lệnh ngành nông nghiệp, chữ xanh đi sau chữ nâu. Trước kia, nền kinh tế nâu phát triển không trú trọng đến thiên nhiên, lạm dụng để khai thác, tạo ra sự biến dạng về môi trường, về đa dạng sinh học. Con người cứ nghĩ làm vậy để nuôi sống con người mà không nghĩ rằng, môi trường có thể tồn tại mà không có con người, nhưng ngược lại con người thì không.
Cây xanh là thứ để chúng ta cân bằng sự phát triển với hệ sinh thái của môi trường tự nhiên. Muốn tăng trưởng thì phải đánh đổi nhưng bằng khoa học công nghệ, tiếp cận mới, sẽ có những giải pháp để an toàn, bảo vệ thiên nhiên, phát triển nhưng vẫn bền vững.
Ví dụ như, ngày trước, trồng lúa gây phát thải khí nhà kính, chăn nuôi phát thải khí mê tan, nhưng nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta có đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải hay chăn nuôi bền vững.
“Người nông dân đôi khi không hiểu cặn kẽ về việc phát thải hay ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Do đó, để tư tưởng xanh hóa đến gần với người dân nói chung và người nông dân nói riêng, cần có một quá trình, không phải muốn xanh là xanh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn nói.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ trong thời gian tới cần lan tỏa, sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy nông nghiệp.
“Nói thì dễ nhưng thực tế rất khó khăn trước sức ép mùa vụ của nông dân, thương vụ của doanh nghiệp. Lan tỏa, sâu sắc tư duy kinh tế nông nghiệp nghĩa là làm sao trên một đơn vị diện tích tạo ra của cải nhiều hơn. Suy nghĩ thì sẽ có, còn chấp nhận thì sẽ không bao giờ có. Tư duy bình thường ra hành động bình thường, tư duy thay đổi hành động cũng thay đổi”, người đứng đầu Bộ NN&PTNT nói.
Đồng thời, Tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, phải nâng cao nhận thức rằng, ngành nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp mà đã tích hợp với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, mở rộng không gian phát triển. Ví dụ như nông nghiệp du lịch, người Đài Loan (Trung Quốc) đã chứng minh được rằng mô hình này giúp tăng thu nhập của người nông dân tăng từ 6-10 lần, thậm chí hàng chục lần. Mô hình này không cần đầu tư lớn, vẫn cùng trên mảnh vườn đó, chỉ hướng dẫn người nông dân sắp xếp nhà cửa chỉn chu, biết tạo ra sản phẩm, biết kể những câu chuyện.
Lấy ví dụ tại nước ta, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, vườn hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp xưa chỉ trồng để bán hoa cho các ngày lễ tết, nhưng nay đã có thêm không gian dành cho khách du lịch đến thăm. Dù diện tích trồng giảm nhưng thu nhập của người dân lại được cải thiện. Để thấy, cái vô hình chưa khai thác có giá trị hơn cái hữu hình chúng ta đang theo đuổi.
Đích đến cuối cùng là người nông dân nhưng xa ra khỏi câu chuyện thu nhập, lợi ích kinh tế thì việc đa dạng không gian phát triển ngành nông nghiệp còn đem lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giữ gìn các giá trị văn hóa, phong phú, sôi động thêm đời sống nông thôn.
Nói về những định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần thoát khỏi tư duy ngắn hạn. Có thể trong năm tới, ngành nông nghiệp không đạt được chỉ tiêu đề ra, nhưng đây là bước đệm để các năm sau đó toàn ngành đến gần với những mục tiêu lớn lao.
“Tôi mong muốn, tầm nhìn chúng ta dày hơn, cái gì đang làm thì làm tốt hơn, đẩy mạnh liên kết ngành hàng bền vững, tổ chức lại sản xuất thị trường, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Có những thứ đong đo đếm được bằng số liệu nhưng có những thứ không được, có thể chưa thể hiện trong tăng trưởng năm 2024 nhưng sẽ bứt tốc trong năm 2025”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhắn nhủ, không ai có thể tồn tại nếu chỉ có một mình, nông dân cũng vậy. Trước những rủi ro, biến động của thị trường thì liên kết, hợp tác là điều giúp hạn chế được những tổn thương với bà con nông dân, sâu xa hơn là giúp ngành nông nghiệp gắn bó, bền chặt và vững vàng.
NGUOIDUATIN.VN |