LỜI TOÀ SOẠN

40 năm qua, trên con đường Đổi mới, bệ đỡ chính sách pháp luật đã tạo nên bước đột phá và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cho đất nước. Công tác lập pháp với vai trò trung tâm của Quốc hội được thực hiện rốt ráo, với nội hàm là sự chuyển đổi từ tư duy quản lý nhà nước bằng mệnh lệnh hành chính sang tư duy quản lý bằng pháp luật và theo pháp luật, tạo nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, mà đích đến là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Trên bước đường đó, tư duy đổi mới phải nằm trong “bộ gen” của dân tộc. Công tác lập pháp phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, để đóng vai trò là bệ đỡ, là động lực.

Với nhận thức trên, Tạp chí điện tử Người Đưa Tin thực hiện 3 bài viết “Đổi mới tư duy lập pháp, mở đường cho kỷ nguyên vươn mình” nhằm điểm lại những bước phát triển trong công tác lập pháp trong 4 thập kỷ đổi mới; những yêu cầu, đòi hỏi mới của công tác lập pháp gắn với vai trò của Quốc hội trong kỷ nguyên mới và gợi mở những vấn đề để công tác lập pháp mở đường cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Lập hiến và lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Quốc hội Việt Nam. Chức năng này đã được thể hiện xuyên suốt qua các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013.

Ngoài Hiến pháp năm 1946 quy định nguyên tắc chung “Nghị viện nhân dân đặt ra các pháp luật”, thì cả 4 bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định Quốc hội là cơ quan lập hiến và lập pháp.

Theo đó, Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Đây là cơ sở pháp lý quy định rõ ràng, đầy đủ và bảo đảm cho hoạt động lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.

Trên thực tế, lập pháp luôn là vấn đề quan trọng nhất của mỗi quốc gia, một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ sẽ đưa đất nước đó phát triển mạnh mẽ, bền vững và ổn định.

Nhìn lại lịch sử, ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, Việt Nam đã từng bước xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để điều chỉnh nhiều mối quan hệ trong xã hội.

Sau đại hội lần thứ VI của Đảng, đất nước ta chuyển từ kinh tế bao cấp, tập trung sang định hướng kinh tế thị trường, mở rộng quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ đây, những yêu cầu về công tác lập pháp của Quốc hội cũng được đặt ra với đòi hỏi cao hơn, trên tinh thần vượt lên thách thức, đổi mới căn bản và toàn diện, tạo khung khổ pháp lý đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.

Với khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong bài phát biểu đầu tiên tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa VIII đã nhấn mạnh tinh thần: Đất nước đổi mới, Đảng đổi mới thì Quốc hội cũng phải đổi mới. Ông nói: Đừng biến Quốc hội thành cây kiểng (cây cảnh). Quốc hội hoạt động hình thức nhiều quá, nên từ nay phải đi vào thực chất. Đây cũng chính là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của người đứng đầu Đảng nâng cao vị trí, vai trò của Quốc hội trong đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; đặc biệt là hoạt động lập pháp được nâng lên tầm cao mới đáp ứng nhu cầu nóng bỏng của công cuộc Đổi mới đất nước.

Trên tinh thần đó, hệ thống pháp luật bắt đầu bước vào một cuộc cách mạng mới, chuyển động theo hướng thay thế dần cơ chế chỉ huy sang mô hình mới, với tư tưởng đột phá về phát triển kinh tế thị trường.

Những đạo luật phản ánh tư duy giáo điều, duy ý chí, bó buộc trở nên lạc hậu, cũ kỹ trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn cách mạng và tình hình thế giới lúc bấy giờ. Thay vào đó, là sự ra đời của Luật Đất đai năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989… Đây chính là minh chứng cụ thể về bước đột phá nhằm thể chế hóa chính sách mới, góp phần quan trọng vào việc vực dậy nền kinh tế và phá thế bao vây cấm vận, khơi thông các nguồn lực của đất nước.

Năm 1992, bản Hiến pháp của thời kỳ Đổi mới được Quốc hội thông qua, trong đó thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Dựa trên sự mở đường này, nhiều văn bản pháp lý là nền tảng cho sự xuất hiện của các loại thị trường lần lượt được ban hành. Từ năm 1992, một số văn bản về thị trường hàng hóa, dịch vụ đã lần lượt xuất hiện, trong đó có Bộ luật Dân sự năm 1995 và Luật Thương mại năm 1997. Khung pháp lý cho thị trường lao động cũng bước đầu được hình thành bằng Bộ luật Lao động năm 1994. Với thị trường tài chính, chúng ta có Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997…

Từ năm 1996 - 2000, nhiều văn bản được ban hành như Luật Thương mại năm 1997, Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi năm 2000)…

Đặc biệt phúc đáp yêu cầu gia nhập WTO, hàng loạt đạo luật quan trọng của hệ thống pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trong đó phải kể tới Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, Luật Cạnh tranh năm 2004, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006… Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Sự kiện này tiếp tục tạo thêm cú hích cho công cuộc cải cách, đổi mới ở Việt Nam.

Trước những thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, Hiến pháp năm 2013 được ban hành, trong đó, xác lập, ghi nhận quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về kinh tế, kinh doanh, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai, tài nguyên thiên nhiên... Hiến pháp năm 2013 cũng mở ra một giai đoạn phát triển mới của pháp luật Việt Nam – giai đoạn pháp luật hội nhập và kiến tạo phát triển.

Theo đó, hệ thống pháp luật sẽ được xây dựng và hoàn thiện theo hướng: phục vụ mục tiêu kiến tạo phát triển, tạo dựng hành lang pháp lý an toàn cho phát triển và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới cả về kinh tế, chính trị và văn hóa.

Minh chứng là sự ra đời của Luật Đất đai năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Trưng cầu ý dân năm 2019, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016… Bên cạnh đó, các chủ thể có thẩm quyền cũng ban nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ dưới luật như pháp lệnh, nghị định, thông tư, nghị quyết, quyết định… để hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của luật. Chất lượng của hệ thống pháp luật ngày càng được nâng cao, về cơ bản đã bảo đảm được tính thống nhất, đồng độ, hợp hiến, hợp pháp.

Có thể nói, cùng với quá trình đổi mới, hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm, đạt được tốc độ ngày càng cao. Trên thực tế, từ ngày 1/1/1987 đến ngày 10/2024 (tức là trong gần 40 năm kể từ khi tiến hành đường lối Đổi mới), Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành trên 700 luật, nghị quyết, pháp lệnh gấp khoảng chục lần tổng số Luật, Pháp lệnh mà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành trong 41 năm trước Đổi mới.

Các văn bản đó đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ xã hội trong mọi mặt đời sống xã hội, tạo bệ đỡ chính sách, mở đường và tạo động lực cho những bước phát triển vượt bậc của công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thực tiễn của công cuộc Đổi mới cũng ngày càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của pháp luật, của công tác lập pháp và kiến tạo chính sách. Vì thế, có thể nói, duy trì môi trường hòa bình của đất nước, giữ vững ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để xây dựng một hệ thống pháp luật phát triển toàn diện.

Sau 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong khi, bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, tiến tới xác lập trật tự thế giới mới, đồng thời mở ra cơ hội chiến lược quan trọng cho các quốc gia.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện nay chính là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu, thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nội hàm của kỷ nguyên vươn mình chính là tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.

Từ kinh nghiệm và bài học lịch sử trong 4 thập kỷ kiên trì Đổi mới, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, dứt khoát phải có vai trò, trách nhiệm của công tác lập pháp cùng với các trụ cột quan trọng khác. Đó là một điều tất yếu bởi trong một mô hình Nhà nước pháp quyền, không gian phát triển của nền kinh tế và xã hội được tạo lập trước nhất và cơ bản nhất từ một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của hiện tại cũng như phải phù hợp với xu thế phát triển của tương lai.

Và như vậy, nếu nhìn lại những vấn đề còn tồn tại trong công tác lập pháp trong giai đoạn trước cũng như những yêu cầu nóng bỏng trong kỷ nguyên mới, đang đặt ra những đòi hỏi cấp bách đối với công tác lập pháp, hoàn thiện thể chế hiện nay.

Nhiều lần bày tỏ trăn trở với công tác lập pháp, trong bài phát biểu tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nhìn nhận trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, cần sớm được khắc phục. Theo đó, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân.

Mới đây nhất, trong bài viết “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” người đứng đầu Đảng tiếp tục đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó, nhấn mạnh quan điểm phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Để tạo không gian cho đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới; nhất là những vấn đề liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.

Sự trăn trở và yêu cầu cấp bách mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra là điều tất yếu xét cả về góc độ lịch sử và định hướng tương lai. Đó cũng là lời kêu gọi tha thiết của mảnh đất thực tiễn Việt Nam. Vận hội mới là từ đây, trách nhiệm, thách thức cũng từ đây.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây đã yêu cầu chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, bảo đảm đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện công việc.

Trong gần 40 đổi mới, chúng ta đã không ngừng đổi mới tư duy làm luật, phương pháp làm luật, với mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật định hướng cho phát triển và kết quả là công tác lập pháp góp sức trực tiếp vào diện mạo phát triển của đất nước.

Ngày nay, những đòi hỏi của công tác lập pháp đang ngày một cao hơn, để không cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội.

Thực hiện: Hoàng Bích - Thu Huyền - Mạnh Quốc

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |