Tại sao lại đặt ra câu hỏi này ở thời điểm hiện nay? Đó là một câu hỏi không hoàn toàn ngẫu nhiên. Sau chặng đường bốn thập kỷ đổi mới kể từ năm 1986, hệ thống pháp luật Việt Nam đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện. Đến nay, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật khá đầy đủ và đồng bộ trên hầu hết các lĩnh vực, đủ để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý nhà nước cũng như môi trường, hành lang pháp lý dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, với đặc thù là một hệ thống pháp luật mang tính chuyển tiếp, cái mới đang hình thành nhưng nhiều cái cũ vẫn còn đó, cái mới vừa kịp phát huy giá trị thì cái cũ cũng đang buộc chân chúng ta, dẫn đến những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, đặc biệt là tính thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định và tính khả thi chưa cao, chưa đạt đến tầm của một hệ thống pháp luật phục vụ kiến tạo phát triển.

Là người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm tham gia về chiến lược đầu tư, phát triển, chính sách kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có lẽ là một trong những người thấm thía nhất về những trở ngại của hệ thống pháp luật mà rộng hơn là thể chế hiện nay đối với quá trình phát triển. Thực tế, hầu như ở kỳ họp Quốc hội nào Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ có những câu chuyện sinh động như vậy để kể về điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư - kinh doanh.

Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lại đề cập đến tính cấp thiết của việc sửa đổi nhiều bộ luật để gỡ bỏ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

“Hiện nay, chúng ta có nhiều ách tắc, điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế, tư duy quản trị xã hội, đâu đó vẫn chưa theo kịp sự phát triển. Do đó, chúng ta buộc phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Minh họa cho sự trăn trở của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhắc đến câu chuyện: “Dubai xây dựng Thành phố với 500 tòa nhà chỉ mất 5 năm, còn với “rừng quy định” như ở Việt Nam phải mất 1.500 năm”. Ông Dũng cũng cho biết đã chứng kiến không ít nhà đầu tư nước ngoài háo hức đến Việt Nam theo lời mời của Chính phủ, và rồi lại rời đi đầu tư ở nước khác.

Trăn trở của ông Dũng không phải là cá biệt, thậm chí là đã được chỉ mặt, gọi tên từ lâu. Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều bài viết, phát biểu gần đây đều khẳng định thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Là bởi chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân.

Là bởi, các thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo, giữa lập pháp và hành pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Trong phiên chất vấn chiều 12/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng tiếp tục nhấn mạnh đến việc cần hoàn thiện thể chế, coi đó là mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển. Thủ tướng nói: “Muốn đột phá phải đột phá từ thể chế”.

Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc kiên quyết từ phải bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, theo Thủ tướng, xây dựng thể chế phải vừa phục vụ quản lý vừa mở ra không gian sáng tạo, để khuyến khích các chủ thể. “Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên”.

Các quan hệ xã hội trong cuộc sống vốn rất đa dạng và phức tạp, sôi động và luôn phát sinh. Các quan hệ kinh tế trong một giai đoạn đầy khát vọng phát triển còn hơn thế. Vì vậy, để pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn và đóng vai trò quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội thì quá trình lập pháp bắt buộc phải có tính định hướng và kiến tạo phát triển. Nếu thiếu tính định hướng thì pháp luật luôn chạy theo và không đuổi kịp tốc độ phát triển của xã hội, những quy định của pháp luật sẽ lạc hậu, lỗi thời và không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Kiến tạo là đồng hành, đi trước và mở lối cho cuộc sống. Pháp luật kiến tạo là pháp luật chuyển từ quản lý, mệnh lệnh hành chính quan liêu sang pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặt trọng tâm vào quản lý phát triển - quản trị phát triển - Nhà nước phục vụ.

Điều này để thấy rằng, rất cần tinh thần này được quán triệt và lan tỏa để thể chế thực sự là động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đúng như động lệnh phát đi từ người đứng đầu Đảng: “Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Điểm nghẽn về thể chế đã được nhận diện và hành động để tìm kiếm sự đột phá từ thể chế đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Quá trình này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đang được bắt đầu từ chính cơ quan lập pháp – Quốc hội.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo đó, từ Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra 9 ngày trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Kỳ họp thứ nhất đã rất thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tiếp đến là các kỳ họp bất thường của Quốc hội quyết định công tác nhân sự và các công tác quan trọng khác của đất nước. Kỳ họp bất thường lần thứ hai được tổ chức đầu năm 2023, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua 8 Luật; Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 7 Luật, 9 Nghị quyết…

Ở Kỳ họp bất thường lần thứ 5 được tổ chức đầu năm 2024, Quốc hội đã thông qua 2 luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, những hoạt động về lập pháp và nhân sự cấp cao đã ghi dấu ấn đậm nét. Theo đó, Quốc hội thông qua 11 Luật, 21 Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng với quốc gia, đồng thời đã tiến hành kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra sôi nổi tại hội trường Diên Hồng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân.

Về công tác lập pháp, theo Chủ tịch Quốc hội đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp, có 31 dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp lớn “chưa từng có”; các dự án luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm.

Nhìn nhận về công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: “Quốc hội tích cực với khối lượng công việc “khổng lồ””.

Vị đại biểu chỉ ra, nếu tách riêng từng kỳ họp sẽ thấy được khối lượng công việc “khổng lồ”, đồ sộ đó. Cụ thể như trong năm 2024, công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, 21 Nghị quyết. Sang đến kỳ họp thứ 8 lên đến trên 30 luật.

“Tôi tham gia Quốc hội hai khóa, khóa XIV và khóa XV thì thấy rằng trong khóa XV công tác lập pháp “nặng” và đồ sộ hơn rất nhiều”, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Theo bà Nga, công tác lập pháp đã đáp ứng rất tốt yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Bởi, trong quá trình phát triển của xã hội có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, đến những quy định của pháp luật còn là “nút thắt” và nếu không giải quyết được thì sẽ gây trở ngại. Do đó, Quốc hội đã kịp thời tháo gỡ, thậm chí có những kỳ họp bất thường xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền để kịp gỡ vướng.

Nhìn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, một trong những sự điều chỉnh linh hoạt của Quốc hội đó là việc “1 luật sửa 4 luật”, “1 luật sửa 7 luật”.

Theo đại biểu nếu sửa lần lượt từng luật với những điều khoản có liên quan thì thời gian sẽ rất lâu, nhưng nếu ban hành một luật sửa nhiều luật như trong kỳ họp thứ 8 thì việc tháo gỡ “nút thắt” về mặt thể chế sẽ rất nhanh chóng. “Đây cũng là một sáng kiến lập pháp của Quốc hội”, bà Nga nói.

Thêm nữa, công tác lập pháp có sự đổi mới rất đáng kể về quan điểm lập pháp. Chúng ta có quan điểm rất mới là luật phải song hành với cuộc sống, luật phải có hiệu lực ngay lập tức, luật phải ngắn gọn, đây là quan điểm mới mẻ và xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.

Theo nữ đại biểu, tình hình thực tiễn hiện nay không giống với giai đoạn trước, thậm chí chỉ năm trước năm sau đã khác nhau, đặc biệt trong kỷ nguyên số - có thể nói con người đang chạy đua với thời gian. Nếu chần chừ, không đổi mới các quan điểm thì bất cứ sự chậm trễ nào cũng là sức cản rất lớn.

Một quốc gia muốn phát triển thì chắc chắn cần có sự vận động và đổi mới, đây là sự đổi mới tất yếu. Do đó, đại biểu Việt Nga cho rằng vấn đề là chúng ta nhận ra đòi hỏi của thực tiễn để thực hiện đổi mới cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

“Do đó, tôi rất ủng hộ quan điểm đổi mới trong phương pháp lập pháp của Quốc hội”, nữ đại biểu đoàn Hải Dương khẳng định.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết, trong công tác xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ này, cụ thể là năm 2024 đã có những bước tiến rất đổi mới.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhắc lại: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Công văn số 15/CTQH ngày 29/10/2024 về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xây dựng, ban hành luật, nghị quyết ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội; tuyệt đối không luật hóa quy định của nghị định, thông tư; loại ra khỏi dự thảo luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và các cơ quan khác.

Những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường, xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn…

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, đây chính là điểm mới trong xây dựng luật pháp lệnh năm 2024.

Để đổi mới công tác lập pháp, mở đường cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng ban soạn thảo, cơ quan chủ trì cần nghiên cứu thật kỹ các điều luật, các nội dung muốn đưa vào xây dựng luật, cần thiết lấy ý kiến của nhân dân, của chuyên gia, các nhà khoa học và các bộ, ngành có liên quan. Với những nội dung cần phải sửa nhiều, cần có sự tham gia đóng góp của nhiều người, đánh giá tác động thì cần thực hiện quy trình hai kỳ họp.

“Trong xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội phải tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm. Đây là những vấn đề rất trọng tâm đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân – đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, tinh thần của Chủ tịch Quốc hội đã rất rõ, Quốc hội sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ tăng cường làm việc cả Thứ Bảy, Chủ nhật để làm sao pháp luật, thể chế được thông thoáng nhằm phát huy mọi nguồn lực của xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy được tính năng động, chủ động, sáng tạo của từng địa phương, của từng bộ ngành. “Đây là hướng tích cực trong công tác lập pháp”, ông Ngân nhấn mạnh.

Mục tiêu của công tác lập pháp là đảm bảo quyền lợi của người dân lên trên hết, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đây là khâu rất quan trọng để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, dễ áp dụng và đảm bảo thực thi.

Trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, chia sẻ về kỳ vọng trong công tác lập pháp thời gian tới, ĐBQH Trần Hoàng Ngân một lần nữa nhấn mạnh rằng, hiện nay chúng ta đang có đầy đủ các nền móng, nền tảng quan trọng để tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trở thành nước phát triển, thu nhập cao sánh vai với các cường quốc năm châu như di nguyện của Bác Hồ.

“Để sớm trở thành nước phát triển đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu nhiều hơn, đồng bộ trong tất cả các giải pháp, nhất là vấn đề về thể chế hóa, thực hiện 3 đột phá chiến lược”, vị đại biểu cho hay.

Trong 3 đột phá chiến lược, ông Ngân nói rằng đột phá về mặt thể chế là quan trọng nhất. “Thể chế đó phải là thể chế thông thoáng, huy động được các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh được phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đồng bộ và có tuổi thọ lâu dài”, đại biểu Ngân lưu ý.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý trong đột phá khâu về hạ tầng, phải tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ. Cùng với đó, đột phá về nguồn nhân lực, phải tận dụng được nguồn nhân lực, các đội ngũ trí thức của Việt Nam ở nước ngoài và kể cả đội ngũ trí thức của các nước có thể đến Việt Nam công tác.

Có thể thấy rằng, trong nhiệm kỳ khóa XV, việc tiếp tục tập trung đổi mới trong công tác lập pháp đã được định hướng rất rõ nét và sẽ được tiếp tục cụ thể hóa trong hoạt động toàn khóa, hướng tới mục tiêu tạo cơ sở pháp lý vững chắc và đồng bộ để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra.

Thực hiện: Hoàng Bích - Thu Huyền - Mạnh Quốc

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |