Quốc hội khóa XV (2021-2026) đã đi qua hơn nửa nhiệm kỳ với những quyết sách kịp thời được thực thi, đem lại những hiệu quả tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Nói riêng về công tác lập pháp, Quốc hội đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng trong xây dựng và ban hành các dự án luật. Trong bài phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 Nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh.

Ngay trong kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dự kiến tiếp tục thông qua 15 Luật, 3 Nghị quyết và cho ý kiến 13 dự thảo luật, trong đó 1 luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản, có những dự án Luật rất mới phù hợp với xu thế phát triển như Luật Dữ liệu và Luật Công nghiệp công nghệ số.

“Điều này, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện ngay chủ trương Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người và phục vụ phát triển đất nước”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu.

Đánh giá về hoạt động lập pháp của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hàng năm, các nhiệm kỳ gần đây đặc biệt là nhiệm kỳ này, ĐBQH Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, khối lượng luật, nghị quyết được thảo luận, thông qua rất “đồ sộ”. Việc Quốc hội cho ý kiến các dự án luật, nghị quyết chính là gỡ những “điểm nghẽn” về pháp luật và thể chế.

Đặc biệt, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, các cơ quan của Quốc hội luôn làm việc với tinh thần “chỉ hết việc chứ không hết giờ”.

“Từ các cơ quan tham mưu, các đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho đến các Ủy ban của Quốc hội… đều cho thấy không khí làm việc của cơ quan Quốc hội luôn trong trạng thái bận rộn, ánh đèn dù đêm khuya cũng luôn sáng, có những ánh đèn sáng đến tận sáng hôm sau”, đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ và nhấn mạnh hoạt động của Quốc hội thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực và rất đáng trân trọng.

Giai đoạn hiện nay, là một thời điểm lịch sử mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới – “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu. Với những định hướng này, đại biểu Tạ Văn Hạ khẳng định: “Đó là động lực, là sự cam kết của Đảng trước cử tri và nhân dân quyết tâm thực hiện bằng được để phát triển đất nước. Đây là những hành trang để chúng ta tự tin tiến bước vào kỷ nguyên mới”.

Trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH đoàn Bình Dương cho biết, gần 40 năm qua công tác pháp luật của chúng ta đã có nhiều kết quả rất tích cực đáng ghi nhận, số lượng luật được ban hành nhiều và chất lượng của luật ngày càng được nâng lên.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng pháp luật phải thể chế hóa được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng để lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ của đất nước.

Pháp luật là tiêu chí chung, là hành lang pháp lý để cơ quan Nhà nước, tổ chức, người dân và doanh nghiệp thực hiện. Chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đòi hỏi các chủ thể trong xã hội phải sống và làm việc theo pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật.

“Do đó, có thể thấy vai trò của hệ thống pháp luật là hết sức quan trọng”, đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh, Quốc hội khoá XIV và khóa XV đã thực sự làm tốt công tác lập pháp, đây là một trong ba nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, trong 3 kỳ họp gần đây nhất của khoá XV, nhất là kỳ họp thứ 8 này chương trình của Quốc hội xem xét, thông qua nhiều luật, nghị quyết hơn.

Quốc hội cũng tổ chức các Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận các Luật, trong khóa XV này Quốc hội cũng tổ chức nhiều kỳ họp bất thường để thông qua các Luật. “Điều đó đã thể hiện tinh thần quyết liệt của Quốc hội”, đại biểu Trần Công Phàn nêu rõ.

Bên cạnh những mặt tích cực, còn có những hạn chế trong việc xây dựng luật và tổ chức thực thi pháp luật. Do đó, theo đại biểu Trần Công Phàn cần phải có phản ứng linh hoạt với những tồn tại, hạn chế của luật như tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đưa vào chương trình nghị sự: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 Luật sửa 7 Luật); và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 Luật sửa 4 Luật)…

“Có thể luật đúng nhưng quy định cụ thể, hướng dẫn, giải thích chưa đồng bộ, hiểu về luật chưa thống nhất thì cần phải “phân vai cho đúng” giữa các chủ thể có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu Trần Công Phàn nói và cho biết, phải rà soát, đánh giá thật kỹ.

Từ những phân tích nêu trên, vị đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật là yêu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Công Phàn lưu ý: “Phải làm rõ, Quốc hội là cơ quan làm Luật và Luật nên quy định những vấn đề quan trọng, có tính ổn định cao, có tính định hướng, tạo không gian phát triển, còn để Chính phủ, Bộ ngành hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các quy định của luật được đầy đủ và đi vào thực tiễn. Cần phải phân công rõ ràng, trách nhiệm làm “đúng vai” đúng như tinh thần của Tổng Bí thư đã phát biểu”.

Trong giai đoạn chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng chúng ta cần có những nguồn lực, đồng thời tháo gỡ, “cởi trói” những rào cản, quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, xác định các điểm nghẽn về thể chế trên các lĩnh vực, nỗ lực tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, bất cập, kìm hãm sự sáng tạo, phát triển, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, trong công tác xây dựng pháp luật, yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ làm pháp luật cần phải chuyên nghiệp, chuyên môn hóa. Đó là những người phải có kiến thức về pháp luật, am hiểu về chuyên môn.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Công Phàn, ĐBQH chuyên trách đã tăng nhưng cần tăng thêm nữa, cùng với đó cần có kinh phí, các điều kiện bảo đảm khác và báo cáo đánh giá tác động các dự án luật…

Cùng với đó, quy trình lập pháp cần được cải tiến theo hướng rút ngắn thời gian, tránh lãng phí, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Tăng cường sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều phối các hoạt động lập pháp nhằm tăng cường hiệu quả làm việc.

Công tác lập pháp cần cập nhật và điều chỉnh các quy định để phù hợp với cam kết quốc tế và các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam tham gia. Điều này sẽ giúp Việt Nam hòa nhập tốt hơn vào kinh tế thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo lợi ích quốc gia.

Đồng thời, Quốc hội cần có cơ chế giám sát việc thi hành pháp luật sau khi ban hành, kịp thời phát hiện và điều chỉnh các quy định chưa phù hợp hoặc chưa đạt hiệu quả cao. Việc giám sát này sẽ đảm bảo các luật đi vào thực tiễn một cách hiệu quả và không ngừng được cải tiến.

Nhìn từ thực tiễn Hội Luật gia Việt Nam, đại biểu Trần Công Phàn cho biết, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, nơi tập hợp đội ngũ luật gia và những người có kiến thức, có trình độ chuyên môn cao, tốt nghiệp từ đại học trở lên am hiểu và có kinh nghiệm công tác trong các cơ quan làm luật.

Do đó, những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ… Đã huy động được trí tuệ của các luật gia đóng góp nhiều ý kiến vào xây dựng các chính sách, các quy định của nhiều dự thảo Luật.

Hội Luật gia Việt Nam là một trong số rất ít tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp được Quốc hội giao chủ trì xây dựng Luật Trọng tài thương mại (ngày 17/6/2010, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII Luật này được thông qua), Luật Trưng cầu ý dân (thông qua tại Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2015).

Ngoài ra, với vị trí và vai trò của mình, Hội Luật gia Việt Nam đã cử đại diện tham gia ban soạn thảo và tổ biên tập các dự án luật, trong đó có các dự án luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tham gia góp ý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Di sản văn hóa; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tư pháp cho người chưa thành niên….

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định một trong các mục tiêu và giải pháp quan trọng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, mở không gian cho đối mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, Trung ương lần đầu có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Nhà nước pháp quyền (Nghị quyết 27). Đó là sống làm theo pháp luật, quản lý xã hội theo pháp luật. Vì vậy, đại biểu Trần Công Phàn một lần nữa nhấn mạnh pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng và đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật là đòi hỏi cần thiết.

“Hội Luật gia Việt Nam là nơi tập hợp những hội viên đã và đang làm ở cơ quan pháp luật có trình độ, có kinh nghiệm về pháp luật, là một lực lượng tiềm năng trong công tác xây dựng pháp luật. Thời gian tới, Hội sẽ tập trung đổi mới trong công tác này theo tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật như Chủ tịch Quốc hội đã nêu. Song song với đó, Hội và các cơ quan báo chí của Hội tích cực tuyên truyền phổ biến để mọi người hiểu về pháp luật”, đại biểu Trần Công Phàn chia sẻ.

Tin tưởng rằng với quyết tâm lớn cùng những quyết sách đã được thông qua từ Nghị trường Diên Hồng, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật thời gian tới sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng vào hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, nhất là khi kỷ nguyên mới – “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đang mở ra những vận hội mới chưa từng có cho sự phát triển của Việt Nam.

Thực hiện: Hoàng Bích - Thu Huyền - Mạnh Quốc

Thiết kế: Hoàng Yến

Ảnh: Media Quốc hội

NGUOIDUATIN.VN |